PDA

View Full Version : S - Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật 25 thường niên năm C



Dan Lee
09-17-2010, 08:42 PM
Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật 25 thường niên năm C


Kính thưa quí ông bà anh chị em, lời Chúa qua Chúa Nhật 25 này, mời gọi mỗi người hãy nhìn vào cái thực tại cuộc sống của mỗi người ở trần gian này thật mong manh chóng qua, để giúp ta nhận ra đâu là giá trị đích thực mà ta phải tìm kiếm; Những điều người Kitô hữu tìm kiếm ở đây chắc chắn không phải là những gì ở trần gian, mà là những gì về thiêng liêng vĩnh cửu. Đây là điều Thiên Chúa muốn mỗi người chúng ta tuy sống ở trần gian này, nhưng tâm trí luôn hướng về trời cao để tích trữ cho mình một gia tài không bao giờ hư mất. Ai làm được như vậy, người đó là người quản lý khôn ngoan tài giỏi của Chúa.

Hôm nay, qua trình thuật của Thánh Luca kể lại việc Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh người quản lý bất lương, thế mà Ngài lại khen anh ta. Chúa Giêsu khen anh ta ở điểm nào? Chắc chắn Ngài không khen về sự dối trá của anh ta, nhưng Ngài khen anh ta rất biến báo, nhạy bén, nhanh chóng qua cách hành xử thật khôn khéo đối với các con nợ của ông chủ anh ta, vì hy vọng sau khi anh bị sa thải thì được người ta giúp đỡ lại; Vì anh “cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi”. Đây quả là một hành động khôn ngoan của con cái thế gian.

Chúa Giêsu mượn hình ảnh qua cung cách hành xử của người quản lý đối với những gì liên quan đến đời sống ở trần gian này, qua đó Chúa muốn mọi Kitô hữu cũng phải biết cách thức hành xử khôn ngoan, mau lẹ cho đời sống thiêng liêng, khi thấy được về thực tại của đời người ngắn ngủi, chóng qua để biết lo liệu cho mình có được cuộc sống hạnh phúc trường cửu. khi mình bị thời gian và cái chết đào thải. Hình ảnh người quản lý trong Tin Mừng, sở dĩ anh biết được anh sắp phải nghỉ việc là vì ông chủ gọi anh ta tới và nói lý do anh không được tiếp tục công việc được nữa, vì anh ta đã phung phí của cải của ông chủ. Thế thì mỗi người sống trên mặt đất này, ông chủ là Thiên Chúa nói qua thời gian, qua những biến động trong cuộc sống, khi mình bị thời gian và cái chết ‘đào thải’. Đó là một điều chắc chắn, bởi đó, tốt hơn hết mỗi người nên, cần và bằng mọi gía phải đầu tư vào kho tàng thiêng liêng để ngày ta phải từ giã cuộc đời này, ta được Thiên Chúa đón rước ta vào quê hương vĩnh cửu, hạnh phúc vô biên ở trên trời.

Sống ở đời, mỗi người phải trở nên người quản lý khôn ngoan, tài giỏi của Thiên Chúa? Làm sao mỗi người là hình ảnh người tìm được kho báu chôn trong ruộng, hay người thương gia đi tìm ngọc quí, tìm được rồi thì ông ta bán tất cả để mua cho được viên ngọc quí. (Mt 13,44-45). Kho báu hay Ngọc quí ở đây là nước trời. Mỗi người phải là những hình ảnh của năm cô khôn ngoan đi đón chàng rể (Mt 25,10). Hay là người chủ biết lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ. (Mt 13, 52). Vậy mỗi người cần phải có cặp mắt tinh anh, cặp mắt của Chúa để nhìn ra cái sâu thẳm qua những công việc thường ngày của cuộc sống.

Qủa thật ngày hôm nay, con người đang ra sức làm sao kiếm kho tàng như tiền của, danh vọng, địa vị, nên ta không lạ gì họ đầu tư hết sức lực, tài trí, thời giờ, tiền bạc để chiếm hữu cho được những thứ đó. Quả thật họ đang chết mê, chết mệt với những kho tàng vật chất, người đời vẫn khen họ là “khôn ngoan”. Nhưng than ôi! Không chừng, thay vì những thứ đó là phương tiện đem lại hạnh phúc cho con người thì nó lại trở thành kẻ thù giết hai ông chủ không nương tay. Đây là hậu quả mà ngày nay biết bao người, bao gia đình và bao quốc gia đang gánh chịu. Tiền bạc, danh vọng, địa vị, hưởng thụ là một sức mạnh khủng khiếp lôi kéo biết bao người chìm đắm trong đó, đến nỗi khiến họ hết tâm trí, hết sức lực vào trong đó, hay nói theo kiểu Kinh Thánh: “ Hết linh hồn, hết tâm trí, hết sức lực ngươi”. Than ôi! Kho tàng hay hư nát, kho tàng mà không chừng là kể sát hại chúng ta, thế mà người ta còn đầu tư như vậy thì lẽ ra, kho tàng bền vững muôn đời thì người ta lại càng phải đầu tư hơn biết mấy, thế nhưng tiếc thay biết bao người đã chọn lấy kho tàng chóng qua để hưởng thụ nghỉ ngơi trong đó; Nên sự khôn ngoan này đối với Chúa, họ là những người khờ dại, vì Chúa Giêsu đã từng nói: “Được lời lãi cả và thế gian, mà mất linh hồn nào được ích gì”. (Lc, 8,36). Hay như bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã phải thốt lên như một lời than phiền: “Con cái ở đời này khôn ngoan hơn con cái sự sáng” (Lc, 16,8).

Quả thật, môt phương thế giúp ta biết tìm cách tìm kiếm kho tàng vĩnh cửu; Phương thế đó tôi tạm gọi là: “Biết sang số, chuyển hệ”. Nghĩa là; một mặt, nếu biết đầu tư cho đời sống thể xác mà còn “Hết lòng, hết sức trên hết mọi sự như vậy” thì đời sống thiêng liêng lại cần phải đầu tư hơn biết mấy. Ai làm được điều này thì họ sẽ ‘được mọi sự ở đời này lại còn được nước trời nữa thì còn gì bằng’. Nhưng, tiếc thay con người thường gặp trở ngại lớn, đó là người ta chỉ dừng lại những gì thuộc về hạ giới mà không biết sang số, không biết chuyển hệ qua thiên giới. Chứng minh, nếu ta làm con số so sánh ta sẽ thấy một sự chênh lệch không tưởng nổi; Chẳng hạn, mỗi ngày ta có 24 giờ, nhưng trong 24 giờ đó ta dùng cho công việc làm ăn, học hành, ăn uống, ngủ nghỉ, mua sắm, tắm rửa, trưng diện, chuyện trò, giải trí, có lẽ là mất hết 23 giờ rồi, hoặc gần hết 24 giờ cho đời sống thể xác, phần còn lại rất ít cho việc thiêng liêng như: đọc kinh cầu nguyện, chưa nói là, có khi việc thiêng liêng đó ta làm chẳng nên. Và, nếu đối với một số người mỗi ngày dành cho đời sống thiêng liêng một giờ hay hơn gì đó, thì kể ra những người này ta gọi là những người đạo đức.

Với bài toán so sánh trên, thì thật ra mà nói, mỗi ngày có 24 tiếng đồng hồ mà ta chỉ cần 5 hay 10 phút dành cho Chúa thật sốt sắng cũng tốt lắm rồi, và cứ kiên trì giữ như vậy thì một lúc nào đó ta sẽ muốn dành nhiều giờ hơn cho Chúa. Trái lại có những người không chừng mỗi ngày chẳng dành cho Chúa 1 phút nào. Rồi một tuần lễ, ta có 168 giờ đồng hồ, lo cho đủ mọi thứ về thể xác, nhưng Mẹ Giáo Hội chỉ ao ước con cái mình chỉ dành cho 1 giờ đồng hồ để tham dự thánh lễ thật sốt sắng, xem ra thật nặng nề đối với một số người.

Khi so sánh những điều trên, quả thực con người thật là bất công với Chúa quá, và chỉ có Chúa mới chịu nỗi sự phụ bạc, bất công đó mà thôi; Vì Ngài là Đấng nhân hậu, yêu thương. Nhưng không vì thế mà đừng có ai nghỉ rằng: Thiên Chúa tốt lành như vậy ta không cần phải nổ lực cố gắng làm những điều tốt lành, hay những điều tối thiểu của một người Kitô hữu, vì Chúa không đánh phạt đâu mà sợ. Ấy chết! đừng có nghĩ như vậy, vì: sự công thẳng của Thiên Chúa thì không một hành vi nào mà lại không bị xét xử, và cũng chẳng ai thoát khỏi được sư công thẳng của Thiên Chúa được, như cuối bài đọc 1, sách Tiên Tri A-mốt viết: “ Ta sẽ chẳng bao giờ quyên một hành vi nào của chúng.”

Chính vì sự yêu thương và công thẳng của Thiên Chúa như vậy nên Ngài cứ kiên nhẫn chờ đợi và không ngừng mời gọi con người trở về để sống cho tốt lành như Chúa muốn, và Ngài không muốn một ai phải hư mất. Thiên Chúa muốn mọi người hãy hành động như một người quản lý khôn ngoan tài giỏi của Chúa; qua sự nổ lực tìm kiếm của ăn không bao giờ hư nát, để khi ta từ giả cuộc đời này, ta sẽ nghe được lời chúc phúc của Chúa: “Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung tín, hãy vào hưởng niềm vui của chủ ngươi” (Mt 25,21).

Xin cho mỗi người chúng ta luôn là những người quản lý khôn ngoan, tài giỏi của Chúa để tìm kiếm được nước trời làm gia nghiệp. Amen.

Lm. Phaolô Cao Thế Bình, SDD