PDA

View Full Version : Phim truyện lịch sử Việt Nam



lait
10-03-2010, 12:47 AM
Nhân dịp 1000 năm Thăng Long
Đài tuyền hình Việt Nam có làm 1 phim chuyện “Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới Thăng Long”

Phim truyện lịch sử Việt Nam - vì sao khó làm?

Thật đáng tiếc là phim Lý Công Uẩn lại không giao cho hãng phim truyện Việt Nam làm. Chỉ vì tranh luận mà nhà quản lý sợ không giao dự án nữa, nên mới có chuyện việc làm phim của công ty Trường Thành đầy chất nghiệp dư chăng?

Bộ phim “Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới Thăng Long” của công ty Trường Thành vừa ra đời, lập tức đã có nhiều tranh cãi gay gắt. Là một nhà làm phim, tôi đã xem xét rất kỹ nhiều ý kiến đăng tải trên các báo, website, blog về vấn đề này, quả thật buồn nhiều hơn vui. Chê hay khen, ủng hộ hay công kích, không bằng chia sẻ chân thực những ý nghĩ và việc làm của chính mình, của đơn vị tôi phụ trách là Hãng phim Hội Nhà văn, một hãng phim có kinh nghiệm hợp tác làm phim với Trung Quốc.

1. Có lẽ, đa số người lên tiếng chê phim là có màu sắc Trung Quốc đều chưa xem phim. Nên chăng, nhà sản xuất nên tổ chức chiếu giới thiệu cho một bộ phận nhỏ đối tượng, như các học giả, các nhà báo, nhà văn, nhà chuyên môn làm phim và nhà quản lý văn hoá. Gọi là chiếu nghiên cứu, chưa phổ biến, cũng được. Sau khi xem phim rồi, mới nên căn cứ vào đó mà khen chê nhau. Tôi không có ý bênh công ty Trường Thành, nhưng có như vậy khen chê mới thấu tình đạt lý.

Thực tế đã xảy ra việc một tiến sĩ sử học có trong tay chỉ là bản kịch bản phim, nhưng vẫn cứ đi kiện nội dung bộ phim mà hãng chúng tôi làm ra. Vì khi sản xuất phim, chính tác giả kịch bản và đạo diễn đã sửa thoại rồi, sau đó vì ông ta chót kiện rồi, thì cố bới ra lỗi khác để tiếp tục kiện. Lại có một tờ báo đăng bức ảnh một cảnh quay trong phim chúng tôi làm ở trường quay, nhưng thực ra đó chỉ là cảnh ở trường quay, còn trên phim thì đã qua khâu kỹ xảo, những râu ria bị tẩy hết rồi, và bị cắt cúp cảnh, vì đạo diễn hình ảnh không ngớ ngẩn như vậy. Những bức ảnh lưu hành trên mạng về phim Trần Thủ Độ và phim của công ty Trường Thành là rất đậm mầu sắc Trung Quốc, nhưng tôi vẫn nghĩ, lẽ nào nhà sản xuất lại để như vậy. Cái mái lầu kia là ngói ống Trung Quốc, biết đâu khi lên phim các nhà làm phim đã tẩy nó đi, thay vào đó là ngói vảy âm dương của Việt Nam rồi thì sao? Nếu thế các nhà khen chê chẳng phải là bị một phen "việt vị" ư? Mà câu chuyện phim cũng chưa ai biết nó như thế nào, tôi tin rằng, kịch bản có lẽ là vấn đề nặng nề hơn, so với việc cảnh phim "trông giống phim Trung Quốc".

2. Ông Phan Cẩm Thượng có trả lời phỏng vấn về việc làm phim của công ty Trường Thành rồi kết luận “Việt Nam chưa thể làm phim lịch sử”, là do ông có những trải nghiệm, quan sát người Trung Quốc làm phim. Nhưng sau đó ông lại nói "điện ảnh là nghệ thuật". Đúng, không ai phủ nhận điện ảnh là một nghệ thuật, nhưng ông Thượng chưa diễn đạt được ý tiếp theo: Điện ảnh là một nền công nghiệp. Vì có quá nhiều người không hiểu nổi điện ảnh là một ngành công nghiệp, nên không hiểu vì sao Việt Nam chưa làm được phim hay.

Hiện nay, một bộ phim là kết quả của một dây chuyền công nghệ hiện đại, thâu nạp trong nó cả những ngành khoa học kỹ thuật hiện đại nhất. Điện ảnh hiện đại có cơ sở hạ tầng riêng cho nó, có hệ thống các ngành phụ trợ cho nó. Nôm na có thể ví dụ như nền công nghiệp ôtô. Ai cũng hiểu để làm ra một cái ô tô, phải có nền công nghiệp phụ trợ, rồi có tiến trình nội địa hoá dần dần. Nhưng lại rất ít người, đặc biệt là nhà quản lý văn hoá, chịu hiểu rằng, để làm ra một phim truyện tử tế như Hollywood hay chí ít Trung Hoa lục địa đã làm, thì cũng cần một nền công nghiệp điện ảnh có hạ tầng không kém nền công nghiệp ôtô, thậm chí mức độ công nghệ còn hơn vì kỹ thuật quang học, kỹ thuật vi tính có lẽ áp dụng tất cả thành tựu mới nhất trong điện ảnh. Tại Hoành Điếm, có hàng trăm hécta với 11 trường quay, có một khu công nghiệp với hơn 100 công ty điện ảnh, chuyên cho thuê từ ống kính hàng chục triệu đồng một ngày, đến việc cho thuê cái chổi cùn thế kỷ 19. Có công ty làm kỹ xảo mà giá trị một phút phim có thể tính bằng tiền triệu đôla, có các công ty làm bối cảnh sao cho giống thật nhất để rồi… đốt đi.

Có lẽ nên biên tập lại ý của ông Phan Cẩm Thượng là: Việt Nam hiện nay chưa có ngành công nghiệp điện ảnh đủ làm một bộ phim cạnh tranh được trên thị trường phim ảnh thế giới. Nếu cách đây 10 năm, nhà quản lý văn hóa khôn ngoan chuẩn bị một trường quay và một số cơ sở thiết yếu cho điện ảnh, thì có thể năm 2009 có thể bắt tay làm được một phim lịch sử có thể xem được chào mừng 1000 năm Thăng Long. Còn nói như một số người, chỉ nên làm phim tại Việt Nam hiện nay, thì hoặc là nói để mà nói, hoặc là không hiểu gì về việc làm phim. Nếu làm phim như ở Việt Nam, thì cố gắng lắm cũng như Tây Sơn hào kiệt, hoặc nói một cách ví von thì, giống như bảo làm cái ôtô “made in Vietnam”, có lẽ chỉ làm ra cái xe công nông mà thôi. Lại có người bảo, cứ đi quay ở Bái Đính là ra Hoa Lư, quay ở Huế là ra Thăng Long, thì thật là hồ đồ, không hiểu làm phim thế nào.

3. Trong điều kiện như Việt Nam, hoàn toàn thiếu thốn như vậy, thì những nhà sản xuất phim muốn nhanh chóng làm ra một bộ phim lịch sử, tất yếu phải nghĩ đến việc tận dụng cơ sở hạ tầng của điện ảnh Trung Quốc. Vấn đề là làm như thế nào mà thôi. Có lẽ, cần 2 yếu tố, một là việc làm phim phải được trao vào tay các nhà chuyên môn có kinh nghiệm, hai là việc làm phim với Trung Quốc cũng cần phải hiểu đối tác, lựa chọn một phương thức hợp tác thích hợp để đạt mục tiêu của mình là làm ra một phim Việt Nam. Có thể lấy Hàn Quốc làm kinh nghiệm tốt. Họ cũng quay phim tại Trung Quốc, nhưng lại làm ra bộ phim Hàn Quốc. Cũng như Nhật Bản có do dự gì khi lắp ráp ôtô ở nước ngoài, và vẫn lắp ra ôtô nhãn hiệu Nhật Bản. Vậy thì nhà làm phim có bản lĩnh, thế giới chính là trường quay của ông ấy, nội dung phim sẽ nói ông ấy là thế nào. Vấn đề là sở hữu trí tuệ trong một tác phẩm. Theo dõi các tranh luận về phim của công ty Trường Thành, tôi thấy không phải lỗi là “làm phim ở Trung Quốc”, mà là lỗi ở những người Việt Nam đi làm việc với Trung Quốc. Công ty Trường Thành đã cố gắng mời các chuyên gia văn hoá nhưng đó cũng chưa phải chuyên gia về lĩnh vực làm phim. Có thể là họ không thổi được cái bản lĩnh sáng tạo vào tác phẩm điện ảnh nên mới ra nông nỗi ấy.

Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam đã hợp tác với các đơn vị Trung Quốc làm 2 phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông và Hà Nội - Hà Nội, hiện nay lại đang thuê Trung Quốc làm dịch vụ kỹ thuật phim Vượt qua bến Thượng Hải, và các phim này đều được đánh giá tốt. Một là, vì những đề tài phim chúng tôi chọn phù hợp với việc hợp tác với Trung Quốc, không có yếu tố bối cảnh và con người Trung Quốc là không được, không ảnh hưởng đến việc suy diễn có thể có hại đến hợp tác. Hai là, chúng tôi huy động được 2 yếu tố thành công như đã nói ở trên: đoàn làm phim và các tác giả có chuyên môn cao, hợp tác với Trung Quốc có nguyên tắc và hiểu biết lẫn nhau, mục tiêu là làm phim Việt Nam, nói về con người Việt Nam. Tuy vậy, cũng khá nhiều vấn đề mà nếu buông ra, có thể làm cho bộ phim hỏng, mà chỉ có người làm chuyên môn mới hiểu và xử lý được. Công ty Trường Thành đã mời được đạo diễn Trung Quốc không tầm thường đâu, nhưng lại để cho một đạo diễn Việt Nam mới toe làm đối tác, thì khó có thể có kết quả tốt được.




http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A2/0F/BC/hoa.jpg
Cảnh trong phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" của công ty Trường Thành.

Điện ảnh Trung Quốc là một nền công nghiệp, có thị trường, Nhà nước không hỗ trợ tiền để làm phim như ở Việt Nam, các dịch vụ điện ảnh là thuần tuý thương mại. Họ có trường quay, có công ty làm bối cảnh, may trang phục, anh đến đặt hàng thì vấn đề là anh đặt hàng thế nào lại để họ ép anh, tôi thực sự không hiểu? Có thể nhà sản xuất Trường Thành quan niệm về việc làm phim tương đối đơn giản, dẫn đến chủ quan. Hoặc nhà sản xuất quan niệm chỉ có phim là chiếu được, rồi thu tiền về chăng? Nếu vậy, cú thất bại này sẽ là bài học cho nhà sản xuất.

4. Cách đây 3 năm, hãng phim Hội Nhà văn có khởi động một dự án làm phim về Vua Đinh và kinh đô Hoa Lư. Chúng tôi quan niệm, những đề tài lịch sử chính yếu, nòng cốt cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long có thể chỉ nên dành cho các hãng phim lớn, có nhà nước đầu tư lớn. Do vậy nên chúng tôi chọn đề tài Hoa Lư và Vua Đinh (và có lý do như sẽ nói sau đây). Hãng phim đã đầu tư làm kịch bản trong 2 năm. Để chuẩn bị cho việc làm phim, chúng tôi có gửi thư mời đến các cơ quan Trường, Viện nghiên cứu, đến nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ, văn hoá đề nghị hợp tác về tư liệu và tư vấn. (Trong đó có tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Tống Trung Tín… và các chuyên gia khác quan tâm đến Hoa Lư).

Gửi thư đi các nơi, sau đó có khoảng mươi nhà nghiên cứu hồi âm, chúng tôi có trả nhuận bút tuy không lớn, nhưng cũng là một sự cố gắng của Hãng phim. Chúng tôi có cảm giác mình rất cô độc trong lĩnh vực làm phim lịch sử, và rất ít người quan tâm đến chủ đề đưa Vua Đinh lên màn ảnh. Toàn bộ khối tư liệu đó, tuy rất ít ỏi nhưng được xử lý và chuẩn bị bối cảnh. UBND tỉnh Ninh Bình có hỗ trợ 200 triệu đồng để chuẩn bị làm phim.

Sau khi thực sự bắt tay vào chuẩn bị làm phim, chúng tôi thấy mình đã húc vào một vấn đề quá lớn và ý thức được rằng, nếu làm phim ra, chắc chắn sẽ là đề tài tranh luận gay gắt. Ai biết kinh đô Hoa Lư khi đó thế nào? Ai biết vua Đinh mặc gì, nói gì? Ai biết các sứ quân mặc quần áo thế nào? Lê Hoàn khi làm tướng mặc gì? Dương thị trang phục thế nào? Hay triều đình Ngô Nam Tấn Vương, Ngô Thiên Sách Vương ăn mặc và thiết triều ra sao? Chúng tôi có trao đổi với một số nhà chuyên môn, và sơ bộ thống nhất là trang phục của nhà Đinh, nhà Lê, cho đến đầu Lý là trang phục ảnh hưởng của thời Đường.

Việc nghe tin các đoàn làm phim của ta đi làm phim về Lý Công Uẩn mà làm trang phục thời Tống, là chệch hoàn toàn. Nhưng thiết kế cụ thể trang phục thế nào? Quả là một núi khó khăn. Toàn bộ cơ sở hạ tầng của Trung Quốc có thể sử dụng được, vấn đề là anh vẽ cái gì trên đó.

Đối tác Trung Quốc nói với tôi: Bất kỳ cái gì ở Việt Nam chưa có, thì Trung Quốc có, đó là kỹ thuật, kỹ xảo, là kinh nghiệm quay đại cảnh, quay ngựa, quay cung đình, là âm thanh hiện đại, là hóa trang, là đạo diễn hiện trường... Cái gì Trung Quốc không có thì các anh phải mang đến: đạo diễn, kịch bản, diễn viên, trang phục, bối cảnh, lời thoại... Chúng tôi suy nghĩ: Khâu dễ nhất có thể xử lý được là ngôn ngữ, nhưng nếu Việt Nam chưa chủ động được may trang phục, chưa chủ động được xử lý bối cảnh, sẽ rất dễ dẫn đến việc làm ra phim giống Trung Quốc. Vậy thì chúng tôi phải hỏi ai? Ai cũng giới thiệu bà Tình, tôi cũng đọc sách của bà Tình, rồi giới thiệu hoạ sĩ này họa sĩ kia… Nhưng tôi có một linh cảm, người nghiên cứu trang phục ở Việt Nam chưa phải là người làm trang phục cho phim, họa sĩ nổi tiếng cũng chưa phải hoạ sĩ mỹ thuật phim, kiến trúc sư danh tiếng cũng chưa phải nhà làm bối cảnh phim. Còn những người có chức danh đó vốn đã làm phim ở Việt Nam thì lại hoàn toàn mới khi làm phim lịch sử. Thậm chí, nhà phê bình của ta cũng chưa phải nhà phê bình phim. Người ta hay nhầm, người làm gì ngoài đời thì cũng thuê người đó làm trên phim. Có lẽ nghĩ thế thì ông Lý Huỳnh mới thuê võ sĩ đánh võ trên phim, nhưng sau đó thì cảnh đánh võ của ta lại không giống thật, mà những người đánh võ kinh hồn bạt vía ở phim Tàu, thì hóa ra lại chả phải võ sĩ giỏi giang gì. Hãy đến xem những cái nhà dùng làm bối cảnh quay phim ở phim trường Hoành Điếm, mới hiểu tại sao phải làm phim trường. Hiện nay, ở Việt Nam vác máy quay đi thuê quán cà phê để quay quán cà phê, thuê nhà dân để quay căn hộ, sao lên phim cứ giả giả? Đó là vì nhà dân hay quán cà phê không phải chỗ để anh có thể đặt máy quay, đặt ray trượt, chiều cao không cho phép anh đặt máy đúng góc, tường nhà không cho anh đặt đèn chiếu sáng đúng chỗ. Đó chỉ là một trong vô vàn lý do tại sao phải có trường quay.

Vâng, nếu thế, ai đi đầu làm phim lịch sử Việt Nam cũng sẽ là vật thí nghiệm và phải rất cẩn thận. Kỹ thuật thì không phải nghĩ nữa, nhưng cái khó là đặt ra mục tiêu nó phải Việt Nam thì nó như thế nào, chắc gì đã giải quyết được? Chúng tôi và đối tác ngày đêm tìm câu hỏi: Thế nào là Việt Nam, cuối cùng tạm gác lại với chủ đề tâm huyết này. Dù cho có đủ tiền của các đối tác, nhưng không dám làm ngay, trong khi tại Ninh Bình và ở Hội Nhà văn, liên tục có ý kiến là Hãng phim lấy 200 triệu đồng của Ninh Bình mà không làm phim. Cuối cùng, mặc dù tiêu gấp mấy lần số tiền đó, chúng tôi vẫn trả 200 triệu đồng cho Ninh Bình, để tiếp tục chuẩn bị tiếp.

Xin thưa, nếu làm phim tử tế, 2-3 tỷ đồng một tập chưa chắc đã xong, 20 tập của công ty Trường Thành, bảo là làm hết 100 tỷ đồng, tôi không tin, nhưng có lẽ cũng phải hơn 60 tỷ đồng. Tôi công nhận Hãng phim Hội Nhà văn nhát và hèn, không dám làm phim Vua Đinh, bởi vì nếu có bộ phim Vua Đinh, chắc gì đã có phim thỏa mãn tất cả mọi người. Khó lắm thay. Bây giờ, xem phim Pháp, phim Ba Lan hay phim Anh làm về thời kỳ Trung cổ, thậm chí chúng ta không phân biệt nổi đó là nước nào làm phim, họ đều giống nhau cả một loạt. Liệu trang phục của Việt Nam thời xưa có khác mấy so với Trung Quốc không? Trang phục dân dã có thể làm khác được, nhưng cung đình thì khó mà nói nó khác nhiều. Đến như các nhà mang tiếng là chuyên môn, chỉ mới cãi nhau con rồng trên áo vua Lý uốn khúc chữ U hay chữ C mà thôi. Tiểu tiết này, tiếc thay lại không làm thay đổi trang phục của phim.

5. Bây giờ, đọc những nhận xét của các nhà báo, nhà sử học, nhà văn và bạn đọc đối với Trường Thành, chúng tôi có thể cảm thông phần nào với nhà sản xuất Trường Thành. Lỗi ở cách xử lý chuyên môn, và nếu bộ phim hỏng thì hãy chỉ ra nó hỏng chỗ nào, chỉ thẳng là nó giống phim Trung Quốc thế nào, chứ không nên vơ đũa cả nắm, lên án việc làm phim ở Trung Quốc để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Nếu Trung Quốc có thể làm phim về cụ Lý, họ cứ việc làm, và mình cũng không cản được. Nước Mỹ làm phim về Piod đại đế, làm phim Chiến tranh và Hòa bình, làm phim về Nữ hoàng Cleopatre, người Nga và người Ai Cập thấy nhục chăng? Người Trung Quốc làm phim về Thành Cát Tư Hãn, người Mông Cổ thấy thế nào? Có ý kiến phản bác bà Tình làm con rồng uốn chữ U chứ không phải chữ C, cũng chỉ là võ đoán. Lại nói con rồng ngóc thẳng lên hay chéo lên là sai, thì cũng lại là cố tình trù dập nốt, vì chụp ở góc máy này thì con rồng nó ngóc thẳng, góc khác thì nó ngóc xiên. Khi phê bình đã mang sẵn trong đầu một thành kiến, thì phê bình cũng không có tác dụng gì. Nên nói nó không phải Việt Nam, nó là Trung Quốc, vậy nó thế nào mới là Việt Nam. Chắc là việc con rồng uốn hơi cong hơn hay nó ngóc thẳng, cũng không khác mấy so với bộ quần áo đã thiết kế cho phim. Vẫn chưa có câu trả lời thế nào mới thật Việt Nam. Tôi tin là các nhà làm phim đều cám ơn khi các nhà phê bình chỉ ra được điều này.

Tất yếu Việt Nam phải có một nền công nghiệp điện ảnh, thì mới có thể làm những phim về đời Trần, đời Lê được. Dĩ nhiên không thể sang Trung Quốc làm phim về việc đánh Trung Quốc. Lòng vả cũng như lòng sung, ta có cho người nước ngoài sang ta làm phim đánh bại Việt Nam không? Đó là danh dự có tính nguyên tắc khi chọn chủ đề hợp tác. Khi chúng tôi chọn chủ đề Hoa Lư để hợp tác với Trung Quốc cũng vì lý do này. Nhà Đinh không có trận nào đánh nhau chí tử với Trung Quốc. Câu chuyện phim là thời kỳ nội chiến. Còn nếu chọn nhà Ngô, nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Lê, nhà Trần mà hợp tác với Trung Quốc là dù sao cũng có chuyện "canh cánh".

Đối tác Trung Quốc nói "không có vấn đề gì, lịch sử mà", họ dẫn chứng, Bắc Kinh làm phim về nhà Nguyên diệt nhà Tống, nhà Thanh đánh nhà Minh đấy thôi, có sao đâu, nếu cứ tránh né chuyện lịch sử thì không sao làm được phim lịch sử. Nhưng dù sao khi làm việc, cũng không tránh khỏi chuyện "cấn cá". Các đoàn làm phim về Lý Công Uẩn và Trần Thủ Độ hợp tác với Trung Quốc, nguyên điểm xuất phát là đã chọn cửa dưới rồi, đã khó lại càng thêm khó. Có lẽ họ chọn phương thức hợp tác không phù hợp và không hiểu rõ đối tác, chứ không hẳn là không thể làm ra một bộ phim khác hay hơn thế. Còn nếu cứ tự làm, thì ta tạm bằng lòng với cảnh cưỡi ngựa như người Mông Việt Bắc cưỡi ngựa đi chợ thôi, chứ không phải dũng tướng ra trận. Hoặc bằng lòng với việc làm như sân khấu, dù cho có huy động hàng ngàn người, vẫn không ra đại cảnh hùng tráng cho phim. Đơn giản là Việt Nam chưa có đạo diễn trường quay khi xử lý đám đông đại cảnh, tôi tin là thế, chứ chưa nói đến đại cảnh chiến trường có binh khí, ngựa, xe. Ai nói có thể đảm đương được việc này, xin nói ra, để chúng tôi có thể xin được hợp tác ở các phim sắp tới và bái làm sư phụ.

6. Hiện nay, có người nói, lấy tiểu thuyết lịch sử của nhà văn A, nhà văn B để làm phim. Đúng rồi. Nhà văn mà. Nhưng mà đó không phải kịch bản điện ảnh. Điều này thì ít ai hiểu cho nhà làm phim. Có khối tiểu thuyết lịch sử hay, ví dụ cách viết của ông Nguyễn Xuân Khánh hay chứ, của Hoàng Quốc Hải là hay chứ, nhưng nếu lấy đó mà làm phim thì đố ai làm phim hấp dẫn được. Nhưng những tiểu thuyết của Nguyễn Huy Tưởng, Hà Ân có thể không hay theo kiểu thẩm định tiểu thuyết, nhưng đó lại là những tác phẩm chuyển thể kịch bản điện ảnh rất được. Vấn đề là bộ phim là một tác phẩm điện ảnh, con chữ trong kịch bản nhất định phải trực quan, nhà văn có thể tả buồn vui hàng chục trang trong tiểu thuyết, nhưng nhà làm phim không làm nổi một giây phim cũng là thường.

Phim truyện không phải là điện ảnh minh họa cho văn chương, hay minh hoạ cho tư liệu lịch sử. Lấy đền đài cung điện ở đâu, sông núi thuyền bè xe ngựa ở đâu? Riêng về trang phục, Võ Tắc Thiên trang phục đẹp và sexy hơn cả người mẫu thời trang ngày nay. Người Trung Quốc cũng tranh luận, liệu thời Tần cung điện có rực rỡ thế không? Người Hàn Quốc làm phim về Ju mong, lịch sử triều vua tương đương nhà Hán ở Trung Quốc, cung điện cũng sáng chói và hiện đại, công chúa đi buôn mà như đi dự lễ hội thời trang. Rõ ràng thời đó, Hàn Quốc không thể có những cung điện và phố xá đẹp như vậy. Vì điện ảnh là một nền công nghiệp, bộ phim là một sản phẩm nền công nghiệp ấy nhưng lại là một tác phẩm nghệ thuật, nên Trung Quốc mới có hơn 30 phim nói về Tào Tháo, 20 phim Hồng Lâu Mộng, gần 50 phim dựng chỉ về Tần Thủy Hoàng, Tây Du ký rồi Tam Quốc, Hồng Lâu Mộng cứ làm đi làm lại.… Nếu quan niệm như một số người Việt Nam, nhất nhất phim ảnh phải đúng như thật thời đó, thì không có sản phẩm điện ảnh, vì đơn giản là không ai biết thời đó thật sự thế nào.

Có lẽ, nên học tập cách xử lý tư liệu và từ tư liệu đến tác phẩm của các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là thích hợp nhất. Cho nên, mới nói là Việt Nam ta chưa có đội ngũ chuyên môn điện ảnh từng lĩnh vực để cho phim lịch sử. Kiến trúc trên phim thế nào, trang phục trên phim ra sao, bối cảnh trên phim thế nào? Ngay cả lý luận về phim lịch sử cũng không có nốt. Khi đã không có cơ sở lý luận, thì hành động cũng mù mờ, nhà quản lý văn hoá không có bản lĩnh thì chọn, tốt nhất là không làm để không chịu trách nhiệm. Người phê bình thì nghe ngóng, đôi khi có hiệu ứng đánh hội đồng một vấn đề. Một khi sáng tạo nghệ thuật hoặc khoa học bị sức ép của đám đông, thì không còn gì là sáng tạo nữa. Điện ảnh nước ta hiện nay, riêng với lĩnh vực phim lịch sử, từ dự án của Hãng phim truyện Việt Nam của ông Lê Đức Tiến, đến dự án của Công ty Trường Thành, đang là như vậy chăng?

7. Để tiến tới xây dựng được một nền công nghiệp điện ảnh, cho ra đời sản phẩm của nền công nghiệp ấy có chất lượng, thì Nhà nước cần phải có định hướng rõ ràng. Nhà nước nên buông cái gì, quản cái gì? Cơ sở hạ tầng điện ảnh không chỉ là máy quay, là in tráng phim. Hiện nay, cơ sở in tráng phim của Việt Nam chắc chắn là lạc hậu so với khu vực. Chỉ có máy quay là hiện đại vì nhập dễ dàng. Chúng tôi đã nghiên cứu cái ảnh có cái máy quay của Trương Nghệ Mưu, thật ra, nó còn lạc hậu hơn máy quay của Hãng phim truyện 1. Ngoài ra, Việt Nam không hề có trường quay, không có công nghiệp phụ trợ, không có công nghiệp kỹ xảo và âm thanh, không có kinh nghiệm về dịch vụ phim ảnh. Đó mới là đồng bộ để làm phim, chứ không chỉ có cái máy quay. Khi có nền công nghiệp điện ảnh phù hợp rồi, thì sẽ sản sinh ra một thế hệ đạo diễn, quay phim, hoạ sĩ… khác. Có thể vẫn là những con người hiện nay, nhưng chắc chắn cách làm và tư duy sẽ khác, mới có thể tạo ra sản phẩm điện ảnh khác được. Nhà nước ta nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng điện ảnh, chứ không nên chi mỗi năm hơn 10 tỷ đồng cho các Hãng phim làm 1-2 bộ phim.

Để đến ngày có thể làm những phim về đánh quân Nguyên, đánh quân Minh, dựng các phim về lịch sử hùng tráng của dân tộc, thì ngay bây giờ, nên chọn những chủ đề vừa phải, hợp lý có thể tận dụng được kỹ thuật hợp tác với Trung Quốc, rồi từ đó xây dựng nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất mà tự làm. Vấn đề quan trọng là phải có bản lĩnh và có tâm thực sự vì nền điện ảnh. Thật đáng tiếc là phim Lý Công Uẩn lại không giao cho hãng phim truyện Việt Nam làm. Chỉ vì tranh luận mà nhà quản lý sợ không giao dự án nữa, nên mới có chuyện việc làm phim của công ty Trường Thành đầy chất nghiệp dư chăng? Khởi đầu một con đường, nếu không phải Nhà nước hỗ trợ, thì tư nhân tự làm, rồi truyền hình của Nhà nước mua phim của tư nhân, cuối cùng Nhà nước vẫn tốn tiền, mà lại không thể chủ động sử dụng đồng tiền ấy, không gửi gắm đồng tiền vào các nhà chuyên môn? Nhưng ai là nhà chuyên môn? Đến như bà Đoàn Thị Tình hàng chục năm nghiên cứu trang phục cổ, còn bị coi là không biết gì, thì ai biết đây? Tóm lại, vẫn cứ phải bắt tay vào làm mới biết được, mà làm thì có thể có sai. Chỉ có người không làm gì mới không sai sót gì cả. Nên, các vị phê bình cũng nên bình tĩnh mà đánh giá, xem xét thấu đáo, nếu muốn phán xử, nên điều tra cho kỹ càng.

Một lần nữa tôi cho rằng, Công ty Trường Thành không làm ra phim Việt Nam, lỗi ấy không thể hoan hô được, phải sửa phim, nhưng không vì thế mà gọi người làm phim với những lời lẽ thóa mạ nâng quan điểm nặng nề.

Hiện nay, có nhiều người cố tình làm lẫn lộn tâm lý không ưa Trung Quốc với việc làm phim với Trung Quốc là xấu. Thậm chí nâng quan điểm lên là “nô dịch văn hoá” để chỉ những người làm phim. Trước khi chúng ta tranh luận, phỉ báng nhau, thì con em ta vẫn cứ xem phim Trung Quốc, xem phim Hàn Quốc ngày ngày. Liệu những người đi tiên phong làm phim lịch sử có xứng đáng bị phỉ báng như vậy không? Có người nói, thà không có phim còn hơn có phim làm giống Trung Quốc. Nhưng tôi tin rằng, có phim làm hơi giống Trung Quốc, rồi mới sẽ có phim làm khác Trung Quốc được. Thực tế đang xảy ra rồi. Cứ “thà không có”, thì vĩnh viễn không có gì cả. Và chúng ta vẫn cứ phải xem phim Trung Quốc chứ không bao giờ có phim lịch sử Việt để xem. Nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Bây giờ hãy xem lại phim Đêm hội Long Trì, áo chúa Trịnh mặc, đúng là cái áo sân khấu, dĩ nhiên nếu như bây giờ làm thế, lại không bị la ó ầm lên ấy chứ.

Trước kia, chúng ta đánh Mỹ, chúng ta có kỹ thuật của các nước anh em để chống Mỹ, nên không có ai mang tiếng thân Mỹ vì chúng ta không sang Mỹ học kỹ thuật tên lửa, hay học lái máy bay. Ngày nay, chúng ta làm phim chỉ có cơ sở tương tự như xưa làm chiến tranh du kích, còn không biết học lái máy bay, học bắn tên lửa ở đâu? Học Hollywood? hay học Bollywood? Hay học Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc? Nếu làm phim chủ đề hiện đại thì khỏi bàn, nhưng phim lịch sử thì liệu có thể có tiền học Mỹ, học Ấn Độ, Nhật Bản không? Hay là chúng ta khoanh tay múa ngôn từ trông chờ một cá nhân xuất chúng, bỗng dưng làm ra một bộ phim lịch sử Việt Nam ngang tầm với khu vực?

Nếu đủ tiền, nhà nước hoặc các doanh nghiệp nên tham gia làm phim và học tập luôn cách làm phim của Hollywood. Nhưng liệu nhà nước Việt Nam hay có doanh nghiệp Việt Nam nào chịu chơi thế không?

Hiệu quả nhất vẫn là học tập cách làm của chính Trung Quốc, dĩ nhiên hợp tác văn hóa thì cũng có nguyên tắc của nó, có cái khéo riêng. Năm 1985, điện ảnh Trung Hoa lục địa cũng như chúng ta ngày nay, không có trường quay nào, không có bộ phim lịch sử hoành tráng nào. Vậy mà hiện nay họ như vậy, vậy họ làm thế nào? Sao có thể làm ngơ mà lại đẩy lùi được phim Trung Quốc?

Hiện nay ta đang có một thành tựu về toán lý thuyết ngang tầm thế giới, nhưng đó là ngành khoa học thuần tuý trí tuệ, chỉ cần mẩu bút chì với tờ giấy là xong, mà cũng phải qua cái lò Pháp, Mỹ cơ đấy. Còn điện ảnh, khó chịu thay, lại cần cả một nền công nghiệp, chứ không chỉ trí tuệ của một cá nhân với một cái bút chì.

Tôi không ngại trình bày quan điểm khác với số đông, tôi tin rằng, với những gì tôi viết ra trên đây, người có tâm sẽ hiểu nỗi khổ của một nhà văn, một nhà sản xuất phim Việt Nam. Tôi tin rằng, tôi cũng yêu nước như bất cứ ai, lòng tự tôn dân tộc cũng chất ngất như ai. Nhưng việc làm ra một bộ phim lịch sử thì không phải là tránh Trung Quốc mới là yêu nước, khác nào như con đà điểu rúc đầu vào cát khi nhìn thấy người thợ săn xuất hiện ở chân trời?


Nguyễn Xuân Hưng
Giám đốc hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam

lait
10-03-2010, 06:10 AM
Theo VietnamExpress


Bởi vì

‘Đường tới thành Thăng Long gây cảm giác là phim Trung Quốc'

Dự định lên sóng truyền hình vào tháng 9 nhưng đến nay, bộ phim tiền tỷ “Thái Tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” vẫn đang phấp phỏng chờ hội đồng thẩm định xét duyệt.



http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A2/08/61/DSCF1742.jpg
Thiền sư Vạn Hạnh (trái) và Lý Công Uẩn trong phim.

Trong 2 ngày 28 - 29/8, Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện và lãnh đạo Cục Điện ảnh đã tiến hành xem xét bộ phim 19 tập về đề tài lịch sử. Căn cứ vào ý kiến các thành viên Hội đồng, Cục Điện ảnh đã gửi công văn cho Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành - đơn vị sản xuất bộ phim. Nội dung công văn nêu rõ, tuy đã cố gắng bám sát những mốc lịch sử quan trọng, có tính chuyên nghiệp cao... nhưng do đa số cảnh quay thực hiện ở Trung Quốc nên Thái Tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long dễ gây cho người xem cảm giác đây là bộ phim truyền hình Trung Quốc.

Cục cho rằng, một số chi tiết trong phim cần tái hiện đúng với lịch sử, tránh mang dáng dấp dã sử Trung Quốc. Những cảnh quay tại các địa danh quá quen thuộc của nước này hay những đại cảnh có đông diễn viên quần chúng là người Trung Quốc tham gia bị yêu cầu cắt bỏ. Ngoài ra, công văn cũng đề nghị đơn vị sản xuất chỉnh sửa lại những lời thoại hoặc quá hiện đại hoặc mang màu sắc phim dã sử Trung Quốc...

Theo Cục Điện ảnh, phim còn có nhiều chi tiết chưa phản ánh đúng lịch sử như việc Lê Hoàn lên ngôi; địa danh diễn ra sự kiện Lê Hoàn đánh đuổi quân Tống (tại sông Bạch Đằng - Tây Kết chứ không phải núi Chu Tước như trong phim); chuyện con Lý Công Uẩn sau này sẽ thi đỗ Trạng nguyên (vì thời đó chưa có Trạng Nguyên); cảnh Lý Công Uẩn đứng trên núi cao nhưng lại bảo đây là thành Đại La...

Cục cũng đề nghị chỉnh lại phần kết phim. Theo đó, quyết định dời đô của Lý Công Uẩn là sự thể hiện tầm nhìn sáng suốt của ông trước nhu cầu phát triển của nhà nước Đại Cồ Việt chứ không phải bắt chước theo Trung Quốc.




http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A2/08/61/DSCF0934.jpg
Tạo hình của Vua Lý Công Uẩn và các bề tôi.

Trao đổi với VnExpress.net về Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, thành viên Hội đồng thẩm định nhận định: “Đây là một bộ phim Trung Quốc, không có gì để tranh cãi. Đạo diễn Trung Quốc, biên kịch Trung Quốc”. Trong khi đó, giáo sư Đinh Xuân Dũng, ủy viên thường trực Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thụât Trung ương, cố vấn Hội đồng thẩm định kịch bản Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long lại cho rằng, phim có chất Việt Nam, thể hiện sinh động, với tình cảm sâu đối với lịch sử dân tộc, phản ánh trung thực với những nét cơ bản nhất bằng ngôn ngữ điện ảnh về giai đoạn Đinh Tiền Lê và Lý với nhân vật trọng tâm là Lý Công Uẩn.

Theo ông, những hạn chế của bộ phim nên được thông cảm khi Việt Nam không có trường quay, không có đạo diễn thực sự đủ tầm, không có lực lượng diễn viên đông đảo, thiếu thốn đạo cụ, trang phục… “Cái quan trọng ở bộ phim là ý tưởng và bản lĩnh của người làm phim trong việc giữ bản sắc Việt Nam. Có thể sử dụng trường quay, trang phục (may tại Trung Quốc) thậm chí cả đạo diễn Trung Quốc song tính cách nhân vật, mối quan hệ của người Việt Nam trong phim vẫn giữ chuẩn. Chúng ta nên nhớ rằng, kịch múa Xô Viết - Nghệ Tĩnh, tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật múa Việt Nam trước đây do đạo diễn người Triều Tiên là Kim Hoàng dàn dựng” - ông Dũng nhấn mạnh.




http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A2/08/61/dao-dien.jpg
Đạo diễn Cận Đức Mậu (Trung Quốc) và ông Trịnh Văn Sơn - giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành kiêm tác giả kịch bản "Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long".

Theo ông Trịnh Văn Sơn - Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành - những chi tiết mà Cục Điện ảnh yêu cầu cắt gọt, chỉnh sửa chỉ là những tiểu tiết, xử lý rất đơn giản, không ảnh hưởng nhiều tới nội dung phim. “Chúng tôi hoàn toàn làm theo chỉ đạo của Cục Điện ảnh, hiện đã chuyển phần phim được chỉnh sửa lên Cục chờ xét duyệt” - ông Sơn cho biết. Ông cũng khẳng định, ông chính là người chấp bút cho kịch bản và nhà biên kịch Trung Quốc, Kha Chương Hòa chỉ là người cố vấn. Ông Sơn cho rằng, việc chỉnh sửa một bộ phim là điều rất bình thường.

Chiều 17/9, ông Lê Ngọc Minh - Cục phó Cục Điện ảnh cho biết, Cục đã nhận được bản phim chỉnh sửa của Công ty Cổ phần đầu tư Trường Thành vào ngày 11/9. Tuy nhiên, nhiều ủy viên trong Hội đồng thẩm định đang đi công tác nên việc kiểm định chưa thể tiến hành. Trong tuần tới, Cục Điện ảnh sẽ có kết quả cuối cùng về Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới Thành Thăng Long.

lait
10-03-2010, 06:15 AM
P0hans hồi
‘Đường tới Thăng Long’ không giống dã sử Trung Quốc

Tác giả kịch bản và cố vấn mỹ thuật, trang phục cho bộ phim có kinh phí hàng trăm tỷ đồng lên tiếng khi nhiều ý kiến cho rằng, phim về lịch sử Việt Nam nhưng lại mang dấu ấn Trung Quốc.




http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/E6/70/anh-chon1.jpg
Diễn viên Tiến Lộc trong tạo hình Lý Công Uẩn mặc long bào.

Đường tới thành Thăng Long khắc họa giai đoạn từ thời tiền Lê đến khi Lý Công Uẩn lên ngôi, quyết định dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, sau đổi tên là Thăng Long, đặt nền móng vững chắc cho thời kỳ ổn định và phát triển dài lâu của đất nước. Tác giả kịch bản là ông Trịnh Văn Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành, đơn vị bỏ tiền sản xuất bộ phim. Ông Sơn cho biết, đây là kịch bản đầu tiên và duy nhất của ông. Kịch bản được ông Sơn thai nghén nhiều năm, hoàn thành tháng 8/2009 và đệ trình lên Hội đồng lý luận trung ương. Từ khi xong kịch bản đến khi kết thúc tiền kỳ phim vừa tròn một năm. Theo ông Sơn, đây là quãng thời gian rất eo hẹp và nếu không nhờ đến sự góp sức của êkíp chuyên nghiệp Trung Quốc thì không thể hoàn thành nổi.

Bộ phim truyền hình dài 19 tập này được thực hiện hoàn toàn ở phim trường Hoành Điếm, Trung Quốc. Biên tập phim là Kha Chương Hoà, người biên kịch cho Thái tổ mật sử, Võ Tắc Thiên, Vương Triều Ung Chính… Phim có 3 đạo diễn, trong đó có hai gương mặt Trung Quốc. Tổng đạo diễn là Cận Đức Mậu, người từng thực hiện Tuổi trẻ Bao Thanh Thiên, Đại Tống khai quốc. Điều này làm nhiều người lo ngại phim về lịch sử Việt lại mang đậm màu sắc Trung Quốc đến mức Cố vấn mỹ thuật - trang phục cho phim là GS.TS. Đoàn Thị Tình phải lên giải trình với Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch.




http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/E6/70/DSCF5180.jpg
Trang phục áo giáp của Lý Công Uẩn.

Ông Trịnh Văn Sơn với tư cách tác giả kịch bản và nhà sản xuất cho rằng, sự góp mặt của êkíp Trung Quốc chỉ làm tăng giá trị nghệ thuật, tính hoàng tráng chân thực của phim - những điều mà các bộ phim dã sử khác của Việt Nam chưa làm được, chứ không làm giảm bớt tính dân tộc của bộ phim. Phim được làm trên các cứ liệu lịch sử dưới sự cố vấn của giáo sư sử học Lê Văn Lan, đã xin ý kiến phản biện từ Hội Điện ảnh. Nhà biên kịch Trung Quốc Kha Chương Hòa không can thiệp gì vào cốt truyện mà chỉ sắp xếp kịch bản theo nguyên tắc, 3 phút có một cao trào nhỏ, 5 phút có một cao trào trung bình và 10 phút có một cao trào lớn để người xem bị cuốn hút vào phim.

Trước khi bắt tay làm phim, Cận Đức Mậu đã nhiều lần sang Việt Nam để đến thắp hương ở đền vua Đinh, vua Lê, tượng đài Lý Công Uẩn, tuyển chọn diễn viên và cảm nhận văn hóa Việt. Các thành viên trong đoàn phim đánh giá, vị đạo diễn này có nghiệp vụ sư phạm cao, hướng dẫn diễn viên rất tận tình dù gặp phải rào cản về ngôn ngữ. Những bối cảnh tại Hoàng Điếm đều được lựa chọn sao cho giống với cảnh núi rừng, cung điện Việt Nam thế kỷ 11. Ông Sơn cho rằng, chính tính hoàng tráng của phim khiến nhiều người nghĩ nó là sản phẩm “made in China”.

Cũng khá bức xúc với việc Đường tới thành Thăng Long bị cho là giống phim Trung Quốc, GS.TS. Đoàn Thị Tình cho biết những bộ trang phục bà thiết kế hoàn toàn mang hồn túy dân tộc. “Tôi là người nghiên cứu lịch sử trang phục Việt Nam hàng mấy chục năm trời, từng được giao thiết kế trang phục cho phim Lý Công Uẩn của hãng phim truyện Việt Nam nhưng sau đó, vì nhiều lý do bộ phim này không thể thực hiện. Những bộ trang phục thiết kế cho Đường tới thành Thăng Long là kết quả nghiên cứu nhiều năm trời, trên cơ sở khoa học dân tộc và đại chúng”.

Theo bà, việc tương đồng giữa trang phục cổ trang Việt Nam và Trung Quốc là không thể tránh khỏi vì những bộ giáp phục, long bào đều có mẫu số chung, hơn nữa văn hóa Trung Quốc ảnh hưởng nhiều tới văn hóa Việt Nam qua 1000 năm Bắc thuộc. Tuy nhiên những họa tiết, hoa văn trên trang phục thể hiện nhận thức xã hội thì hoàn toàn khác nhau. “Long bào Lý Công Uẩn sử dụng họa tiết hoa sen vì Lý Công Uẩn rất sùng bái đạo Phật. Hình ảnh con rồng thời Lý cũng hoàn toàn khác với rồng Trung Quốc. Sóng nước liên hoàn trên vai giáp phục thời Lý khác với họa tiết thẳng trên vai giáp phục Trung Quốc” - bà Tình cho biết.

Bà khẳng định, giai đoạn tiền Lê sang thời Lý tương ứng với triều đại Tống ở trung Quốc, trong đó trang phục thời Lê Long Đĩnh rập khuôn hoàn toàn thời Tống còn trang phục thời Lý Công Uẩn thì có nhiều khác biệt. Mũ đội đầu của vua và hoàng hậu cũng được thiết kế dựa theo pho tượng cổ nhất về vua Lý Công Uẩn ở chùa Lý Kiến Sơ (Gia Lâm - Hà Nội). Theo bà, khi đưa những bộ quần áo này sang, êkíp Trung Quốc rất bất ngờ vì phía Việt Nam có thể phục dựng trang phục tốt như vậy.

Nhà sản xuất hy vọng, việc chọn hướng đi tắt đón đầu cho quá trình chuyển giao công nghệ sản xuất phim cổ trang sẽ đem đến một tác phẩm đáng xem cho công chúng, vừa mang ý nghĩa lịch sử vừa có giá trị nghệ thuật. Phim lên sóng vào tháng 9, trên giờ vàng của VTV3 và dự định phát hành ở Trung Quốc, các nước Asean và châu Âu.

lait
10-03-2010, 06:25 AM
Những hình ảnh đẹp trong phim





http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/E6/70/DSCF0070.jpg
Bối cảnh đền đài, cung điện.
http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/E6/70/DSCF0087.jpg
Lý Công Uẩn (phải) khi là võ tướng dưới thời Tiền Lê.
http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/E6/70/DSCF1742.jpg
Lý Công Uẩn và sư Vạn Hạnh - người nuôi dạy ông từ nhỏ do nghệ sĩ Phạm Anh Dũng đóng.
http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/E6/70/DSCF0934.jpg
Lý Công Uẩn khi lên làm vua.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/E6/70/DSCF1384.jpg
Lý Công Uẩn và hồng nhan tri kỷ Thanh Liên (Á hậu Thụy Vân đóng).
http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/E6/70/DSCF1648.jpg
Á hậu Thụy Vân được ngợi khen khi lần đầu diễn xuất nhưng đảm nhận tốt nhân vật của mình.
http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/E6/70/DSCF0384.jpg
Phim không chỉ tái hiện cuộc đời Lý Công Uẩn mà đi từ triều đại nhà Đinh từ khi Đinh Bộ Lĩnh bình định 12 sứ quân, lập nước Đại Cồ Việt để khán giả có thể hình dung tương đối cụ thể về giai đoạn lịch sử cuối thế kỷ 10, đầu thế kỷ 11 và nguyên nhân việc dời đô của Lý Công Uẩn sau này.
http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/E6/70/DSCF2124.jpg
Vua Đinh Tiên Hoàng do NSƯT Trung Hiếu đóng và Hoàng hậu Dương Vân Nga do Phan Hòa thủ vai.
http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/E6/70/DSCF1859.jpg
Sau khi Đinh Bộ Lĩnh qua đời, cuộc loạn tranh giành ngôi báu xảy ra, Thái hậu Dương Vân Nga đã nhường ngôi báu cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Vai Lê Hoàn được giao cho diễn viên Hoàng Hải .

http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/E6/70/DSCF0458.jpg
Sau khi đăng cơ, Lê Hoàn trong bình nội loạn ngoài chống ngoại xâm, chỉnh đốn triều chính, khuyến khích canh nông, xã hội đạt được rất nhiều thành tựu to lớn. Nhưng đến khi thái tử Lê Long Việt kế thừa ngôi báu, thảm cảnh triều Đinh lại lặp lại: anh em trong hoàng tộc tranh giành chém giết lẫn nhau. Hoàng tử thứ 5 Lê Long Đĩnh sau khi cướp được đế vị lại thi hành nhiều chính sách tàn bạo.
http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/E6/70/DSCF1233.jpg
Mạnh Quân trong vai Lê Long Đĩnh - vị vua thích nghe lời sàm tấu của hoạn quan.


Ảnh: Truong Thanh Media

lait
10-03-2010, 06:38 AM
Đạo diễn 'Tuổi trẻ Bao Thanh Thiên' làm phim dã sử Việt



Đạo diễn nổi tiếng Trung Quốc Cận Đức Mậu đảm nhận công việc dẫn dắt các diễn viên Việt Nam hoàn thành bộ phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" với những cảnh quay hoàn toàn tại phim trường Hoành Điếm.


http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/9B/6A/_MG_8710.jpg
Á hậu Thụy Vân đóng vai Hoàng hậu Thanh Liên - hồng nhan tri kỷ của vua Lý Công Uẩn từ lúc nhỏ cho đến khi trở thành hoàng đế.

Các diễn viên chính:

Vua Lý Công Uẩn - Phạm Tiến Lộc
Hoàng hậu Thanh Liên - Á hậu Thụy Vân
Vua Lê Hoàn - Hoàng Hải
Vua Đinh Tiên Hoàng - NSƯT Trung Hiếu
Hoàng hậu Dương Vân Nga - Phan Hòa
Quốc Sư Vạn Hạnh - Phạm Anh Dũng
Lý Công Uẩn nhỏ - Lưu Thành Đạt
Thanh Liên nhỏ - Phùng Hoa Hoài Linh

Khác với Khát vọng Thăng Long và Trần Thủ Độ, những bộ phim thực hiện nhân đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được thông báo trên nhiều phương tiện truyền thông và nhận nhiều luồng dư luận trái chiều, Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long chọn cách làm lặng lẽ. Phim được bấm máy ngày 13/12/2009 và hoàn tất các cảnh quay vào cuối tháng 3 năm nay. Nhưng ngoại trừ thông tin Á hậu Thụy Vân cung cấp về vai diễn của cô trong phim, Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long vẫn được phủ trong bức màn bí mật.

Đại diện của đoàn phim lý giải, từ trước đến nay có rất nhiều bộ phim làm về vua Lý Công Uẩn được hứa hẹn sẽ trình chiếu vào dịp đại lễ, nhưng chưa tác phẩm nào thực sự khả thi. Điều này khiến cho đoàn phim rất băn khoăn, e “nói trước sẽ bước không qua” nên đã quyết định không công bố toàn bộ thông tin trước khi bộ phim hoàn thành. Bảo mật là một điều khoản trong bản hợp đồng khi làm việc với các bộ phận của đoàn làm phim.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/9B/6A/_MG_9275.jpg
Phạm Tiến Lộc trong vai Lý Công Uẩn.

Theo thông tin riêng của VnExpress.net, Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long là phim truyền hình dài 12 tập, mỗi tập có dung lượng 45 phút, do Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành sản xuất với sự hợp tác của Đài truyền hình Asean. Toàn bộ các cảnh quay được thực hiện tại trường quay Hoành Điếm (Triết Giang, Trung Quốc). Đạo diễn phim là Cận Đức Mậu - đạo diễn Tuổi trẻ của Bao Thanh Thiên.

Theo một thành viên trong đoàn, đoàn làm phim chọn quay ở Trung Quốc bởi nước này có kinh nghiệm lâu năm về làm phim cổ trang, dù chi phí cao hơn nhiều ở Việt Nam. Các khâu từ bối cảnh, phục trang, hóa trang, đạo cụ đã được chuyên môn hóa ở trình độ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ phim với mục tiêu cao nhất là sẽ ra mắt đúng dịp đại lễ. Việc chọn đạo diễn Cận Đức Mậu cũng nhằm đảm bảo cho tác phẩm tiền tỷ này tránh được những hạt sạn. Trường quay, đạo diễn Trung Hoa nhưng êkíp thực hiện cho rằng phim vẫn mang đậm hồn Việt bởi tinh thần phim và diễn xuất của các diễn viên. Có 40 diễn viên Việt Nam tham gia, trong đó có những gương mặt tên tuổi như Á hậu Thụy Vân, NSƯT Trung Hiếu, Hoàng Hải, Anh Thái, Phan Hòa… Diễn viên Trung Quốc chỉ tham gia vai quần chúng.
lý công uẩn


http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/9B/6A/DSC08768.jpg
Á hậu Thụy Vân, Tiến Lộc và diễn viên "nhí" Nguyễn Hoàng Nam (đóng vai Lý Phật Mã, con trai Lý Công Uẩn).

Bộ phim xoay quanh con người và sự nghiệp vua Lý Công Uẩn - người khai sinh ra kinh thành Thăng Long và gắn kết đời mình với 3 thời kỳ lịch sử đáng nhớ: Thời Đinh - Tiền Lê và thời Lý. Đồng thời, phim cho thấy việc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển thành một quốc gia hùng cường và đặt nền móng cho một Thăng Long 1.000 năm tuổi ngày nay. Hình tượng Lý Công Uẩn được khắc họa qua 2 thời kỳ từ lúc nhỏ được Thiền tăng Vạn Hạnh nuôi dưỡng và dạy dỗ, đến khi lớn lên trở thành vị tướng tài ba trong thời tiền Lê, lên ngôi vua và dời đô về Thăng Long.

Em Lưu Thành Đạt, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Cát Linh, được chọn lựa cho vai Lý Công Uẩn lúc nhỏ. Lần đầu đóng phim nhưng Đạt đã khiến đoàn làm phim ngạc nhiên vì diễn xuất tự nhiên của mình. Diễn viên Phạm Tiến Lộc được chọn vào vai Lý Công Uẩn khi trưởng thành và lên ngôi hoàng đế. Anh đáp ứng được hầu hết yêu cầu mà đạo diễn đưa ra như ngoại hình, diễn xuất và sự cảm thụ nhân vật. Tiến Lộc hiện là diễn viên trẻ thuộc đoàn kịch 2 Nhà hát Kịch Việt Nam, từng tham gia các phim: Người đàn bà thứ hai, Nhà có nhiều cửa sổ, Được sống…


http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/9B/6A/DSCF1518.jpg
Đạo diễn Cận Đức Mậu hướng dẫn Lưu Thành Đạt.

Sánh vai chàng diễn viên 8X là Á hậu Thụy Vân. Người đẹp sinh năm 1986 đóng vai Hoàng hậu Thanh Liên - hồng nhan tri kỷ của vua Lý Công Uẩn từ lúc nhỏ cho đến khi trở thành hoàng đế. Lần đầu tiên đóng phim, để hoàn thành vai diễn này, cô MC đài Truyền hình nhận được nhiều sự giúp đỡ từ các diễn viên đi trước, đặc biệt là NSND Như Quỳnh. Những thị phạm của bà đã giúp Thụy Vân hoàn thiện hơn khả năng diễn xuất cũng như thấm nhuần tính chất vai diễn của mình. Các cảnh quay được thực hiện trong thời tiết giá lạnh, thường ở mức -3 độ C trong khi Thụy Vân chỉ được mặc tấm áo mỏng diễn cảnh giặt áo mùa hè. Nhiều khi tay cứng đơ không cử động được nhưng Thụy Vân đã rất cố gắng, nhận được nhiều lời khen ngợi từ êkíp đoàn làm phim. Đạo diễn Cận Đức Mậu cho rằng Thụy Vân đã thể hiện khá tốt nhân vật Thanh Liên, một nhân vật gặp nhiều sóng gió và biến cố trong cuộc sống. Á hậuViệt Nam 2008 còn giành được nhiều thiện cảm của đồng nghiệp người Việt Nam lẫn Trung Quốc bởi sự hòa đồng, vui vẻ trong sinh hoạt hàng ngày.

Do thời tiết lạnh nên trước mỗi cảnh quay, diễn viên phải uống nước để khi thoại không bị ra hơi. Vì thế, khi thực hiện những cảnh quay phức tạp, có diễn viên phải uống khá nhiều nước. Các cảnh quay võ thuật đều được đạo diễn yêu cầu thực hiện với độ chính xác và đòi hỏi tập trung cao độ. Diễn viên Việt Nam lần đầu làm quen với phong cách làm việc này, nhưng đã rất cố gắng và nỗ lực để thực hiện, dù khá nhiều người bị chấn thương. Ngoài ra, đoàn phim cũng gặp những khó khăn do bất đồng ngôn ngữ. Toàn bộ êkíp không được về Việt Nam đón Tết.

Tuy nhiên, với những yếu tố thuận lợi về điều kiện cơ sở vật chất, các trang thiết bị để sản xuất đồng bộ, các yếu tố phục vụ cho phim như hóa trang, phục trang, đạo cụ, bối cảnh đều chuyên nghiệp, đoàn phim đã đảm bảo tiến độ quay và đang hoàn thành những cảnh cuối cùng trước khi về nước.