PDA

View Full Version : Giáo là Phật ngữ, Tông là Phật tâm, Luật là Phật hạnh



gioidinhhue
09-13-2010, 11:47 PM
25. Duyên khởi của Thượng Hải Phật Học Biên Tập Xã

[img/]

Tâm tánh chính là căn bản để hết thảy phàm - thánh trong mười pháp giới đọa địa ngục hay sanh lên trời, chứng chân, thành Phật. Nhân quả là phương tiện lớn lao để hết thảy thánh nhân thế gian, xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh. Nhưng tâm tánh này ai nấy vốn tự có đủ, chân thường tịch chiếu, mầu nhiệm chẳng thể diễn tả được. Chỉ do mê chưa ngộ nên chẳng những không thọ dụng được, trái lại còn dùng sức tâm tánh này để khởi Hoặc tạo nghiệp; do nghiệp đọa khổ, xoay vần trầm luân, mê muội, luân hồi sáu nẻo đến tận đời vị lai, trọn không có lúc thoát ra được, khiến cho đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn ta rủ lòng thương xót, khởi lòng Vô Duyên Từ, vận lòng Đồng Thể Bi, chẳng lìa Tịch Quang, thị hiện giáng sanh trong thế gian, tinh tu phạm hạnh, thành Đẳng Chánh Giác. Do vậy, Phật than: “Lạ thay! Lạ thay! Hết thảy chúng sanh đều đầy đủ trí huệ, đức tướng của Như Lai, nhưng do vọng tưởng, chấp trước nên chẳng chứng đắc. Nếu lìa vọng tưởng thì Nhất Thiết Trí, Tự Nhiên Trí, Vô Ngại Trí liền được hiện tiền”.

Bởi đó, tùy cơ thuyết pháp khiến cho [chúng sanh] được độ thoát. Nhưng do căn khí sai biệt nên pháp không có tướng nhất định, hoặc Tiệm, hoặc Đốn, hoặc Quyền, hoặc Thật, hoặc Hiển, hoặc Mật, hoặc Tánh, hoặc Tướng, cốt sao đều được triệt ngộ, triệt chứng diệu Chân Như tánh “tại phàm chẳng giảm, nơi thánh không tăng, suốt ngày tùy duyên, nhưng suốt ngày bất biến” mới thôi. Do tâm tánh này về Thể tuy bất biến, nhưng Dụng lại thường tùy duyên, do thuận theo mê nhiễm duyên dầy hay mỏng sai khác mà thành sáu phàm pháp giới. Do nương theo ngộ tịnh duyên sâu - cạn khác biệt mà thành bốn thánh pháp giới. Đã biết Thể thường bất biến, do mê - ngộ, thuận - nghịch nên Tướng - Dụng khác biệt vời vợi, ai không muốn bỏ mê nhiễm duyên, thuận theo ngộ tịnh duyên, khôi phục thiên chân sẵn có, viên thành vô thượng giác đạo ư? Mười pháp giới mỗi mỗi đều chẳng ra ngoài nhân quả, muốn lìa khổ được vui siêu phàm nhập thánh thì cố nhiên nên chọn lựa cẩn thận.

Lại sợ chúng sanh nghiệp nặng chướng sâu, dù có trồng thiện căn, được sanh trong trời - người, nhưng chưa đoạn Hoặc ắt phải tạo nghiệp, một khi đọa vào ác đạo, chẳng có lúc hết khổ. Vì vậy, do tâm đại từ bi, đức Phật đặc biệt mở ra pháp môn Tịnh Độ để phàm phu đầy dẫy phiền não trong đời hiện tại liền thoát khỏi Sa Bà, sanh về Cực Lạc, cùng với các vị Bồ Tát thuộc những địa vị Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác như Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền v.v… cùng tụ hội một chỗ, thân cận Phật Di Đà để dần dần chứng được đạo quả. Ôi! Ân Thế Tôn có thể nói là tột bậc, dẫu trời che đất chở cũng khó ví được chút phần! Đến khi chúng sanh căn cơ [phù hợp] đã hết, sự ứng hiện của Như Lai phải thôi dứt, nhưng lòng đại bi lợi sanh trọn chẳng cùng tận. Do vậy, các đại đệ tử phân bố xá-lợi, kết tập Kinh Tạng hòng lưu thông khắp pháp giới, để tất cả đều được thấm nhuần pháp.

Đến thời Đông Hán, đại giáo mới bắt đầu truyền sang [Trung Hoa]. Nhưng do phong khí chưa được mở mang nên chỉ lưu truyền ở phương Bắc, đến năm Xích Ô thứ tư (241) đời Tôn Ngô, tôn giả Khang Tăng Hội khai hóa ở Kiến Nghiệp[27], được xá-lợi của Như Lai giáng lâm, khiến Tôn Quyền hết sức tín ngưỡng bèn dựng chùa xây tháp để hoằng dương pháp hóa. Pháp được lưu truyền ở phương Nam từ đó. Đến đời Tấn, pháp được truyền khắp các nước Cao Ly, Nhật Bản, Diến Điện, An Nam, Tây Tạng, Mông Cổ. Từ đấy trở đi, ngày càng hưng thạnh. Đến đời Đường có đủ các tông, có thể nói là cực thạnh. Thiên Thai, Hiền Thủ, Từ Ân hoằng Giáo, Lâm Tế, Tào Động, Quy Ngưỡng, Vân Môn, Pháp Nhãn hoằng Tông, Nam Sơn nghiêm tịnh Tỳ Ni (Luật), Liên Tông chuyên tu Tịnh Độ. Như những chức vụ thuộc các ty sở của các bộ, như công dụng của sáu căn giúp đỡ lẫn nhau. Ấy là vì Giáo là Phật ngữ, Tông là Phật tâm, Luật là Phật hạnh. Ba thứ tâm, ngữ, hạnh quyết khó thể tách rời, ước theo chỗ chuyên chú mà lập những danh hiệu ấy. Chỉ có mình pháp Tịnh Độ thoạt đầu là phương tiện để phàm phu nhập đạo, chứ thật ra là chỗ quy túc rốt ráo của các tông. Vì thế, kẻ sắp đọa A Tỳ còn được dự vào phẩm cuối, bậc chứng bằng với chư Phật vẫn mong vãng sanh.

Khi Như Lai tại thế, ngàn căn cơ đều được dưỡng dục, vạn phái chầu về; đức Phật diệt độ rồi, bậc hoằng pháp đại sĩ mỗi vị hoằng dương một tông, để mong thâm nhập một môn thì các pháp đều thông. Ví như ngàn hạt châu nơi cái lưới của Thiên Đế, mỗi một hạt châu chẳng lẫn vào nhau, nhưng một châu lại nhập vào trong khắp ngàn hạt châu, ngàn hạt châu được nhiếp trong một hạt châu, hòa lẫn vào nhau nhưng chẳng xen tạp, riêng biệt nhưng chẳng tách rời. Kẻ câu nệ hình tích cho là hết thảy pháp, mỗi pháp đều khác biệt. Người khéo hiểu thấy hết thảy pháp, pháp nào pháp nấy viên thông. Như bốn cửa thành, gần cửa nào bèn vào bằng cửa đó, cửa tuy bất đồng, nhưng vào [trong thành] rồi chẳng khác gì nhau. Nếu biết ý này thì há phải đâu chỉ có những lý chắc thật rất sâu do chư Phật, chư Tổ đã nói mới là pháp để quy chân đạt gốc minh tâm kiến tánh? Khắp cả thế gian, hết thảy Ấm, Nhập, Xứ, Giới, Đại v.v… mỗi mỗi đều là pháp để quy chân đạt gốc minh tâm kiến tánh. Đã thế, mỗi mỗi đều là Chân, là Gốc, là Tâm, là Tánh. Vì vậy, kinh Lăng Nghiêm coi Ngũ Ấm, Lục Nhập, Thập Nhị Xứ, Thập Bát Giới, Thất Đại đều là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh. Do vậy, nói “không một pháp nào chẳng phải là Phật pháp, cũng như không một ai chẳng phải là Phật”.

Hiềm rằng chúng sanh châu trong chéo áo trọn chẳng biết hay; ôm của báu đi ăn xin, chịu nghèo khổ oan uổng, dùng tâm Như Lai tạo nghiệp chúng sanh, dùng pháp giải thoát để chịu khổ luân hồi, chẳng đáng buồn ư? Vì vậy, hoằng pháp đại sĩ chẳng nề khổ sở, dùng đủ mọi phương tiện chỉ bày, hướng dẫn, khiến cho họ hiểu chắc thật sự lý nhân quả của mười pháp giới, triệt ngộ tự tánh của cái tâm để rốt ráo viên chứng. Từ Đường tới Tống, sang Nguyên, sang Minh rồi đến Thanh, trọn một ngàn năm, thanh giáo chẳng suy. Tuy chẳng hưng thịnh bằng đời Đường, vẫn có thể nói là chỉ kém hơn đôi chút. Từ thời Hàm Phong - Đồng Trị trở đi, chiến tranh liên miên, đói kém liên tiếp, cao nhân ngày càng hiếm hoi, kẻ tầm thường ngày càng đông đảo, quốc gia chẳng rảnh rang để đề xướng, tăng lữ không có sức chấn hưng. Do vậy, những vị cao nhân tại gia vì chưa từng nghiên cứu, lầm lạc học theo thói cũ của họ Âu, họ Hàn, khiến cho Phật pháp suy bại sát đất.

Đến cuối đời Thanh, học giới mở rộng, những người thiên tư cao đều xem đọc kinh Phật, mới biết cái gốc đạo là đây, bèn đều lắng lòng nghiên cứu. Đến khi Dân Quốc thành lập, pháp luật, quy chế đổi mới, quyền tự do tôn giáo được ghi trong hiến pháp. Hơn mười năm qua, phong khí rộng mở. Phàm vĩ nhân thuộc các giới chính khách, quân sự, học thuật, thương nghiệp, đa phần đều nghiên cứu Phật pháp, ăn chay, niệm Phật. Các vị cư sĩ Cố Liên Thừa, Triệu Vân Thiều v.v…muốn khiến cho đồng nhân cùng được thấm nhuần pháp lợi nên tính lập Phật Học Biên Tập Xã tại ngõ Trường Khang đường Bắc Kinh ở Thượng Hải. Phàm những luận thuyết giải thích rõ tâm tánh, nêu rõ nhân quả, lợi ích của việc kiêng giết, phóng sanh, những chuyện cảm thông của việc niệm Phật vãng sanh, cùng những giải thích kinh luận sâu xa uyên áo, những sự tu trì của bậc nhân sĩ cao đẹp đều thâu thập, biên tập, mỗi tháng ra một số để hiến cho người đương thời, ngõ hầu những người không biết Phật pháp sẽ do đây được biết, kẻ biết Phật pháp đôi chút [sẽ do đây] dần dần hiểu biết thù thắng hơn. Nếu có thể tuân theo ngôn giáo của Phật, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, trọng lòng kính, giữ lòng thành, gột tâm rửa lòng thì không những thiên tai, nhân họa sẽ do đây được tiêu diệt, mà phong tục lại thuần hậu, tốt đẹp, hưởng mãi thái bình. Sẽ thấy triệt ngộ duy tâm, đích thân thấy được Phật tánh, xa lìa nhân khổ quả khổ tam giới, chứng nhân vui, quả vui Nhất Thừa, để khỏi phụ Chân Như diệu tánh sẵn có trong tâm này vậy.

http://niemphat.net/Luan/anquangvs/anquang16.htm

gioidinhhue
09-14-2010, 12:00 AM
Chúng ta luôn phải đối đầu với bao kẻ thù. Vì chúng trụ ở bên trong ta, ta khó nhận ra chúng. Do đó trước hết ta phải ngó lơ chúng để chú tâm vào việc thanh tịnh hóa tâm, dần dần chúng không còn là một phần của ta nữa.

Con đường tâm linh, con đường thanh tịnh hóa, đoạn diệt, tự do là con đường dẫn ta đến sự thay đổi bản tánh của mình. Nếu ta không bắt đầu bằng bước đó, ta sẽ không thể bước vào thế giới thanh tịnh. Mọi thứ khác đều là ngoại giới, chỉ có bản tánh là nội tâm. Mặc dầu ngoại giới có thể đẹp đẽ, có thể mang cho ta cảm giác thoải mái, nhưng chúng không thể thay đổi nội tâm ta. Và chỉ có sự thay đổi đó mới phân biệt được một người cao cả với người bình thường. Người bình thường hành động theo sự sai bảo của bản năng. Người cao cả chuyển hóa chúng.

Chướng ngại thứ hai cũng như các tội lổi khác gây bao điều tai hại cho ta đó là sân hận, nóng giận. Mức độ nóng giận có thể nặng, nhẹ. Khi bùng nổ ra ngoài, khi gậm nhấm bên trong. Khi nó được bộc lộ ra lời, thường làm người khác cũng sinh giận dữ. Từ đó gây ra cãi vả trong gia đình, xích mích ở xóm giềng. Nảy sinh ra oán thù giữa các cộng đồng, chiến tranh giữa các quốc gia hay trên cả thế giới.

Tất cả mọi thứ đều bắt đầu từ trong tâm ta, nên ta phải nhận ra rằng thế giới không phải là tha nhân. Mà mỗi chúng ta là một thế giới, do đó trừ khi ta tự tìm thấy an bình trong chính tâm ta, ta sẽ không thể tìm thấy điều đó ở đâu khác. Không cần kể là người khác đang tức giận, bực bội, sai quấy hay ngã mạn. Không có gì đáng kể cả. Điều quan trọng chính là thái độ của chúng ta trong hoàn cảnh đó. Không thể có sự an ổn tuyệt đối trên thế giới nầy. Dưới thời Đức Phật đã không có. Dưới thời các vĩ nhân, các vị thánh đã không có. Trái lại, lịch sử đã bày cho ta thấy bao nhiêu cảnh tranh giành thế lực chính trị, chiến tranh, anh em xâu xé nhau.

Sự bình an duy nhất ta có thể có được là sự bình an tự trong trái tim ta. Sự an lạc Đức Phật đã tìm thấy cho chính mình, lại âm vang đến cả thế giới. Ngài là người đã tìm thấy an bình với chính mình, với thế giới và sự an bình đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay, hơn hai mươi lăm ngàn năm sau trong Pháp của Ngài. Năm trăm triệu người trên thế giới đã thệ nguyện làm đệ tử của Ngài.

Rõ ràng là nghiệp của chúng ta không giống nhau. Nhưng nếu ta có thể truyền cho người thân trong gia đình, sự an bình, tự tại trong tâm ta, cũng đã quá tốt. Đó cũng là một thành tích có phải không? Khi tất cả mọi người trong gia đình đã được truyền cho sự bình an, thì an bình cũng có thể lan truyền đến hàng xóm, láng giềng. Được thế càng tốt hơn. Ta không cần phải là Phật mới có thể ảnh hưởng sâu xa đến người khác.

Ảnh hưởng sâu xa chỉ có thể nẩy sinh khi trong tâm ta chỉ có sự bình an, tâm không còn dấy khởi sân hận. Chỉ có các vị A la hán mới đoạn diệt được hết các niệm sanh ra sân hận. Dầu vậy nếu ta có thể kiềm chế sân hận vẫn hơn lúc nào cũng giận dữ, cãi lẩy, hờn oán, thương tổn, trách móc người khác.

Sân hận dấy khởi do ta cảm thấy bị thương tổn, đau đớn, và phản ứng của con người lạ lùng thay, là cũng gây đau đớn lại cho người khác. Ta sẽ không thể sửa đổi, nếu như không nhận biết điều đó. Nhưng không phải ai cũng gây đau đớn cho người khác, có người tự gây thương tích cho mình. Họ nuốt giận, chôn giấu nó, nhưng nó vẫn sôi sục ở bên trong. Và rồi tất cả sự giận dữ đó sẽ phát lộ ra bằng các chứng bịnh, thiếu nghị lực, trầm uất, tiêu cực, thiếu hỉ lạc và bình an.

Rất ít người chúng ta gặp trên đường phố có nét mặt vui vẻ, hạnh phúc. Bạn có nhận thấy không? Không chỉ ở đây mà ở khắp nơi: Sidney, London, Amsterdam hay Paris. Bất kể ở đâu, con người đều giống nhau.

Những đau đớn ta đã kinh nghiệm trong cuộc đời, mà ta luôn phải chống trả, tạo cho ta cái ý nghĩ là nếu ta trả đủa lại, thì sự đau đớn, tổn thất của ta sẽ giảm đi. Sự thật thì trái lại, điều đó chỉ làm cho sự đau đớn tăng lên gấp bội.

Đức Phật đã so sánh sân hận như bịnh sôi mật. Khi bạn giận dữ -và tôi đoán chắc rằng không ai thóat khỏi- bạn hiểu cảm giác đó thế nào? Cảm giác khó chịu -vậy mà ta cứ mãi sân hận. Nếu đó không là kỳ quái, thì là cái gì? Giống như người tự đánh mình, mỗi lần đánh đều thấy đau, nhưng vẫn cứ lập đi, lập lại.

Đức Phật cũng ví giận dữ giống như cầm than đỏ bằng tay không, chọi vào kẻ khiến ta sân giận. Ai sẽ phỏng trước? Dĩ nhiên là người giận.

Ngài cũng ví sân hận như cái hồ trong đó nước sôi sục. Nếu nước sôi, ta không thể có một mặt hồ tĩnh lặng để soi mình vào đó. Khi ta giận dữ, ta không còn biết tất cả vì mục đích gì, sự tỉnh thức của ta bị chìm lấp. Ta quên hết mọi thứ, chỉ còn biết cơn giận của mình. Nếu lúc đó ta có thể nhìn vào kiếng thì gương mặt ta nhìn thấy sẽ xấu xí biết bao. Nhưng lúc đó không ai còn thì giờ để nhìn vào kiếng. Họ bị cuốn lấp trong cơn giận.

Đức Phật dạy khi sân hận dấy khởi, điều đầu tiên ta nên nhớ là ‘Ta là chủ nghiệp ta’. Sự nhắc nhở đó rất quan trọng ở giây phút căng thẳng nhất. ‘Tôi làm chủ nghiệp của tôi, nên nếu như tôi tức giận, tôi sẽ lãnh nghiệp báo của hành động đó’. Bất kể người kia đã làm gì cho bạn giận.

XEM ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY :

http://trungtamhotong.org/thuvien/index.php?module=mucluc&function=detail&id=32