PDA

View Full Version : S - Suy Niệm Lời Chúa 5 Phút Mỗi Ngày



Dan Lee
07-23-2010, 09:50 PM
Suy Niệm Lời Chúa 5 Phút Mỗi Ngày

24/07/10 Thứ Bảy Tuần 16 TN

Th. Sácben Máclúp, linh mục Mt 13,24-30

Lòng Chúa Bao Dung

“Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt : Hãy nhổ cỏ lùng trước đã, bó thành bó và đốt đi, rồi sau đó, hãy thu lúa vào kho lẫm cho tôi.” (Mt 13,30)

Suy niệm: Phán quyết của toà án bao giờ cũng mang tính cách chung cuộc, đóng lại mọi tranh cãi, nhất là đó là phán quyết của toà án tối cao. Trong dụ ngôn, phán quyết chung cuộc không được đưa ra ngay khi cỏ lùng bị phát hiện, nhưng được trì hoãn cho tới tận mùa gặt. Cũng vậy, bao lâu chưa tới ngày phán xét ấy, loài người còn thời gian để sám hối. Nhưng khi thời gian đã mãn, đến ngày tận thế, Thiên Chúa mới phán xét người lành kẻ dữ. Thiên Chúa là Đấng nhân từ, Ngài có đủ kiên nhẫn để chờ đợi tội nhân ăn năn trở lại. Không phải là Thiên Chúa thiếu kiên nhẫn, nhưng là vì thời gian dành cho chúng ta đã hết.

Mời Bạn: Dụ ngôn cỏ lùng cho bạn thấy được lòng nhân từ và bao dung của Thiên Chúa. Ruộng lúa tốt lẫn lộn với cỏ lùng là hình ảnh của chính cõi lòng bạn. Bao lâu bạn còn sống ở đời này, bạn vẫn còn thời gian, còn cơ hội để biến đám cỏ lùng trong lòng bạn trở thành lúa tốt. Thật may mắn, Chúa vẫn cho bạn có thể sửa chữa những lỗi lầm của mình!

Chia sẻ: Trong cánh đồng tâm hồn bạn, lúa hay cỏ lùng đang lớn mạnh hơn?

Sống Lời Chúa: Nếu Thiên Chúa cảm thông và bao dung của đối với bạn thì bạn cũng học bao dung và cảm thông với người khác, bạn nhé.

Cầu nguyện: Nguyện xin Chúa cho chúng con biết noi gương nhân từ cảm thông của Chúa và cùng giúp nhau sửa mình để sống mỗi ngày một tốt hơn.

25/07/10 Chúa Nhật Tuần 17 TN – C

Lc 11,1-13

Xin Cho Danh Cha Cả Sáng

Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha, xin làm cho danh Thánh Cha vinh hiển.” (Lc 11,2)

Suy niệm: Người con thảo hiếu mong ước sống tốt để làm cho cha mẹ được nở mặt nở mày với bà con láng giềng, người học sinh mong học hành giỏi giang thành đạt để làm vinh dự cho thầy cô giáo của mình. Cũng thế mối bận tâm đầu tiên và duy nhất của Chúa Giêsu, Người Con Yêu Dấu của Chúa Cha, là làm vinh danh Thiên Chúa là Cha của Ngài. Thế nên khi các môn đệ xin Ngài dạy cho biết cầu nguyện thì lời cầu đầu tiên Ngài dạy là: “Lạy Cha, xin làm cho danh Thanh Cha vinh hiển.” Đó cũng là điều mà tác giả sách Khải Huyền cảm nhận được khi thuật lại thị kiến triều đình thiên quốc với các thiên thần, các thánh chầu quanh Ngai Chúa và mọi loài thụ tạo không ngớt lời tung hô: “Kính dâng Đấng ngự trên Ngai và Con Chiên, lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời” (Kh 5,13).

Mời Bạn: Hằng ngày trong Thánh Lễ chúng ta cùng ca vang: “Thánh! Thánh! Thánh! Trời đất đầy vinh quang Chúa” chúng ta đang thực hiện lời cầu đầu tiên đó: “Xin cho Danh Cha cả sáng.” Là Kitô hữu, là môn đệ của Chúa, bạn “xin làm cho danh Thánh Cha vinh hiển” nghĩa là bạn cam kết trở nên giống Chúa Kitô để làm vinh danh Chúa ở giữa thế gian này.

Chia sẻ: Mỗi vị Thánh biểu lộ một đặc tính của Chúa Giêsu và làm vinh danh Người ở mọi thời đại, bạn đã làm cho danh Cha rạng sáng trong đời sống thường ngày của bạn thế nào?

Sống Lời Chúa: Nguyện tắt trước mỗi việc: “Lạy Cha, xin cho Danh Cha cả sáng.”

Cầu nguyện: Đọc kinh “Lạy Cha”.

26/07/10 Thứ Hai Tuần 17 TN

Th. Gioakim và Anna Mt 13,31-35

Hoà Nhập Và Tăng Trưởng

“Nó trở thành cây đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành được.” (Mt 13,32)

Suy niệm: Chúng ta đang sống trong Năm Thánh 2010 mừng kỉ niệm 350 năm thiết lậphai giáo hạt tông tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong và mừng 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Giáo Hội tại Việt Nam đã lớn lên giữa những cơn bách hại đau thương. Máu chứng nhân đổ xuống, hạt giống đức tin nẩy mầm. Giáo Hội không phải là một cành cây khô héo tàn theo thời gian nhưng là hạt giống gieo xuống, mục nát đi trong lòng đất để rồi từ đất dậy lên sức sống mới.

Mời Bạn: Sống tinh thần Năm Thánh, chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua để tạ ơn, rút ra những bài học và cùng nhìn về tương lai với niềm tin tưởng hy vọng vào sự trường tồn của Hội Thánh. Trả món nợ thế hệ chúng ta mắc với tiền nhân chính là phải làm sao để hạt giống Tin Mừng bén rễ sâu vào đất Mẹ Việt Nam trong thời buổi toàn cầu hóa kinh tế thị trường hiện nay. Cần vận dụng những nguồn lực tự nhiên và siêu nhiên để thanh luyện, canh tân làm cho đời sống đạo cá nhân cũng như cộng đoàn được tăng trưởng mạnh mẽ.

Chia sẻ: Theo bạn, lệch lạc, thiếu sót trong đời sống đạo của cộng đoàn chúng ta hiện nay là gì? (ví dụ: ưa hình thức, kém giáo lý, thiếu cầu nguyện,…) Cần làm gì để chấn chỉnh?

Sống Lời Chúa: Trước những công kích, chỉ trích nhắm vào Hội Thánh, tôi giữ thái độ bình tĩnh, chỉ làm và nói những gì đem lại bình an và hiệp nhất trong cộng đoàn Hội Thánh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là Mục tử. Xin Chúa ban ơn giúp sức, hướng dẫn các chủ chăn và đàn chiên chúng con để Hội Thánh tại Việt Nam luôn trung thành trong sứ mệnh của mình.

27/07/10 Thứ Ba Tuần 17 TN

Mt 13,36-40

Để Cho Cỏ Trở Thành Lúa

“Vậy như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy.” (Mt 13,37-38)

Suy niệm: Nhà nông, khi gieo lúa, ai cũng lựa giống tốt để gieo, nhưng trên thực tế ruộng lúa nào cũng có cỏ lùng mọc xen vào. Thường thì cỏ lại mạnh hơn và do đó lúa bị suy và kết quả là vụ mùa thất thu. Vì thế, trên thực tế, hễ có cỏ là phải diệt cỏ. Dù là theo phương án nào, nhổ cỏ hay phun thuốc diệt cỏ, cây lúa đều có nguy cơ bị ảnh hưởng. Một cách thực dụng, người ta thà hy sinh một số nhỏ những cây lúa để được hiệu quả cao, còn hơn giữ tất cả mà chẳng thu được bao nhiêu. Người ta có thể tính toán hơn thiệt như thế đối với cây lúa; nhưng nơi dụ ngôn, Chúa Giê-su muốn ám chỉ về những con người, thì lại không phải thế. Với Ngài, mỗi người, dù là cỏ hay lúa, đều có giá trị độc đáo và Ngài sẵn sàng chết để cứu họ – cho dù đó là người tội lỗi. Sự phán xét chung cuộc không phải bây giờ mà là vào mùa gặt, nghĩa là ngày tận thế. Vì thế, Ngài sẵn sàng chờ đợi cho tới mùa gặt, vì ngài hy vọng cỏ có thể biến thành lúa!

Mời Bạn: Mỗi người đều là con cái Thiên Chúa được dựng nên theo hình ảnh Ngài. Tất cả là đối tượng được Chúa yêu thương. Ngài kêu gọi mọi người sám hối để được cứu độ. Là chứng nhân của Chúa Kitô, chúng ta cần giữ mình khỏi thứ men “thực dụng”: không lấy tiêu chuẩn lợi nhuận làm thước đo mà dựa trên tình yêu.

Sống Lời Chúa: Thay vì đối xử phân biệt giữa người sang và người hèn, giữa người giàu và người nghèo, hãy tập sống bao dung chan hoà với mọi người, từ những việc nhỏ nhất thường ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết nhận ra Chúa nơi anh em để con có thể đối xử tốt với anh em con. Amen.

28/07/10 Thứ Tư Tuần 17 TN

Mt 13,44-46

Dám Từ Bỏ Để Được Nước Trời

“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng…” (Mt 13,44)

Suy niệm: Thời Xuân Thu có người nước Sở tên là Biện Hoà tìm được viên đá có ngọc bích. Trải qua hai đời vua, Biện Hoà đến dâng ngọc bích, nhưng không vua nào nhận biết mà chỉ cho đó là đá chứ không phải là ngọc. Cứ mỗi lần như thế Biện Hoà lại bị chặt mất một chân vì tội khi quân lừa dối. Biện Hoà đành ôm viên ngọc khóc mãi đến chảy cả máu mắt. Ông khóc không phải vì mất đôi chân mà vì người đời không biết vật quý, cầm ngọc bích trên tay mà cứ cho là hòn đá tầm thường. Trong câu chuyện dụ ngôn, người tìm được kho báu hẳn cũng phải trải qua nỗi khổ tâm như thế. Tìm được kho báu rồi phải chôn giấu; rồi lại phải dám chịu mất mát thiệt thòi, dám bán cả gia tài để mua cho bằng được thửa ruộng có kho tàng ấy. Nước Trời cũng giống như viên ngọc quý đang ẩn giấu. Muốn nhận biết phải có con mắt đức tin, rồi lại phải dám chấp nhận những chống đối, bách hại, dám “bán hết tất cả những gì mình có” thì mới đạt được Nước Trời.

Mời Bạn: Muốn làm giàu thì phải có gan đầu tư. Thế mà muốn đạt được Nước Trời, lắm khi chúng ta còn nhát gan hoặc tiếc rẻ không dám “từ bỏ mình, vác thập giá theo Chúa.” Nơi bạn còn đam mê tội lỗi nào lấn cấn mà bạn chưa dám từ bỏ không? Noi gương thánh Phaolô, chúng ta hãy “coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô” (Pl 3,8).

Sống Lời Chúa: Cùng với thánh Phaolô, tâm niệm: “Tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô” (Pl 3,8).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thêm sức cho con, cho con dám chết đi cho tội lỗi để được sống cho Chúa; dám từ bỏ tất cả để được Chúa là tất cả đời con.

29/07/10 Thứ Năm Tuần 17 TN

Th. Mátta Mt 13,47-53

Tôi Tin Hội Thánh Công Giáo Thánh Thiện

“Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài.” (Mc 13,47-48)

Suy niệm: Chiếc lưới cào thả xuống biển, kéo lên đủ mọi loại cá, không phân biệt. Nước Trời ở giữa thế gian cũng thế, mở rộng cửa đón nhận hết mọi người, không kỳ thị màu da, ngôn ngữ, không giới hạn biên cương, lãnh thổ. Cũng như chiếc lưới thả xuống biển không phải để nằm im tại đó nhưng để được kéo lên, Nước Trời cũng vậy, nó còn tồn tại ở bên kia thế gian này nữa; lúc đó mới diễn ra sự chọn lọc cá tốt với cá xấu. Thế nhưng không phải là cá với cá lọc lựa với nhau! Công việc chọn lọc ấy là của người đánh cá, không phải ở thế gian này mà là trong ngày sau hết.

Mời Bạn: Phải chăng chúng ta nghĩ rằng Giáo Hội chỉ gồm những người đạo đức thánh thiện còn những người tội lỗi phải loại bỏ ra ngoài? Chúng ta quên rằng Giáo Hội còn là công giáo, như “chiếc lưới thả xuống biển, gom lại đủ mọi thứ cá”. Nguồn mạch thánhthiện không xuất phát từ con người mà từ Đức Kitô. Nhờ được tháp nhập với Ngài trong bí tích Rửa tội mà chúng ta, vốn là những người tội lỗi, được thánh hoá. Vì thế công việc của chúng ta là trở nên “cá tốt” bằng việc nỗ lực nên thánh mỗi ngày và mở rộng cửa đón nhận mọi người thành tâm thiện chí. Việc chọn lựa “cá tốt, cá xấu” hãy để lại cho Thiên Chúa trong ngày phán xét.

Sống Lời Chúa: Cùng với nhóm của bạn, đi thăm một gia đình lương dân.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho tất cả những ai tin nhận Chúa Kitô đều được qui tụ trong Nước Cha, là Nước sự thật và sự sống, yêu thương và an bình.

30/07/10 Thứ Sáu Tuần 17 TN

Th. Phêrô Kim Ngôn, giám mục, tiến sĩ HTMt 13,54-58

Danh Dự Và Sự Tôn Trọng

“Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương và gia đình mình mà thôi .” (Mt 13,57)

Suy niệm: Các chính trị gia thường chọn nơi quê hương xứ sở, nơi mà đảng mình có đông đảng viên, hoặc mạnh thế để làm nơi ra tranh cử. Họ còn đưa ra những diệu pháp huy hoàng, những lời hứa hẹn hấp dẫn, kể cả những chiêu vận động tốn kém mong thu hút sự ủng hộ của cử tri để có thể “hốt” phiếu. Còn Chúa Giêsu, không có vẻ gì là một chính trị gia cả. Ngài giảng dạy như đấng có quyền (x. Mt 7,29), làm những phép lạ mà xưa nay chưa từng có ai làm được (x. Ga 9,32). Thế nhưng, tại chính quê hương bản quán, Ngài chẳng làm phép lạ nào cả, “vì họ không tin” (Mt 13,58). Ngài không phải là chính trị gia mà là ngôn sứ, người nói Lời của Chúa chứ không phải của người phàm (x. 2Pr 1,21), một ngôn sứ không chỉ bị “rẻ rúng ở chính quê hương và gia đình mình” mà còn bị dân mình giết chết ở ngay thánh đô Giêrusalem nữa (x. Mt 23,37; Lc 13,33-34).

Mời Bạn: Nhờ bí tích Rửa tội, các kitô hữu được mời gọi thông phần sứ mạng với Đức Kitô. Vì thế người kitô hữu chỉ xứng danh là kitô hữu khi thực thi sứ mạng ngôn sứ: sống và loan báo Lời của Thiên Chúa. Và do đó cũng là chuyện bình thường khi người kitô hữu chính danh bị chống đối, bách hại. Bạn có sẵn sàng thực thi sứ mạng ngôn sứ của người kitô hữu chưa?

Sống Lời Chúa: Tâm niệm: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tm 4,2).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con trung thành bước theo con đường của Chúa để loan báo Tin Mừng cho anh chị em con dù gặp lúc thuận tiện hay không.

31/07/10 Thứ Bảy Tuần 17 TN

Th. Inhaxiô Lôyôla Mt 14,1-12

Vũ Điệu Giết Người
“Nhân ngày sinh nhật của vua Hê-rô-đê, con gái bà Hê-rô-đi-a biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. Bởi đó vua thề là hễ cô xin gì , vua cũng ban cho.” (Mt 14,6-7)

Suy niệm: Vũ điệu kết thúc trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của nhà vua và quần thần. Tiếp theo là phần khen thưởng cho vũ công; thù lao của cô được hứa trước thật hậu hĩ: “Hễ cô xin gì, vua cũng ban cho”. Nhưng người “nghệ sĩ” - cứ cho là như thế đi - này, biết múa may nhưng không định được cái giá cho bài vũ của mình. Suy cho cùng, cô không biết mình cần gì và mình vũ để làm gì. Cô nhờ đến người mẹ của mình, khốn thay đó lại là một người đàn bà độc ác, bất trung vì bỏ chồng đi lấy em chồng. Và bà này được cơ hội để báo thù cho người ngôn sứ đã can đảm tố giác tội ác tày trời của hai người. Bà bảo con tới xin làm phần thưởng (!) cái đầu của vị ngôn sứ Gio-an. Ở đây nghệ thuật đã bị lạm dụng vào mục tiêu báo thù thấp hèn và người nghệ sĩ bị thoái hóa đến độ “không còn gì để mất” !

Mời Bạn: Nghệ thuật có giá trị cho cuộc sống khi nó phụng sự cho chân thiện mỹ, cho thấy đời đáng sống, đáng yêu. Nhưng phải cảnh tỉnh với thứ nghệ thuật rẻ tiền, thương mại hóa, làm băng hoại tâm trí, bôi bác cuộc sống, sản sinh tội phạm.

Chia sẻ: Thảo luận về phương thế giúp giới trẻ, thiếu nhi loại trừ được ảnh hưởng của phim ảnh, trò chơi bạo lực, khiêu dâm trên mạng internet.

Sống Lời Chúa: Tham dự tích cực trong các ca đoàn - phổ biến phim ảnh sách báo đạo đức, bổ ích.

Cầu nguyện: Xin Chúa cho các nghệ sĩ có tâm hồn yêu chuộng chân thiện mỹ, biết dùng khả năng Chúa ban để dẫn dắt người ta đến với Chúa. Amen.

Một Đan Sĩ