PDA

View Full Version : C - Chúa Nhật 23 thường niêm năm C (Kn 9,13-18; Lc14,25-33)



Dan Lee
09-06-2010, 06:51 PM
Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật 23 thường niêm năm C (Kn 9,13-18; Lc14,25-33) .

Kính thưa quí ông bà anh chị em, trong cuộc sống, có lẽ ai lại không một lần nói: “ Tôi biết nó quá mà, hay tôi biết nó như đi guốc trong bụng..” Có thật chúng ta biết người khác như vậy không? Chắc là không. Đó là nói để mà nói chứ biết một cách rõ ràng, chắc chắn và biết một cách thâm sâu thì không ai biết được; Vì ngay cả chính mình mà mình cũng chưa biết hết mình, vì nếu biết hết mình thì làm sao ta lại nói: “Biết vậy thì đừng làm, hay biết vậy thì mình đâu có đau khổ như thế này”. Chính vì thế mà sách Khôn Ngoan trong tuần này đã nói về cái hạn hẹp của con người như sau: “Những ý tưởng của loài hay chết thì mập mờ, cả những dự định của chúng đều không chắc chắn. Con người ước lượng cách khó khăn các việc dưới đất, và khó nhọc tìm thấy những sự trước mắt.”(Kn 9, 15-16 ). Còn Thiên Chúa thì sao? Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn tâm can, như Thánh Vịnh 32 diễn tả: “Từ trời cao nhìn xuống, Chúa thấy hết mọi người, từ thiên cung Chúa ngự, Chúa dõi theo người thế. Lòng mỗi người, chính Chúa dựng nên, việc họ làm, Chúa đều thông suốt cả.” (Tv 32, 10-15). Thánh Phaolô khi suy niệm về Thiên Chúa, thì đã phải thốt lên bài ca tụng thánh ý nhiệm mầu của Chúa như sau: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! quyết định của Thiên Chúa ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được. Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người? Ai đã cho Người trước để Người trả lại sau? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và qui hướng về Người.” (Rm 11,33-36). Quả thật, Thiên Chúa mà chúng ta đang tôn thờ là một Thiên Chúa tối cao tuyệt đối. Đây là điều mà tác giả sách Khôn Ngoan muốn chỉ dạy tất cả những người ở dưới gầm trời này hãy sửa lại đường lối cho ngay thẳng, để học biết sự đẹp lòng Chúa. Nhưng than ôi! Nhân loại thay vì mỗi ngày mỗi sửa đường lối mình cho ngay thẳng để học biết những gì đẹp lòng Chúa, thì con người lại thích bẻ cong đường ngay thẳng, để tự vạch cho mình một con đường riêng, nên ta không lạ gì nhân loại ngày càng chồng chất nhiều đau khổ bởi tự kiêu, tự mãn, bởi bạo lực, chiến tranh, sự đổ vỡ tình nghĩa do tiền bạc, quyền thế… Quả thật, hậu quả bi đát khổ đau là do những xu hướng xấu mà con người chọn lựa và hành động. Xem ra những gì con người tự chọn lựa kể ra nó là những thứ hấp dẫn lôi kéo con người vào ‘Mê hồn trận’ thật dễ dàng cho nên đã biết bao nhiêu người lao theo. Còn lời mời gọi từ bỏ, vác thập gía mà theo Chúa thì xem chừng thật khó khăn và ít người tìm đến. Đây là điều chính Chúa Giêsu đã phán: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không vào được.” (Lc 13,24).

Đến với Chúa cần phải qua cửa hẹp; nghĩa là chấp nhận con đường khó khăn gian khổ, vì nó đi ngược lại với những xu hướng xấu của con người như: sự dễ dãi, thoái mái, thao túng bừa bãi, tự cao, tự đại, kiêu căng hận thù, không tha thứ, tranh chấp, ghen ghét, chiến tranh, giết người, yêu thụ tạo cách qúa lẽ… Thế thì lời mời gọi của Chúa Giêsu qua bài Tin Mừng tuần này là một lời mời gọi phổ quát và để con người tự do đáp trả, nhưng mỗi một khi đáp trả rồi là phải dấn thân cho đến cùng con đường mà mình đã chọn. Lời mời gọi của Chúa Giêsu mang tính cách gợi ý, kêu mời chứ không ép buộc một ai: “ Nếu ai đến với ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Qua lời mời gọi từ bỏ như thế, nếu nhìn trên phương diện tình cảm con người, thì xem ra hành động từ bỏ này không những tàn nhẫn, phủ phàng, nghịch lý, nghịch thường, và nó còn đi ngược lại với đạo lý tự nhiên, và còn hơn thế nữa là nó còn đi ngược lại với đạo lý mà chính Chúa Giêsu chỉ dạy; Điều răn thứ tư thảo kính cha mẹ. Rồi trong thơ của thánh Phaolô gởi giáo đoàn Ephêsô : “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa” (Eph 6,1-2).

Chính Chúa Giêsu dạy giới luật mà mọi người phải tuân giữ; Luật MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI, thế mà qua đoạn Tin Mừng chúng ta nghe trong Chúa Nhật này, Chúa lại nói: Ai muốn theo Ta mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em và cả mạng sống mình nữa, thì không xứng đáng làm môn đệ Ta. Từ bỏ ở đây ta phải hiểu như thế nào? Có phải là một hành động dứt khoát, đoạn tình dứt nghĩa, không nhớ đến, không có một mối tương quan nào nữa với những người mà mình chịu ơn, với những người gần gủi máu mủ của mình. Chắc chắn là không phải kiểu từ bỏ như thế. Nếu từ bỏ như thế thì đó gọi là: “Vô ơn bội nghĩa”. Vậy, lời kêu gọi từ bỏ của Chúa Giêsu ở đây là như thế nào? Thưa là vượt qua cái giới hạn để đến với cái vô hạn và khi đã chiếm được cái vô hạn thì cũng ôm trọn tất cả mọi sự trong đó; Nghĩa là càng chiếm hữu được Chúa thì ta lại càng có mối tương quan mật thiết với cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em và tất cả mọi người hơn nữa. Chứng minh, một điều cho ta thấy rõ ràng ngày hôm nay khi người ta sống trong hận thù, chia rẽ, chiến tranh, chia ly tình nghĩa máu mủ …, vì một lẽ là: họ đã đánh mất Chúa trong cuộc sống của họ rồi, hay họ chỉ nghe mà không giữ lời của Chúa.

Yêu thương và từ bỏ không có gì mâu thuẫn nhau, trái lại yêu thương và từ bỏ là hai điều bổ túc cho nhau, hay nói khác đi, yêu thương sẽ dẫn đến từ bỏ; Chẳng hạn, người chồng hay vợ, yêu thương người phối ngẫu, yêu thương con cái, thì họ cần phải từ bỏ những gì làm cho gia đình mất hoà khí yêu thương. Thí dụ như: sự từ bỏ thuốc lá hay từ bỏ những thứ nghiện ngập như cờ bạc, ma túy, bia rượu… và ngay cả những đam mê tốt như là thể thao, du ngoạn, thích cảnh vật, hay súc vật… khi vì nó mà không để giờ cho sự hiện diện của mình trong gia đình, để quan tâm, săn sóc gia đình, con cái, thì những đam mê tốt đó cũng phải hy sinh. Tắt một lời, nếu chúng ta từ bỏ tất cả những điều trên là chứng tỏ mình yêu thương vợ chồng con cái, và biết chăm sóc cho gia đình.

Vậy thì, khi ta lấy Chúa làm trung tâm điểm của cuộc sống và đặt Chúa trên tất cả mọi sự, kể cả cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, bà con, bạn hữu thì lúc đó ta sẽ có một mối tình yêu thương họ đúng nghĩa và sâu sắc hơn; Vì trong Chúa ta có tất cả. Khi ta ưu tiên và qui hướng về Thiên Chúa thì ta sẽ cải thiện và thăng tiến bản thân, gia đình, Giáo Hội và xã hội hơn nữa. Từ bỏ để yêu thương, đó chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Vậy, ai từ bỏ tất cả mọi sự người đó mới xứng đáng làm môn đệ của Chúa; Nghĩa là đừng lấy bất cứ một sự gì trên trần gian này làm gía trị tuyệt đối, cứu cánh cùng đích của mình: bởi vì tất cả mọi sự đều qua đi, cho dù có thân thiết như tình nghĩa cha mẹ con cái, cho dù có mặn nồng như tình nghĩa vợ chồng, cho dù có một mối liên đới chặt chẽ như tình anh em, bạn bè … tất cả một lúc nào đó rồi cũng chia tay, nhưng chỉ một mình Thiên Chúa mới trường tồn vạn đại, một tình yêu bền vững thiên thu, và là một niềm hạnh phúc vô tận. Cho nên Chúa đòi hỏi nơi mỗi người phải yêu mến Chúa trên hết mọi sự cũng là đúng thôi. Mặt dù là thế, nhưng Chúa vẫn tôn trọng sự tự do của con người, nên Ngài mời gọi mỗi người hãy tính toán cho thật kỷ trước khi theo Chúa, bởi thế mà Ngài đã đưa ra hình ảnh người ta trước khi xây nhà cần phải tính toán vật liệu cho kỹ, hay trước khi nghênh chiến với quân địch cần phải lượng xem sức mình có chống nổi địch thủ không để mà cầu hoà.

Ước gì một khi ta đã chọn Chúa là ta chấp nhận sống với những gì mà đối với người đời là một sự nghịch lý, nhưng khi ta sống với cái nghịch lý của người đời thì ta lại sống đúng với ý muốn của Thiên Chúa. Ai cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình vì Chúa, thì sẽ được sự sống. Chính lúc thứ tha là ta được tha thứ. Chính lúc quyên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Amen.

Linh mục Phaolô Cao Thế Bình SDD