PDA

View Full Version : L - Lời nói, Biết quan tâm đến nhau



Dan Lee
07-09-2010, 03:46 PM
LỜI NÓI



Có 2 người hàng xóm.

Một người chẳng mấy khi không lớn tiếng. Lúc thì la mắng con cái bằng giọng điệu oang oang, gay gắt và hằn học; lúc thì “xô xát” với chồng; lúc thì mở máy hát inh ỏi bất kể ngày đêm, ngay cả khi mọi người cần tĩnh lặng, nghỉ ngơi hoặc thư giãn tâm hồn sau những giờ lao động mệt mỏi. Ở gia đình người này, vật chất có dư nhưng có lẽ thiếu không khí đầm ấm. Còn một người kia thì ít khi nghe tiếng nói. Sáng đi sớm, tối về trễ. Cuộc sống khá vất vả lam lũ, nhưng đêm đêm lại họp nhau vui vẻ nhìn lại những điều đúng, sai để cùng rút kinh nghiệm và học tập lẫn nhau. Nghèo vật chất mà giàu tình yêu thương…

Trong một quán vắng tanh, tôi ngồi mở lại “trang lòng” khi trầm mặc nhìn những giọt cà-phê thánh thót rơi và thấy mình chưa sửa được những gì tự nhận thấy không đúng nơi mình. Con người hữu hạn và mang nhiều nhược điểm. Tôi chợt nhận ra:: Tốt cũng lời nói, xấu cũng lời nói. Vượt qua “cái tôi” tưởng đơn giản mà nhiêu khê!

Cả 2 người hàng xóm kia đều có cái để tôi học hỏi: Nên làm hay nên tránh. Ngẫm lại bản thân mình, cuộc sống không may mắn, gian nan đủ đường, có lẽ vậy nên tôi “khô” nhiều mặt, và ít nói quá nên nhiều người “không ưa”, cho nên tôi hóa lạc lõng giữa mọi người. Tôi vô tình “đánh mất” tôi và vô tình “xô” mọi người xa tôi chăng?

Một người dùng nói những lời không hay, một người nói lời hay ý đẹp. Còn tôi, tôi lại không dùng đến lời nói sao?

Khích bác, chê bai, nói xấu, chửi thề,… thì quá dễ. Nhưng nói ngọt ngào, êm dịu, dễ nghe thì không dễ chút nào, nhất là khi thấy người khác trái ý mình. Nói là nghệ thuật, chẳng thế mà câu tục ngữ “học ăn, học nói, học gói, học mở” và câu ca dao “Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” đã được xem như bài học làm người căn bản vẫn được các bậc ông bà, cha mẹ nhắc nhở con cháu từ thuở còn thơ. Tôi chợ nhớ đến câu nói của bậc tiền bối Francois de Sale và nghiệm ra đó như một kim chỉ nam để tôi biết điều khiển “cái lưỡi” của mình: “Ít nói không phải là nói ít, mà là đừng nói những điều vô ích”.



TRẦM THIÊN THU


Biết quan tâm đến nhau



Cuộc đời là xã hội, là cộng đồng, nghĩa là không ai lại không phải ít nhiều nhờ vả nhau – dù trực tiếp hay gián tiếp. Không ai có thể sống như một ốc đảo, mà luôn có những mối quan hệ và những hệ lụy theo một quy luật tất yếu của cuộc sống.

Trong quan hệ đó, mỗi người có một nhân sinh quan riêng nhưng luôn hợp thành một tổng thể cộng đồng. Như vậy, cần có tình đồng loại thực sự. Con người vốn dĩ yếu đuối nên rất cần sự cảm thông và tha thứ không ngừng. Sống chân thành và hài hòa với nhau là hạnh phúc được nhân đôi: Cho bạn và cho tôi. Mỗi người phải biết chia sẻ, không thể khư khư giữ “cái TÔI” mãi. Nhưng, để được NHẬN thì phải biết CHO trước. Tất nhiên phải biết mở lòng ra như cuốn sách để người khác “đọc” mà cùng quan tâm lẫn nhau.

Đôi khi cần dè dặt, không sỗ sàng, những đừng quá khách sáo. Dĩ nhiên không ai trên đời có thể hiểu hết nhau – dù trong mối quan hệ nào. Có chăng là hiểu một đôi phần trong lĩnh khía cạnh nào đó. Cố gắng hiểu người chứ đừng đòi người hiểu mình nhiều quá. Vả lại, ai cũng có “khoảng riêng” bất khả xâm phạm. Biết vậy để tự trọng và tôn trọng nhau đúng mức. P. Gerandy (Mỹ) phân tích: “Chỉ cần hơi giống nhau là có thể hiểu nhau, nhưng cần phải hơi khác nhau để có thể yêu nhau”.

Có những người chê bai, trách cứ mà không chịu “nhìn” để cảm thông. Có những người chỉ biết đòi hỏi mà không biết trao tặng. Có những người lại quá “hạ mình” đến mức nhu nhược hoặc hóa kiêu ngạo. Người may mắn có cuộc sống sung túc từ nhỏ thì không muốn quen thân những người nghèo khó. Người giàu có nhờ “số hên” thì coi trời bằng… nắp bia. Cô gái trẻ, tuy chưa đến nỗi có dung nhan Thị Nở, lại cứ tưởng mình là Tây Thi. Ca sĩ vừa “ăn khách” một chút thì vội coi mình là Elvis Presley. Chàng trai tán tỉnh được nhiều cô gái lại tưởng mình đào hoa như Valentine.

Óc phong kiến, bè phái, thành kiến và sự ngộ nhận thường có ở xung quanh ta hàng ngày – trong mọi lĩnh vực (kinh tế, giáo dục, xã hội,… thậm chí cả tôn giáo). Dĩ nhiên vẫn có những tâm hồn sâu sắc, những tâm hồn cao thượng và những tính cách đáng khâm phục, đôi khi họ ở gần bên chúng ta và ở trong chính những con người rất bình dị.

Biển luôn vỗ sóng vì lòng biển thẳm sâu, chứa nhiều châu báu. Những con người đau khổ và gian nan là những người đầy kinh nghiệm. Pythagore cảnh báo: “Đừng thấy bóng mình to lớn mà tưởng mình vĩ đại”. Biết người, biết ta thì không ai dám “nổ”. Khoác lác là tự phơi bày cái “không tưởng” của mình.

Nhưng thế nào là quan tâm đến nhau? Có thể dùng ngôn ngữ, cử chỉ, động thái, ánh mắt, nụ cười,… để thể hiện. Quan tâm đến nhau là điều cần thiết trong mọi mối quan hệ. Thiết tưởng, dưới đây là các “khởi điểm” để tạo mối quan thiết tốt đẹp và bền vững:


1. Bạn có thể viết thư, gởi thiệp, tặng hoa hoặc quà để chúc mừng vào những dịp đặc biệt như sinh nhật, lễ, tết, cưới hỏi, thi đậu, thôi nôi, tân gia, ngày 8/3, ngày tình yêu (Valentine’s Day, 14/2),… Trên thế giới còn có những ngày khác như Ngày Ông Bà (Grandparents’ Day, chủ nhật thứ nhất sau lễ Lao động), Ngày Thân Mẫu (Mother’s Day, chủ nhật thứ nhì của tháng Năm), Ngày Thân Phụ (Father’s Day, chủ nhật thứ ba của tháng Sáu) dành cho con cháu tỏ lòng thảo hiếu đối với Ông Bà và Cha Mẹ mình.

2. Thi thoảng, nếu có thể thì thường xuyên điện đàm, nhắn tin, thăm viếng,… kẻo “xa mặt cách lòng”.

3. Luôn biết sử dụng tiếng “xin lỗi”, “cảm ơn” và “làm ơn…” – dù bạn đi mua hàng, hỏi đường, hỏi giờ,…

4. Biết sẵn sàng giúp đỡ nhau khi cần (an ủi, động viên, khen ngợi, chân thành sửa lỗi,…). Một người bạn tốt là người có mặt đúng lúc, và là người dám làm trái ý cả trăm lần chỉ vì muốn tốt cho chúng ta.

5. Xởi lởi, trung thực, chân thành tâm sự để chia vui sẻ buồn, cả thành công lẫn thất bại trong cuộc sống để cùng dìu nhau đi.
Nhưng đôi khi cũng cần biết “phớt tỉnh Ăng-lê” (kiểu người Anh) để không “xoi mói” đời tư người khác.

Sống tốt khó hay dễ tùy mỗi người. Ai có cá tính mạnh là có tính cách đặc biệt “khác người” – rất nam tính hoặc nữ tính. Bạn có thể bị hiểu lầm, nhưng một khi hiểu ra thì người ta càng nể phục. Hãy sống theo “chiều sâu”, đừng sống theo “chiều dài”, và hãy cứ là chính mình chứ đừng để tính cách bị “lai căng”.

Biết quan tâm đến người khác là một cách sống tốt, điều mà không ai lại không muốn, và giúp người khác cùng sống tốt. Đừng “vô tình” biến họ thành Chí Phèo! Văn hào Victor Hugo nói: “Tôi thích trở thành người nổi tiếng, vì đó là hạnh phúc. Nhưng tôi muốn trở thành người hữu ích, vì đó là nghĩa vụ”.

Biết quan tâm đến người khác cũng chính là động thái tích cực của yêu thương mà Đức Kitô đã truyền ban: Mến Chúa và yêu người.



TRẦM THIÊN THU



CUỘC SỐNG


Có những điều chân thật

Nhưng chẳng ai chịu tin

Có những điều giả dối

Người đời lại tôn vinh

Ai cũng một cuộc sống

Dù chỉ một giờ thôi

Hoặc vài ngày, vài tháng

Dẫu tám mươi, chín mươi

Cuộc sống cần bề dày

Thâm trầm và ý vị

Chứ đâu bởi chiều dài

Với tháng ngày ích kỷ!

Các vị thánh Anh hài

Có sống được bao lâu

Saviô “thánh nhí”

Tháng ngày cũng không nhiều



TRẦM THIÊN THU