Log in

View Full Version : L - Lòng dạ Tư Mã Chiêu, ai ai cũng rõ



Dan Lee
11-20-2010, 12:47 AM
LÒNG DẠ TƯ MÃ CHIÊU, AI AI CŨNG RÕ

Thời tam quốc, Ngụy đế Tào Mao nhìn thấy đại tướng quân Tư Mã Chiêu nắm quyền lớn, làm việc hống hách bá đạo thì không nhẫn nhịn được. Một hôm, ông ta triệu thượng thư Vương Kinh cùng ba đại thần vào trong cung, rất tức giận nói:

- “Dã tâm của Tư Mã Chiêu ngay cả người qua đường cũng biết, ta không thể ngồi đợi nó đến giết ta, hôm nay ta muốn cùng các ngươi đi thảo phạt nó”.

Các đại thần đều khuyên ông ta nhẫn nại, không nên chuốc đại họa vào thân, nhưng Tào Mao không nghe, tập họp các cấm vệ quân và các thái giám hầu cận lại đánh từ trong cung đánh ra.

Không ngờ, có người để lộ tin tức cho Tư Mã Chiêu biết, kết quả Tào Mao bị đâm thủng ngực ngã xuống xe mà chết, còn sự dã tâm phản nghịch Tư Mã Chiêu thì ngày càng rõ ràng hơn.

(Tam quốc chí)

Suy tư:

Chữ “nhẫn忍” trong tiếng Tàu viết rất có ý nghĩa: trên chữ lưỡi刃 (đao) dưới chữ tâm (心).

Chữ “lưỡi” (lưỡi đao, lưỡi kéo) tượng trưng cho đao kiếm, tượng trưng cho khó nhọc, đau khổ, bị áp bức; chữ “tâm” là tâm hồn là quả tim, đem cái tâm yêu thương, cái tâm tha thứ, cái tâm hòa bình đặt trong mọi hoàn cảnh khó khăn, thì tự nhiên biết nhẫn nhịn và tha thứ, hoặc ít nữa cũng là chịu đựng để sự khó khăn qua đi...

Tào Mao đã không nhịn được khi thấy Tư Mã Chiêu hống hách lộng quyền, nhưng Tào Mao đã không nhẫn nhịn để thời cơ đến, mà lấy cái không chống lại với cái có, lấy cái ít chống lại với cái nhiều, lấy cái yếu chống lại với cái mạnh, nên đã bị giết chết và làm cho Tư Mã Chiêu càng lộng quyền hơn nữa.

Muốn thành công thì phải biết nhẫn nhục, mà người biết nhẫn nhục là người có chí lớn; nhưng người khiêm tốn thì càng có chí lớn hơn, bởi vì nhẫn nhục chưa chắc đã có sự yêu thương chân thành để tha thứ, nhưng khiêm tốn thì có đủ yêu thương, tha thứ và cảm thông.

Đó chính là tinh thần của Phúc Âm vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.