PDA

View Full Version : T - Tâm Tình Mùa Vọng



Dan Lee
11-24-2010, 05:13 PM
Tâm Tình Mùa Vọng


Mùa Vọng dịch từ tiếng La tinh "Adventus" nghĩa là "đến." Vọng là mong đợi, mong chờ điều sắp đến. Mùa Vọng là mùa mà ai cũng nao nức chờ đợi ngày lễ mà chúng ta vẫn thường gọi là Noel, Christmas, hay Giáng Sinh. Ngày mà không chỉ riêng người Công Giáo đợi chờ nhưng còn lan toả đến nhiều các tôn giáo khác. Dù Phật giáo, Cao đài hay ngay cả những ai không theo một đạo nào họ cũng háo hức đón chờ vì sức hấp dẫn của ngày lễ hội ấy lan toả trên khắp năm châu bốn bể địa cầu. Dù khác biệt tôn giáo nhưng mọi người đều cảm nhận được sự linh thiêng của “đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng…”

Mùa vọng được Giáo Hội Công Giáo ấn định 4 tuần lễ trước lễ Giáng Sinh để các tín hữu chuẩn bị Mừng Sinh Nhật của Ngôi Hai Thiên Chúa, và nhắc nhở chúng ta các ý nghĩa sau đây:

-Mùa Vọng là thời gian dân Do thái mong đợi Đấng Cứu Thế đến để "giải phóng" dân Israel khỏi ách tội lỗi. Ngài "đã đến" lần thứ nhất cách đây hơn 2 ngàn năm. Ngài đã giải phóng họ khỏi ách tội lỗi bằng giáo lý, cái chết và sự sống lại của Ngài.

-Mùa Vọng còn có ý nghĩa chuẩn bị đón Chúa Kitô "sẽ đến" lần thứ hai vào ngày tận thế. Không ai biết được ngày giờ nào.

-Mùa Vọng đặc biệt nhắc nhở mỗi người cần "tỉnh thức, sẵn sàng" đón Chúa đến vào ngày tận thế đời mình (giờ chết), để Ngài đưa mình về Cõi Sống muôn đời.
Bốn cây nến trong nhà thờ vào Mùa Vọng tượng trưng cho 4 tuần trước lễ Chúa Giáng sinh, mỗi tuần đốt thêm một cây. Ba cây màu tím tượng trưng cho sám hối và một cây màu hồng dùng cho Chúa nhật thứ 3 Mùa Vọng, nói lên niềm vui như Thánh Phaolô kêu gọi:“Hãy vui lên... vì Chúa đang đến!” Nến tượng trưng cho ánh sáng Chúa Kitô. Bốn cây nến còn tượng trưng cho "4,000 năm mong đợi" mà Thánh Kinh được trao ban cho chúng ta kể từ khoảng thời gian mà Ông Adong qụy ngã vì tội lỗi cho đến khoảng thời gian sinh hạ ra Đấng Cứu Chuộc nhân loại. Vòng hoa mùa vọng (wreath) với cành lá xanh tượng trưng cho sự sống muôn đời. Kể từ thời xưa cổ, vòng hoa tượng trưng cho sự chiến thắng. Hình tròn của vòng hoa là nhắc nhở cho chúng ta biết về tình yêu thương bất tận của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Hạt giống, trái hồ đào dùng để trang trí trên vòng hoa tượng trưng cho sự sống lại và những hoa trái tiêu biểu cho lương thực dồi dào của đời sống Kitô hữu.

Xưa cũng như nay đặc biệt là ở Việt-Nam tại các nhà thờ cũng như các tư gia, người ta làm hang đá và đặt các tượng Chúa Hài Đồng, Đức Mẹ, Thánh Giuse, các Thiên Thần, Mục đồng, các con bò, lừa và Ba Vua v.v… để tưởng nhớ đến hoạt cảnh linh thiêng đã xảy ra hơn 2000 năm trước đây ở đất Bethlehem, nước Do Thái, khi Chúa Cứu Thế hạ sinh. Những hang đá đó cũng gợi ra các hình ảnh tâm linh cho người tìn hữu chúng ta sau đây:

-Hang đá thương xót: Hang đá gợi cho thấy lòng Chúa thương xót nhân loại thật cụ thể, vô bến bờ. Ngài đã xuống thế làm người ở chuồng bò lừa, nghèo hèn giá lạnh vì nhân loại để chúng ta học sống noi gương Ngài. Hôm nay Ngài vẫn tiếp tục sống trong tôi, cùng tôi trong gia đình và xã hội với biết bao ơn huệ không kể hết.

-Hang đá trong tôi: Chúa Giêsu vẫn ở trong tôi qua Chúa Thánh Linh để nhắc nhở, có Mẹ Maria dịu dàng, khiêm tốn đi cùng tôi trong cuộc sống qua công việc gia đình. Có thánh Giuse là mẫu mực, giúp tôi quán xuyến cuộc sống, vui vẻ để phục vụ cho người chung quanh. Dù thành công hay thất bại, tôi đều thấy Chúa đi cùng.

-Hang đá trong Gia đình: Mỗi ngày, tôi được nhìn và sống cùng Thánh Gia qua cha mẹ, vợ chồng và con cháu sinh hoạt, làm việc, ăn uống, nói năng, vui cười, trò truyện, ăn ngủ, đi phố… Với những ánh mắt, nụ cười hồn nhiên đầy trìu mến ấy, làm tôi luôn thốt lên kinh Mangificat cùng với Đức Mẹ: Linh hồn tôi ngơi khen Chúa, và lòng tôi hớn hở mừng rỡ trong Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc tôi…”

-Hang đá trong cuộc đời: Hôm nay tôi vẫn thấy Chúa Giêsu nhỏ bé qua những người nghèo hèn trên các nẻo đường, Đức Maria trong những căn nhà lụp xụp, thiếu thốn đủ phương tiện, thánh Giuse tất tưởi làm lụng vất vả trong các xưởng thợ để lo cho gia đình sống qua ngày. Những nhân vật này chính là hình ảnh Hang đá sống động trong xã hội hiện tại, Chúa cần đến tôi quan tâm giúp đỡ.

-Hang đá đang ở đây: Lời Chúa nói qua ông Gia-cóp khi tỉnh giấc: “Qủa thật, có Đức Chúa ở nơi này mà tôi không biết.” (STK 28:16). Chúa ở với tôi mọi lúc, Ngài đang hiện diện trong chỗ tầm thường, dù tôi có biết hay không. Có thể tôi không biết Ngài, có thể tôi cảm thấy cô đơn và buồn, có thể ngày của tôi dường như thê lương và ảm đạm, không chút hy vọng; nhưng Chúa vẫn hiện diện lắng nghe và nâng đỡ tôi. (trích bài chia sẻ của PT JB Nguyễn Văn Định, cảm nghiệm sống # 76)

Nếu Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế mang bình an xuống trần gian, là Đấng mà chúng ta mong đợi trong Mùa Vọng năm nay, chúng ta hãy cùng nhắc nhở nhau sửa soạn đường ngay cho Chúa đến bằng tâm hồn rộng mở và mềm mại để có thể đón nhận bình an để rồi sống hài hoà với mọi người cho dù khác biệt bên ngoài. Nếu Chúa Giêsu là Đấng mang khôn ngoan và hiểu biết của Chúa xuống trần gian, chúng ta hãy sửa soạn đón Thánh ý Chúa để sống tử tế với nhau như những người Kitô hữu trưởng thành.

Cuối cùng, xin được gửi đến bạn đọc một câu chuyện về tấm lòng vàng để chúng ta cùng suy nghĩ. Có một bà lão sống gần rặng núi Hy Mã Lạp Sơn, nghĩ mình không làm được việc gì to tát cho xã hội nên ngày ngày ngồi bên giòng suối bên cạnh cổng làng để phân phát nắm cơm với muối mè, hoặc vài lát cá khô cho những khách qua làng ăn đỡ đói để còn tiếp tục cuộc hành trình của họ qua làng khác. Ngày kia đang khi ngồi đợi những người khách cuối cùng trong ngày, mắt bà chợt bắt gặp vật gì toả ánh sáng long lanh dưới lòng nước trong vắt của con suối. Bà lội xuống và vớt viên đá lạ lên và bỏ vào bị. Đây là một viên đá rất hiếm quí, khổ lại to bằng nắm tay, có ngọc bên trong toả ánh sáng long lanh, và nếu bán cho tiệm kim hoàn thì bà sẽ đổi đời! Bà sẽ không phải vất vả mỗi ngày lo cơm kiếm áo, và lại còn có thêm phương tiện giúp người nghèo. Đang nghĩ miên man thì có người đến bên cạnh bà và cất tiếng: “Xin bà làm ơn cho tôi chút cơm cá, tôi đang đói lắm.” Lập tức như thường lệ, bà mở bị ra và lấy nắm cơm và miếng cá khô còn lại cho khách, nhưng mắt ông đã nhìn thấy viên đá quí toả sáng dưới đáy bị của bà lão. Thế nên ông ta ngỏ ý: “Bà ơi! Có thể nào bà cho tôi xin cả viên đá quí kia được không? Tôi muốn nó lắm.” Không ngần ngại bà trả lời: “Được chứ! Ông cần thì tôi cho ông.” Nói rồi bà cho tay vào bị lấy viên đá ra và trao cho ông ta.”/ Hôm sau, cũng tại bờ suối, người khách xuất hiện và trả lại viên đá quí cho bà lão. Ông nói: “Tôi xin trả lại viên ngọc quí lại cho bà nhưng để xin bà một thứ khác quí giá hơn.” Bà lão nhìn ông và hỏi: “Ngoài viên đá quí đó, tôi còn cái gì quí hơn?” Ông khách khẩn khoản: “Bà hãy cho tôi xin cái tấm lòng rộng rãi của bà, đúng hơn là xin cái bí quyết mà bà có trong lòng, khiến bà có thể cho tôi một viên ngọc quí như thế mà không hế tiếc nuối!...”

Quà tặng từ chính tâm hồn có thể biến cải tha nhân thành thánh nhân vì chính mình có tâm hồn của một thánh nhân. Đó chính là món quà mà chúng ta có thể tặng nhau nhân danh Chúa Kitô trong Mùa Vọng và Giáng Sinh năm nay.


"Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.”

PT Phêrô Đặng Phi Hùng