PDA

View Full Version : M10 - Mười Hai Bài Đọc Chúa Nhật Thứ 1 Mùa Vọng



Dan Lee
11-24-2010, 11:10 PM
CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG A

Lời Chúa: Is 2,1-5; Rm 13,11-14; Mt 24,37-44

MỤC LỤC

1. Hãy sẵn sàng.
2. Sẵn sàng đón Chúa – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
3. Hãy sẵn sàng.
4. Mùa Vọng: Mùa màu xanh – ĐGM. Vũ Duy Thống.
5. Dấu hiệu thời đại
6. Chống lại thói quen – André Sève.
7. Các con hãy sẵn sàng – R. Veritas.
8. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
9. Chú giải của Noel Quesson..
10. Chú giải của Fiches Dominicales.
11. Tai họa khủng khiếp.
12. Niềm vui


1. Hãy sẵn sàng

Qua phần phụng vụ Lời Chúa sáng hôm nay, Giáo Hội muốn đặt chúng ta trước số phận đời đời đang chờ đón. Thực vậy, Giáo Hội đã lên tiếng khuyên nhủ chúng ta: đừng để cho những vui thú ru ngủ, trái lại hãy tỉnh thức và sẵn sàng, vì Đức Kitô sẽ đến vào ngày chúng ta không ngờ và giờ chúng ta không biết. Nhất là qua đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu đã trình bày về ngày sau hết như là một biến cố bất ngờ, không ai nắm vững. Thế nhưng, nhiều người trong chúng ta lại nghĩ rằng: Ngày ấy còn xa và có lẽ sẽ chẳng bao giờ xảy đến.

Trong phạm vi cá nhân, thì ngày sau hết chính là ngày cái chết gõ cửa. Đúng thế. Cái chết là một sự kiện vừa chắc chắn lại vừa gần gũi. Với cái chết chúng ta sẽ phải ra trước toà án tối cao của Thiên Chúa, để chịu phán xét về những việc lành dữ mình đã làm khi còn sống ở trần gian này.

Bài Phúc Âm đã cho chúng ta thấy hai giới tuyến rõ rệt: Bấy giờ, hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận còn một người bị bỏ rơi. Và có hai người đàn bà đang xay, một người được tiếp nhận còn một người bị bỏ rơi. Vậy thì Lời Chúa có ý nghĩa gì? Cả hai trường hợp đều cho chúng ta thấy hai người đang làm việc trong ngày Đức Kitô trở lại, thế nhưng số phận đời đời của họ thì lại hoàn toàn khác biệt nhau. Một người thì sẽ được đưa về trời hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, còn một người thì sẽ bị đày đoạ trong hoả ngục với muôn vàn khổ đau. Bởi vì họ đã chống đối ơn sủng và tình thương của Chúa cho đến cùng. Chính vì thế mà vấn đề quan trọng nhất đó là sống trong tình thương và ơn sủng của Chúa.
Vì yêu thương chúng ta và muốn cho chúng ta được cứu rỗi, Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta: Hãy tỉnh thức và sẵn sàng. Trong một ngày mà thôi, có biết bao nhiêu người đã phải vĩnh viễn ra đi vào lúc họ nghĩ rằng ngày ấy còn xa, nên chẳng kịp chuẩn bị và sửa soạn. Một tai nạn xe hơi. Một cơn đau tim hay một ngọn gió độc bất ngờ nào đó.

Chúng ta phải cảm phục thái độ can đảm của những người tín hữu trưởng thành, khi phải đối đầu với cái chết. Họ đã giục lòng ăn năn ám hối xin Chúa xoá bỏ tội lỗi. Họ coi đó như là một hồng ân Chúa ban bởi vì họ đã kịp chuẩn bị cho mình một cái chết tốt lành và thánh thiện. Cái chết là một biến cố quan trọng nhất của cuộc sống, còn quan trọng hơn cả ngày chúng ta mở mắt chào đời, bởi vì kể từ đó, số phận đời đời của chúng ta được ấn định.

Vì thế, bằng mọi cách chúng ta phải chuẩn bị cho giờ chết, và phải được chết đi trong tình thương và ơn sủng của Chúa. Để đạt tới mục đích này, không gì hơn là hãy thực hiện lời khuyên của thánh Phaolô: Đừng ngủ quên, cũng đừng chìm đắm trong vui thú. Ngài nói: Đêm sắp tàn và ngày gần đến. Hãy từ bỏ những hành vị ám muội và mang lấy khí giới ánh sáng. Chúng ta hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không tranh chấp ghen tỵ. Chớ lo lắng thoả mãn những dục vọng xác thịt. Nhưng hãy mặc lấy Đức Kitô.

Bởi vì chỉ mình Ngài mới là đường, là sự thật và là sự sống của chúng ta mà thôi.



2. Sẵn sàng đón Chúa – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Hôm nay cung thánh đượm vẻ u buồn. Bàn thờ đạm bạc không hương hoa. Lễ phục mang màu tím. Màu tím của lặng lẽ hy sinh. Màu tím của âm thầm cầu nguyện. Màu tím của tha thiết đợi chờ. Màu tím ấy nhắc cho ta biết: hôm nay ta đã bước vào mùa Vọng.

Mùa Vọng là mùa đợi chờ. Đợi chờ Chúa đến cứu độ ta. Cuộc đời ta quá nhiều đau khổ, quá nhiều tội lỗi, quá nhiều bế tắc. Chỉ có Chúa mới có thể thay đổi đời ta, giải thoát ta khỏi ách nô lệ tội lỗi, đưa ta vào tình trạng thánh thiện của con cái Chúa.

Như thế mùa Vọng cũng là mùa hy vọng. Đợi chờ chính là hy vọng. Như thế trong màu tím buồn chờ đợi đã thấy thấp thoáng màu xanh hy vọng vui tươi. Nhưng làm sao để màu tím biến thành màu xanh? Làm sao nắm bắt được niềm hy vọng? Làm sao gặp được Chúa khi Người ngự đến? Lời Chúa sẽ hướng dẫn ta sống tinh thần mùa Vọng này.

Trong tuần thứ nhất mùa Vọng, Chúa Giêsu khuyên ta noi gương tổ phụ No-e. Tổ phụ No-e đã được cứu thoát khỏi nạn hồng thủy nhờ thái độ sống tích cực trước lời hứa của Chúa. Thái độ tích cực đó gồm hai điểm hỗ tương.

1) Chiếu ánh sáng hy vọng tương lai vào cuộc đời tối tăm hiện tại
Người ta sống nhờ hy vọng. Không có hy vọng, không ai sống nổi ở đời. Cuộc đời phù du mau qua. Cuộc đời tràn ngập đau khổ. Cuộc đời quá nhiều thử thách. Nhờ hy vọng con người mới có thể tiếp tục sống, làm việc, thăng tiến.

- Chính vì hy vọng một mùa gặt bội thu mà người nông dân không ngại dầm sương dãi nắng, thức khuya dậy sớm, cần cù cày bừa, gieo vãi và vun tưới.
- Chính vì hy vọng đậu đạt mà học sinh, sinh viên không ngại vất vả, ăn uống đơn sơ, giảm bớt vui chơi, đêm đêm chong đèn đọc sách.
- Chính niềm hy vọng được cứu thoát đã giúp tổ phụ No-e có đủ can đảm và kiên nhẫn, đầu tư thời giờ và công sức để đóng một con tàu lớn như thế. Niềm hy vọng được nuôi dưỡng bằng lời hứa của Chúa. Tin tưởng vững vàng vào Lời Chúa, tổ phụ No-e sống tràn đầy niềm hy vọng vào tương lai. Niềm hy vọng đó giúp Ngài vượt qua những khó khăn hiện tại.

2) Sống tích cực giây phút hiện tại để chuẩn bị cho tương lai.
Niềm hy vọng vào tương lai giúp ta thêm can đảm. Nhưng nó không cho phép ta thoát khỏi cuộc sống hiện tại. Niềm hy vọng tách rời khỏi thực tế sẽ trở thành ảo vọng. Vì thế muốn đạt tới niềm hy vọng tương lai, ta phải tích cực sống phút giây hiện tại. Phải tích cực làm việc cho tương lai.

Người học trò muốn có tương lai tươi sáng không thể chỉ ngồi đó chờ đợi, nhưng phải ngày đêm chăm lo học hành. Người nông phu muốn có mùa gặt bội thu không thể khoán trắng công việc đồng áng cho trời đất. Nhưng phải cần cù chăm chỉ dầm mưa dãi nắng. Tổ phụ No-e không ngồi khoanh tay chờ Chúa đến cứu, nhưng đã bắt tay vào việc. Ngài làm việc cật lực, bất chấp những lời dèm pha, dị nghị của những người chung quanh.

Tục ngữ Pháp có câu: Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp. Tổ phụ No-e đã thực hiện đúng như thế. Ngài đã dồn hết công sức vào việc chuẩn bị tương lai. Và Chúa đã cứu Ngài như lời đã hứa.

Đời sống ta là một mùa Vọng kéo dài. Mùa Vọng trần gian muốn phủ ta trong màu tím buồn của những gian nan thử thách, những thất bại, những chán nản, lo âu, nghi ngờ, mệt mỏi. Ta hãy noi gương tổ phụ No-e, tin tưởng vững chắc vào lời Chúa hứa. Lời Chúa sẽ chiếu ánh sáng hy vọng tương lai vào những tăm tối u buồn hiện tại. Như tổ phụ No-e, ta không ngồi khoanh tay chờ đợi, nhưng tích cực làm việc bổn phận trong hiện tại. Làm mọi việc thường ngày với lòng tin tưởng vững chắc. Làm những việc nhỏ mọn với tình mến Chúa yêu người tha thiết. Đó chính là cách ta sẵn sàng chờ đón Chúa đến. Đó chính là ta tỉnh thức không bị lỡ cơ hội khi Chúa đến.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến. Amen.

GỢI Ý SUY NIỆM

1) Có nhiều người chỉ quan tâm tới đời sau mà không chịu làm việc hiện tại. Có nhiều người lại chỉ lo làm ăn sinh sống mà không nghĩ đến đời sau. Bạn nghĩ sao về hai thái độ đó?
2) Ta phải sống thế nào để chu toàn nhiệm vụ hiện tại với bản thân, với gia đình mà không quên Chúa, không quên phần linh hồn của mình?
3) Tuần này, bạn sẽ làm gì để chuẩn bị đón Chúa đến?



3. Hãy sẵn sàng

Suy Niệm
Vào một ngày của tháng 10 năm 1992, một số người Nam Hàn tụ tập ở các nhà thờ để chờ ngày tận thế đến vào lúc nửa đêm. Có người đã bán nhà và xin nghỉ việc, nhưng dĩ nhiên đó không phải là ngày tận thế. Kinh Thánh chẳng hề nói tận thế đến vào lúc nào. Đức Giêsu cũng bảo là Ngài không biết (Mt 24,36). Chính vì thế Kitô hữu không tin những lời đồn thổi, nhưng kiên tâm chờ đợi trong hy vọng.
Đây không phải là thứ nơm nớp chờ đợi, khoanh tay, nhưng là thứ chờ đợi bằng cách sống hết mình để chuẩn bị cho trái đất đón Chúa trở lại.

Mùa Vọng là thời gian đặc biệt để tập sống chờ đợi. Không phải chỉ là chờ mừng lễ Giáng sinh mà nhất là chờ đợi Chúa đến kết thúc dòng lịch sử.

Ngày tận thế và ngày Chúa quang lâm là một. Đó là một ngày đáng sợ, không phải vì những hiện tượng kinh khủng sẽ xảy ra, nhưng vì là ngày Chúa đến phán xét kẻ sống người chết.

Ngày đó còn là một ngày hội vui: ngày vui của Chúa Giêsu toàn thắng vinh quang, ngày vui của những người được cứu chuộc, ngày vui của cả vũ trụ vật chất được giải phóng.
Tận thế là cánh cửa mở ra trời mới đất mới. Tất cả được đưa vào thế giới vĩnh cửu.

Có lẽ chúng ta hôm nay mong chờ Chúa đến ít hơn các Kitô hữu thuở ban đầu. Chẳng ai thích nghĩ đến ngày tận thế. Tận thế bị coi là chuyện tương lai xa vời. Cuộc sống hiện tại có vô số mối lo âu và hy vọng: ăn uống, cưới vợ, lấy chồng, làm ruộng, xay bột.
Thật ra, nghĩ đến ngày tận thế cũng cần như nghĩ đến cái chết của mình.

Cái chết dạy người ta biết cách sống. Ngày tận thế dạy người ta biết cách xây dựng thế giới trên nền tảng vĩnh cửu, trên những giá trị trường tồn.

Đối với Kitô giáo, ngày tận thế không phải là ngày buồn, ngày của hủy diệt và tang tóc, nhưng là ngày của thân xác được sống lại, ngày khai sinh một thế giới mới không bị hận thù và chết chóc đe dọa.

Ngày tận thế là ngày Chúa quang lâm. Chúng ta phải sẵn sàng ra đón Ngài. Sẵn sàng là cùng với Chúa xây dựng một trái đất đầy tình thương và công lý. Sẵn sàng là biến trái đất thành con đường dẫn tới Thiên đàng.

Ngày Chúa quang lâm là một ngày bất ngờ, nhưng nó sẽ ít bất ngờ đối với những ai biết sẵn sàng chờ đợi.

Gợi Ý Chia Sẻ

· Theo ý bạn, có sự giằng co giữa đời này và đời sau nơi người Kitô hữu không? Làm sao để mối lo toan về đời này không làm ta sao nhãng đời sau? Làm sao để mối quan tâm về đời sau lại thêm sức cho ta chu toàn bổn phận đối với đời này?
· Nếu ngày mai tận thế, hôm nay bạn làm gì?

Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, nếu ngày mai Chúa quang lâm, chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang, còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa. Chúa đâu muốn đến để hủy diệt, Chúa đâu muốn mất một người nào.
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng, vui tươi và hạnh phúc, để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn cho mọi người và cho cả vũ trụ.

Xin nuôi dưỡng nơi chúng con niềm tin vững vàng và niềm hy vọng nồng cháy, để tất cả những gì chúng con làm đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.



4. Mùa Vọng: Mùa màu xanh – ĐGM. Vũ Duy Thống

(Nút Vòng Xoay – trg. 7)

Tuần qua có dịp về quê, mới bước vào nhà, đứa cháu nhỏ ở tuổi mẫu giáo đi học giáo lý về tiến đến chào mọi người. Khi biết tôi đang ở đó, nó chạy lại quấn quít hỏi: “Mùa Vọng, bác có lì xì cho cháu không?”. Tôi chưa biết trả lời ra sao thì nó đã líu lo quanh quẩn giải thích. Thì ra ở lớp giáo lý, giáo lý viên đã dạy rằng: tuần tới, tức hôm nay, Phụng Vụ chuyển sang năm mới được khởi đầu bằng Mùa Vọng. Đứa bé chẳng biết Phụng Vụ là gì, nhưng đã nhớ rất kỹ chữ “năm mới”, vì thế mới có chuyện vòi lì xì. Đành phải chiều thôi. Nhưng chỉ được một lát, nó đã vòng lại khoe: cháu còn biết viết chữ “mùa vọng” nữa. Tôi bảo nó viết. Nó nằm bò trên sàn nhà nắn nót ra chiều khổ sở lắm, rồi cuối cùng cũng xong và đưa đến cho mọi người xem. Nhưng ôi thôi, thay vì “Mùa Vọng”, cháu đã viết lộn một nét để thành “Màu Vọng” khiến cả nhà được cười một trận.

Tôi ra đi trong tiếng cười ấy và sự lẫn lộn của đứa cháu như đeo bám lấy mình, để cuối cùng bất giác tự hỏi: Mùa Vọng màu gì nhỉ? Xin được mượn tâm tư ấy làm chủ đề cho Mùa Vọng năm nay. Đó là gọi tên Mùa Vọng bằng những sắc màu.
Hôm nay Chúa Nhật I Mùa Vọng, xin được gọi Mùa Vọng là mùa màu xanh, hay đúng hơn là mùa xanh lên niềm hy vọng. Gọi thế sẽ nêu hai ý nghĩa:

1) Mùa Vọng là mùa Thiên Chúa hy vọng vào con người.
Đã đành, lúc nào Thiên Chúa mà chẳng hy vọng vào con người. Do hy vọng, Ngài đã tác sinh con người giống hình ảnh Ngài, cho họ bước vào vận hành sự sống của chính Ngài. Cho hy vọng, Ngài đã không ngừng hứa hẹn và kết ước yêu thương với họ, dù cho họ có ngàn lần sa ngã lỗi phạm và xa bỏ Ngài. Nhưng Mùa Vọng chính là thời gian, chính là một mùa qua đó Giáo Hội muốn khắc họa rõ hơn dung mạo của Thiên Chúa: Đấng đã hy vọng vào con người qua lịch sử Dân Chúa, Đấng vẫn hy vọng vào con người trong lịch sử Giáo Hội và Đấng mãi hy vọng vào người đời trong chính cảnh huống cụ thể của từng đời người.

Dung mạo Thiên Chúa ấy được thể hiện nơi Đức Kitô qua những chuyến viếng thăm chính thức của Người. Lần thứ nhất trong mầu nhiệm Nhập Thể, Người đã đến âm thầm làm một người chan hòa giữa muôn người để đảm lĩnh lấy thân phận con người cho đến tột cùng bằng cái chết để rồi Phục Sinh mở ra nẻo đường cứu độ cho những kẻ tin. Thế nhưng, lúc Người về trời, công trình của Người vẫn còn dở dang. Mọi sự dường như mới bắt đầu. Ơn cứu độ khách quan đã xong, nhưng chủ quan, áp dụng cho từng con người lại cứ tiếp tục phải khởi sự. Thế nên, Người hứa sẽ đến lần thứ hai vào ngày chung kết vũ trụ và con người, trong vinh quang để đặt mỗi người đối diện với chính Người như chuẩn mực phân chia đôi bờ thiện ác và đặt mỗi người đối diện với chính mình như trách nhiệm cuối cùng đối với ơn cứu rỗi.
Lần thứ nhất, do hy vọng, Người đến gieo ơn cứu rỗi và lần thứ hai, cho hy vọng, Người đến gặt những gì mình đã gieo và giữa hai lần đến chính thức ấy là cơ man nào mà kể những lần âm thầm đột xuất ngẫu hứng bất ngờ, Đức Kitô vẫn sáng kiến hy vọng mà bước đến với con người, qua những biến cố xảy đến với Giáo Hội, cộng đoàn hoặc cá nhân; qua những khuôn mặt người anh chị em dẫu lạ hay quen ta tiếp cận; và nhất là qua những cảm nghiệm đến với lòng ta và lòng người, cho xanh lên niềm hy vọng cứu rỗi. Và bất ngờ lớn nhất giữa những cái bất ngờ vẫn là cái giờ và cái cách Chúa đến với mỗi cá nhân trong cảnh tranh sáng tranh tối của họ giữa chốn chợ đời. Mùa Vọng là mùa Thiên Chúa hy vọng vào con người.

2) Mùa Vọng là mùa con người hy vọng vào Thiên Chúa.
Thiên Chúa hy vọng vào con người là để cho con người được hy vọng vào Thiên Chúa, và bởi Thiên Chúa luôn hy vọng vào con người qua những đường đến bất ngờ, nên con người chỉ có cách là hy vọng vào Thiên Chúa qua niềm tỉnh thức không mỏi mệt của mình.

Tỉnh thức trong hy vọng là nhận thức rằng người đời có một Thiên Chúa yêu thương và đời người có một vận mệnh tương lai. Có nhiều thứ tương lai lắm: tương lai gần như hôm nay đối với ngày mai; tương lai xa như đời này đối với đời sau; tương lai hẹp như chỉ giới hạn trong đời ta, tương lai rộng như mở ra với đời người; tương lai từng phần tùy theo mức độ khả thi và tương lai toàn phần chỉ có thể có khi con người tiến về vĩnh cửu. Nhưng điều quan trọng ở chỗ tương lai ấy không phải là một sự kiện mà chính là một Đấng, mà Đấng ấy vốn đã hy vọng vào ta, đợi chờ ta từ thuở nào, để khỏi phải tay chân thừa thãi ỏn ẻn làm quen mà gặp được là đã tay bắt mặt mừng đến độ thân tình của lòng trông cậy, để khỏi phải rỉ tai nhau như thế kỷ XIX với khẩu hiệu “con người là tương lai của con người" nên dẫn đến chiến tranh đổ vỡ, mà sẽ là hô vang sứ điệp “Thiên Chúa là tương lai của con người" cho xanh lên niềm hy vọng đượm thắm lẽ cậy trông.

Tỉnh thức trong hy vọng cũng là canh thức để cộng tác với ơn Chúa mà thể hiện niềm hy vọng đời mình. Sẽ là một thứ hy vọng quắt quay như những em bé ve chai gập mình bới tìm sự sống trên đống phế thải; sẽ là một thứ hy vọng mong manh như kẻ qua đường mua tấm vé số và sẽ là một thứ hy vọng đầy rủi ro như kẻ hùn hạp làm ăn mà không nắm trong tay vốn kiến thức kinh doanh; nhưng sẽ là một niềm hy vọng “bốn mùa” xanh tốt, khi con người biết kiên định phát triển vốn liếng ơn thánh và khả năng nơi mình, cho dẫu cuộc sống vẫn còn đầy dẫy những thử thách cam go.

Và cuối cùng, tỉnh thức trong hy vọng cũng có nghĩa là thao thức thường xuyên cùng với Giáo Hội để gieo niềm hy vọng vào chính môi trường mình sống. Hy vọng vào Thiên Chúa cũng như một cuộc lên Đền từng bước, nhưng biết rằng ở đỉnh cao có Chúa đang chờ đợi. Hy vọng vào Thiên Chúa cũng giống như kẻ đắp xây hòa bình, hãy đúc gươm đao thành cuốc thành cày, hãy rèn giáo mác nên liềm nên hái. Từng hạt lúa gieo, từng bước đi tới, rất âm thầm nhưng sẽ dẫn tới những cánh đồng bát ngát màu xanh hy vọng. Hy vọng vào Thiên Chúa cũng như một chuyến đi có đích và có ích; đừng để trở thành “Chuyến đi không đến đâu” như bộ phim Úc mới chiếu trên tivi.

Sống Mùa Vọng như thế chính là sống niềm hy vọng vào Thiên Chúa là Đấng hy vọng vào con người. Và như vậy là êm đềm gợn sóng màu xanh lên chính cuộc đời tín hữu của mình. Mùa Vọng là mùa màu xanh.
Sáng nay ngang qua cuối nhà thờ Tân Định thấy bày la liệt những cây thông Noel. Hai, ba tuần trước đã thấy nhưng vẫn còn xa lạ, nhưng hôm nay cùng với tiết trời trở lạnh và nhịp Phụng Vụ trở mình bước vào Mùa Vọng, tôi mới thấy những cây thông ấy đẹp làm sao, không vì kiểu dáng chất liệu cho bằng chính sắc màu của nó. Trong mắt nhìn của tôi, màu xanh của những cây thông ấy chính là màu xanh của niềm hy vọng vươn lên.

Chúc mỗi người có một cây thông xanh thiêng liêng hy vọng nơi mình, để dẫu sống giữa những vòng quay điên đảo thử thách trăm bề, vẫn luôn kiên định trong niềm hy vọng vào Thiên Chúa giống như đứa bé đòi lì xì, cứ “lì” ra trong niềm hy vọng, Thiên Chúa sẽ “xì” ra bàn tay cứu độ. Và thế là gặp gỡ đẹp xanh hy vọng.



5. Dấu hiệu thời đại

(Trích trong " Lương Thực Ngày Chúa Nhật ")

Sau khi Chúa Giêsu đã nói tới những dấu hiệu báo trước sự tàn phá thành Giêrusalem, thì hôm nay Người nói về ngày tận thế. Ngày ấy sẽ xảy đến bất ngờ. Một cách nào đó, những dấu hiệu mô tả trong Phúc Âm đã xảy ra trong lịch sử loài người, và nhân loại đã quen với chúng rồi. Trong lúc mà bằng vô vàn cách thức khác nhau, các biến cố xảy ra cho thấy rằng thế gian không phải là quê hương vĩnh viễn, thì con người vẫn dừng lại ở trình độ tìm tòi duy vật trong nỗ lực xây dựng văn minh. Đó là trường hợp của những người xưa kia bị hồng thủy thình lình ập xuống trên mình. Những ai không biết đọc dấu hiệu thời đại, rồi cũng sẽ bị tai họa bất ngờ như vậy. Cũng trong một viễn tượng gần như thế, ta hãy tự hỏi: Chúng ta có biết đọc dấu hiệu thời đại không? Thật vậy, hành động liên tục của Chúa trong nhân loại có thể quan niệm như một cuộc ngự đến không ngừng của Người trong nhân loại. Ta có biết nhận ra những dấu hiệu của cuộc ngự đến ấy không? Dựa vào Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng của Công Đồng Vatican II, chúng ta hãy tự hỏi: Chúng ta đang gắn ý nghĩa Phúc Âm nào cho những biến cố hiện đại đang tác động trên con người, trên cộng đồng nhân loại và hoạt động của loài người?

1) Con người
Chúng ta đang chứng kiến sự giảm sút kính trọng đối với nhân vị. Theo một số khoa học gia, bậc thầy trong khoa sinh vật học, con người là kết quả của một sự tình cờ may mắn trong đà tiến hóa của vật chất. Trong cách thức người ta quan niệm thì con người có giá trị gì? Con người có giá trị nào trước những vấn đề như phá thai, ngừa thai, công bằng, chính trị v.v… Phúc Âm đặt con người vào trình độ của tương quan giữa nó với Đức Giêsu Kitô. Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Nó tội lỗi nhưng được cứu độ. Trong toàn con người nó, xác và hồn, nó là con cái Chúa. Sự sống của nó là một điều thiêng liêng. Phẩm giá con người đòi hỏi rằng trí khôn nó phải được soi sáng và con tim nó được huấn luyện. Chủ nghĩa duy vật hiện đại là một dấu hiệu thời đại phải thôi thúc người Kitô hữu quả quyết lại phẩm giá của con người một cách mạnh mẽ.

2) Cộng đồng nhân loại
Đang trên đường tìm kiếm, chưa bao giờ con người được sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật như thể gặp gỡ nhau khắp cùng trái đất. Đó là một dấu hiệu thời đại khiến người Kitô hữu phải tạo cho mình một não trạng phổ quát ‘công giáo’, bao trùm toàn thế giới. Hiện nay, đối với ai biết nhìn xem, Thiên Chúa đang đi tới con người qua tất cả những phương tiện dễ dàng làm cho con người gặp gỡ nhau.

3) Hoạt động của con người
Những cuộc chiến thắng, những thành công của con người là dấu hiệu biểu lộ sự phong phú vô biên của Chúa trong tạo vật. Nhưng uy quyền con người càng tăng, thì trách nhiệm của nó càng lớn. Con người sẽ làm việc cho con người, và làm việc trong một ý nghĩa tích cực, nếu nó duy trì liên quan của mình với Thiên Chúa. Nếu xa lìa Chúa, thì uy quyền nó càng nhiều, sức mạnh phá hủy của nó càng tăng.

Trên các biến cố thời sự làm xao động thế giới, ta hãy luôn luôn chiếu giãi ánh sáng Phúc Âm. Phải tỉnh thức. Hơn nữa, ta hãy tùy theo phương tiện ta có mà can thiệp vào để giúp cho Chúa ngự đến trong thế giới chúng ta.



6. Chống lại thói quen – André Sève

“Anh em hãy tỉnh thức!”
Giấc ngủ là thói quen của chúng ta. Nó làm chúng ta không ý thức được ngày giờ trôi qua. Chúa Giêsu mô tả thói quen này như sau: “Vào thời Noe, người ta ăn uống, người ta dựng vợ gả chồng …”. Có một người thoát ra khỏi thói quen này đúng lúc, đó là Noe. “Noe bước lên tàu”. Còn những người khác vẫn sống “mà không nghi ngờ gì cả, cho đến khi trận lụt nhận chìm họ”.

Thói quen nhận chìm chúng ta. Bạn hãy nghĩ đến những câu: “Tôi phải phản ứng lại… Tôi phải bắt đầu… Không thể tin được là thời gian trôi qua nhanh thế… Nếu có thể làm lại điều đó… Nếu lúc trẻ mà biết thì …”.
Chúng ta biết chứ. Chỉ cần lắng nghe Chúa Giêsu thì đủ rõ: “Hai người cùng ở trong ruộng, thì một sẽ bị đem đi, và một sẽ được để lại; hai bà cùng xay bột nơi cối, thì một sẽ bị đem đi và một sẽ được để lại. Vậy các ngươi hãy tỉnh thức”. Khi làm cùng những công việc, có người thì chết, có người thì sống. Có người không chuẩn bị gì cả, có người đã chuẩn bị sẵn sàng.

Sẵn sàng cho cái gì? Phải lặp đi lặp lại lời kêu gọi cảnh giác này vì Chúa Giêsu cũng lặp đi lặp lại lời kêu gọi cảnh giác đó, một sự cảnh giác thật sự. Sự cảnh giác có thể có vẻ như một sự lo âu làm cho tê liệt, hoặc đi đến chỗ đặt câu hỏi “ích lợi gì cơ chứ?” làm cho quay sang khinh dể thế gian và những công việc trần thế. Không, trái lại, sự cảnh giác trong Phúc Âm là một sức sống mạnh mẽ hiện tại, bởi vì người ta luôn luôn xác minh được ở đó ích lợi và sự biểu hiện thực sự của điều mà người ta đang làm.

Những thói quen của chúng ta (công việc, truyền hình, xe cộ), những lo toan của chúng ta (kiếm tiền nhiều hơn, hoàn thành nhiệm vụ nào đó), những dự định nghỉ ngơi (mong ngày cuối tuần mau đến, mong kỳ nghỉ hè mau đến), có phải những điều đó làm cho mỗi người chúng ta sử dụng cuộc sống đến nơi đến chốn rồi chăng? Đâu là tình yêu, nghĩa là cuộc sống 100%? Sự phục vụ huynh đệ, nỗi ám ảnh truyền giáo, kinh nguyện, ở đâu?
“Tôi không có thời giờ” đôi khi là tiếng than phiền của cuộc sống mãnh liệt. Nhưng thường thì đây là bài ca của thói quen. Thói quen ca bài này rất hay.

Sự tỉnh thức của người Kitô hữu không gì khác hơn là cuộc sống trước mặt Thiên Chúa, cuộc sống với Thiên Chúa. Người ta làm đúng y cũng những điều đó, nhưng chúng có thêm một ích lợi, một chiều dày. “Một sẽ bị đem đi, và một sẽ được để lại”. Những người tỉnh thức đã bám rễ trong vĩnh cửu, những người thủ cựu thì ở trên bề mặt, lúc nào họ cũng có nguy cơ bị quét đi.

Khác xa việc lấy mất sở thích những gì thuộc về cuộc sống, sự tỉnh thức thật sự mang lại thú vị cho những bước khai tâm, những bước đầu học tập lý thú. Tuyệt vời làm sao, qua những gì người ta sống, khi trở thành một người được xây dựng cho sự vĩnh cửu và xây dựng một phần của nhân loại vĩnh cửu!

Chống lại thói quen là sao? Là suy nghĩ, lại tiếp tục, không buộc mình chỉ sống theo đồng hồ, lịch hoặc sự đều đặn máy móc và bảo “tôi luôn luôn làm điều đó”.

Người tín hữu Kitô “sẵn sàng” là người sống cái bình thường một cách hết sức tự do, ý thức, đến độ điều này giữ cho họ tỉnh thức đối với điều bất ngờ, trong đó có giờ phút cuối đời, giờ kẻ trộm đến: “Hãy sẵn sàng, vì vào chính giờ các ngươi không ngờ, thì Con Người sẽ đến".



7. Các con hãy sẵn sàng – R. Veritas

Với Lễ Chúa Kitô Vua được mừng vào hôm Chúa Nhật tuần vừa qua, Giáo Hội Công Giáo kết thúc năm Phụng vụ theo chu kỳ Năm C và bắt đầu năm mới Phụng vụ theo chu kỳ Năm A bằng Chúa Nhật thứ I Mùa vọng.

Bài đọc thứ nhất được trích trong đoạn quan trọng nhất của sách tiên tri Isaia, ngài là vị ngôn sứ cao cả nhất của thời Cựu Ước. Giáo huấn của ngài vang dội tại Giêrusalem từ khoảng năm 742 cho đến năm 800 trước Chúa Kitô Giáng Sinh. Đây là thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử dân Chúa, vì lãnh thổ bị chia đôi, các bộ lạc miền Bắc qui tụ thành vương quốc Israel, bị đế quốc Assyria chiếm cứ từ năm 772. Các bộ lạc miền Nam qui tụ thành vương quốc Giuđa, càng ngày càng xa lìa Thiên Chúa, sống bất trung với giao ước kết thúc trong đau thương của cuộc lưu đày Babylon.

Chính trong thời kỳ này mà tiên tri Isaia đến công bố cho dân Chúa sứ điệp hy vọng vào sự phục hưng huy hoàng ở tương lai. Mặc cho những bất trung của dân, Thiên Chúa vẫn trung thành với lời Ngài đã hứa là sẽ qui tụ tất cả mọi dân tộc lại. Thật là hy vọng biết chừng nào khi mà giữa những thử thách hiện tại, những xúc phạm của các dân tộc đối với Thiên Chúa, thì cộng đoàn nhỏ bé Israel còn lại gồm những kẻ trung thành với Thiên Chúa được nghe những lời loan báo Thiên Chúa sẽ ngự đến, sẽ xây nhà Ngài trên đỉnh núi, nghĩa là Ngài sẽ đến ngự giữa loài người và nơi Ngài hiện diện sẽ là trung tâm qui tụ tất cả mọi dân tộc.

Họ đang chống đối Thiên Chúa, nhục mạ Ngài, nhưng rồi sẽ đến lúc họ trở lại nhìn nhận Ngài. Đó là sứ điệp hy vọng của bài đọc thứ nhất trong Chúa Nhật thứ nhất Mùa vọng. Các dân nước sẽ đổ về đó, nhiều dân tộc sẽ đến và nói rằng: "Hãy đến, chúng ta hãy lên núi Chúa, Ngài sẽ dạy chúng ta đường lối của Ngài và chúng ta sẽ đi theo thánh ý của Ngài. Và khi các dân tộc nhìn nhận Chúa, giữ các giới răn của Người thì hoà bình sẽ ngự trị giữa họ. Đó là thời điểm. Đó là thời kỳ mà theo lời tiên tri Isaia "các dân các nước sẽ lấy gươm mà rèn nên lưỡi cày, lấy giáo mà rèn nên lưỡi liềm", nghĩa là biến các dụng cụ giết hại nhau thành phương tiện tạo nên bánh nuôi sống và nâng đỡ cho cuộc sống con người.

Nơi bài đọc thứ nhất, Isaia loan báo tiếp: "Nước này không còn tuốt gươm ra đánh nước kia nữa, người ta cũng không còn thao luyện để chiến đấu nữa". 700 năm sau, sau lời tiên báo của Isaia, Thiên Chúa sẽ thực hiện lời hứa khi Ngài sai Con Một của Ngài xuống trần gian làm người để cứu chuộc nhân loại, để hòa giải con người với Thiên Chúa.

Những ai lắng nghe và sống lời Ngài được qui tụ lại trong dân mới của Thiên Chúa là Giáo Hội gồm mọi dân nước. Với sự hiện diện và ân sủng của mình, Thiên Chúa đã làm cho Giáo Hội trở thành dấu chỉ và phương tiện để xây dựng sự hiệp nhất hòa bình giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau. Qua đó, chúng ta thấy Giáo Hội của Chúa vẫn kiên trì trung thành với sứ mạng làm trung gian hòa giải này, giúp xây dựng hòa bình giữa con người với nhau trong thế giới ngày nay.

Mùa vọng mới mà Giáo Hội bắt đầu cử hành trong Phụng vụ của mình với Chúa Nhật thứ nhất Mùa vọng, không phải là thời gian để Giáo Hội nhìn lại quá khứ, nhìn về biến cố Con Thiên Chúa đã Giáng Sinh và cử hành biến cố này với Lễ Giáng Sinh. Tắt một lời, Mùa vọng không phải là mùa chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh, nhưng Mùa vọng là thời gian hướng con người về tương lai, về biến cố Chúa ngự đến lần thứ hai trong vinh quang vào lúc cuối cùng của lịch sử nhân loại, khai mạc trời mới đất mới, làm cho mọi sự đạt đến cùng đích duy nhất của mình là Thiên Chúa.

Mùa vọng hướng con người đến với Thiên Chúa, Đấng đang đến trong lịch sử, đang hướng dẫn toàn thể vũ trụ đến sự thành toàn viên mãn cuối cùng. Thiên Chúa đến gặp con người trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể và hướng dẫn con người đến sự thành toàn viên mãn, nhưng Ngài không áp đặt con người, vì Ngài tôn trọng tự do của con người. Con người cần lắng nghe lời mời gọi tỉnh thức, canh tân đời sống, đó là sứ điệp mà bài đọc II và Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay nhắc lại cho chúng ta.

Nơi thơ thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma đã khuyên các tín hữu: "Anh em thân mến! Anh em biết rằng đã đến lúc chúng ta phải thức dậy, vì giờ đây phần rỗi chúng ta đã gần đến hơn lúc chúng ta mới tin đạo, đêm sắp tàn, ngày gần đến, chúng ta hãy từ bỏ những hành vi ám muội và mang khí giới ánh sáng, hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày" (Rm 13, 11-14).

Đó là những lời khuyên vẫn còn thiết thực cho mỗi người tín hữu trong xã hội nhiều hưởng thụ như ngày nay, ngõ hầu sống trong sự sẵn sàng khi Chúa ngự đến, và Ngài đến một cách thình lình không ai ngờ trước được. Hãy từ bỏ những hành vi ám muội và mặc lấy Chúa Kitô, hãy để cho dung mạo Chúa được chiếu sáng trong chúng ta. Đó là cách thức tốt đẹp nhất để tiếp đón Chúa ngự đến vào lúc Ngài muốn, và Phúc Âm Chúa Nhật thứ nhất Mùa vọng diễn tả Ngài đến như kẻ trộm: "Vậy các con cũng phải sẵn sàng vì lúc các con không ngờ thì Con Người sẽ đến" (Mt 24, 44).

Chúa đến như kẻ trộm, Ngài đến gặp chúng ta trong chính cảnh sống của mình, trong chính lúc chúng ta chu toàn bổn phận. Tỉnh thức đón Chúa không có nghĩa là chu toàn bổn phận của mình, mà là chu toàn bổn phận như Chúa, với Chúa và trong Chúa. Đó là thực hiện lời khuyên của thánh Phaolô là hãy mặc lấy Chúa Kitô để đón Chúa Kitô ngự đến.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con chu toàn bổn phận của mình như phương thế trọn hảo để sẵn sàng đón Chúa ngự đến. Xin đừng để chúng con sống trong một thái độ ù lì, nhưng trong thái độ tích cực từ bỏ các tật xấu, các công việc của bóng tối, để mỗi ngày sống xứng đáng hơn hầu sẵn sàng đón Chúa ngự đến. Amen.



8. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

TỈNH THỨC ĐỂ KHỎI BỊ BẮT CHỢT

CÂU HỎI GỢI Ý

1. Phần đầu của diễn từ này đã kể ra những dấu hiệu rõ ràng báo trước cuộc Quang lâm. Còn đoạn văn chúng ta đây, khởi đầu phần hai, nhấn mạnh điều gì? Có mâu thuẫn giữa hai phần không?
2. Mt là người duy nhất trong bốn tác giả Tin Mừng dùng chữ "Quang lâm" (Parousia) (24,3.27.37.39). Chữ này có nghĩa nào trong thế giới La-Hy?
3. Phải chăng các câu 40-41 nhằm trình bày cuộc Phán xét tận cùng như một thứ định mệnh mù quáng và ngẫu nhiên? Đâu là điểm chung giữa nhung hình ảnh rút ra từ cuộc sống hằng ngày?
4. Các câu 42-44 có cho biết sự tỉnh thức hệ tại điều gì không? Các dụ ngôn tiếp theo đó (24, 45-51; 25, 1-13; 25, 14-30) có lấy lại và soi sáng chủ đề tỉnh thức này không?
5. Trong dụ ngôn ở câu 43-44, việc Con Người được so sánh với một tên trộm có đáng ngạc nhiên không? Phải chăng đấy là trọng tâm của dụ ngôn? Giáo Hội sơ khai đã mặc cho dụ ngôn này ý nghĩa nào?
¯¯

1. Trong phần đầu của diễn từ Cánh chung (c.c.1-36), Chúa Giêsu đã nhấn mạnh: Con Người chắc chắn sẽ đến và đến một cách rõ ràng. Mặc dù có những hạng thiên sai và ngôn sứ giả (c.c.24-26) mà các tín hữu phải đề phòng, người ta vẫn không thể lầm lẫn được. "Vì như sấm chớp lòe bên đông rạng bên tây thế nào, thì cuộc Quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy" (c.27). Dụ ngôn cây vả nằm trong chiều hướng, ý nghĩa đó (c.c.32-34): đừng hoang mang trước làm gì vô ích, sẽ có những dấu hiệu chắc chắn báo động cho các ngươi.

Với các câu 37-41, ta đi sang một ý tưởng khác, không phải là hệ luận của ý tưởng trước đó. Nếu Con Người sẽ phải đến cách rõ ràng, ai nấy đều nhận ra được, thì Người cũng đến một cách đột ngột bất ngờ. Việc đối chiếu với câu chuyện lụt đại hồng thủy thời Noe nhấn mạnh tới nguy cơ của tình thế ấy.

Để nói về việc Con Người trở lại, thánh Matthêô, duy nhất trong bốn tác giả, đã dùng từ ngữ "Quang lâm" (Parousia) (24,3.27.37.39). Nguyên khởi, chữ này có nghĩa là "đến, hiện diện". Trong thế giới La-Hy (Hy lạp-La mã), người ta dùng nó để chỉ việc hoàng đế long trọng ngự đến hay chính thức thăm viếng một thành nào. Trong Kitô giáo sơ khai, từ ngữ sớm được sử dụng để nói về cuộc trở lại vinh quang của Chúa Kitô vào ngày cánh chung (x. 1Tx 2,19; 4, 15; 2Tx 2, 1.8.9; 1Cr 15,23). Trong ngày ấy, phải tỏ ra không gì đáng trách (1Tx 3,16; 5,23), vì như bản văn cho thấy, phán xét đi liền với Quang lâm.
Chúa Giêsu, khi kể các dụ ngôn, thường ưa dùng những ám dụ lấy từ Cựu ước, dễ hiểu đối với thính giả cây nho: hình ảnh Israel; người cha, vị quan tòa, ông chủ đất, người chủ hộ: hình ảnh Thiên Chúa, mùa gặt: hình ảnh cuộc Thẩm xét v.v...). ở đây Người tạo ra một ám dụ mới: cuộc Quang lâm của Con Người vào lúc tận cùng giống như một trận đại hồng thủy thứ hai. Hình ảnh được chọn cho thấy khá rõ ý tưởng diễn tả: cánh chung sẽ là một tai ương thình lình đổ xuống đầu mọi người. Thay vì mâu thuẫn với ý tưởng trước nói về biến cố được nhiều dấu hiệu tiên báo, các câu 37-41 trình bày một viễn tượng khác: thái độ của con người. Thiên hạ thời Noe không ngờ được chuyện gì cả và vẫn cứ ăn uống, cưới vợ lấy chồng. Sự vô tri này thật là nguy hiểm: họ đã chết vì đã không nhận ra dấu hiệu nào. Ngày tận cùng cũng vậy. Tai ương treo trên đầu mọi người và sẽ rơi lúc nào không hay. Trong ngày đó, toan tính gì thì đã quá muộn: phải mở mắt ngay từ lúc này đây!

2. Cuộc Phán xét chẳng những bất ngờ mà còn tức khắc. Người ta sẽ không còn giờ, còn cách nào chuẩn bị. Và khi mà thiên hạ tưởng là chẳng có gì khác biệt, thì lúc ấy lại có một cuộc lựa lọc: lúc ấy ta sẽ biết ai là trinh nữ khôn ngoan và dại khờ, ai là tôi tớ tín thành và bất trung (25, 1-30). Để diễn tả ý tưởng đó, bản văn dùng những hình ảnh lấy trong đời sống thường ngày: hai người làm ngoài đồng, hai bà đang xay bột.

Chắc hẳn đây là một nhóm thí dụ làm thành một ngạn ngữ bình dân mà Chúa Giêsu trích ra cho môn đồ. Thật thế, một bản văn Do thái còn giữ lại bằng tiếng copte, Khải huyền của Xôphônia (1, 8-16) có kể ra 3 thị kiến mà chẳng giải thích, như thể độc giả đã quá quen thuộc cảnh tượng; ba thị kiến này tương ứng lạ lùng với Mt và Lc: "Lúc bấy giờ tôi thấy hai người đang sóng bước trên cùng một lộ trình: tôi nhìn họ nói chuyện với nhau. Và tôi cũng thấy hai người đàn bà đang xay bột và tôi nhìn họ trong lúc họ cùng nhau trò chuyện. Và tôi cũng thấy hai người trên giường trong lúc họ đang nằm nghỉ" (x. P.Lacan, Joumal Asiatique, 1966, tr. 169-177). Ba lần lặp đi lặp lại này, thường thấy trong văn chương hy bá, cho ta liên tưởng tới một châm ngôn thông dụng mà các Tin Mừng cũng như cuốn sách Khải huyền Do thái nói đây đều tham chiếu.

Dầu sao, những thí dụ bình dân kia thật rõ ràng. Kẻ này người nọ đều lao động, đều cùng làm một công việc (hoặc cùng nghỉ ngơi, theo Luca), chẳng có gì khác nhau. Về phương diện này, cảnh hai người đàn bà đang xay bột thật đặc biệt sống động. Cối họ dùng là một thứ cối xay bằng tay nhỏ như ta còn thấy ngày nay bên Đông phương. Nó gồm hai khói đá tròn lắp chồng lên nhau; khối dưới nằm yên, và có một trục đứng; khối trên xoay động và có lỗ trũng ở giữa. Để xay, hai bà ngồi hai bên cối, cùng nắm một cái cán thẳng đứng và xoay tròn khối đá bên trên. Họ phải hòa hợp động tác với nhau và làm theo một nhịp điệu. Luca có nhấn mạnh đến tính cách tập thể của công việc này: "Hai bà cùng nhau xay bột". Nhìn họ làm việc ta chẳng thấy có gì khác giữa hai người. Thế nhưng, "một sẽ được đem đi, và một sẽ bị để lại".

Vì vào giờ ấy sẽ có sự phân biệt rẽ đôi giữa loài người bề ngoài xem ra giống nhau. Chỉ lúc đó mới thật sự xuất hiện sự xung khắc ghê gớm giữa họ: người này được cứu, người kia hư mất. Và dù không ai biết, người này đã ở trong ánh sáng và kẻ kia đã ngập trong tăm tối rồi. Đến lúc ấy mới chuẩn bị, mới ăn năn, mới xin can thiệp thì đã quá muộn.

3. Đứng trước giây phút chung cục cấp bách và thình lình như nước lụt đó, người tín hữu phải luôn tỉnh thức. Các câu 42 và 44 không cho ta biết phải tỉnh thức như thế nào mà chỉ nói: môn đồ Chúa hãy san sàng luôn vì đã được báo động. "Hãy tỉnh thức": mệnh lệnh đó kết thúc đoạn so sánh với lụt đại hồng thủy (c.42) và mở đầu một khai triển mới. Thật vậy, chủ đề tỉnh thức được lấy lại và minh giải qua những dụ ngôn cho thấy các hậu kết thực tiễn của việc chờ mong Chúa Kitô trở lại. Tỉnh thức chẳng phải là một thái độ nội tâm mơ hồ hay một nhân đức tiêu cực, cũng không có vẻ gì là một sự chờ đợi nôn nóng hay rối loạn cả. Đó là lòng trung thành với nhiệm vụ đã được giao phó (dụ ngôn người quản gia), là việc chuẩn bị đón Chúa Kitô trở lại (dụ ngôn mười trinh nữ), là yêu sách chu toàn trách nhiệm của mình (dụ ngôn các nén bạc), là bổn phận giúp đỡ các anh em hèn mọn nhất của Chúa Kitô.

4. Ý nghĩa dụ ngôn tên trộm (c.43) tự nó không khó hiểu. Cái tế nhị và khó khăn là vấn đề áp dụng dụ ngôn đó lúc ban đầu ở Đông phương, nơi trộm cắp hoành hành ban đêm, người ta thường rất sợ những cuộc thăm viếng như vậy lắm. Lề luật đã tiên liệu trường hợp gia chủ giết tên trộm nếu bắt gặp hắn đang đêm (Xh 22,2). Do đó, thay vì truy tầm nguồn gốc chủ đề tên trộm này trong những ám chỉ xa xôi, mơ hồ của Cựu ước (Gr 49, 4; G 24, 14), có lẽ nên nghĩ đến một vụ trộm vừa mới xảy ra tại địa phương - như động từ ở thì quá khứ muốn bảo (tất ông đã tỉnh thức và đã không để nhà bị đào ngạch). Chúa Giêsu dùng sự kiện đó để một lần nữa báo động cho các thính giả biết cơn khủng hoảng gần kề: hãy đề phòng để khỏi bị bắt chợt như gia chủ kia. Ông ấy đã không thể đoán trước; nhưng các ngươi, các ngươi chẳng được quyền nói: "Nếu tôi đã hay mọi chuyện". Vì đù không rõ ngày giờ, các ngươi vẫn biết tai biến sẽ tới bởi Ta đã báo cho hay. Như vậy ý nghĩa nguyên thủy của dụ ngôn này chắc hẳn trùng với ý nghĩa của dụ ngôn Noe.

Sự kiện trên giải thích một điểm có lẽ đã làm ta bỡ ngỡ là lối so sánh cuộc viếng thăm của tên đạo chích với cuộc trở lại của Con Người. Trọng tâm dụ ngôn không nằm trên lối so sánh đó, nhưng trên tính cách bất ngờ của biến cố. Một chuyện xảy ra không ai lường trước được. Vì vậy phải chờ đợi, cho dù chẳng biết thời cơ. Đàng khác, cần lưu ý rằng, đối với Kitô hữu, ngày trở lại của Chủ là một ngày vui chứ chẳng phải là một ngày tai biến.

Hình như ở đây truyền thống sơ khai đã mặc cho dụ ngôn này ý nghĩa ám dụ (và Kitô học). Ta thấy có dấu vết của việc chuyển từ dụ ngôn sang ám dụ khi so sánh Mc 13, 35:,"Các ngươi không biết lúc nào chủ nhà trở về " với Mt 24,42: "Các ngươi không biết ngày nào Chủ các ngươi đến." Ở đây cộng đoàn Kitô hữu đã áp dụng cho mình một dụ ngôn có ý nghĩa tổng quát hơn nhiều. Trong tình thế họ đang sống, trước sự trì hoãn của ngày Quang lâm, cộng đoàn đã hơi xê dịch trọng tâm dụ ngôn khi lấy tên trộm làm hình ảnh Con Người. Chúa Giêsu đã nhấn mạnh sự đột ngột của ngày Chung thẩm. Còn Kitô hữu sơ khai lại nghĩ tới Đấng sẽ đến phán xét vào ngày cánh chung. Chủ sẽ đến, đó là điều họ đoan chắc, nhưng Người sẽ đến thình lình. Thành ra phải không ngừng thức tỉnh.

Ta biết hình ảnh tên trộm ấy được Tân ước nhắc lại nhiều lần. Chắc chắn nó phát xuất từ dụ ngôn này, bởi vì các bản văn Do thái giáo nói về ngày cánh chung không hề dùng đến nó. Thế mà trong 1Tx 5, 2-4 cũng như 2Pr 3,10, chính Ngày của Chúa theo nghĩa Cựu Ước (x. Am 5,18), tức là ngày sau cùng, (được so sánh với một tên trộm Ngày ấy bắt chợt mọi người, tín hữu cũng như lương dân; chỉ có những ai săn sàng mới không bị chộp thình lình. Như vậy, dụ ngôn đã được hiểu theo ý nghĩa Chúa Giêsu muốn. Tuy nhiên, trong Khải huyền (3,3; 16,15), Chúa Kitô đến như một kẻ trộm, và Người chỉ báo động cho Kitô hữu thôi. Chúng ta gặp lại ở đó ý nghĩa mà Giáo Hội sơ khai đã tìm thấy trong dụ ngôn.

CHÚ GIẢI CHI TIẾT
"Thiên hạ cứ ăn uống": Lụt đại hồng thủy xảy đến vì nhân loại đã hoàn toàn sa đọa. Nhưng ở đây Mt không chủ ý nhắc đến sự đồi trụy có tính cách truyền kỳ của thời Noe; ông chỉ muốn nói đến đời sống bình thường của con người. Điều bản văn muốn nhấn mạnh là: một đời sống hoàn toàn tự nhiên như thế, không trái gì với luật Thiên Chúa, chẳng đồi trụy chút nào, vẫn không hề làm cho người ta tưởng nhớ đến ngày phán xét. Vậy mà, chính trong những điều kiện như thế, cuộc chung thẩm sẽ bất ngờ xảy ra.

"Một sẽ được đem đi, và một sẽ bị để lại”: Được đem đi có nghĩa là được đem về Nước Trời, và bị để lại có nghĩa là bị hư mất mãi mãi.

KẾT LUẬN
Lời Chúa Giêsu khẳng quyết ta không thể biết đâu là ngày giờ tận cùng như muốn bảo chúng ta đừng tính toán, giả định thời gian Người đến. Mối hy vọng Người trở lại đừng biến thành một sự chờ mong nôn nóng, song như là niềm xác tín rằng: Đấng đã và đang đến sống giữa các thân thuộc Người, sẽ ban cho cuộc đời con người và vũ trụ một ý nghĩa đích thực, để Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người (1Cr 15, 24-28).

Nhưng được giải tỏa khỏi thắc mắc "khi nào và làm sao", Kitô hữu lại càng phải sống như thể ngày đó gần kề. Trong ý nghĩa này, bản văn không mời gọi ta luôn ngước mắt về trời cho bằng hãy quan tâm đến những bổn phận thường nhật mà Chủ bảo phải làm. Ngày giờ tận cùng càng bí ẩn bao nhiêu, thì sự tỉnh thức càng khẩn thiết bấy nhiêu. Lời kêu gọi của các Tin Mừng: "Hãy sẵn sàng? Hãy tỉnh thức" phải vang dội trong tâm khảm những ai đang đón chờ ngày hội ngộ lớn lao đó, không như một mối ám ảnh về ơn rỗi riêng tư, nhưng như một đòi hỏi trung thành với nhiệm vụ Chủ đã trao phó.

HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Bên ngoài, không có gì phân biệt hai nông dân đang làm việc ngoài đồng và hai bà đang xay bột. Nhưng trước mặt Thiên Chúa, có một cái phân biệt họ, đó là thái độ nội tâm. Một người thuộc về số những kẻ không ngờ được chuyện gì, người kia thuộc về số biết rõ. Người thì chỉ lưu ý đến cuộc sống, dự định của mình, kẻ kia. quan tâm đến Thiên Chúa và ngày Ngài trở lại. Một chỉ nghĩ đến công việc riêng tư còn người kia làm việc trước mặt Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng hiện diện trước mặt họ y như công việc họ đang làm. Người thì ngủ, kẻ lại tỉnh thức. Lời này chiếu dãi ánh sáng trên cuộc sống hằng ngày của ta. Cái quan trọng không phải là việc làm nhưng là cách làm.

2. Lời khuyên tỉnh thức chờ mong Chúa Giêsu đến không chỉ nhắm vào thời sau cùng, nhưng còn nhắm tới việc Người đến trong đời mỗi người chúng ta: giờ chúng ta chết. Không ai hay được giờ ngày mình chết, chẳng ai biết cách tính toán, dự phòng. Giờ chết có thể đến thình lình, bất ngờ, đang lúc làm việc ngủ nghỉ, hay giải trí. Việc chuẩn bị chết cũng là việc chuẩn bị ngày Quang lâm. Nếu thật sự quan tâm đến tính cách bất ngờ và bí ẩn của giờ đó, nếu sẵn sàng luôn luôn, ta sẽ có một thái độ thực sự Kitô giáo để đón chờ Chúa đến.

3. Chúng ta, người tín hữu, đang sống trong một thế giới mà đối với nó, niềm xác tín việc Chúa Kitô trở lại với bao hậu quả kèm theo chẳng có một ý nghĩa gì. Thế giới quanh ta không chống cũng chẳng bênh việc trở lại đó; họ không hay biết điều ấy; họ cho là ảo tưởng, hão huyền. Niềm xác tín của chúng ta bị xem là dị thường, kỳ lạ; đức tin chúng ta vẫn luôn bị đồng hóa vào một thứ mê tín lỗi thời. Thế gian có lẽ chấp nhận sự hiện hữu của Giáo Hội như một tôn giáo tổ chức chặt chẽ, khả dĩ phục vụ được nhân loại trong vài vấn đề nhất thời hơi quá sức con người; thế gian thừa nhận Giáo Hội xét như Giáo hội giống với nó và đồng hóa với nó, nhưng ý nghĩa sâu xa của Giáo Hội là nhắc nhở và chuẩn bị ta chờ đón Chúa đến thì thế gian không bao giờ hiểu được. Thành ra thật là vô ích khi người tín hữu đi tìm trong thế gian và trong não trạng hiện thời những lý do để tin vào Chúa Giêsu và tin vào ngày Người trở lại; thế gian luôn bất lực, ngay cả trong nhung mộng ước, dự định điên rồ nhất và cuồng loạn nhất của nó. Vì thế, Chúa đã nhấn mạnh: "Hãy tỉnh thức, hãy sẵn sàng". Người biết rõ rằng đời sống thường nhật với bao nhiệm vụ gia đình và xã hội, cũng như não trạng đang sinh động nhân loại quanh ta, không thể giúp gì cho ta trong chuyện ấy; hơn nữa, ta thường xuyên bị lôi kéo vào sự vô ý thức chung, vào sự mê ngủ thiêng liêng toàn diện. Đôi khi ta đau khổ, lắm lần ta bỡ ngỡ vì tình trạng đó; song đừng viện cớ ấy mà thoái thác và làm phai nhạt trong ta niềm xác tín ngày Chúa trở lại.

4. Suốt Mùa Vọng này, Chúa sẽ tỏ mình cho mỗi người chúng ta. Đấy là điều chắc chắn: Chúa sẽ thông ban chính mình cho kẻ tìm Người qua sự bằng an nội tâm sâu xa hơn, một đức ái thực sự hơn, một sức can đảm mạnh mẽ để đương đầu với trách nhiệm hơn. Ta hãy chú ý và tỉnh thức để bắt gặp giờ của Người; giờ ấy sẽ làm cho ta nếm được tình yêu đích thật của Người và củng cố niềm tin của chúng ta vào việc Người đến lần sau hết.



9. Chú giải của Noel Quesson

Một năm phụng vụ mới bắt đầu. Năm nay (A), chúng ta sẽ đọc mỗi Chúa nhật một đoạn Tin Mừng theo Thánh Matthêu. (Năm B là năm Tin Mừng Maccô, và năm C là năm Tin Mừng Luca).

Quả thế, thời ông Noê thế nào, thì ngày quang lâm Con Người cũng sẽ như vậy.

Đó là Mùa Vọng.

Ta biết từ này bắt nguồn từ tiếng La-tinh adventum, nghĩa là sự đến, đã đến đấy là từ đầu tiên của sách Tin Mừng này. Một ai đó. Đức Giêsu không giới thiệu mình cho chúng ta như một người của quá khứ, nhưng như một người của tương lai. Người nói về việc người đến, về việc người quang lâm như một biến cố tương lai.

Lễ Giáng sinh sắp đến, đối với chúng ta không phả là một cách làm giả bộ, như chúng ta vui sướng chờ một người đã đến và chúng ta nhớ nhung gợi lại một câu chuyện lạ lùng xưa.

Đức Giêsu đã nói với chúng ta Người sắp đến; thời ông Noê thế nào, thì ngày quang lâm Con Người cũng sẽ như vậy.

Này đây Chúa đến! Ta hãy để cho Chúa đi qua!

Mỗi buổi sáng Thiên Chúa đều mới mẻ.
Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, cho mãi đến ngày ông No-ê vào tàu.
Những đầu óc nông cạn có lẽ sẽ nói: tại sao lại phải tìm quá xa và đi ngược mãi lên đến thời hồng thủy và Tàu No-ê. Người ta phải làm chi đây? Này! Đức Giêsu, chính Người đang nghĩ ta đang ở "vào thời No-ê". Và Người mô tả về điều người ta lo lắng. Đó chính là bức tranh của xã hội ta đương. đại: làm việc, ăn uống, dựng vợ, gả chồng. Tất cả những chuyện đó, chẳng có gì tự nhiên hơn!

Trong sách Sáng Thế (16,5-13), cơn hồng thủy được trình bày như một hình phạt cái tội vô luân của con người thời đó; "Đức Chúa thấy rằng con người quá gian ác trên mặt đất, và lòng họ chỉ toan tính những ý đồ xấu xa suốt ngày". Truyền thống thượng tế khi kéo dài và bi kịch hóa mạc khải Kinh Thánh, đã nghiêm khắc mô tả "sự sa đọa nhục dục của những người đương thời No-ê kéo theo hỗn loạn sang lãnh vực phong tục... và cuối cùng đi tới hủy hoại về đạo lý và xã hội đến nỗi loài người tự hủy diệt chính mình mà không còn hy vọng sống xót…” (chú giải về sách Sáng Thế của Rachi).

Đức Giêsu, trái lại, tuyệt đối không hề nói gì về nạn vô luân. Người không trách móc những người đương thời No-ê, đó chỉ là những đàn ông và đàn bà đang hít thở niềm vui của cuộc sống! Người không trách họ về sự sa đọa của họ. Cuối cùng thì họ chẳng làm chuyện chi xấu xa cả: họ chú tâm đến những nhu cầu hoàn toàn bình thường của cuộc sống, chẳng có một hậu ý gì.
Thế thì họ quấy quá ở chỗ nào? Đức Giêsu có thể trách móc họ điều gì nào?

Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy tới cuốn đi hết thảy.
Họ không bị khiển trách vì phóng đãng mà cũng chẳng phải vì tội lỗi. Chính vì họ “không biết sớ hãi gì cả!” không lo đến chuyện chính yếu... không có một nhận thức đúng đắn về thực tại…

Họ có vẻ tin là họ bất tử! Mắt họ bị bịt không thấy thân phận con người của mình. Họ phải chịu cái chết "nuốt trôi” để rồi, trong phút chốc, họ khám phá thấy rằng họ không phải là “những thần linh” và nếu muốn sống thì họ cần đến Chúa!
Chúng ta luôn luôn ở vào "những ngày thời No-ê!".

Loài người hôm nay, cũng thế, họ như bị đánh thuốc mê. Tiến bộ vật chất chính nó có xu hướng ru ngủ chúng ta. Người ta tin thế gian này vững vàng, chỗ người ta đã quen sống, cho đến ngày đến lúc chợt tỉnh ngộ, thì còn tàn bạo hơn cả trước kia người ta đã vô ý thức quá về mối nguy hiểm. Có một cảnh tượng hiện đại của cận đại hồng thủy; đấy là cuộc lạm phát tiền tệ quốc tế nhận chìm hết mọi nền kinh tế, đấy làm sự tăng giá đột ngột như một cơn són triều của dầu khí và những nguyên liệu thiết yếu nhất, đấy là một căn bệnh không tiên đoán được, đấy là một ta nạn … Và tất cả mọi thứ an toàn của chúng ta đều bị cuốn trôi hết!

Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy.
Lần thứ hai, Đức Giêsu dùng đến từ "quang lâm" “parousia" trong tiếng Hy Lạp. Thực sự, từ này có nghĩa là sự "hiện diện", "đã đến": Có mặt ở đấy! Xưa người ta dùng từ ấy, trong thế giới Hy-La để chỉ "những cuộc đi thăm chính thức của các hoàng đế".
Chúng ta có xu hướng hơi thái quá đem áp dụng nghĩa “parousia" cho Ngày Tận Cùng Các Thời Đại, khi nghĩ rằng ta có những cơ may là không trông thấy ngày tận thế. Đúng là cách ta đánh giá sai lầm về các sự vật mà Đức Giêsu muốn chúng ta cảnh giác: Thực sự, Đức Giêsu nói với chúng ta rằng Người đến "thăm chính thức” chúng ta trong lúc ta bận rộn những chuyện thường ngày nhất, tại nơi ta làm việc tại nhà ta, ở nới ta ăn uống, trong các quan hệ giữa đàn ông và đàn bà của ta. Lúc lào ta cũng phải sẵn sàng cho Đức Giêsu "ngự đến", "đến cuối cùng", “có mặt ở đó".

Bấy giờ hai người đàn ông đang làm nương, thì một người được đem đi! một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại...

Đó là cuộc sống hằng ngày.
Chính trong những lúc bận rộn rất thường ngày của chúng ta mà Đức Giêsu đến, giữa lúc người nông dân đang làm, người nội trợ đang làm... và ta có thể thêm, nơi văn phòng, ngoại phố, lúc ta đang lái ôtô.
Vậy anh em hãy canh thức, bởi vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.

Đức Giêsu khuyên chúng ta phải "tỉnh thức": Hãy canh thức! Hãy chuẩn bị cho tương lai chúng ta. Bởi lẽ Chúa "đến", Chúa "có mặt" mọi ngày.

Đức Giêsu "đến” tạo ra một cách thế riêng của người ở chỗ mà người ta không thấy có gì khác nhau, bởi lẽ không có gì phân biệt giữa hai người này đang cùng làm ruộng, hai người đàn bà cùng kéo cối xay này. Chỉ có chính Chúa mới thấy cái khác nhau: Một người thì sắn sàng, người kia thì không! Bấy giờ một người được ở với Chúa, ở trong ánh sáng còn người kia không được ở với Chúa, phải ở trong tối tăm. Hiển nhiên là không có vấn đề độc đoán.

Toàn bộ Kinh Thánh nhắc lại rằng Thiên Chúa "cứu độ". Và nếu ta hiểu rõ đoạn nói về nạn hồng thủy, thì phải thấy ở đó có một “hành vi cứu thoát”: Khi con người bấy giờ đang đi tới đại họa, thì mọi chuyện đi theo chiều hướng ngược lại khi Thiên Chúa can thiệp, để làm cho một nhân loại mới xuất hiện. No-ê, chính là người được Thiên Chúa “cứu độ”.

Nhưng, hãy chú ý, tàu đã sắn sàng, hôm nay, cho nạn hồng thủy của bạn. Đức Kitô Đấng Cứu Độ, đã vào trong biển nước chết chóc, lôi kéo thêm người vào Giáo Hội, trên thuyền của Người, tất cả những ai theo Người. Và khi vào thời No-ê theo nguyên văn Kinh Thánh, loài người đầu tiên thực sự đã biến mất trọn vẹn, thì Đức Giêsu, nói đến 50% những người được cứu độ... một trên hai.. năm trinh nữ khôn ngoan, khác với năm trinh nữ dại khờ (Mt 25,12). Và hiển nhiên chúng ta biết rằng đó không phải là những phần trăm theo toán học.

Không hề muốn nói đến một bầu không khí sợ hãi, Đức Giêsu lôi những người “đang đứng", những người "canh thức", những người "đang rình". Cái "liều lĩnh" trong cuộc sống kinh tế, xã hội, gia đình, mời gọi ta thấy trước, lo chuẩn bị tỉ mỉ. Ong chủ doanh nghiệp đang "thiêm thiếp ngủ” sẽ kết án chính cái doanh nghiệp của mình. Chàng trai trẻ không lo chuẩn bị tái lai của mình, thì chính mình sẽ chịu trách nhiệm làm hỏng cuộc đời mình, giống hệt như nhau. Người đàn ông hay đàn bà không bao giờ nghĩ đến Chúa sẽ làm hỏng cuộc "viếng thăm" của Người.
Vậy anh em hãy canh thức, bởi vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hay biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức...

Đừng làm cho cuộc đời mình cứ ngủ! Hãy tỉnh thức!
Sinh vật nào thức tỉnh, con vật đang săn mồi, cuối cùng chính là thứ "được sống". Tỉnh thức không hề có nghĩa là "tích lũy cho nhiều hệ thống an ninh", "chắn rào chung quanh nhà để tránh cướp": Không! Tỉnh thức, chính là “sắn sàng" để đối phó, chính là "được vận động liên tục” để hành động:.. Tỉnh thức, chính là trái nghịch với "để buông trôi", lo lắng, bất cần.

Không nên nói "giá mà tôi đã biết trước" vì đã quá muộn rồi, bởi lẽ chúng ta đã được cảnh báo trước rồi.
Nếu chủ: nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến... Hẳn ông đã thức không để nó khoét vách nhà mình đâu.

Trong tâm trí chúng ta, hiển nhiên hình ảnh của “người kẻ trộm" gắn liền với sợ hãi. Chắc chắn ta có thể đọc một bài khác về hình ảnh này. Thế thì theo Đức Giêsu, kẻ trộm đến làm gì? Nó "khoét vách nhà" anh" ta đến mở cái gì đang bị đóng lại, bỗng nhiên ta khám phá một ý nghĩa tượng trưng kỳ diệu; qua những lời lẽ chân thực củ dụ ngôn: Chúa luôn luôn:đến "để mở" thế gian cứ đóng không cho Người vào. Khi Người đến cửa nhà chúng ta, Chúa sẽ vào nhà ai tỉnh thức để mở cho người! Nhưng ai để cho mình phải bất ngờ …coi chừng! Cửa không phải lúc nào cũng mở luôn luôn đâu.

Chúng ta có lỡ không để chúng ta ngỏ vào thế giới của Thiên Chúa không?
Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.
Người Kitô hữu sẽ được giải thoát khỏi cái ngày..luôn luôn sắn sàng. Vâng! Con Người đến bất cứ lúc nào trong đời. Người đến thường xuyên, đơn giản đến độ có vẻ như luôn luôn không ngờ đến.

Ta có tin vào điều mạc khải này của Chúa không?



10. Chú giải của Fiches Dominicales

SỐNG TỈNH THỨC

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI.

1. Những câu hỏi “khi nào” và “thế nào” không có giải đáp:
Chúng ta mở đầu bài Phúc Âm bằng đoạn cuối cùng, hay gần như cuối cùng của Tin Mừng thánh Mátthêu. Như thế, Phụng vụ muốn khẳng định ngay rằng Đấng mà chúng ta đang chờ đón đến với chúng ta dịp lễ Giáng Sinh, chính là Đấng sẽ trở lại vào ngày tận thế, và cũng là Đấng luôn luôn đến với chúng ta.

Đáp lại lời các môn đệ đang trầm trồ trước vẻ huy hoàng của đền thờ Giêrusalem, Đức Giêsu khiến mọi người sửng sờ khi báo trước rằng, dấu chỉ tuyệt vời của sự hiện diện Thiên Chúa đối với dân Ngài ấy chắc chắn sẽ bị huỷ diệt. Ngài khẳng định: Tất cả những gì các con xem thấy, sẽ chẳng còn hòn đá nào trên hòn đá nào; tất cả sẽ bị huỷ diệt (24,2).

Trở lại núi Cây Dầu, nơi ta có thể nhìn thấy toàn cảnh Thành Thánh và Đền Thờ, Đức Giêsu ngồi xuống lập tức các môn đệ tới tấp đặt câu hỏi: Xin Thầy hãy nói cho chúng con biết khi nào điều đó xảy đến. Xin hãy nói cho chúng con đâu sẽ là dấu chỉ cho biết Thầy đến, và đâu là dấu chỉ cho biết ngày tận thế (24, 3).
Đức Giêsu bỏ qua không trả lời những câu hỏi này, bởi vì theo Ngài, đó là điều bí mật của Chúa Cha (24,36).

2. Một huấn lệnh cần phải được tuân giữ ngay lập tức.
Nếu Đức Giêsu từ chối không tham dự vào những cuộc tranh luận của các môn đệ - xưa cũng như nay - về việc Con Người sẽ trở lại "Khi nào" và "thế nào", thì Ngài lại mạnh mẽ khẳng định rằng đó là điều không thể tránh né. Vì thế, Ngài khuyến khích các tín hữu đang sống trong dòng lịch sử, hãy luôn luôn sẵn sàng: "Vậy hãy tỉnh thức, bởi vì các con không biết khi nào Chúa sẽ đến. Vậy các con hãy sẵn sàng: chính vào giờ các con không ngờ mà Con Người đến. Trong Phúc âm thánh Matthêu, có bốn dụ ngôn minh hoạ lời Ngài dạy. Sau đây là những dụ ngôn được chọn cho Chúa nhật thứ I Mùa Vọng:
- Dụ ngôn về lụt đại hồng thuỷ:
Vào thời Noe, chỉ một mình tổ phụ được "chừa lại", khi ngài vào trong tàu; chỉ một mình ngài được cứu thoát, bởi vì ngài biết nhìn thấy trước biến cố lụt lội phủ lấp trái đất, ngài đã đọc được những dấu chỉ loan báo việc sắp xảy đến. Những người khác cứ tiếp tục cuộc sống thường ngày, không chút mảy may nghi ngờ, nên đã bị "nuốt trửng", không phải vì hạnh kiểm họ xấu, mà vì không biết phòng xa. Cũng vậy, khi Con Người đến, Ngài sẽ quyết định dứt khoát mối liên hệ đời thường nhất giữa những người đang sát cánh bê nhau miệt mài trong cùng một công việc "đang làm ruộng" hay "đang xay bột". Một số người biết chuẩn bị tích cực sẽ "được đem đi", nghĩa là "được cứu thoát". Những người khác, cứ sống mà không biết thấy trước ngày sắp đến, sẽ bị "bỏ lại".

- Dụ ngôn kẻ trộm ban đêm:
Con Người đến như lụt đại hồng thuỷ không ai biết trước, như việc tên trộm lẻn đến ban đêm, âm thầm chọc thủng những tấm vách mỏng mang của những mái nhà rách nát xứ Palestine. Vì thế, thái độ duy nhất phải có là luôn luôn "tỉnh thức", "sẵn sàng". Không phải trong sợ hãi, mà là trong thanh thản; không phải co rúm tê liệt đi, mà là trong niềm khao khát và năng động mong chờ ngày Chúa đến. Bằng cách lãnh nhận trách nhiệm của chúng ta. Bằng cách chu toàn sứ mạng được trao phó (24,45-5l): Bằng cách đến cứu giúp những anh em nghèo túng.
"Vậy người Kitô hữu dấn thân sống như là ngày tháng xét đã đến. Hiện tại của thế giới bị chất vấn bởi tương lai. ước mong rằng người tín hữu luôn trung thành với ơn gọi và sứ mạng đã lãnh thận" ("Célébrer", n. 224, trang 18).

BÀI ĐỌC THÊM:

1.“Đức Giêsu đến gặp chúng ta một cách bất ngờ, nhưng không phải là không báo trước"
Ngày và giờ là bí mật của Chúa Cha. Đó không phải là cơn thịnh nộ và sự trừng phạt vào ngày đã định. Nói rằng chỉ một mình Chúa Cha biết ngày tận thế và việc con Người trở lại, có nghĩa là đặt thế giới và nhân loại trong tay của Ngài, trong đôi tay nhân từ của Ngài. Đó là đặt chúng ta trong sự thanh thản, an toàn: ai có thể rứt chúng ta ra khỏi đôi tay của Chúa Cha? Chúng ta còn sợ gì nếu chúng ta được ấp ủ trong tình yêu của Ngài?

Đức Giêsu không mời gọi ta sợ hãi, nhưng mời gọi ta tỉnh thức. Ngài so sánh lụt đại hồng thuỷ và ông Noe: Người ta không nghi ngờ gì hết cho đến khi lụt đại hồng thuỷ đến cuốn trôi hết tất cả mọi sự. Tất cả mọi người mãi lo lắng sự đời: người ta mãi lo ăn uống, cưới vợ gã chồng. Chúng ta cũng vậy, chúng ta mãi lo lắng sự đời, và đó là điều cần thiết! Chính lúc đó, Chúa đến gặp chúng ta. Nhưng để khỏi bị bất ngờ khi Ngài đến, chúng ta phải chuẩn bị như ông Noe. Cũng giống như ông, chúng ta có lời Chúa cảnh báo và nhắc nhở chúng ta; Đức Giêsu nói: Đó, Thầy đã báo trước cho các con. Ngài đến gặp chúng ta một cách bất ngờ, nhưng không phải là không báo trước. Cuộc gặp gỡ này không chỉ diễn ra vào lúc tận thế. Cái chết của mỗi người cũng sẽ bất ngờ. Phải chăng cái chết không là ngày tận thế, ngày tận thế riêng của mỗi người, lúc mà Đức Giêsu đến gặp riêng mỗi người? Ít nhất điều đó đã cảnh báo chúng ta qua ví dụ của Phúc âm: Bấy giờ hai người đàn ông trên cánh đồng: một người sẽ được đem đi, người kia bị bỏ lại; hai người đàn bà đang xay bột ở cối xay: một người được đem đi, một người bị bỏ lại... Quan trọng nhất vẫn là tỉnh thức. Không lo lắng, nhưng chú ý, chú ý vào Chúa Cha, chú ý vào Đức Giêsu Kitô. Nếu chúng ta không biết ngày và giờ, thì điều quan trọng là phải biết Ngài, và phải nhận ra Ngài khi Ngài đến với chúng ta. Đức Giêsu nhắc đi nhắc lại hai lần rằng vì ta không biết nên ta phải tỉnh thức: Vậy hãy tỉnh thức, bởi vì các con không biết ngày nào Chúa sẽ đến... Để kết thúc, Ngài dùng một ví dụ chỉ cho thấy sự nghiêm trọng của tình thế, và sự gấp rút phải tỉnh thức. Ví dụ hơi mâu thuẫn, vì nói về một ông chủ nhà tỉnh thức, bởi lẽ ông ta biết giờ kẻ trộm lẻn đến ban đêm. Khi biết, thì dễ chờ đợi hơn còn chúng ta, chúng ta thấy thời gian dài, mà chẳng hay biết gì. Không biết là một lý do khiến chúng ta đừng ngủ say. Được hay thua thì điều quan trọng là đừng để tường nhà mình bị chọc thủng. Con Người đến gặp chúng ta. Đừng có ngủ say trong thời gian đó: "Đó là lý do tại sao các con phải tỉnh thức, bởi vì vào giờ mà các con không ngờ Con Người sẽ đến”.

2. “Vì không biết Ngài các con hãy tỉnh thức"
"Lời khẳng định của Đức Giêsu về việc chúng ta không biết Ngài, giờ tránh cho chúng ta khỏi mọi tính toán về ngày Chúa đến, niềm hy vọng Ngài trở lại luôn luôn còn đó, không phải là một chờ đợi bồn chồn, mà là một chắc chắn về Đấng đã đến, đang đến sống giữa những người thân yêu của Ngài, sẽ đen lại ý nghĩa đích thực cho cuộc sống và cho vũ trụ của chúng ta, Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi người" (1Cr 15,24-28).

Được giải thoát khỏi những vấn nạn "khi nào và thế nào" rồi, người Kitô hữu chỉ còn lo chú ý vào việc phải sống như là ngày đó đã đến thực sự. Trong ý nghĩa đó những câu chúng ta vừa đọc mời chúng ta hướng về trời ít hơn là gọi chúng ta quan tâm đến những bổn phận hằng ngày mà Thầy chúng ta đòi hỏi. Sự tỉnh thức càng quyết liệt hơn khi giờ kết thúc vẫn còn chưa điểm. Tiếng kêu của Phúc âm: "Hãy sẵn sàng, hãy tỉnh thức phải vang dội trong tâm hồn của người đang chờ đợi cuộc hội ngộ lớn lao, không phải như một nỗi árn ảnh liên hệ đến ơn cứu độ riêng tư của mình, mà như một đòi hỏi trung thành với những sứ mạng Thầy trao phó".

3. “Hãy có một con tim tỉnh thức”
"Thiên Chúa cứu chuộc dân Ngài. Thiên Chúa cứu chuộc nhân loại. Thiên Chúa thức tỉnh ta. Thiên Chua mời gọi ta. Tới phiên ta trả lời Ngài.

Nếu ta ngủ mê, quá bận rộn với những công việc vật chất, ta sẽ ở bên lề biến cố Thiên Chúa tỏ mình ra là Đấng Cứu độ. Chẳng lẽ mối lo mua bánh hay thu hoạch rau quả không thể nối tiếp những phút suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời. Những phút ta dừng 1ại để kiểm điểm mối tương giao với Thiên Chúa. Một tinh thần nhắc nhở chúng ta đừng quá đầu tư vào cuộc sống vật chất đến nỗi không nhìn ra ơn cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện nơi ta, "ngày tốt đẹp" mà Ngài đã nói với ta hay sao. Nếu muốn chụp lấy tấm ván cứu độ, ta hãy mở rộng đôi mắt. Tinh thần minh mẫn. Con tim tỉnh thức, tâm hồn đợi chờ. Và ta sẽ đi chuyến tàu đang tới".



11. Tai họa khủng khiếp

Tai họa khủng khiếp, đó là tựa đề một cuốn chuyện của Mark Twain, một nhà văn nổi tiếng người Mỹ, mô tả một nhóm người đang lâm vào một tình cảnh bi đát. Chết đến nơi rồi mà họ vẫn chưa tìm được lối thoát. Đúng là họ đang nằm trên bờ một tai họa khủng khiếp. Tác giả không muốn cho câu chuyện kết thúc một cách bi thảm, nhưng ông không biết làm cách nào để cứu nhóm người đó. Vì thế ông đã viết: Tôi lỡ đặt các nhân vật của tôi vào một tình cảnh cực kỳ gian nan, đến nỗi tôi không thể nào cứu gỡ được. Ai nghĩ rằng mình có thể cứu gỡ được thì xin vui lòng chỉ giùm.

Xét về một mặt thì đây là một kết cục không hợp lý, nhưng xét về mặt khác thì đây lại là một kết cục hay, vì nó đòi buộc chúng ta phải suy nghĩ, phải can dự vào.

Cũng thế, hàng ngàn năm trước, nhân loại đã rơi vào một tình cảnh thật bi đát. Tội lỗi đã đột nhập vào trần gian và tràn lan như một đám cháy. Nhân loại bị vây khốn và không tìm được lối thoát cho chính mình. Thiên Chúa đã nhìn thấy tình cảnh bi đát ấy. Ngài không muốn câu chuyện kết thúc một cách buồn thảm, bởi vì Ngài quá yêu thương nhân loại. Ngài đã nghĩ đến phương cách giải cứu, đó là sai chính Con một Ngài đến trần gian, để cứu chúng ta khỏi vòng nô lệ tội lỗi và thiết lập vương quốc của Ngài. Vương quốc ấy đã được khởi sự rồi, nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn tất. Ngài ủy thác việc hoàn tất ấy cho chúng ta.

Mùa vọng nhắc nhở chúng ta nhớ lại tình cảnh bi đát của nhân loại trước khi Đức Kitô đến. Nhưng không phải chỉ có thế. Mùa vọng còn nhắc nhở chúng ta rằng Đức Kitô sẽ trở lại. Ngài sẽ đích thân xét xử mỗi người chúng ta về việc chúng ta cộng tác với Ngài trong công việc mà Ngài đã ủy thác cho chúng ta phải hoàn tất.

Chúng ta đang sống giữa cái rồi và cái chưa. Giữa biến cố Giáng sinh của Ngài và việc Ngài sẽ trở lại trong ngày sau hết. Hẳn chúng ta còn nhớ lời thiên thần nói với các môn đệ vào buổi sáng ngày lễ Thăng thiên: Sao các ngươi còn đứng đó mà nhìn trời. Đức Kitô vừa rời các ngươi mà về trời, thì Ngài cũng sẽ trở lại y như thế.

Trong khi đợi chờ Ngài lại đến, thì nhiệm vụ của chúng ta trên trái đất này, không phải là đứng đó mà nhìn trời và chẳng làm gì hết, trái lại chúng ta phải nhập cuộc, phải xắn tay áo lên để hoàn tất công việc Ngài đã trao phó. Đó là những hành động bác ái yêu thương: Cho kẻ đói được ăn, kẻ khát được uống, kẻ trần trụi được mặc, kẻ đau yếu được thăm viếng. Hãy xây dựng hòa bình bằng tình bác ái yêu thương.

Mùa vọng là thời gian giúp chúng ta kiểm điểm xem bản thân chúng ta đã thực thi những điều ấy như thế nào? Là thời gian để chúng ta mong đợi Ngài lại đến trong vinh quang để phán xét chúng ta. Vì thế, thánh Phaolô đã khuyên nhủ chúng ta: Đêm sắp tàn và ngày đang tới, anh chị em hãy từ bỏ những hành vi ám muội để mặc lấy chiến bào sự sáng.



12. Niềm vui

Tại chùa Tô Châu, có một nhà sư tên là Viên Phủ Trung, tu hành đắc đạo, nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ 5 tấc, có một cái nắp đậy mở được.

Khách đến chơi trông thấy cười nói rằng:
- Ngài chế ra cái này dùng để làm gì?
Vị sư trả lời:
- Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Ta thực lấy làm lạ: người đời ai ai cũng chỉ biết có phú quý, công danh, tài sắc thị hiếu lo buồn vất vả suốt đời, chẳng biết cái chết là gì. Như ta đây, mỗi khi có việc không được như ý, ta cầm lấy cái này mà ngắm xem, là tức khắc trong lòng được yên ổn, mà muôn nghìn sự tư lự đều biến tan đi. Nhà sư Viên Phủ Trung quả là một con người biết tỉnh thức:

Tỉnh thức là biết nhìn xa trông rộng; nhìn tới cùng đích của kiếp người là cái chết, trông đến mục tiêu của nhân sinh là nước trời.
Tỉnh thức là biết lo trước nghĩ xa, vì không lo xa ắt có buồn gần. Bỏ cái lợi nhỏ trước mắt để được cái lợi lớn ở tương lai.
Tỉnh thức là biết phải hành động tốt đẹp cho hôm nay, để chờ đón bao phúc lộc, vạn hạnh cho ngày mai.
“Anh em hãy tỉnh thức vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến” (Mt 24,42).

Tỉnh thức để chờ đón Chúa đến thì còn gì vui sướng hơn. Tỉnh thức để chuẩn bị cho cuộc hạnh ngộ thì còn gì hạnh phúc bằng. Tuy nhiên, con người lại hay mê ngủ: tinh thần thì mau mắn nhưng xác thịt thì lại nặng nề.
Sợ rằng khi Chúa đến họ lại chẳng đủ sức để tỉnh thức ra đón Người. Thấu hiểu thân phận yếu của con người nên Chúa đã khuyên dạy: “Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,44).

“Lúc Con Người đến” chính là ngày tận thế, ngày Chúa quang lâm, và cũng chính là giờ chết của mỗi người. Ngày ấy chắc chắn phải đến, nhưng thật trớ trêu là nó lại đến một cách bất ngờ: bất ngờ như biến cố đại hồng thủy thời ông Noe, bất ngờ như kẻ trộm đêm khuya đột kích vào nhà. Chẳng bao giờ kẻ trộm gọi điện thoại báo trước giờ nó đến, vì vũ khí của hắn là sự bất ngờ. Chỉ có một cách duy nhất để tai họa khỏi chộp xuống đầu chúng ta như “tiếng sấm đánh không kịp bịt tai”, là chúng ta luôn tỉnh thức và sẵn sàng trong ơn nghĩa Chúa.

Con người có một nhược điểm hết sức phổ biến, là luôn cho rằng vẫn còn ngày mai để chuẩn bị, còn ngày mai để sám hối ăn năn, còn ngày mai để thay đổi nếp sống. Nhưng có một kinh nghiệm hết sức chua xót đã từng đổ ập xuống bao người là ngày mai ấy không bao giờ trở lại. Chần chừ, khất lần chính là cơn cám dỗ hiểm độc nhất của ma quỉ. Xin đừng để quá muộn! Muốn vậy hãy tỉnh thức và đợi chờ.
Mùa Vọng là mùa của đợi chờ:
Không phải đợi chờ trong mỏi mòn, day dứt khôn nguôi nhưng là đợi chờ trong niềm hy vọng. Không phải đợi chờ mà không làm gì cả, nhưng là làm việc trong đợi chờ. Không phải đợi chờ một ai đó, nhưng là đợi chờ chính Con Thiên Chúa.

Chờ đợi như thế chính là tỉnh thức, là sẵn sàng, là mở đường về tới nước trời. Chờ đợi như thế chính là chung tay xây dựng một thế giới công bằng và yêu thương, an vui và hạnh phúc. Chờ đợi như thế thì ngày Chúa đến không còn là bất ngờ đáng sợ, nhưng lại là niềm vui bất ngờ.

Vui vì Chúa chúng ta đã toàn thắng vinh quang. Vui vì bao con người được ơn cứu rỗi. Vui vì vũ trụ này đã được giải thoát. Vui vì “trời mới đất mới” sẽ mở ra, dẫn đưa chúng ta vào nơi vĩnh phúc.