Log in

View Full Version : C - Chúa Nật 16 Thường Niên Năm C ( Lc 10:38-42 ) Lựa Chọn Phần Tốt Nhất



Dan Lee
07-16-2010, 10:43 PM
Chúa Nật 16 Thường Niên Năm C


Lựa Chọn Phần Tốt Nhất ( Lc 10:38-42 )


Nhớ lại ngày xưa khi tôi còn bé khoảng thời gian trước 1975, đài truyền hình THVN số 9 có trình chiếu một cuốn phim Công Giáo với tựa đề là “Marcellinô”. Trong đó thuật lại câu chuyện cuộc đời cậu bé tên Marcellinô, vừa được sinh ra đã bị mẹ bỏ hoang, vứt bỏ cậu trước cửa một tu viện dòng Phanxicô. Nhà Dòng thương xót, chăm sóc Marcellinô cho ăn uống tử tế, nuôi nấng cậu nên người. Càng khôn lớn, Marcellinô càng thông minh kháu khỉnh, nghịch ngợm không kém.

Hàng ngày, khi các Cha các Thầy sinh hoạt chung, Marcellinô luôn theo Thầy Quản Lý xuống nhà bếp, phụ giúp việc lặt vặt mỗi khi Thầy nhờ vả. Cậu được chạy nhảy khắp nơi trong nội vi Tu Viện nhưng không được phép leo lên sàn gác, nơi Nhà Dòng chất chứa nhiều vật dụng phế thải bụi bặm. Một hôm, óc tò mò thôi thúc Marcellinô trèo lên gác lén lút: mắt cậu mở ra khi thấy chung quanh gác sàn có những tương nhỏ, tượng lớn bị sứt mẻ, đầy bụi đứng lẫn lộn trong một góc tối. Cậu cầm đèn soi kỹ một bức tượng khổng lồ và nhận ra đó là tượng Chúa Giêsu chịu nạn trên thánh giá.

Ngày qua ngày, lợi dụng những lúc Nhà Dòng bận rộn không để ý, Marcellinô luôn tìm cách âm thầm đến thăm các tượng phế thải ấy. Khi chăm chú nhìn tượng Chúa chuộc tội, cậu nghĩ trong đầu rằng “người khổng lồ này chắc có thể bị đói lắm”, nên cậu rón rén xuống kho lấy bánh cho Chúa ăn. Cứ như thế đều đều, bất ngờ vào ngày nọ: bức tượng cử động nói chuyện nhỏ to với cậu. Một hôm, “người khổng lồ” ôm Marcellinô vào lòng, hỏi han: “Con có muốn gặp mặt mẹ con không?”.“Thưa muốn!”, cậu đáp.“Nếu con muốn gặp mẹ, con phải chết ngay lúc này.Con có chấp nhận như thế chăng?”.“Con muốn”

Ngay sau đó, Marcellinô chết thật. Nhà Dòng không ai hay biết, mãi đến khi Thầy Quản Lý có việc sai vặt, gọi tên Marcelinô nhiều lần, không thấy cậu trả lời. Anh em trong Tu Viện chạy đi tìm kiếm khắp nơi vẫn biệt tăm, chợt khám phá trên sàn gác: Marcellinô đã chết như đang ngủ say trong vòng tay bức tượng khổng lồ Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Vì muốn đạt ước mơ sâu xa nhất là được gặp mẹ mình, Marcellinô đã chết trong vòng tay Chúa hầu mong nhìn thấy mẹ hiền trong vinh quang đời đời.

Phúc Âm hôm nay cũng cho ta một cái nhìn tương tự: Maria Mađalêna đã chăm chú ngồi bên chân Chúa để nghe lời Người nói. Cô được Chúa khen là đã biết chọn phần tốt nhất khi thực tâm lắng nghe tiếng Ngài.

A. Lòng Hiếu Khách là điều tốt và cần thiết.


1. Tổ phụ Abraham là người có lòng kính mến Chúa. Khi các sứ thần Chúa đến thăm gia trang mình, Abraham đã vui vẻ welcome, đón tiếp người của Chúa hết tình:


+ bưng chậu nước cho khách rửa chân.

+ mời khách ra gốc cây nghỉ ngơi thư giãn.

+ bắt bê béo làm thịt chiêu đãi khách dùng ngon miệng.

+ sai Sara, vợ mình, nhồi bột làm bánh, giúp khách có món tráng miệng nóng hổi.

Lòng hiếu khách chân thành của Abraham gây thiện cảm tốt cho các sứ thần: họ loan tin vui cho tổ phụ “Sara sẽ sinh con trong tuổi già, độ rày sang năm”.

2. Bêtania: nơi gia đình chị em Matta cư ngụ, thường được Chúa dừng chân trên đường truyền giáo. Ngài yêu mến đặc biệt hoàn cảnh thương tâm của ba chị em đêm ngày vui sống gắn bó nhau. Trong một lần Chúa Giêsu đến ghé thăm:


+ Matta hân hoan chào đón, mời khách vào nhà, hỏi han rối rít.

+ Chị vào bếp liên tục, nấu nướng thiết tiệc đãi Chúa cách trân trọng.

+ Maria Mađalêna vui vẻ tiếp chuyện, ngồi bên cạnh Chúa nghe Ngài dạy dỗ bảo ban.

Sự tiếp đón thân tình của ba chị em tự dưng tạo nét thân thương gần gũi giữa họ với Chúa. Khi nghe tin cậu em út Lazarô qua đời, Chúa đã thương khóc và đến Bêtania an ủi hai chị em (Ga 11:5.35).

3. Mùa Hè 1997, anh em lớp Thần Học Liên Dòng TGP. Saigon đi tham quan du lịch Đà Lạt. Chúng tôi có ghé thăm Đan Viện Xitô Châu Sơn, Đơn Dương: nơi có một Thầy đang học chung với lớp. Đường vào trong Đan Viện dài thăm thẳm, những hàng dương xanh reo vi vu trong gió thổi. Đức Viện Phụ Nguyễn văn Thất và các đan sĩ tiếp đón chúng tôi thật tình:


+ mang nhiều trái cây (do Đan Viện canh tác) tiếp khách ăn lót dạ.

+ cho anh em Liên Dòng uống no nê sữa dê đã đun sôi.

+ hướng dẫn cả Lớp xuống khu chăn nuôi xem các đan sĩ đang vắt sữa tươi từ bò cái.

+ chiêu đãi Các Thầy Thần Học bữa cơm thịnh soạn riêng, không kham khổ như các Đan Sĩ đang dùng trong phòng cơm bên cạnh. Lòng hiếu khách ấy bất ngờ xoáy động trong tôi một niềm cảm mến kính phục. Từ đó, tôi hiểu rằng: hiếu khách là đặc điểm tốt, là phương châm phục vụ của các Đan Sĩ Xitô.

B. Lắng Nghe, Tiếp Xúc, Quan Tâm Nhau là điều thiết thực hơn.


1. Matta hăm hở đón rước Chúa vào nhà, lo dọn dẹp mọi sự và nấu nướng khéo léo, làm đồ ăn giúp khách ngon miệng. Chúa đánh giá cao Matta biết tươm tất có lòng hiếu khách chân thật. Nhưng Matta đã kém tế nhị, thiếu một điều cần thiết: dành thời giờ tiếp chuyện, thăm hỏi, đàm thoại với khách. Thiếu đối thoại, tiếp xúc tâm tình sẽ vô tình thiếu hiểu biết nhau thêm.Chúa Giêsu đến thăm ba chị em Matta vì tình người, tình thân thiện yêu thương hơn là vì miếng ăn. Cần lắng nghe khách, biết quan tâm để ý họ hơn là bỏ mặc họ ngồi không, chờ đợi mình cơm bưng nước rót.

2. Vào tháng Mân Côi, Cha Xứ phát động chương trình đọc kinh chung 9 giờ tối trong toàn xứ. Gia Đình nọ mãi mê làm ăn, thờ ơ quây quần trước bàn thờ đọc kinh tối. Khi chuông nhà thờ ngân vang, báo hiệu các gia đình trong xứ đọc kinh chung: họ vẫn bình chân như vại, không thiết tha hưởng ứng việc lần hạt Tháng Đức Mẹ. Cha Xứ biết được, thăm hỏi tại sao? Họ trả lời: việc làm đầu tắt mặt tối, còn thời giờ đâu để cầu nguyện. Cha Xứ đặt vấn đề: nếu ông bà bị thất nghiệp bất ngờ, con cái mắc bệnh ung thư, thân nhân gặp tai nạn hiểm nghèo / ông bà có cầu xin, khấn nguyện chăng? Thưa có. Như thế, yếu tố chính không phải là không có giờ để cầu nguyện, nhưng thật ra: gia đình ông bà không xem việc cầu nguyện hàng ngày là cần thiết. Thiếu quan tâm gặp gỡ Chúa thường nhật, chỉ đến với Ngài khi có cơ hội, thật buồn bã biết bao!

3. Trong môt show văn nghệ của Trung tâm Thúy Nga Paris by Night, tôi có chú ý vở hài kịch tựa đề “Lầm”. Qua đó, nghệ sĩ Chí Tài đóng vai một Việt Kiều về VN cưới vợ là Hoài Linh mang đoàn tụ sang Mỹ. Từ khi có vợ sang sống chung, ông chồng đi làm suốt ngày, cày liên tục 2 jobs, người vợ ở nhà ăn không ngồi rồi, chẳng biết làm gì ngoài việc xem phim bộ giết thời giờ, thỉnh thoảng lại đi shopping. Hai vợ chồng ít có giờ ngồi nói chuyện với nhau. Những lúc gặp nhau, người chồng mệt mỏi, tranh thủ ngủ bù, để tiếp tục đi làm hôm sau. Cuộc sống hôn nhân của đôi vợ chồng mới cưới bổng trở nên vô vị vì thiếu sự lắng nghe, tâm sự, gặp gỡ thường xuyên. Cuối cùng, người vợ xin Ly Dị vì chán chường hạnh phúc hiện tại.

C. Quân Bình giữa hoạt động bên ngoài và đời sống nội tâm.

Trong sinh hoạt đời thường của con người, có rất nhiều công việc Cấp Bách và Thiết Yếu. Việc cấp bách như: ăn uống, may mặc, học hành, đi làm, dọn dẹp nhà cửa, trả bills hàng tháng, gửi con nhà trẻ và đưa đón chúng về... Việc thiết yếu như: viếng nhà thờ, hỏi han cha mẹ già, liên đới hàng xóm, dành thời giờ đến nhà thương thăm hỏi người bệnh, vợ chồng con cái chia sẻ buồn vui …

Đôi khi, con người quá lo lắng theo đuổi các công việc cấp bách để có tiền mua sắm, chi phí, trả Bills, tiên liệu sinh hoạt này nọ….trong khi đó, họ lại quên những việc thiết thực khác mà đồng tiền không thể mua sắm được, như: giáo dục con cái, nuôi dưỡng đức tin, sự đồng cảm vợ chồng, tình liên đới người thân họ hàng, gia đình, lối xóm. Thiết tưởng, hãy nhớ lời Chúa trách khéo Matta: “Con lo lắng nhiều chuyện quá. Chỉ có phần tốt nhất thì Maria đã chọn mất rồi”.


1. Mẹ Têrêsa Calcutta đã yêu cầu các nữ tu trong Dòng Thừa Sai Bác Ái do Mẹ sáng lập, là : mỗi ngày, các chị em phải Viếng Chúa Giêsu Thánh Thể một giờ, trước khi ra làm việc phục vụ tha nhân. Mẹ gợi ý thức cho Các Soeurs luôn nhớ rằng:


+ làm việc mà không cầu nguyện trước: việc làm dễ lầm lẫn thiệt hại, rối loạn vô tổ chức.

+ cầu nguyện mà không phục vụ: đời sống sẽ khô khan, khó phát triển lâu dài.

2. Nhà Bác Học Ampère nổi danh về những khám phá trong ngành Điện, Nam Châm. Tuy suốt ngày miệt mài nghiên cứu các công trình khoa học, Ampère vẫn dành thời giờ vào Nhà Thờ Đức Bà Paris để cầu nguyện. Một sinh viên học trò thắc mắc với Ampère: “Làm sao vừa có có thể là nhà Bác Học vĩ đại nghiên cứu suốt ngày, lại vừa có thể là kitô hữu dành thời giờ cầu nguyện được?”. Ampère đã trả lời: “Chúng ta chỉ thực sự vĩ đại khi cầu nguyện”. Bởi thế, cầu nguyện luôn là hơi thở, là sức sống của mọi kitô hữu.

D. Lời Nguyện kết thúc.

Lạy Chúa Giêsu Kitô!

Chúa cần đôi tay Matta làm việc để mưu sinh, nuôi sống thể xác.

Chúa cũng cần đôi tai của Maria để lắng nghe lời Chúa nuôi dưỡng tinh thần.

Chúa cần đôi chân mỗi người chúng con để qùy bên Chúa mà cầu nguyện, tâm sự buồn vui.

Xin giúp chúng con mỗi ngày biết quân bình sinh hoạt bên ngoài & đời sống nội tâm bên trong để chiếm hữu được phần tốt nhất cho cuộc sống đạo hôm nay. AMEN.

Rev. Dominic Dieu Tran, SDD.