PDA

View Full Version : T - Tản mạn về sự chết



Dan Lee
11-13-2010, 09:26 AM
Tản mạn về sự chết

Tháng Mười Một là tháng thích hợp nhất để tản mạn về sự chết, dù nền văn hóa hiện đại đang cố gắng hết sức để tránh nói về nó. Người ta bảo: William Randolph Hearst, nhà tỷ phú 75 tuổi, cấm không cho ai được nhắc đến cái chết trước mặt ông. Tại Mỹ, nhiều nơi không gọi nghĩa địa là nghĩa địa mà gọi nó bằng một cái tên thơ mộng: công viên tưởng niệm (memorial park). Dù gọi thế nào, nó vẫn là nơi dành cho người chết. Chết là điều hiển nhiên và nó chẳng kiêng nể gì một ông tỷ phú như William Randolphe Hearst. Dù không muốn nghe nói về nó, nó vẫn cứ đến với ông, như đã đến với biết bao tỷ, tỷ con người trước ông. Thư Do Thái nói rất rõ: “Phận con người là phải chết một lần” (9:27).

Thư Do Thái không phải là văn kiện Thánh Kinh nói tới cái chết đầu tiên. Cuốn thứ nhất của Bộ Cựu Ước, tức Sáng Thế, ngay ở chương 2, câu 17 đã long trọng nói tới cái chết rồi và câu nói đó lại từ chính “miệng” Thiên Chúa, Chúa của sự sống, phán ra: “Ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết”. Tuy nhiên, ở đầu mút đàng kia của Bộ Tân Ước, tức Sách Khải Huyền, trong chương áp chót 21, câu 4, lại có câu nói khác cũng không phải do miệng người phàm nói ra, mà do “từ phía ngai có tiếng hô to: ‘… Sẽ không còn sự chết’”.

Giữa hai lời phán kia, ta thấy có các cố gắng của khoa học nhằm tăng tuổi đời, có sự hoàn hợp của văn minh, có các nỗ lực xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, và có những buồn vui của hàng tỷ, tỷ con người mà chỉ vĩnh hằng mới ghi chép nổi. Đàng sau cái bìa của cuốn sổ ghi ấy là câu truyện của cả một nhân loại bị chúc dữ vì cuộc sa ngã của tổ tông Adong. Cái khối đông ẩn hiện dường như trôi dạt vô định của nhân loại tội lệ kia lúc nào cũng như bị thúc đẩy bởi sợ sệt, sợ bóng tối, sợ bệnh hoạn, sợ siêu nhiên, sợ vô minh, sợ chết. Cái sợ sau cùng là đỉnh cao của mọi cái sợ. Nên con người tránh né nó, ghét bỏ nó, chống lại nó, tìm mọi phương tiện giả tạo có thể có để che giấu sự kiện về nó. Ấy thế nhưng sự kiện chết vẫn có đó và vẫn cứ còn đó cho đến ngày, nhờ quyền lực quang vinh của Chúa Kitô, Đấng chiến thắng sự chết, cuốn sách cuộc thiên đàng được mở ra, và các thánh của Thiên Chúa được vui hưởng thời vĩnh hằng hạnh phúc, trong đó “sẽ không còn sự chết”.

Chắc chắn chết
Thung lũng tử thần là thung lũng dài nhất thế giới. Nó bắt đầu với Adong và tiếp tục chạy qua lịch sử 6,000 năm của nhân loại. Con người thích hoãn lại cái giây phút kinh hoàng phải bước qua cái thung lũng tối đen này, nhưng tử thần vẫn cứ tỉnh bơ bước qua đời mỗi người, chẳng kiêng nể bất cứ một ai, trừ một số rất ít như Thánh Kinh thuật lại, ít đến nỗi coi như không đáng kể. Thực vậy, cái chết chẳng kể bạn là người có ích hay có hại cho xã hội. Mỗi bước bạn đi là mỗi bước bạn tiến gần lại mộ huyệt, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi bạn từ giã mọi ràng buộc trần gian. Sự khôn ngoan của nghề y cộng với các khám phá của khoa học dạy ta phải nhất trí với lời khuyên của Giảng Viên: “Người sống biết rằng mình sẽ chết” (9:5).

Có người cho rằng: Thánh Kinh nói tới sự chết chẳng nhiều hơn thì ít nhất cũng bằng bất cứ chủ đề nào khác. Trong Địa Đàng, nơi trước đó, sự chết chưa bao giờ vào được, Adong và Evà được Thiên Chúa cảnh cáo đừng ăn trái cấm “ vì ngày nào ngươi ăn, ngươi chắc chắn sẽ chết” (St 2:17). Hai nguyên tổ đã ăn và ngay tức khắc, án phạt của Thiên Chúa giáng xuống trên họ, thân xác họ bắt đầu diễn trình chết chóc, hư thối. “Và thế là trọn ngày sống của Adong chỉ là 930 năm: và ông đã chết” (St 5:5). Cái điệp khúc “và ông đã chết” cứ thế được nhắc đi nhắc lại suốt dọc gia phả từ Adong tới Nôe, chỉ trừ Ênóc, “người được đi với Chúa” ( St 5:8; 5:11; 5:14; 5:17; 5:20; 5:27; 5:31).

Các Tổ Phụ, các Tiên Tri và cả các Tông Đồ nữa đều không ngần ngại quả quyết với ta rằng sự chết là điều chắc như đinh đóng cột. Nôe nói với dân về sự công chính và phán xét của Thiên Chúa. Ông bảo nếu họ không ăn năn, Thiên Chúa sẽ hủy diệt họ khỏi mặt đất (St 6:7). Họ cười nhạo ông và thế là trong 40 ngày, nước tiếp tục dâng cao “Mọi xác phàm di động trên mặt đất đều tắt thở: chim chóc, gia súc, thú vật, mọi vật lúc nhúc trên mặt đất và mọi người” (St 7:21).
Ápraham giáp mặt với thực tế đen tối của cái chết khi ông dâng Ixaác làm hy lễ cho Thiên Chúa. Dù Ixaác sau đó thoát chết, nhưng một con chiên đã phải chết thay. Rồi ta đọc “và Xara đã chết” (St 23:2). Môsê cũng thế, Chúa bảo ông: “Đây, sắp đến ngày ngươi phải lìa đời” (Đnl 31:14). Isaia thì nói với Khít-ki-gia: “Hãy lo thu xếp việc nhà, vì ngươi chết chứ không sống nổi đâu” (2V 20:1). Giêrêmia cảnh giác Kha-nan-gia “Ngay năm nay, ngươi sẽ phải chết” (Gr 28:16). Êdêkien rao giảng Lời Thiên Chúa rằng: “Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết” (Ed 18:4) và “kẻ gian ác sẽ phải chết vì tội của nó” (Ed 33:8).

Trong Tân Ước, khi kể dụ ngôn người giầu có và Ladarô, Chúa Giêsu bảo: “người ăn mày chết… và người giầu có cũng chết” (Lc 16:22). Lúc Chúa bị điệu ra trước đám đông, người Do Thái nói: “Chúng tôi có luật, và theo luật của chúng tôi, người này phải chết” (Ga 19:7). Về Tabitha, thánh Luca viết: “Bà mắc bệnh và chết” (Cv 9:37).
Tóm lại, Thánh Kinh nhắc nhiều đến sự chết. Không cuộc đời của bất cứ nhân vật Thánh Kinh nào lại thoát không bị nhắc đến cái chết, chỉ trừ Ênóc và Êlia. Các hãng bảo hiểm nhân thọ làm giầu là nhờ nhấn mạnh tới sự kiện: ai rồi cũng chết; và các đại lý bảo hiểm chẳng mấy khó khăn trong việc bán khế ước khi nhấn mạnh tới viễn tượng bạn có thể bất thần ra đi không kèn không trống… Ngay các kiến trúc sư và các nhà thầu xây cất cũng tính đến cái chết trong dự án thiết kế của mình. Tiến sĩ John Rice kể rằng khi cộng đoàn của ông tại Dallas chuẩn bị kế hoạch xây dựng ngôi thánh đường mới, vị kiến trúc sư rất để ý khi nói tới chiếc cầu thang vì theo ông ta “một qui luật mà các kiến trúc sư bọn tôi cố gắng nhớ chính là mọi cầu thang và mọi cửa phòng ngủ phải đủ rộng để tiếp nhận một cỗ quan tài!”

Thánh Kinh thì nói tới “Luật của tội và sự chết” (Rm 8:2). Thánh Phaolô nói thêm: “Chúng tôi đã mang án tử nơi chính bản thân rồi” (2Cor 1:9) và “Như thế, sự chết hoạt động nơi chúng tôi” (2Cor 4:12). Trong thư Do Thái, ngài nhấn mạnh: “những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Dt 2:15). Tóm lại, không ai thoát được cái chết. Cố gắng bao nhiêu đi nữa, tử thần một ngày nào đó cũng đến viếng thăm ta. Hắn hoàn toàn không thấy nước mắt ta; tai hắn chẳng bao giờ đoái hoài đến lời van xin của ta. Hắn phải đến thăm ta, hắn chỉ thi hành án lệnh. “Phận con người là phải chết một lần”. Án lệnh ấy là án lệnh của Đấng Toàn Năng. Mọi người đều phải chết.

Nguyên nhân sự chết
Sự chết do đâu mà có? Ta biết, trong trạng thái nguyên thủy ở Địa Đàng, con người chưa bao giờ được thấy người nào chết cả. Họ chưa bao giờ được chứng kiến một ai đó phải ngáp ngáp lấy hơi nhưng hơi không còn. Họ hoàn toàn được hưởng sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Lần đầu tiên chủ đề chết được nêu lên trong Thánh Kinh là lúc Chúa cảnh cáo nguyên tổ: “mọi thứ cây trong vườn, ngươi được tự do ăn, nhưng về cây biết thiện biết ác, ngươi không được ăn: vì ngày nào ngươi ăn, ngươi chắc chắn sẽ chết” (St 2:16-17).

A Dong biết mình đang sống, nhưng chủ đề chết là truyện lạ đối với ông cho đến lúc ông nghe Chúa nói thế. Giờ đây ông phải tự quyết định. Ông biết rằng vâng lời Chúa sẽ có sự sống liên tục và không dừng, còn bất tuân Người sẽ là án tử. Quyền chọn lựa và quyền quyết định nằm trong tay ông. Xatan quả có cám dỗ Evà, nhưng hắn không thể bức bách bà ăn trái cấm. Chính bà cùng chồng đã quyết định ăn trái cấm ấy, và làm thế, họ tự chuốc lấy sự chúc dữ của Thiên Chúa “Ngày nào ngươi ăn, ngươi chắc chắn sẽ chết”. Phận con người phải chết một lần vì họ đã vi phạm Luật Thiên Chúa. “Lương bổng của tội là sự chết” (Rm 6:23). “Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết” (Ed 18:4). “Còn tội, khi đã phạm rồi, thì sinh ra cái chết” (Gc 1:15). “Vì một người duy nhất, tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết” (Rm 5:12). “Như thế, sự chết hoạt động nơi chúng tôi” (2Cor 4:12).

Vì “mọi người đều đã phạm tội” (Rm 3:23), nên ta sẽ hoài công cố gắng tìm ra bí quyết chiến thắng sự chết. Thánh vịnh gia từng nói “Sống làm người, ai không phải chết? Ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty?” (89:49). Sự chết ở giữa chúng ta, khiến thế giới run sợ, khiếp đảm. Lý do khiến con người co cụm trước sự chết là vì “tử thần có nọc độc là tội lỗi” (1 Cor 15:56). Vì bản chất ta tội lỗi và trái tim ta yếu đuối, nên sự chết mới tiếp tục châm chích ta và lái ta về mộ huyệt như roi vọt đẩy trâu bò về lò sát sinh. Chúa Giêsu từng nói thời đại ta là thời đại xấu xa, ngoại tình. Cho tới khi Chúa Kitô trở lại thống trị thế gian, “kẻ thù cuối cùng bị hủy diệt chính là sự chết” (1Cor 15:26). Cho tới khi Xa Tan và mọi kẻ không tin bị ném vào bể lửa, sự chết vẫn như chiếc cùm thép kìm kẹp con người tội lỗi. Nhưng phấn khích và an ủi biết bao đối với Kitô hữu, những người được Chúa Kitô hứa: khi tái lâm, Người sẽ khuất phục mọi sự, kể cả quyền lực sự chết!

Các ngả đường của sự chết
Sự chết không tác động trên mọi người cách như nhau, vì một lẽ đơn giản là nó không dẫn mọi người về cùng một hướng. Ở đây, ta phải khẳng định ngay rằng sự chết không phải là sự hoàn hợp của mọi hiện hữu, dù nhiều người ngày nay không tin có một ý thức sau khi chết. Họ cho rằng chết là chấm dứt sự hiện hữu của con người, giống như chiếc lá rụng vào Mùa Thu. Không xét tới các chứng cớ tích cực cho thấy sự bất tử, ở đây, ta chỉ tản mạn về một trong hai ngả đường mà sự chết có thể dẫn ta tới. Dĩ nhiên, vì mọi con người đều từ Adong mà ra và đều mang bản chất sa ngã của ông, nên tất cả đều chết cùng một cái chết thể xác như nhau. Nhưng Abraham Kuyper (thần học gia Thệ Phản, thủ tướng Hòa Lan đầu thế kỷ 20) từng nói: “Trong thung lũng âm u của tử thần, đại lộ trên đó con người bước đi tự phân thành hai, một đi lên dẫn tới sự sống đời đời, một đi xuống dẫn tới sự chết muôn đời”.

Ta chỉ có thể hiểu điều ấy khi biết chút đỉnh về mục đích chân thực trong sự chết của Chúa Giêsu Kitô. Vì tội lỗi phải bị trừng phạt bằng sự chết, nên Chúa Giêsu đã vác thánh giá và chết để đền tội, để dâng mình làm hy lễ chuộc tội cho nhân loại. Về việc này, Thánh Phêrô tuyên bố rằng: “Chúa Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi - Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương - hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa” (1Pr 3:18). Thánh nhân muốn nhấn mạnh: Chúa Kitô chết để đưa chúng ta tới Thiên Chúa. Những ai chết trong Chúa đều sẽ theo ngả đi lên mà về Thiên Đàng, về với Thiên Chúa. Vì Chúa Kitô đã tự hiến làm của lễ đền tội cho ta. Tự bản chất, ta tiến theo ngả đi xuống, xa cách Thiên Chúa; nhưng Chúa Giêsu, qua cái chết đền tội của Người, đã đem đến cho ta ngả đường mới, ngả đường đi lên. Tiến sĩ Harry Rimmer, một mục sư Mỹ thuộc tiền bán hế kỷ 20, cho hay: “Khi Chúa Giêsu chết để thay đổi hướng suy tư của con người, Người cũng chết để thay đổi đường đi cho lịch sử nhân loại. Với một triết lý lầm lạc, nhân loại dấn thân vào một số phận chết chóc. Tác động của thánh giá đã lái lịch sử con người ra khỏi ngả đường nó đang tiến bước và hướng nhân loại về với Thiên Chúa”.

Khi người công chính chết, người ta bảo họ an giấc (1Tx 4:13, 15; 1Cor 15:6). Không lời mô tả nào trong Thánh Kinh phấn khích và an ủi tín hữu bằng lời “an giấc” này. Chính Chúa Giêsu đã dùng lời này: “Bạn Ladarô của chúng ta đang an giấc; Thầy đi đánh thức anh ta dậy. Các môn đệ nói với Người: Thưa Thầy, nếu anh ta an giấc, anh ta sẽ khỏe lại. Tuy nhiên, Chúa Giêsu nói về cái chết của anh ta” (Ga 11: 11-13). Sách Công Vụ viết “Nói thế rồi, ông an giấc” để mô tả cái chết của Stêphanô (Cv 7:60). Thánh Phaolô cho hay: sau khi Chúa sống lại, 500 anh em đã được thấy Chúa, rồi “một số đã an giấc” (1Cor 15:6). Với tín hữu Thêxalônica, ngài bảo: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì” (1 Tx 4:13). Thánh Phêrô cũng thế, nói về các thánh trong Cựu Ước, ngài viết: “Các bậc cha ông an giấc” (2 Pr 3:4). Cựu Ước có tới hơn 40 lần nói về người chết: “ông đã an giấc với cha ông”. Với Môsê, Chúa phán: “ngươi sẽ an giấc với cha ông ngươi” (Đnl 31:16, 2 Sm 7:12). Gióp thưa: “chỉ ít nữa thôi, con sẽ an giấc trong cát bụi” (G 7:21).

Khi thân xác an giấc như thế, lập tức linh hồn người công chính theo đường đi lên mà về cùng Chúa. Còn với kẻ bất chính, ngả đường còn lại chỉ là ngả đường đi xuống mà vào cõi chết đời đời. Trong câu truyện do Chúa Giêsu kể, cả người giầu có lẫn Ladarô đều chết, nhưng Ladarô được lên ngồi trong lòng Ápraham trong khi người giầu có thì xuống Hỏa Ngục (Lc 16:19-24). “Ai tin sẽ được cứu độ” (Lc 16:16).

Bất tử
Nhiều người cho rằng chết là hết, với cái chết thân xác, tinh thần hay linh hồn con người cũng không còn. Nhưng Thánh Phaolô dạy ta: “Nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (2Cor 5:1).

Và trên thực tế, bất cứ khi nào sự chết xuất hiện, nó cũng đều mang tới niềm hy vọng bất tử. Thánh nhân cũng như người dữ dằn đều nói lên niềm hy vọng vào một cuộc sống ở bên kia nấm mồ. Không ai quên được di chúc của Hồ Chí Minh với câu viết bất hủ: phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác… Hay François Mitterrand, một người vô thần, với mấy dòng đề tựa cho cuốn Intimate Death của Marie De Hennezel: “Há chẳng có một mảnh vĩnh hằng nơi nhân loại, một điều gì đó được sự chết đem vào đời, hạ sinh ra đó sao? Từ cảnh tê liệt trên giường bệnh viện, Danièle gửi thông điệp cuối cùng này cho ta: ‘tôi không tin vào một Thiên Chúa công bình, hay một Thiên Chúa tình thương… Nhưng tôi cũng không tin rằng ta chỉ là một mớ nguyên tử. Bất cứ điều gì nói với ta rằng có một cái gì đó ở bên kia vật chất, bạn muốn gọi nó là linh hồn, là tinh thần, hay ý thức, tùy bạn, nhưng tôi tin vào sự bất tử của cái đó. Tái sinh hay đi tới một bình diện hiện sinh mới, chính sự chết đã cho tôi khám phá ra điều đó!”

Ai Cập, trường dạy nghệ thuật và khoa học tinh tế nhất của thế giới, có một niềm tin và một cảm nhận rất mạnh về sự chắc chắn của bất tử. Có thể nói họ là dân tộc đầu hết dạy ta học lý bất tử. Họ thường gọi cỗ quan tài là “hòm người sống”. Nghệ thuật ướp xác thời danh của họ phát sinh từ niềm tin vào bất tử của họ. Cũng chính niềm tin ấy đã thúc đẩy họ xây nên những kim tự tháp bất hủ: nơi cư ngụ vĩnh hằng cho hồn trở về cùng xác.
Người ngoại giáo Châu Phi cũng tin vào sự sống sau khi chết. Người ta kể rằng vợ những người quá cố có thói quen dựng nhà ở gần mộ, sống tại đó suốt quãng đời còn lại “để canh chừng hồn đã ra đi”. Người Trung Hoa cũng như Việt Nam có thói quen đốt vàng mã để người quá vãng có tiền dùng nơi chín suối. Người Da Đỏ Bắc Mỹ cũng thế: họ chôn người chết với đủ cung tên và canô.

Suốt 6 ngàn năm lịch sử, con người luôn trông đợi bất tử như một thực tại. Có người cho rằng: điều ấy chứng tỏ chính Đấng Hóa Công đã “mạc khải” niềm tin ấy nơi nguyên tổ và các ngài truyền lại mãi cho hậu duệ mình. Nhưng thực ra, trong Thánh Kinh không hẳn minh nhiên có thuật ngữ “linh hồn bất tử”. Dĩ nhiên, Thánh Kinh không hề dạy bất cứ điều gì về sự an giấc hay tiêu diệt của linh hồn khi con người rời bỏ cõi đời này. Ý niệm hiện hữu bất tận của linh hồn bàng bạc khắp trong Thánh Kinh, nhưng ngôn ngữ Thánh Kinh không minh nhiên nói tới sự bất tử của linh hồn. Lời Thiên Chúa giả thiết sự hiện hữu mãi mãi của mọi linh hồn bất kể số phận của nó ra sao. Linh hồn mọi người đều bất tử và không thể bị hủy diệt.

Nhưng ta nhớ: Chúa Giêsu từng phán: “đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác, nhưng không giết được linh hồn; nhưng đúng hơn hãy sợ Đấng có thể hủy diệt cả hồn lẫn xác nơi Hỏa Ngục” (Mt 10:28). Sách Êdêkien thì cho hay: “anima quae peccaverit ipsa morietur” (linh hồn nào phạm tội sẽ phải chết. Bản CGKPV: ai phạm tội sẽ phải chết). Như thế phải chăng linh hồn cũng sẽ chết? Không hẳn thế, vì cả hai câu này cũng như những câu tương tự khác trong Thánh Kinh đều không có nghĩa: linh hồn hết hiện hữu hay mất hết ý thức. Vì chết trong Thánh Kinh có ba nghĩa: chết thể lý, chết thiêng liêng và chết đời đời. Chết thể lý là hồn lìa khỏi xác. Đó là ý nghĩa của câu “Phận con người là phải chết một lần” (Dt 9:27). Chết thiêng liêng là tình trạng những linh hồn tội lỗi, sống xa Thiên Chúa: họ chết “trong sa ngã và tội lỗi” (Eph 2:1), và “xa lạ với sự sống Thiên Chúa” (Eph 4:18). Chết đời đời là không được thấy Chúa mãi mãi. Những linh hồn phải chết đời đời vẫn còn ý thức, nhưng “lãnh án diệt vong muôn đời, xa thánh nhan Chúa và quyền năng vinh hiển của Người” (2Tx 1:9). “Phần dành cho họ là hồ lửa và diêm sinh cháy ngùn ngụt: đó là cái chết thứ hai” (Kh 21:8).

Trong Thánh Kinh, hạn từ bất tử khi nói về con người thường áp dụng cho thân xác. Thực vậy, thân xác của nguyên tổ khi được Chúa dựng nên vốn là một thân xác bất tử, hiện hữu mãi mãi. Bởi thế, Chúa mới cảnh giác A Dong đừng ăn cây biết lành biết dữ, bởi ngày nào ăn cây ấy, ông chắc chắn sẽ chết (St 2:17). Như ta đã biết, nguyên tổ Adong đã ăn cây ấy, nên sự chết mới lập tức kéo vào làm thân xác ông sau một thời gian phải lìa cõi thế. Bất tử đã trở thành khả tử. Thánh Phaolô nhận định: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên cái chết” (Rm 5:12), “phận con người là phải chết một lần” (Dt 9:27) và “mọi người vì liên đới với Adong mà phải chết” (1Cor 15:22). Khả tử là lời chúc dữ giáng xuống nhân loại do kết quả của tội và là sự kiện đáng buồn nhất trong lịch sử thế giới.

Giải thoát khỏi khả tử
Mục đích Chúa Giêsu Kitô xuống thế là để cứu chuộc nhân loại sa ngã. Không một người nào với bản chất khả tử có thể làm được việc ấy. Người chết không thể ban sự sống. Cách duy nhất để con người thoát được án tử là nhờ “sự xuất hiện của Chúa Giêsu… Đấng duy nhất trường sinh bất tử” (1Tm 6: 14, 16). Linh hồn con người, dù vẫn duy trì được sự hiện hữu bất tận, nhưng đã trở nên thoái sinh (degenerate) về phương diện luân lý. Sau sa ngã, thân xác họ trở nên khả hủy, linh hồn họ mất hết liên hệ với Thiên Chúa. Nhưng vinh phúc thay, Thánh Phaolô cho ta hay: “Chúa Giêsu Kitô đã xuất hiện. Chính Người tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử” (2Tm 1:10). Điều kỳ diệu là Đấng Bất Tử, nhờ trở thành khả tử, “vâng lời cho đến chết” (Pl 2:8), đã có thể cứu chuộc được linh hồn con người, tái lập liên hệ của nó với Thiên Chúa và làm cho thân xác họ thừa hưởng phúc trường sinh bất tử. Đó chính là chiến thắng vĩ đại của Thập Giá Chúa Kitô. Nhờ sự chết và sự sống lại của Người, Chúa Kitô đã “hủy diệt sự chết”. Người sẵn sàng mặc lấy tính khả tử “để qua sự chết, Người có thể tiêu diệt được kẻ có quyền trên sự chết, tức ma qủy” (Dt 2:14). “Quả thế, như mọi người vì liên đới với Adong mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Chúa Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cor 15:22).

Muốn hiểu rõ vấn đề ở đây, tưởng cũng nên phân biệt giữa sự sống đời đời và sự bất tử. Hai hạn từ này không đồng nghĩa. Khi một người nào đó tín thác vào Chúa Giêsu Kitô để được cứu độ, họ liền có sự sống đời đời. Đó là ơn phúc của Thiên Chúa ban cho kẻ tội lỗi nào biết chấp nhận Chúa Giêsu Kitô làm Đấng Cứu Độ của mình. “Ai tin vào Con sẽ có sự sống đời đời” (Ga 3:36). “Ai tin Ta sẽ có sự sống đời đời” (Ga 6:47). “Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20:31). Công trình cứu chuộc kẻ tội lỗi có hiệu quả nơi bất cứ cá nhân nào khi họ tái sinh, nhưng không thể nói: lúc ấy linh hồn họ trở nên bất tử. Vì thực ra, linh hồn họ có bao giờ mất sự bất tử đâu. Việc tái sinh nhờ Chúa Thánh Thần chỉ là khởi đầu của diễn trình cứu chuộc. Ngay khi Chúa Thánh Thần cư ngụ trong linh hồn con người, là nó nhận được sự sống đời đời. Nhưng thân xác, dù đã trở thành kẻ thừa hưởng tính bất tử và tính bất hủy, vẫn phải chết.

Tuy nhiên, thân xác ta không biến mất. Đây là chỗ Thiên Chúa hoàn thành diễn trình cứu chuộc. Thánh Phaolô viết: “chúng ta cũng rên xiết trong lòng, trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác ta nữa” (Rm 8:23). Nhưng có bảo đảm gì là thân xác khả hủy của ta sẽ có được sự bất hủy? Dĩ nhiên là có. Chúa Giêsu Kitô đoan hứa sẽ phục sinh mọi người chúng ta: “Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta dù chết cũng sẽ sống” (Ga 11:25). Chứng từ riêng của Chúa Giêsu bảo đảm sẽ giải thoát ta khỏi sự chết và sự hủy hoại để được sống và sống bất tử. Sự cứu chuộc linh hồn là việc quá khứ, nhưng sự cứu chuộc thân xác vẫn còn là việc tương lai. Nhưng tương lai ấy là một tương lai tuyệt đối chắc chắn. Tin Mừng không ngừng ở việc Chúa Giêsu qua đời. Thánh Phaolô viết: “Tôi loan báo cho anh em Tin Mừng… Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Thánh Kinh; rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Thánh Kinh” (1Cor 15:1-4). Chúa Giêsu Kitô, Đấng bất tử, đã trở nên khả tử do cái chết của Người. Nhưng đó chỉ là sự khả tử tạm thời. Nhờ sự sống lại từ cõi chết và từ mộ huyệt bước vào bất tử, Con Thiên Chúa cũng đã hứa ban cho những ai thuộc về Người cùng một phúc lộc ấy. Vì Adong thứ nhất, khả tử và sự chết đã xuất hiện, nhờ Adong thứ hai, sự sống và sự bất tử đã xuất hiện. “Giờ đây, Chúa Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu… Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Chúa Kitô, rồi khi Chúa Kitô quang lâm, thì đến lượt những kẻ thuộc về Người” (1Cor 15:20, 23). Mọi con cái Adong đã chết thế nào thì mọi con cái Thiên Chúa cũng sẽ được phục sinh, không còn chết nữa. Bất tử là bước chót của diễn trình cứu chuộc, khi Chúa Kitô quang lâm. “Kẻ chết sẽ trỗi dậy mà không còn hư nát; còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi” (1Cor 15:52). Chính vì thế, ta có thể nói: tín hữu Chúa Kitô tuy có chết thật nhưng không bao giờ bị đặt dưới quyền lực của tử thần. Trút linh hồn, thở hơi thở cuối cùng, đối với họ chỉ là bước qua cổng, từ đời này bước vào đời sau với Chúa; do đó, chết đối với họ chỉ là bước vào sự sống đời đời.

Thánh Phaolô có lần than vãn: “Tôi là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” Rồi cũng chính ngài viết tiếp: “Tạ ơn Thiên Chúa, (đó chính) là nhờ Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Rm 7:24-25). Chết xem ra chiến thắng trong một lúc, nhưng nó chẳng làm gì được ta vì “cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử. Vậy khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Thánh Kinh sau đây: ‘Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng!” (1Cor 15: 53-54). Ngay sau câu này, Thánh Phaolô cười nhạo tử thần: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?... Tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1Cor 15: 55,57).

Thân xác mới đổi thân xác cũ
Có tờ báo chạy hàng tít khá giật gân: thân xác mới đổi thân xác cũ (New Bodies for Old). Họ muốn nói đến tiến bộ của khoa học trong việc đem lại cánh tay mới cho người mất cánh tay, mắt nhìn được cho người mù lòa. Và nhân tiện, tờ báo tiên đoán: một ngày kia một thân xác hoàn toàn mới sẽ thay thế một thân xác cũ mèm. Cái ý niệm bất tử mà không cần Thiên Chúa này quả là thiếu nền tảng. Quan niệm của Thánh Kinh về sự bất tử chỉ bắt đầu với việc con người có mối liên hệ đúng đắn với Thiên Chúa, và mối liên hệ ấy tự sức riêng, con người không đạt tới được. Họ phải nhìn nhận Chúa Kitô trường sinh bất tử như niềm hy vọng duy nhất cho sự sống sau khi chết. Không có Thập Giá Chúa Kitô, sẽ không có sự cứu chuộc cho nhân loại sa ngã, mà nếu không có sự cứu chuộc, sẽ không có hy vọng đối với sự sống bất tử. Kitô hữu có niềm hy vọng sống động vốn bắt nguồn từ Con Người và Công Nghiệp của Chúa Kitô hằng sống. Thánh Phêrô quả quyết: “Chúc tụng Thiên Chúa là thân phụ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Chúa Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại” (1 Pr 1:3). Dù sự sống đời đời và sự bất tử không đồng nghĩa, nhưng thân xác không thể bất tử, nếu linh hồn không tiếp nhận được sự sống đời đời nhờ niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Người từng nói với các môn đệ: “vì Thầy sống, anh em cũng sẽ được sống” (Ga 14:19). Sự phục sinh của ta được chính sự phục sinh của Chúa Kitô bảo đảm. Thư gửi tín hữu Philípphê nói rằng: Người “sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (3:21).

Hai sự phục sinh
Sự phục sinh thân xác con người rõ ràng được Lời Chúa nói tới. Gióp nói rằng: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa” (G 19:25-26). Ông tin vào sự phục sinh của thân xác và cuộc sống mai hậu bên kia nấm mồ. Ápraham thì “nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy” (Dt 11:19). Thánh vương Đavít xác tín “thân xác con nghỉ ngơi an toàn” (Tv 16:9) và “Khi thức giấc, con sẽ được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan” (Tv 17: 15). Chúa Giêsu minh nhiên hơn: “Các ông chớ ngạc nhiên về điều này, vì giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con, và sẽ ra khỏi đó…” (Ga 5: 28, 29).

Phục sinh như thế là điều chắc chắn. Tuy nhiên có tới hai thứ phục sinh như chính lời Chúa Giêsu quả quyết: “…Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5: 29). Phục sinh sống và phục sinh “chết”. Phục sinh của kẻ công chính và phục sinh của kẻ bất chính, như Thánh Phaolô từng nói cho Felix hay: “người lành và kẻ dữ sẽ sống lại” (Cv 24:15). Nhiều giáo phái dựa vào một số đoạn trong Thánh Kinh để tin rằng người công chính sẽ được phục sinh trước kẻ bất chính. Thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica viết: “Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Chúa Kitô sẽ sống lại trước tiên” (1 Tx 4:16). Họ cho rằng cuộc phục sinh ấy xẩy ra một ngàn năm trước cuộc phục sinh của những người khác, căn cứ vào Sách Khải Huyền, chương 20, câu 4-5: “Tôi cũng thấy linh hồn những người đã bị chém đầu vì rao giảng lời chứng của Chúa Kitô và lời của Thiên Chúa… Họ sống lại và hiển trị với Chúa Kitô một ngàn năm. Những người khác trong số kẻ chết thì không được sống lại trước khi hết một ngàn năm ấy. Đó là lần phục sinh thứ nhất”.

Cuộc phục sinh kẻ dữ chính là cuộc phục sinh thứ hai. Mặc dù kẻ dữ đã chết một cách thiêng liêng vì không có sự sống đời đời, họ vẫn phải hiện diện sống động trước mặt Thiên Chúa về phương diện thể lý trong thân xác phục sinh của họ. Từ khắp mặt địa cầu, thân xác các kẻ dữ cũng trỗi dậy để lãnh án sau cùng là bị loại khỏi thánh nhan Thiên Chúa và bị trừng phạt muôn kiếp trong biển lửa. Dù Khải Huyền đầy tính biểu tượng nhưng phục sinh người lành cũng như kẻ dữ và sự phán xét đều là những điều chắc chắn.

Nhưng thân xác phục sinh, ít nhất của người công chính, sẽ ra sao? Thánh Phaolô dạy: Chúa Kitô “sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3: 21). Nhiều người cho rằng lúc lên trời, Chúa Giêsu chỉ mới 33 tuổi, thân xác Người là thân xác thanh xuân, cường tráng, trẻ trung, không một chút già nua yếu ớt, nhăn nheo, khó coi, một thân xác được Đavít ca tụng như “sương mai của tuổi thanh xuân” (Tv 110:3. Bản Phổ Thông: ros adulescentiae tuae). Thân xác ta dù già nua héo hắt cũng sẽ như thân xác Người.

Biến đổi đây hẳn đồng nghĩa với biến hình hay hiển dung như trong trình thuật Chúa biến hình trên núi trước mặt Phêrô, Giacôbê và Gioan (Mt 17:2). Thân xác Người lúc đó giống thân xác phục sinh của Người sau này khi xuất hiện trước mặt các môn đệ đang tụ tập trong phòng đóng cửa (Ga 20:19). Về phương diện sinh học, sự biến đổi từ sâu lên bướm cũng có thể gọi được là một biến hình hay hiển dung. Con sâu xấu xí nhờ mặt trời ấm áp mùa xuân chiếu rọi mà trở thành con bướm đẹp xinh. Dù dáng dấp bướm khác với dáng dấp sâu, nhưng ta vẫn nhận ra con côn trùng đẹp đẽ có cánh này là một với con sâu. Phục sinh thân xác cũng thế. Thân xác hiện nay của ta yếu hèn, xấu xí. Nhưng Chúa Kitô sẽ làm nó trở thành vinh hiển. Vẫn là thân xác đó, nhưng được biến đổi, hiển dung, không còn “qua đi như cây cỏ” (Gc 1:10).
Kẻ hoài nghi không tin như vậy. Thân xác người chết sau một số năm tan rữa ra thành từng yếu tố, trở nên thành phần của các sinh vật khác (cây cỏ…), làm sao có thể phục sinh thân xác ấy một cách nguyên tuyền được? Thánh Phaolô đã ghi nhận luận điểm này trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: “nhưng có người sẽ nói: làm sao người chết có thể trỗi dậy được? Họ lấy thân xác nào mà trở về?” (1 Cor 15:35). Thánh Phaolô mang hình ảnh người nông dân gieo hạt để giải thích. Ông ta biết khi hạt lúa gieo xuống đất chết hay rữa ra, công lao của ông không chấm dứt vì nó sẽ bước vào một sự sống đầy đủ hơn, sản sinh ra cây lúa với thật nhiều hạt lúa giống như hạt lúa ông gieo. Hạt lúa ông gieo, ông không còn thấy nữa, nhưng nó có một căn tính tuyệt đối. Sự phục sinh của thân xác cũng thế “Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống. Cái người gieo không phải là hình thể sẽ mọc lên, nhưng là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa hay một thứ gì khác. Rồi Thiên Chúa cho nó một hình thể như ý Người muốn: giống nào hình thể ấy” (1 Cor 15: 36-38).

Thực ra, Thánh Kinh không quan tâm đến thành phần của cơ thể phục sinh. Điều Thánh Kinh nhấn mạnh là thân xác ấy không còn hư nát như trước nữa (1 Cor 15:42, 53). Thân xác Êlia được Chúa đưa lên trời hơn 2 ngàn năm trước Chúa Giêsu nhưng đã sáng láng bên cạnh Người trên Núi Hiển Dung. Thân xác phục sinh sẽ “hết sạch nước mắt, không còn chết chóc, sầu buồn, khóc than, cũng chẳng còn đau đớn: vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21:4). Thân xác ấy không còn hổ thẹn, mà là vinh hiển, không còn yếu đuối mà đầy sức mạnh (1 Cor 15:43), không còn là sinh khí mà là thần khí (1 Cor 15: 44). Sinh khí quan tâm tới các hoạt động và môi trường trần thế. Thần khí không có nghĩa là không có chất liệu (substance), nhưng có nghĩa quan tâm đến nhng việc của Thiên Chúa.

Vũ Văn An