PDA

View Full Version : L - Lời Tạ Ơn



Dan Lee
10-09-2010, 04:15 PM
Chúa nhật 28 TN C

2 V 5, 14-17; 2 Tm 2, 8-13; Lc 17, 11-19

LỜI TẠ ƠN

Những ngày còn ngồi mài ghế nhà trường, cứ sáng sáng dự Thánh Lễ chung với anh em, thi thoảng đến phiên dọn bài hát cho Thánh Lễ. Chẳng hiểu sao tôi lại cứ thích chọn cái bài : “Lời tạ ơn con dâng lên Chúa khi nắng hồng vừa mới lên khi hoàng hôn đang xuống dần, xuống dần. Vì ngàn hồng ân như muôn lớp sóng … Xin dâng lên Ngài”.

Thật sự ra mà nói, mỗi ngày, mỗi ngày trong cuộc đời của con người là chuỗi ngày hồng ân. Chuyện quan trọng đó là người ta có nhận ra ơn để người ta cảm ơn người thi ân giáng phúc cho đời ta không mà thôi.

Không ai là một hòn đảo ! Con người sống trên cuộc đời luôn cần đến nhau, luôn cần có nhau ngay như sỏi đá kia cũng cần có nhau. Người này giúp người kia và người kia giúp người nọ để con người hoàn thành sứ mạng của đời mình. Những người có lòng thật sự khi giúp người khác thì họ chẳng mong nhận lại sự đáp trả nhưng với nghĩa cử của con người, lòng biết ơn không chỉ dừng lại ở chỗ xã giao nhưng còn nói lên cách xử sự là người của mình.

Nhận ơn từ con người còn phải nhớ ơn huống hồ chi ơn đó tự ơn trên. Nếu đó là ơn trên thì người ta còn phải biết ơn nhiều hơn và người ta đáp đền nhiều hơn.

Hôm nay, chúng ta được nghe lại câu chuyện của một con người đã nhận ơn từ trên xuống. Câu chuyện hôm nay nằm ở trong sách các Vua quyển thứ 2 và nằm trong chương 5.

Đọc câu chuyện này ta nên đọc từ đầu để hiểu rõ hơn câu chuyện, hôm nay, chúng ta chỉ nghe một đoạn trích nên cũng chưa hình dung ra hết được câu chuyện.

Chuyện là ngày xửa ngày xưa có một người tên là Naaman, tướng chỉ huy quân đội của vua Aram. Ông là người có thần thế và uy tín trước mặt Đức Chúa vì Đức Chúa đã dùng con người của ông để làm cho quân Aram chiến thắng. Dẫu thế nhưng Naaman lại mắc cái chứng bện phong hủi. Người giúp việc cho vợ của Naaman đã “mách nước” cho bà rằng phải nói với Naaman đến gặp vua để xin vua cho ông đi chữa bệnh phong hủi. Vua tức tối bảo là ông không có cầm quyền sinh tử để mà Naaman đến với vua để chữa khỏi bệnh.

Sau đó, Elisa biết vua Israel đã xé áo mình ra và Elisa sai người đến với vua để báo cho vua biết là có một ngôn sứ ở Israel. Sau đó sứ giả của ngôn sứ bảo Naaman đi dìm mình 7 lần ở sông Gioan thì da thịch sẽ trở nên như trẻ nhỏ. Nghe như vậy, Naaman nài ép Elisa nhận lễ phẩm nhưng Elisa không nhận.

Tiếc thay, Giekhadi là đệ tử của Elisa đã lén nhận lễ phẩm của Naaman. Câu chuyện được kết thúc rằng Giekhadi đã chịu chứng phung hủi từ Naaman.

Ta nhớ lại câu nói của Naaman với Elisa khi giằng co chuyện lễ phẩm sau khi Elisa hứa việc chữa khỏi phong cho Naaman. Naaman có nói một câu : “Ông Na-a-man nói: "Nếu ngài từ chối, thì xin cho phép tôi tớ ngài đây mang về một số đất vừa sức hai con lừa chở được, vì tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài Đức Chúa”.

Chuyện đã rõ về tâm tình, tấm lòng biết ơn của Naaman. Naaman khẳng định rằng ông không có dâng lễ toàn thiêu cho thần nào khác ngoài Đức Chúa vì lẽ ông đã nhận ơn từ Đức Chúa. Ông không phải là đền ơn Elisa, đền ơn Giekhadi nhưng là đền ơn, biết ơn với Đức Chúa là Chúa Thương đã chữa lành ông.

Tâm tình biết ơn của Naaman là tâm tình tuyệt vời. Nói thì dễ nhưng khi đối diện với thực tế thì hoàn toàn khác. Nhiều và rất nhiều người đã thụ ơn nhưng hình như đã vô ơn với người ban ơn cho mình.

Một bằng chứng hết sức cụ thể trong câu chuyện nhày hôm nay qua trang Tin mừng theo Thánh Luca. Thánh Luca hôm nay thuật lại chuyện Chúa Giêsu đang đi rao giảng Tin mừng. Đang đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê, vào làng kia thì có mười người phong hủi đến đón Chúa Giêsu và xin Chúa Giêsu chữa lành. Chúa Giêsu đã chữa lành cho họ khi nghe lời cầu xin của họ.

Thay vì chữa họ lành ngay tức khắc, Chúa Giêsu muốn thử thách lòng tin của họ. Cũng như ngày xưa, ngôn sứ Êlisa sai môn đệ nói với quan Naaman, người Siri rằng: "Quan hãy đi tắm ở sông Giođan bảy lần", Chúa Giêsu chỉ đáp lại bằng một câu đơn giản, như một lời hứa sẽ chữa lành: "Hãy đi trình diện với các tư tế. Thật vậy, vào thời đó, các thầy tư tế có quyền chẩn đoán bệnh phong cùi và công bố người mắc bệnh ấy là "không sạch ", thì họ cũng có quyền kiểm tra khi người ấy khỏi bệnh (Lv 14;3) và công bố chính thức người ấy được tái hội nhập vào cộng đoàn.

Khác với vị tướng lãnh Siri, lúc đầu đã từ chối thi hành điều người của Chúa truyền dạy, mười người phong cùi ở đây tức tốc thi hành, không mảy may chần chừ. Vậy "đang khi đi thì họ được sạch”. Một việc chữa bệnh từ xa, được Luca tường thuật cách hết sức kín đáo, làm nổi bật quyền năng của lời Chúa Giêsu nói.

Trước khi chữa lành, Chúa Giêsu đã “bày” cho họ là đi trình diện với các tư tế là mình được sạch bệnh để mình hòa nhập vào cộng đoàn vì lẽ những ai bị bệnh cùi thì bị cách ly khỏi cộng đoàn. Tất cả mười người đều được chữa lành nhưng kỳ lạ là duy nhất chỉ có một người trong nhóm của họ quay lại để cảm ơn Chúa Giêsu.

Hành động của người phong cùi duy nhất này đã gây nên sự ngạc nhiên với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu biết là Chúa Giêsu chữa cho đủ mười nhưng chỉ có một quay lại mà thôi.

Chúa Giêsu tỏ ra bất bình với chín người phong cùi kia vì họ đã không đến tôn vinh Thiên Chúa. Tạ ơn thì đã hẳn nhưng còn tôn vinh Chúa và lòng tin mới là chóp đỉnh của trình thuật chữa lành. Tất cả mười người phong cùi đều được khỏi bệnh thế nhưng chỉ có người Samaria biết ơn Chúa mới công bố là được cứu. Vậy thì ơn cứu độ con quan trọng hơn ơn chữa lành phần xác. Và đức tin trọn vẹn của người quay trở lại tạ ơn thì mạnh hơn lòng tin tưởng đã thúc đẩy mười người ra đi trình diện với tư tế ngay cả trước khi họ được lành bệnh. Việc lành bệnh chỉ mở ra ơn cứu độ toàn diện cho con người, nếu họ nhìn nhận sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa đối với mình, và nếu họ đáp trả bằng cách dấn thân vào mối tương quan thực sự với Chúa Giêsu: như thế mới là đức tin trọn vẹn.

Câu chuyện mười người phong cùi được Chúa Giêsu chữa lành mà chỉ có một người trở lại tạ ơn, cũng chính là hình ảnh thường xảy ra với chúng ta, khi lâm cảnh túng cực, chúng ta biết tìm đến sự cầu nguyện: "Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi ". Chúa Giêsu tiếp đón mười người phong cùi đứng đàng xa lớn tiếng van xin người. Ngài sai họ đi trình diện với các tư tế và họ đón nhận lời Ngài với lòng tin. Họ được khỏi bệnh đang lúc đi đường. Nhưng họ mới đi được nửa con đường họ phải đi. Tất cả mười người đều được khỏi bệnh, nhưng chỉ một người duy nhất nghe được câu nói khiến anh khám phá ra Chúa Giêsu "Hãy đứng dậy, lòng tin của anh đã cứu anh". Anh đã biết quay trở lại con đường cũ. Con đường ấy đã dẫn anh đến lời tạ ơn.

Như vậy, có nhiều con đường dẫn đến Chúa Giêsu: có con đường đưa ta đến với người khi ta lâm cơn quẫn bách, và có con đường dẫn ta quay trở lại với Ngài để nhận biết Ngài. Rất nhiều kẻ chỉ đi con đường thứ nhất. Họ không bị khước từ và được hướng dẫn từ chuyến đi ấy. Đó mới là bước đầu. Thiên Chúa không keo kiệt khi ban ân huệ của Ngài: Ngài không cân đo lòng biết ơn của ta. Nên có nhưng kẻ tiến xa hơn và trở nên môn đệ. Họ được hưởng ân huệ quý giá hơn nhiều, đó là được mạc khải một đức tin cứu độ: "Lòng tin của anh đã cứu anh ". Họ cảm nhận được một điều gì đó thuộc về mầu nhiệm Chúa Giêsu; họ tiến vào mối quan hệ hỗ tương với Người, mối tương quan của lời tạ ơn.

Chúa Giêsu đã chữa lành nhiều người, đó là điều không thể hồ nghi. Mỗi trang sách Tin Mừng đều chứng thực điều đó. Ngoài ra, làm sao Chúa Giêsu có thể làm cho người ta tin phục mình là Đấng Mêsia, nếu Người đã không chữa bệnh? Vì đó là điều kiện cần thiết, phải có ở thời buổi của Người, điều mà người ta còn gặp thay nơi tất cả các vị lãnh đạo tôn giáo thời nay. Vậy phải chăng Chúa Giêsu chỉ là người chữa bệnh? Chắc chắn không phải như vậy? Chúa Giêsu đến không phải để chữa bệnh, mà để cứu độ. Có thể nói rằng khi Người chữa bệnh là dấu chỉ người cứu độ. Ngài không nói: "Lòng tin của anh dã chữa anh lành ", nhưng nói: "Lòng tin của anh đã cứu anh ".

Nhớ lại lời kinh tiền tụng chung : “… Những lời tạ ơn của chúng con chẳng thêm gì cho Chúa nhưng mang lại cho chúng con ơn cứu độ đời đời …”.

Vâng ! Chúng ta có ta ơn Chúa hay không thì Chúa cũng chẳng được thêm gì cả vì Chúa vẫn là như thế, Thiên Chúa vẫn là một Thiên Chúa mãi mãi quyền năng và quyền phép vô cùng. Lời tạ ơn diễn tả niềm tin đó mới là chuyện quan trọng. Lời tạ ơn và lối diễn tả niềm tin sẽ mang lại cho chúng ta ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa ban cho những ai tin cậy Ngài.

Nguyện xin Chúa mở lòng chúng ta để chúng ta thấy ân huệ của Chúa tuôn đổ trên cuộc đời chúng ta như Chúa đã tuôn đổ trên cuộc đời của Naaman và cuộc đời của người phong hủi biết tạ ơn sau khi Chúa chữa lành. Xin tạ ơn Chúa để được Chúa thương hơn và đáng được hưởng ơn cứu độ của Chúa hơn.

Anmai, CSsR