PDA

View Full Version : S - Sống đích thực trong tình thương xót của Chúa



Dan Lee
10-23-2010, 04:24 PM
Bài chia sẻ CN 30 TN Năm C


Chủ đề: Sống đích thực trong tình thương xót của Chúa

I. Khi tôi được mời đến dâng thánh lễ cho một Cha Quản nhiệm đi vắng, tôi rất đỗi ngac nhiên tại sao trong nhà thờ Mỹ lại có những sợi dây to giăng ngang qua các hàng ghế dưới. Tôi hỏi một vị trong ban hành giáo thì họ trả lời là, tại vì giáo dân mỗi khi đi dâng lễ thì thích ngồi nơi các hàng ghế dưới; thành ra, Cha Xứ của giáo xứ này đã quyết định giăng dây vào các hàng ghế dưới cuối để giáo dân buộc phải ngồi lên phía trên. Tuần thứ hai tôi lại được mời đến dâng lễ cũng tại nhà thờ đó. Việc đầu tiên là tôi nhờ ban hành giáo tháo các giây chăng ngang các hàng ghế ra. Kế đó, để Cha xứ khỏi phải rầy la, tôi lại bảo ban hành giáo ráp các sợi dây thừng lại sau khi lễ Việt Nam xong.

II. Tôi đề nghị như thế có nhiều lý do như:


A. Khi vào trong nhà thờ rồi chỗ nào cũng giống như nhau vì đó là nhà Chúa, nhà cầu nguyện chung cho mọi người mọi giới.

B. Cũng có thể là có những người vì bị bệnh cho nên cần ngồi phía sau để khỏi làm phiền đến người khác, hoặc gần các phòng vệ sinh để họ di chuyển đi dễ dàng.

C. Hoặc đôi khi chúng ta mong muốn con cái chúng ta đi dâng lễ là tốt lắm rồi, nhưng khi đến nhà thờ có lẽ chúng ta cũng để cho con cái chúng ta tự lựa chọn chỗ ngồi, lý do con cái chúng ta nghĩ rằng mình chưa xứng đáng đủ vì còn nhiều điều cần thưa chuyện với Chúa, nhưng lúc này chưa tiện hay chưa có can đảm để đến gần Chúa cho xứng đáng.

D. Đôi khi có nhiều người giáo dân đi dâng lễ ngồi phía dưới gần cuối nhà thờ vì lý do muốn ra về sớm vì sợ ra sau bị kẹt xe kẻo về nhà trễ lỡ xem trận đấu banh hấp dẫn. Cha chủ tế chưa ban phép lành cuối lễ thì đã lò mò bỏ về rồi. Viện lý do đó là sai là có lỗi.

E. Cũng như có câu truyện khôi hài là nếu chúng ta vào một nhà thờ mà muốn biết nhà thờ nào là công giáo, nhà thờ nào là tin lành thì rất dễ nhận ra: Khi thấy giáo dân ngồi phía trên thì biết là nhà thờ tin lành; còn khi thấy giáo dân ngồi phía dưới thì đó là nhà thờ công giáo.

III. Chính vì thế mà tại sao người thu thuế thì đứng ở phía dưới xa bàn thờ. Ông ta đã thực hiện một bước rất lớn để vào trong nguyện đường. Ông ấy không cảm thấy mình xứng đáng để tiến lên gần hơn. Đây không phải là ông không muốn tham gia vào trong các việc phụng tự, nhưng ông cần đến tình thương xót của Chúa.

IV. Sự cầu nguyện của người thu thuế và người biệt phái ngay từ đầu thì có chung một mục đích, nhưng cách làm thì hoàn toàn khác biệt hẳn.


1. Người biệt phái không đến để cầu nguyện với Chúa. Ông ta chỉ nói về bản thân của ông. Trong những lời cầu nguyện của ông, không có một chút tình yêu nào đối với Chúa, cũng không thấy có tí nào là dấu hiệu của lòng khiêm tốn. Người biệt phái đứng trước tôn nhan Chúa, gần bàn thờ và kể lể về lối sống của ông, cái gì ông làm cũng tốt, thành ra ông cho ông là tốt. Ông so sánh đời sống của ông với lối sống của tha nhân, và tự coi mình là người công chính. Quả thật, ông dường như đã không cần gì đến Chúa cả.

2. Người thu thuế đứng ở đàng xa, ông không dám đến gần bởi vì Chúa đã đến gần bên ông. Ông không ngước mắt lên trời bởi vì lúc này Chúa đã ở trong ông. Quả thật Chúa ở gần hay ở xa tùy thuộc vào chúng ta.

V. Người thu thuế đã được Chúa thương nhờ sự khiêm tốn và sống đích thực trong lòng từ bi nhân hậu của Chúa. Dụ ngôn cho chúng ta biết là lời cầu nguyện của chúng ta phải thấm nhuần nhân đức khiêm tốn và tin tưởng cậy trông. Chúng ta nên tránh thái độ cầu nguyện của người biệt phái chỉ biết quy về cái tôi của mình.


A. Nhận thấy mình tội lỗi, tìm cầu ơn tha thứ, sống đích thực cậy dựa vào lòng thương xót của Chúa, đó mới chính là khởi điểm của cuộc sống mới, cuộc sống Kitô hữu. Chúng ta muốn tập các đường nhân đức bằng phương cách nào đi nữa, thì cũng vẫn cần đến lòng khiêm tốn trong ước nguyện cầu nguyện của người thu thuế.

B. Càng gần ánh sáng, chúng ta càng nhận ra mình nhơ bẩn, càng gần Chúa thì càng thấy mình tội lỗi bất xứng và càng không thể khoe khang về thành tích đạo đức của mình.

VI. Sau cùng, dụ ngôn hôm nay để lại cho chúng ta điều mà các Kitô hữu thời Trung Cổ gọi là “lời cầu nguyện của người lữ khách.” Lời cầu nguyện của người lữ khách thì rất đơn sơ và chất phát. Đó là lời cầu nguyện của một người thu thuế đứng cúi đầu khiêm tốn ở phía cuối nhà nguyện, hoàn toàn lệ thuộc vào tình thương bao la của Chúa, một tình thương mà ông ấy hay coi thường và khước từ. Lời cầu nguyện của người lữ hành là lời cầu nguyện mà tất cả chúng ta đọc với cả tấm lòng thành trong suốt ngày là: “Ôi lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi.”

Người Biệt phái và người thu thuế đã vào trong nhà thờ. Cả hai cùng cầu nguyện. Chỉ có một người khiêm tốn vừa đủ để nhận ra nhu cầu của ông ấy để xin ơn chữa lành qua bàn tay của Chúa. Chỉ có một người cầu nguyện bởi vì chỉ có mình ông ta nhận ra rằng ông thực sự cần đến Chúa. Và sau cùng người thu thuế tội lỗi ra về trong an bình và hạnh phúc trong tình yêu thương của Chúa. Amen.


Lm. Phanxicô Bùi Quyết, SDD