PDA

View Full Version : T - Tâm Tình Biết Ơn (CN 28 TN Năm C



Dan Lee
10-09-2010, 03:31 PM
TÂM TÌNH BIẾT ƠN (CN 28 TN Năm C)


Bạn thân mến,

Thánh lễ Misa còn được gọi là “Lễ Tạ Ơn”. Khi tham dự thánh lễ, chúng ta tạ ơn Chúa vì những ơn lành Ngài đã thương ban, đặc biệt các ơn Ngài ban qua Con Một Ngài là Đức Giêsu Kitô. Thánh lễ là ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa. Công đồng Vatican II trong Hiến chế về Phụng vụ, đoạn 7 có ghi: “Thánh lễ lớn lao là hành động trung tâm tôn giáo của chúng ta là những người Công giáo. Bởi vì thánh lễ là hành động của Đức Kitô Thượng Tế và Thân Thể Ngài là giáo Hội, đó là một tác động thánh vượt trên hết cả mọi cái khác. Không có gì có thể ngang với sức mạnh quyền năng của Thánh Lễ, có thể tahy thế sự quan trọng của Thánh lễ.”

Bàn tiệc lời Chúa, Chúa nhật 28 hôm nay: Sách Các Vua trong bài đọc I tường thuật chuyện ngôn sứ Êlisê hướng dẫn tướng Naaman người xứ Aram để được khỏi cùi. Thánh Phaolô trong bài đọc II nhắn gởi tín hữu Timôtê: Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Đức Kitô. Dù đang chịu cảnh khổ sở vì bị giam trong tù, nhưng Ngài vẫn ca tụng Thiên Chúa và quyết cùng chết với Chúa Giêsu để được cùng sống với Ngài. Thánh sử Luca trong Tin Mừng chúa nhật tuần này nói đến việc Chúa Giêsu chữa 10 người khỏi bệnh cùi, nhưng chi tiết đánh động chúng ta nhất hẳn là thái độ biết ơn của người Samaria, một lương dân. Mỗi người chúng ta cũng tìm được bài học cụ thể cho mình qua thái độ vô ơn của 9 người cùi Do thái có đạo.

Sự tương phản giữa lòng biết ơn của người Samaria và sự vô ơn của chín người khác vẽ nên một đường ranh phân biệt giữa những người Do Thái và người mà chính Chúa Giêsu nói đến như một người ngoại.

Theo Đức Cha Daloz: Câu chuyện mười người phong cùi được Đức Giêsu chữa lành mà chỉ có một người trở lai tạ ơn, cũng chính là hình ảnh thường xảy ra với chúng ta, khi lâm cảnh túng cực, chúng ta biết tìm đến sự cầu nguyện: “Lậy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi”

Thật vậy, thông thường khi gặp đau khổ, bất trắc, chúng ta lại cầu nguyện sốt sắng thống thiết, nhưng khi hoạn nạn túng cực qua rồi chúng ta lại quên cám ơn Chúa.

Thi sĩ Lamatine người Pháp đã kể lại giai thoại sau đây. Một hôm ông tình cờ đi qua khu rừng thì nghe một âm thanh kỳ lạ: cứ sau một tiếng búa đập vào đá lại vang lên một tiếng cám ơn! Đến nơi thi sĩ thấy một người thợ đá đang miệt mài làm việc. Cứ mỗi lần gõ búa vào phiến đá, ông lại thốt lên tiếng cám ơn. Thi sĩ hỏi thì người thợ đá giải thích: tôi tạ ơn Chúa. Ngạc nhiên về lòng tin của một người mà cuộc sống hẳn phải lam lũ, lầm than hơn nhiều người, thi sĩ bảo: “Giả như bác được giầu có thì tôi hiểu tại sao bác không ngừng thốt lên tiếng cám ơn. Đàng này Thiên Chúa chỉ nghĩ đến bác có mỗi một lần duy nhất, đó là lúc Ngài tạo nên bác. Sau đó Ngài ban cho bác có mỗi cái búa này để rồi không ngó ngàng gì tới bác nữa, thế thì tại sao bác lại mỏi miệng cám ơn Ngài?”

“Ông nghĩ rằng Chúa chỉ nghĩ đến tôi có một lần thôi sao?” Người thợ đá trả lời. Lamatine bèn thách thức: “Chúa chỉ nghĩ đến bác có một lần thôi!” Người thợ đá nghèo nhưng đầy lòng tin náo nức thốt lên: “Tôi nghĩ điều đó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Ông hãy nghĩ rằng Thiên Chúa đã đoái thương nghĩ đến một người thợ đá thấp hèn như tôi, và chỉ một lần thôi, vậy không đủ cám ơn Ngài sao? Vậy, cám ơn Chúa, cám ơn Chúa!” Nói xong, người thợ đá đã bỏ mặc cho thi sĩ đứng đó và tiếp tục điệp khúc quen thuộc của ông, vừa đập đá vừa cám ơn Chúa!

Bạn thân mến,

Lời cảm tạ tốt nhất chúng ta có thể dâng lên Chúa, thiết nghĩ là cố gắng sống xứng đáng với tình thương và lòng nhân từ của Người, ngày một hơn lên:


Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi.

Chớ khá quên mọi ân huệ của Người (TV 103,2).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu chữa lành 10 người phong cùi bằng cách sai họ đi trình diện với tư tế. Họ được chữa lành khi làm theo lời Ngài, nhưng kỳ thực có phải cả 10 người cùi đã được chữa lành không?

Xem chừng Tin Mừng muốn nói với chúng ta rằng, chỉ có một người được chữa lành, đó là người ngoại bang Samaria bởi vì ông không những được lành nơi thân xác mà còn được chữa lành cả trong tâm hồn, như lời Chúa Giêsu: “Lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi” (Lc 17,19).

Đức tin nhìn nhận rằng: Chúa Giêsu không những là nguồn mạch duy nhất chữa trị ta về phần xác mà Ngài còn mang lại niềm vui, sức sống hy vọng cho tâm hồn. Chính đức tin đã khiến cho người xứ Samaria đến sấp mình dưới chân Chúa để cảm tạ và thờ lậy Ngài. Người Samaria này không chỉ thấy mình đã khỏe thân xác, mà còn nhận được sức sống niềm tin bừng dậy trong tâm hồn, đó mới là điều quan trọng.

Thật vậy, tất cả mọi phép lạ Chúa Giêsu thực hiện đều nhằm đến việc phục hồi sức khỏe tâm linh. Dĩ nhiên, Đức Giêsu mang đến cho con người ơn cứu rỗi toàn diện, còn việc được no cơm ấm áo, được khỏe mạnh nơi thân xác, Chúa Giêsu chỉ cần làm một cử chỉ hoặc Ngài chỉ phán một lời thì nhân loại đạt được giấc mơ ấy.

Nhưng, đó không phải là đường lối của Thiên Chúa. Ơn cao cả nhất mà Thiên Chúa ban tặng và Tin Mừng vĩ đại nhất mà Ngài mang đến cho con người trước hết là niềm tin.

Có niềm tin là làm được tất cả. Chúa Giêsu đã chẳng nói với chúng ta sao: Đức tin của con đã cứu con.

Nối tiếp ý tưởng của bài tuần trước và “cám ơn” là chủ đề chính của tuần này qua dụ ngôn Chúa chữa 10 người phong cùi được lành. Tu Đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ Nhà Chúa chúng con xin dâng lời tri ân cảm tạ Chúa vì muôn hồng ân Ngài đã ban cho Tu Đoàn nhỏ bé của chúng con. Và chúng tôi cũng muốn gởi lời chân thành cám ơn đến từng quý ân nhân cách này cách khác đã giúp đỡ Tu Đoàn chúng tôi trong những năm qua. Nhờ lời cầu bầu thần thế của Đức Nữ Trinh Maria Mân Côi, nguyện xin Chúa chúc lành và trả công bội hậu cho quý vị cùng thân quyến.

Giấc mơ thông thường của con người là được giầu sang, quyền bính, sức khỏe, nhưng Thiên Chúa lại mở ra cho chúng ta một chân trời mới đó là chân trời của Đức Tin. Có đức tin là có sức mạnh để đương đầu với mọi thử thách khổ đau của cuộc sống. được chữa lành mọi thứ bệnh phong cùi của thất vọng, ích kỷ, tham lam.

Cuộc sống là một chuỗi dài những ân huệ nối tiếp theo nhau. Những ân huệ này đan xen với những ân huệ khác. Có những ơn do nơi Thiên Chúa, và cũng có những ơn đến từ con người. Nếu cuộc sống là lãnh nhận thì người ta sẽ như thế nào nếu không hề biết nói hai tiếng cám ơn, hoặc chẳng bao giờ bày tỏ tấm lòng tri ân! Trong cuốn: “Nói với chính mình” Đức Cha JB. Bùi Tuần, nguyên Giám mục giáo phận Long Xuyên có viết: Tôi rất thích chó vì chó biết ơn. Dầu chỉ nhận được một cục xương, chó cũng tỏ vẻ biết ơn. Chủ đi đâu về, chó cũng vẫy đuôi mừng rỡ. Trong khi đó, con người vô ơn lại là chuyện bình thường.

Có câu chuyện kể rằng, một hôm Chúa sai hai thiên thần xuống trần gian đi làm nhiệm vụ, đúng hẹn hai thiên thần trở về, một vị đeo cái giỏ nặng trĩu, thấy vị kia đeo cái giỏ nhẹ tênh, hầu như không có gì bèn nói: Chúa sai tôi xuống trần gian thâu tất cả những lời cầu xin, nhưng nhiều qúa nên giỏ của tôi rất nặng. Còn ngài, ngài đã làm gì mà sao cái giỏ của ngài nhẹ qúa vậy? Vị kia trả lời: “Tôi xuống trần gian để thu tất cả những lời tạ ơn, nhưng chẳng có bao nhiêu”. Câu chuyện trên phần nào nói lên một thực tế của con người và giúp chúng ta hiểu được bài Tin Mừng mà Giáo hội đưa ra cho chúng ta suy gẫm tuần này cũng như trong suốt cuộc hành trình trần thế của chúng ta.

Vậy, noi gương người bệnh phong Samaria, chúng ta hãy chạy đến với Chúa, sấp mình dưới chân Chúa để thờ lậy, cảm tạ tri ân Ngài. Vì Ngài đã ban cho chúng ta ơn Đức tin, đưa chúng ta vào chân trời của sự sống, của niềm vui đích thực và của hy vọng tràn đầy. Nguyện cho sức sống đích thực mà Ngài trao ban cho chúng ta hôm nay chữa lành được bệnh hoạn cùi hủi của tâm hồn chúng ta. Và với một tâm hồn tràn ngập hân hoan, chúng ta cũng hãy mau mắn ra đi chia sẻ tin mừng cứu độ của Ngài cho tất cả mọi người.


Xin mượn lời của thánh Inhaxiô thay cho lời kết:

“ Tội lớn lao hơn cả là tội vô ơn “

Chúc Bạn luôn xứng đáng với danh hiệu, là người biết tri ân cảm tạ Thiên Chúa và cám ơn người.

Lm. Phêrô Nguyễn văn Phong, SDD.