PDA

View Full Version : S - Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật 18 thường niên năm C



Dan Lee
07-30-2010, 06:05 PM
Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật 18 thường niên năm C

(Gv 1,2;2.21-23; Cl 3,1-5.9-11; Lc 12,13-21)

Kính thưa quí ông bà anh chị em, qua các bài đọc của Chúa nhật 18 này, là một sứ điệp, một tiếng chuông gióng lên để thức tỉnh mọi người; nhất là những ai đang say sưa với những gì ở trần thế mà họ tưởng đó là sự nghỉ ngơi muôn đời của con người, đặc biệt trong thời đại hôm nay có quá nhiều sự lầm tưởng và ru ngủ bởi vật chất.

Với bài đọc thứ nhất, trích từ sách Giảng Viên, những lời lẽ của sách Giảng Viên là cả một quá trình suy tư của tác giả, khi tác giả nhìn thấy mọi sự dưới gầm trời này đều thay đổi; nay còn mai mất, và nhất là có những người suốt đời lam lũ để tích trử cho nhiều của cải, nhưng rồi phải ra đi với hai bàn tay trắng, và thậm chí những của cải để lại không khéo lại sinh ra nhiều cuộc chiến tranh. Khi nhìn thấy sự đời như vậy, tác giả phải thốt lên: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.” Tác giả muốn nhấn mạnh sự chóng qua, sự đắp đổi của mọi sự, nên chỉ một câu mà tác giả dung chữ ‘ phù vân’ tới năm lần, điều này muốn nhắc nhở mọi người: “ Hãy nhìn vào sự thật đó để lo cho một cái gì đó có tính cách bền vững.” Và tác giả của Tv 38 cũng đề cập đến sự mong manh của đời người và sự lam lũ để tích trử của cải nhưng cuối cùng rồi như thế nào? Ta hãy nghe tác giả nói: “Ấy tuổi đời con, Chúa đo cho một vài gang tấc, kiếp sống này, Chúa kể bằng không. Đứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở. Thấp thoáng trên đường tựa bóng câu. Công vất vả ngược xuôi làn gió thoảng, ky cóp mà chẳng hay ai hưởng dùng.” ( Tv 38.6-7).

Nếu ta chưa rõ lắm của sự phù vân thì có lẻ không phải đi tìm đâu cho xa, mà bắt đầu từ con người của chúng ta; hồi tâm suy nghỉ ta thấy mọi sự ở đời đều đắp đổi. Tác giả sách Giảng Viên trong chương 3 đã mô tả: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để nhảy múa, một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất đi.” Sự thật là như vậy, phù vân là như vậy, cho nên dù muốn dù không mọi sự đều phải qua đi; cho dù chúng ta đã từng thành công điều này, điều kia, nhưng cũng không thiếu những thất bại, đau khổ. Lam lũ để có của nuôi thân là điều gắn liền với con người: “ Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn” ( St 3,19). Nhưng nếu lam lũ vất vã, và có bao nhiêu thời giờ chỉ dành cho việc kiếm tiền cho nhiều, rồi lại lo tìm nơi cất dấu dự trữ an toàn; nói là an toàn nhưng ở đời này chẳng có gì là an toàn chắc chắn; chỉ một cơn gió thoảng thôi cũng đủ lấy mạng sống ta như chơi, hay biết bao điều ngoài tầm tay của chúng ta mà ta không thể nào biết trước, hay một cơn sóng thần như ở Châu Á vào ngày 26-12- 2004; một cơn bão như Katrina 29-8- 2005 chẳng hạn, hay sự sụp đổ của hai toà nhà New York, mà người ta thường gọi là sự kiện 911. Những chuyện đó xẩy ra ai cưỡng lại được. Cho nên những ai cứ thu tích của cải ở đời này mà không chịu lo tích trử của cải đời sau thì đó là những hạng người mà Chúa Giêsu gọi là: “Đồ ngốc!” Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20).

Thánh Phao lô cũng mời gọi người Kitô hữu hãy tìm kiếm những gì thuộc trên trời, hãy hướng lòng trí về trời cao; vì người Kitô hữu là người được trỗi dậy cùng với Đức Kitô. Như vậy, nếu một người mà luôn hướng về trời cao thì sẽ giúp người đó bằng mọi cách lo tìm kiếm của cải thiêng liêng, hay nói cách khác, hãy lợi dụng những của cải chóng qua để mua lấy của cải vĩnh viễn muôn đời: “Hãy tích trử cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi.” (Mt 6, 20). Thánh Phaolô không chỉ khuyên con cái mình hướng về trời cao để biết sống theo sự khôn ngoan của con cái Chúa; qua việc sử dụng tiền của mà ngài còn khuyên nhủ mọi người đừng làm những chuyện sai trái như: gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu xa, tham lam, nói dối, lừa đảo, chửu bới, vu oan, cáo vạ, kỳ thị, tranh chấp…tất cả những hành vi đó là của con người cũ, nhưng bây giờ anh em đã mặc lấy con người mới, con người Đức Kitô thì không có những hành vi xấu xa tội lỗi đó nữa.

Tóm lại, cuộc sống này để có ý nghĩa đích thực cho cuộc hành trình thiêng liêng thì ta cần phải luôn tâm niệm về mọi sự ở đời này đều là phù vân, tất cả là phù vân, để ta có sự khôn ngoan. Chúng ta là con cái của Thiên Chúa thì phải rất thận trọng trong vấn đề sử dụng tiền của và những gì thuộc về thế gian vì: tất cả đều qua đi, chính vì thế, tất cả mọi sự ở đời này nó chỉ là phương tiện giúp ta đạt đến mục đích chính là Thiên Chúa, và ở đời này không một sự gì, và cũng không có một ai hơn Thiên Chúa, vì Ngài là lẽ sống và niềm hạnh phúc vô tận của mọi người. Amen.


Lm. Phaolo Cao Thế Bình, SDD