PDA

View Full Version : S - Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật 27 thường niên năm C



Dan Lee
10-02-2010, 12:01 AM
Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật 27 thường niên năm C


Để hiểu được phần nào bài đọc 1, sách Kha-ba-cúc, xin mượn câu chuyện có tựa đề: Xin cho con được thay đổi chính con.

Một nhà triết gia Ấn Độ đã nhìn lại quảng đời đi qua của mình như sau: Lúc tuổi thanh niên dồi dào sức sống lại là người có đầu óc cách mạng. Nên lời cầu nguyện của tôi: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để thay đổi thế giới.”

Đến tuổi trung niên, tôi thấy tôi chưa thay đổi được người nào. Lúc đó tôi mới cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban cho con ơn biến đổi tất cả những người mà con gặp gỡ họ hằng ngày, và như vậy con thỏa nguyện lắm rồi.”

Nhưng khi về già, ngày tháng chỉ còn đếm đầu ngón tay, tôi mới nhận thức ra những lời cầu nguyện của tôi không thực tế, nên tôi mới cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được thay đổi chính con.”

Và ông kết luận; nếu tôi biết cầu nguyện như thế ngay từ đầu, thì tôi đã nhanh chóng trở thành người tốt rồi.

Kính thưa quí ông bà anh chị em, có lẽ ngày hôm nay biết bao nhiêu người khi nhìn vào thế giới ngập tràn bao sự ác và không khỏi lời than phiền, như lời than phiền mà tác gỉa sách Kha-ba-cúc, trong bài đọc 1, cũng đã thốt lên “ Bạo tàn! Sao mắt con phải chứng kiến tội ác hoài. Trước mắt con toàn là cảnh phá phách, bạo tàn, chổ nào cũng thấy toàn là tranh chấp và cãi cọ.” (Kb 1,3). Qủa thật không ai phủ nhận được sự ác xem ra ngày càng gia tăng, có những người rất bất mãn và than phiền cuộc sống sao có quá nhiều sự ác như thế, và họ muốn trong nháy mắt tất cả mọi sự ác đó biến mất, để thế giới chỉ toàn là những người lành thánh. Nguyện ước như thế cũng là nguyện ước tốt lành, nhưng nó không thể thành sự, nếu không khởi đầu bằng sự cải biến chính bản thân mình cho tốt đã, như về cuối đời mà nhà triết gia Ấn Độ trong câu chuyện trên đã giác ngộ, thì cho dẫu chung quanh ta bóng tối sự ác có dày đặc, nhưng nếu mỗi người cố gắng sống tốt, thì cả xã hội tốt, còn nếu cứ ngồi đó mà trách cứ người này người kia, trách cứ thời đại, xã hội mà không bắt đầu từ chính mình, thì chẳng khác chi ở trong đêm tối mà cứ nguyền rủa bóng đêm thì không bao giờ đẩy lui bóng đêm. Chỉ trừ khi thắp lên một ngọn nến, tuy rằng nó chẳng nghĩa lý gì so với đêm tối mênh mông, nhưng ít nhất cũng có ánh sáng soi chiếu cho một phạm vi chung quanh mình, và nếu mỗi người đều thắp lên ngọn nến của mình, thì sẽ trở thành một rừng sáng khổng lồ để đẩy lui mọi bóng tối.

Đây phải chăng là sứ điệp mà chính Chúa Giêsu không ngừng mời gọi mỗi người chúng ta: “Anh em là muối cho đời. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5, 13-14). Thế giới, xã hội, giáo xứ, gia đình chúng ta sẽ tốt đẹp biết bao, nếu mỗi một người sống tốt. Điều này lại càng đòi hỏi khởi đi từ những người kitô hữu phải có cuộc sống tốt; nghĩa là sống bởi hành động của đức tin: “Đức tin không có hành động là đức tin chết.” (Gc 2,17). Vậy thì, nếu mỗi người sống thực sự những lời Chúa Giêsu dạy, thì thế giới sẽ xẩy ra phép lạ biến đổi một thế giới bao sự ác, tội lỗi, xấu xa, trở thành một thế giới yêu thương an bin hạnh phúc. Thế giới của tù ngục tối tăm đau khổ trở thành thiên đàng ánh sáng của bao niềm vui hạnh phúc. Điều này chúng ta có quyền tin và hy vọng, nếu chúng ta có một đức tin mà như Chúa Giêsu quả quyết qua bài Tin Mừng hôm nay: “Nếu các con có đức tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em.” (Lc 17,6). Điều này có nghĩa là, sức mạnh của đức tin sẽ giúp ta làm được những việc lớn lao, phi thường mà con người bin thường không thể làm được. Người có đức tin mạnh mẽ, hay nói cách khác người tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa sẽ làm được những việc lớn lao mà người ta không tưởng nổi và nhân loại cũng không thể giải thích được; đó chẳng phải ta vẫn gọi là phép lạ đó ư? Phép lạ mà chính Chúa Giêsu đã từng làm trong ba năm đi rao giảng Tin Mừng đó đây, và phép lạ đó Ngài vẫn thực hiện qua những người có đức tin chỉ bằng hạt cải thôi, những người này chúng ta gọi là thánh. Các thánh là những người đã trải mình ra để cho Chúa sống và hoạt động qua họ, như thánh Phaolô đã quả quyết: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20 ).

Nhờ quyền năng của Thiên Chúa, các thánh đã làm nên những việc lạ lùng, nhưng các ngài không bao giờ nhận đó là do tài năng riêng của mình; trái lại, họ luôn nhận mình là những đầy tớ vô duyên bất tài. Đầy tớ làm những việc của bổn phận, cho dù có làm được những việc lớn lao cả thể, thì cũng chỉ là những đầy tớ trước mặt Thiên Chúa. Đó phải chăng các thánh là những người luôn sống theo lời Chúa Giêsu dạy như trong phần cuối của đoạn Tin Mừng hôm nay: “Đối với anh em cũng vậy: Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm những việc bổn phận thôi.” (Lc 17, 10).

Các thánh là như vậy, phần chúng ta chưa thể là thánh được, nếu chúng ta chưa sống đức tin mạnh mẽ, dù đức tin chỉ bằng hạt cải thôi cũng chưa có, nên đời sống của chúng ta vẫn còn những chuyện bê tha, tội lỗi và đủ mọi điều xấu. Nên không lạ gì hằng ngày, từ trong gia đình, đoàn thể, cộng đoàn, xã hội thế giới vẫn xẩy ra biết bao đau khổ chúng ta gây ra cho nhau, như: sự chém giết, chiến tranh, nói hành, nói xấu, ích kỷ, kiêu căng, nóng nảy, gian dối, sống bừa bài, khinh khi, thích nổi nang, thích ăn trên ngồi trước, tham quyền, cố vị, tham nhũng, tham sắc, tham tiền, tham đủ mọi thứ tham. Tắt một lời, bao lâu con người chưa sống đức tin như Chúa dạy, thì bấy lâu người ta vẫn còn xa Chúa, và lại càng không thể nhận ra mình chẳng là gì cả trước mặt Thiên Chúa. “Đầy tớ vô duyên bất tài”.

Lạy Chúa, xin mở mắt đức tin cho chúng con để từng giây từng phút chúng con thấy muôn vàn phép lạ xẩy ra chung quanh chúng con; cụ thể phép lạ cả thể mà mỗi lần có thánh lễ là mỗi lần phép lạ xẩy ra: bánh rượu trở nên Thịt Máu của Chúa. Điều này chỉ có con mắt đức tin, chúng con mới nhìn thấy sự hiện diện đích thực của Chúa qua tấm bánh, để rồi khi chúng con lãnh nhận Chúa, Chúa hiện diện thực sự trong lòng chúng con, nhờ Chúa ở trong tâm hồn chúng con, và với ơn Chúa, chúng con có thể làm được những việc mà người không có đức tin không thể làm và cũng không thể hiểu được. Nhưng, lạy Chúa, chúng con luôn vẫn xin Chúa như các Tông Đồ xưa kia đã xin với Chúa: “Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con”. Amen.

Lm Phaolô Cao Thế Bình, SDD