PDA

View Full Version : K - Khôn Nhà Dại Chợ



Dan Lee
09-20-2010, 03:53 PM
Chúa nhật 25 TN C


KHÔN NHÀ – DẠI CHỢ

Am 8, 4-5; 1 Tm 2, 1-8; Lc 16, 1-13

Ta vẫn thường nghe người này người kia nói về lối hành xử của người khác bằng câu nói : “đồ khôn nhà dại chợ !” Câu nói ấy như trách móc cách hành xử của những người hết sức kỳ dị nghĩa là ở trong nhà, trong gia đình thì người ta cân nhắc, tính toán từng li từng tí còn ra ngoài đường thì dại vô cùng dại. Có khi dại đến độ ra ngoài đường ai hiếp đáp, ai làm gì cũng im thin thít và chịu thiệt.

Lẽ thường thì người ta không thích những người khôn nhà dại chợ như thế. Người ta vẫn muốn cho người ta ra ngoài đường thì phải khôn ngoan tính toán thiệt hơn còn trong nhà thì phải nhẹ nhàng, tế nhị và thậm chí khờ khạo chút cũng được vì là người nhà với nhau.

Các trang Thánh Kinh hôm nay cho ta thấy bài học về cách đối nhân xử thế hay gần hơn một chút đó là cách sống làm sao khôn ngoan tính toán ở ngoài đường và hơn thế nữa là sống làm sao để tính toán cho cái ngày mà người ta phải về hưu, ngày mà người ta không còn chút còn quyền nữa.

Trang sách ngôn sứ Amos hôm nay đã lên tiếng cảnh báo những kẻ hiếp đáp người nghèo trong xứ sở khi họ nghèo hèn hơn mình :

Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ

và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ.

Các ngươi thầm nghĩ:

"Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa;

bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra?

Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm;

Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ.

Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần,

đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ;

cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán."

Đức Chúa đã lấy thánh danh

là niềm hãnh diện của Gia-cóp mà thề:

Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng.

Amos đã cảnh báo lối sống hà hiếp người nghèo, buôn gian bán lận để trục lợi về cho mình. Thế nhưng, những việc làm đen tối, những việc làm xấu xa của những người ấy không hề thoát khỏi ánh mắt của Đức Chúa và Đức Chúa cũng sẽ trả lại cho họ hành vi mà họ đã từng sống, họ đã từng hiếp đáp người nghèo.

Trong dòng chảy “nhân - quả” hết sức bình thường của con người đó là gieo làm sao gặt như vậy, trang Tin mừng hôm nay Thánh Luca thuật lại bài học thật hay cho mỗi người chúng ta.

Với dụ ngôn người quản gia khôn khéo. Dụ ngôn này có thể được gợi lên từ một sự kiện nào đó trong đời thường. Thoạt đầu, dụ ngôn khiến chúng ta bỡ ngỡ vì nó mô tả một người quản gia, do cách quản lý lãng phí - "đã phung phá của cải nhà chủ " - nên bị ông chủ cho nghỉ việc. Lao động chân tay thì không nổi, ngửa tay ăn xin thì xấu hổ, anh ta đã khéo xoay xở, để tới đâu chăng nữa, vẫn bảo đảm được tương lai : "Mình biết phải làm gì rồi ", anh tự nhủ. Thế là không một chút chần chừ, nhân vật của chúng ta cho gọi "từng con nợ" của chủ lại, và trước mặt mình, anh ta cho phép họ sửa lại số nợ. Đúng là dịp may ngàn năm một thuở, bởi vì thủ đoạn này cho phép giảm món nợ từ 100 phuy dầu xuống chỉ còn 50 (bớt khoảng 2000 lít), và từ 100 giạ lúa xuống chỉ còn 80 (bớt khoả ng 6000 ký ). Từ nay, mọi người đều đồng lõa với nhau giữ kín bí mật: đám con nợ dĩ nhiên sẵn lòng giữ thinh lặng để được hưởng mục vụ làm ăn quá lời; còn người quản gia thì an tâm “sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ ".

Chúa Giêsu mượn hình ảnh của anh chàng quản gia một bài học cho “con cái ánh sáng”

"Chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo !” chắc chắn không phải vì cái trò gian lận kia. Nhưng vì tính khôn léo và nhanh nhạy đáng noi gương bắt chước của anh ta trước một tính thế khó khăn để bảo đảm tương lai cho mình.

Mong sao “con cái ánh sáng ", tức là những môn đệ của Chúa Giêsu, hãy học đòi nơi “con cái đời này ", để có được sự khôn khéo và nhanh nhạy tương tự trong việc ưu tiên chọn lựa Nước Trời, và phục vụ Thiên Chúa và anh em hơn tất cả mọi sự !

Lên tiếng với đám đông hiếu kỳ và hoang mang, Chúa Giêsu tìm cách làm cho họ hiểu rằng sứ mạng Người lệnh nhận từ nơi Thiên Chúa đang đem lại cho con người một thời cơ trọng đại, phải khẩn trương có thái độ chọn lưạ phù hợp với lời kêu gọi của Người. Người ta phải quyết định ngay đừng để quá muộn: hạnh phúc đời dời của mỗi người tuỳ thuộc ở đây"

Như vậy, bài học dụ ngôn muốn dạy đã rõ ràng sáng sủa. Chúa Giêsu nói tiếp: "Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết, hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu". Nói cách khác, hãy xử sự khôn khéo làm sao để tiền của vật chất mà chúng ta chỉ là kẻ quản lý - không trở thành một sức mạnh thống trị và làm nô lệ con người, nhưng trở thành phương tiện phục vụ tình nghĩa anh em, củng cố tình liên đới và sự chia sẻ, xây dựng mối hiệp thông giữa con người với nhau.

Tóm lại, đây là một lời nhắn nhủ: các môn đệ phải biết cách sử dụng đồng tiền cho khôn khéo, theo viễn tượng của Nước Trời. Nếu người quản gia bất lương kia đã biết lợi dụng của cải trần thế để mua lấy bạn bè và phòng xa cho tương lai của mình trong cuộc đời này, thì người Kitô hữu càng phải biết chuẩn bị như thế nào cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau bằng cách chia sẻ mới người nghèo qua việc rộng tay làm phước, để sau này chính những người nghèo đó sẽ đón tiếp họ vào cõi phúc của Thiên Chúa... Xử sự khôn khéo chính là biết xem tiền bạc như phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Tiền là bạc, là gian dối... bơi vì nó dễ trở thành ngẫu tượng là so mới của cải chân thật là bất diệt trên Nước Trời, nó chỉ mang giá trị mong manh tạm bợ, đến ngày mỗi người chúng ta phải từ giã cuộc đời, xuôi tay bỏ lại tất cả khi ấy mới thấy rõ tiền của chẳng là gì cả Triều đại của đồng tiền rồi cũng phải chấm dứt.

Rồi, Chúa Giêsu kết luận bằng một câu châm ngôn theo kiểu triết lý khôn ngoan: "Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được!". Giữa Thiên Chúa và tiền của không thể có chuyện bắt cá hai tay được! Từ khi Thiên Chúa xuất hiện trên thế giới này người bị đặt trước một sự chọn lựa triệt để, qua cung cách sử dụng tiền của, người Kitô hữu phải chứng tỏ mình chỉ lệ thuộc vào một mình Thiên Chúa.

Chúa Giêsu dạy cho chúng ta một lối sống mới, Ngài chỉ cho chúng ta một cách sử dụng đồng tiền độc đáo: "Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè... " và Người cắt nghĩa tại sao: "phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu". Vấn đề không chỉ đơn giản là một lời khuyên sống đạo đức. Vấn đề ở đây là phải biết cách sử dụng của cải trong tương quan vời cuộc sống vĩnh cửu. Gương người quản lý bất lương lén sửa lại các món nợ để tranh thủ thêm bạn hữu không nhằm khuyến khích một thái độ vụ lợi: chia sớt chút đỉnh tiền của để được vào thiên đàng. Qua chính điều Người nói, Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng "con cái đời nào khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại”. Sự khôn khéo mà Người muốn dạy chúng ta không phải là một thứ tính toán bần tiện, nhưng là lời mời gọi phải sáng suốt phải thực sự là con cái ánh sáng. Chúa Giêsu đề cập đến một thứ của cải đích thực "dành cho chúng ta ", đó là phụng sự Thiên Chúa: "không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ". Sự giàu có thật vượt xa khỏi con người, nó ở nơi Thiên Chúa. Nếu chúng ta hiểu điều đó, chúng ta mới là con cái ánh sáng. Chúng ta phải tỏ ra thật khôn khéo, tỉnh táo để nhận ra những giá trị đích thực và sử dụng tiền của sao cho phù hợp với những giá trị đó. Sống chia sẻ không chỉ là một cách ăn ở tốt, nó còn là chứng tá của đức tin.

Nếu thuộc về Thiên Chúa thật thì phải có một lối sống, cách hành xử đạo đức như Chúa dạy. Thánh Phaolô có lẽ đã cảm, đã nghiệm được vinh quang, quyền lực và vật chất trong cuộc đời này để rồi Ngài chọn lựa lối sống thuộc về Chúa. Thánh nhân đã không khư khư giữ cảm nghiệm của mình mà Ngài đã trao lại cho môn đệ Timôthê : “Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý”.

Thánh Phaolô trước kia chưa biết Chúa nên sống khác nhưng sau khi biết Chúa thì Ngài đã sống khác. Ngài đã sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Thánh Phaolô đã nhận ra ai chính là chủ thật của mình để làm tôi như Chúa Giêsu mời gọi.

Thánh Phaolô đã chọn Chúa là chủ, là Chúa của đời mình thật.

Phần chúng ta, chúng ta hành xử theo cách lối nào tùy thuộc vào chọn lựa của mỗi người chúng ta.

Anmai, CSsR