PDA

View Full Version : DĐ - Đặc tính của Vua Giêsu



Dan Lee
11-21-2010, 10:49 PM
ĐẶC TÍNH CỦA VUA GIÊSU

(Lc 23, 35-43)

Khi nói đến tước hiệu Vua, người ta thường nghĩ ngay đến danh vọng địa vị, quyền lực cùng với những bổng lộc, giàu sang phú quý... Vì ngôi vua là tột đỉnh của danh vọng và vinh quang trần thế. Như Đức Giêsu đã nói "Anh em biết, thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân" (Mt 20, 25).

Mừng Lễ Chúa Giêsu Vua vũ trụ hôm nay, thánh Luca cho ta có cái nhìn đúng về chân dung và những đặc tính của Vua Giêsu. Một vị Vua yêu thương, phục vụ trong khiêm hạ và hay tha thứ. Vị Vua cai trị trong sự thật và chân lý. Một vị Vua sẵn sàng bỏ ngôi báu vinh quang trên trời đến trần gian để cứu chuộc và dẫn đưa con người về nước vinh quang của Ngài: "Đức Giê-su Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự" (Pl 2, 6-8).

Chân dung vị Vua cứu tinh, sinh ra trong hang bò lừa, được đặt nằm trong máng cỏ. Các đạo sĩ tìm đến thờ lạy: "Vua dân Dothái mới sinh ra ở đâu?" (Mt 2, 2). Chân dung vị Vua đã để cho quân lính bắt, trói và bị điệu đến trước mặt quan tổng trấn. Ngài là Vua mà đã để Philatô chất vấn: "Ông có phải là vua dân Dothái không?" (Ga 18, 37). Chúa Giêsu xác nhận Người là Vua, nên Người hỏi lại Philatô: "Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?" (Ga 18, 34). Chân dung một vị Vua mà cẩm bào Người mặc là áo choàng đỏ do quân lính đã khoác cho: "Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ" (Mt 27, 28). Vương miện Ngài đội là một vòng gai: "...rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người" (Mt 27, 29). Phủ việt Người cầm tay là một cây sậy: Chúng "trao vào tay mặt Người một cây sậy" (Mt 27, 29). Ngai vàng của Người ngự là Thập giá. Những lời dân chúng tung hô là lời nhạo cười, thách thức và nhục mạ: "Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người" (Mt 27, 39).

Đặc tính của Vua Giêsu là yêu thương, phục vụ trong khiêm tốn, hay tha thứ và cai trị trong sự thật và chân lý: Chúa Giêsu là Vua tình yêu, Ngài yêu thương hết mọi người, không phân biệt giai cấp, màu da, tiếng nói. Ngài yêu thương đặc biệt những người nghèo khó, những người bệnh tật khổ đau, những người tội lỗi. Ngài còn yêu thương cả kẻ thù, Ngài yêu thương đến hơi thở cuối cùng, như Người phán: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15, 13). Vua Giêsu đã chứng tỏ tình yêu tuyệt đỉnh của Ngài bằng cái chết trên thập giá. Ngài không chỉ yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng Ngài đã yêu thương bằng cả con tim và hành động, Ngài luôn phục vụ hết mọi người, như lời Người phán "Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mc 10, 45). Ngài vất vả suốt ngày giảng dạy và chữa bệnh cho dân đến nỗi không có thời giờ ăn uống, nghỉ ngơi. Ngài không ngần ngại cúi xuống rửa chân cho các môn đệ.

Vua Giêsu không chỉ chữa lành bệnh tật phần xác, Ngài còn luôn tha thứ tội lỗi, chữa lành phần hồn. Ngài là Vua đến để diệt trừ bất công và kêu gọi loài người từ bỏ tội lỗi. Chúa tha thứ cho người phụ nữ: "Tội của chị đã được tha rồi." (Lc 7, 48). Chúa chữa bệnh và tha tội cho người bại liệt: "Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!" (Mt 9, 2).... Trên thánh giá Chúa cũng tha thứ cho người chộm lành biết ăn năn sám hối: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng" (Lc 23, 43). Trên thánh giá Chúa cũng cầu nguyện cho những kẻ thù đóng đinh Ngài: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23, 34). Vua Giêsu luôn yêu thương tất cả, đón nhận tất cả, tha thứ tất cả.

Chúa Kitô là Vua cai trị, Ngài không dùng quyền hành mà thống trị như vua chúa trần gian, bắt dân phải phục dịch, hầu hạ mình. Vua Kitô cai trị trong sự thật và chân lý, ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng Chúa, như lời Người phán: "Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi." (Ga 18, 37).

Người Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích rửa tội cũng được tham dự vào chức Vương Giả của Chúa Kitô, được mang danh Vua Kitô, phải có những đặc tính như Vua Kitô là yêu thương, phục vụ trong khiêm nhường, luôn thứ tha, sống trong sự thật và chân lý. Mỗi người chúng ta hãy noi gương bắt chước Vua Kitô yêu thương hết mọi người nhất là những người cô đơn tàn tật, những người nghèo khó, khổ đau, những người gặp tai ương hoạn nạn. Hãy phục vụ hết mọi người, phục vụ trong khiêm hạ, phục vụ theo khả năng Chúa ban, biết nhiều thì phục vụ nhiều, phục vụ không phân biệt bạn hay thù, phục vụ vô vị lợi như Vua Kitô đã làm. Noi gương Vua Kitô sống thứ tha cho những người đã xúc phạm đến ta, tha thứ hết, tha thứ vô điều kiện. Chúng ta cũng phải noi gương Vua Kitô sống làm chứng cho sự thật và chân lý, luôn nói sự thật, làm theo sự thật, tôn trọng sự thật và chân lý. Người Kitô hữu tôn nhận Chúa Kitô là Vua, phải trở nên đồng hình đồng dạng với Người, có những đặc tính như Người, biết yêu thương như Chúa đã yêu, phục vụ như Chúa đã từng phục vụ và tha thứ như Chúa đã tha thứ... Có như vậy, sau này về nước của Vua Kitô, chúng ta được Người cho cùng cai trị trong nước của Cha Ngài, như "dụ ngôn mười nén bạc", ông vua khi nhận vương quyền trở về đã phán với các đầy tớ trung tín. Ngài nói với người nhận mười nén bạc biết làm lợi mười nén khác rằng: "Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành" (Lc 19,17). Và Ngài nói với người nhận năm nén đã làm lợi được năm nén khác rằng: "Anh cũng vậy, anh hãy cai trị năm thành" (Lc 19,19).

Lạy Chúa Kitô Vua, Ngài là Vua yêu thương, phục vụ trong khiêm nhường. Ngài là Vua cai trị trong sự thật và chân lý. Ngài là Vua của chúng con. Xin cho chúng con biết yêu thương như Chúa yêu, biết phục vụ như Chúa đã từng phục vụ, luôn biết làm chứng cho sự thật và chân lý. Để chúng con cũng được hưởng vinh quang, được cai trị với Chúa trong nước hằng sống.

Jos. Hồng Ân