PDA

View Full Version : T - Trái Tim Và Lý Trí



Dan Lee
06-27-2010, 11:26 PM
TRÁI TIM và LÝ TRÍ

Chúa ban cho con người trí khôn, lý trí để nhận biết Thiên Chúa, vạn vật, thiện ác. Nhờ trí khôn, con người biết phân định và chọn lựa điều lành mà lánh điều dữ. Nhờ trí khôn, con người xây dựng và phát phát triển thế giới mọi mặt. Tạ ơn Chúa.

Chúa ban cho con người trái tim để cảm nhận mọi nét đẹp của cuộc sống và cảm thông với những bất toàn của kiếp người. Nhờ trái tim, con người vượt qua mọi giới hạn, khác biệt của thời gian, tuổi tác, học vấn, giàu nghèo, giai cấp để hòa hợp trong tình yêu, tình bạn, tình huynh đệ anh em. Nhờ trái tim, ta thấy con người, cuộc sống và đời mình đáng yêu, dễ thương hơn, hạnh phúc hơn. Tạ ơn Chúa.

Nhưng cách thức sử dụng trái tim hay lý trí thì giữa Thiên Chúa và con người lại rất khác nhau.
Con người thích sử dụng lý trí để hành xử với nhau. Dùng lý trí để giải quyết mọi vấn đề, và dựa vào nó để quyết định cho vận mình của mình, của quốc gia, của thế giới.

Thiên Chúa lại thích dùng trái tim để đón nhận, hành xử với con người. Thánh kinh dùng nhiều từ ngữ để diễn tả như: lòng thương xót, cung lòng, lòng từ bi nhân hậu, tấm lòng, bao dung, thánh tâm, từ tốn, chạnh lòng thương, hiền lành và khiêm nhường…

Vì cách sử dụng khác nhau nên cũng tạo ra những kết quả và hậu quả khác nhau trong cuộc sống. Vui hay buồn, đáng thương hay đáng ghét, là bạn hay kẻ thù, hòa thuận hay bất hòa, tế nhị hay thô thiển, chân thành hay dối trá, thật thà hay gian dối, tin tưởng hay nghi ngờ, êm ả hay căng thẳng…
Vài hình ảnh minh họa về cách sử dụng trái tim và lý trí.

Ông bà nguyên tổ

Trái tim. Lúc đầu, hai ông bà ngày ngày gặp gỡ, trò truyện, tâm sự cùng Đức Chúa trong vườn địa đàng. Cuộc sống của ông bà rất hài hòa, hạnh phúc và tin tưởng vào Chúa.

Lý trí. Ma quỷ gieo vào đầu óc ông bà nhiều thứ. Nào là ông bà thử nghĩ xem, mọi cây trong vườn thì cho dùng, còn cây ở giữa vườn lại không. Chắc là có gì bí mật nên mới dấu hai người. Chắc là Ngài không thương ông bà thực sự, nên chỉ cho có một phần. Hay là sợ khi ăn trái cấm thì bằng Ngài. Chắc là Ngài hẹp hòi, tính toán nên mới cấm đoán như vậy. Ông bà cứ ăn, chẳng chết chóc gì đâu…

Hai ông bà đã suy nghĩ và để tư tưởng của mình theo những gợi ý của con rắn. Cuối cùng hai ông bà nghi ngờ, rồi mất tin tưởng vào Chúa, đã ăn trái cấm, vì tin vào lý trí của mình là đúng. Hậu quả cho thấy sự khập khễnh của lý trí là họ đã rẽ sang một lối mới, mở đường đến ngờ vực, đau khổ, xa cách, chia ly, chết chóc.

Người phụ nữ ngoại tình (Ga 8,1-10)

Lý trí. Nhiều người cùng đồng tâm hiệp ý kết án người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang và đòi ném đá. Họ còn lôi kéo truyền thống, lề luật làm chỗ dựa để đưa ra phán quyết sau cùng là giết. Họ đồng hóa con người với hành động là một. Vì thế, tiêu diệt tội cũng thì cũng phải diệt luôn cả người, tẩy chay tội cũng thì cũng phải tẩy chay người. Họ lập luận đủ cách để cho thấy sự hợp lý và chính đáng để giết cô ta, làm gương cho người khác.

Trái tim. Đức Giêsu không đồng lõa với họ, bảo rằng người phụ nữ vô tội. Ngài cũng không đồng hóa con người với hành vi của cô. Ngài càng không bao giờ chấp nhận, bao che cho sự dữ hay tội ác. Vì thế, ai đối với Ngài cũng đều là đáng để thương để yêu. Chẳng ai trở thành cái gai trong mắt Ngài. Ngài luôn đặt mọi người trong cung lòng, trong trái tim để gìn giữ, quý trọng. Và Ngài vui thích ở giữa dân Ngài.

Vì lẽ đó mà Ngài đón nhận, tha thứ cho chị, chúc lành và cũng không quên răn đe là từ nay đừng phạm tội nữa. Chỉ có trái tim tình yêu mới có thể hành xử được như thế. Tình yêu luôn mở ngỏ cho sự sống, mở đường cho hy vọng, tin yêu và phó thác. Tình yêu giúp thêm sức mạnh và nghị lực giúp người ta có thể trườn qua được vũng lẫy của quá khứ không thanh sạch và hiên tại không thơm tho.

Bắt đầu từ những người lớn tuổi nhất rút lui dần dần. Chắc chắn họ bị xấu hổ, bẽ mặt, tức giận, phản kháng và tìm cách chống lại, tiêu diệt Đức Giêsu, và thực tế đúng như vậy. Đây chính là hậu quả do quá tin tưởng và cậy dựa vào lý trí, coi trí khôn của mình là chuẩn mực để thay thế chân lý tuyệt đối chỉ có nơi Thiên Chúa mà thôi.

Người phụ nữ hôn chân Chúa

“Có người thuộc nhóm Pharisêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giêsu đến nhà người Pharisêu ấy và vào bàn ăn. Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên” (x. Lc 7,36-48).

Lý trí. Chủ nhà thấy gai mắt và ngượng. Lẽ thường tình người ta có thể suy rằng, mời Thầy mà để cho ra chuyện thế thì khó coi, mất thể diện. Sợ người khác nghĩ mình có giao du với loại người này thì giảm uy tín, mất thanh danh, vậy oan quá. Đặc biệt là loại có tội công khai như cô gái điếm trong thành ai cũng biết.

Ông nhìn nhận về cô dựa vào các hành vi xấu, mà không thấy được tâm hồn đang khô héo muốn được tưới mát bằng cảm thông, tắm gội bằng thứ tha, để được tươi lại bằng đường hối lỗi ăn năn.

Trái tim. Đức Giêsu đọc được khao khát muốn đổi đời và đây là cơ hội để tha thứ, động viên, chúc lành và mong cô có thêm can đảm, nghị lực mà biến đổi. Cũng vậy, Ngài không đồng hóa tội và con người. Nên Ngài đã để cho cô bày tỏ những nghĩa cử như khóc, lấy tóc lau chân, lấy dầu xức một các tự nhiên, và đón nhận hết sức trân trọng.

Chắc chắn chủ nhà chẳng hài lòng chút nào, vì mời đến ăn mà Ngài chẳng tế nhị, còn sửa lưng, vỗ mặt như vậy nữa. Đây không phải là hậu của của việc sử dụng lý trí mà thiếu trái tim đó sao.

Hóa bánh ra nhiều

“Nhiều người đã theo Đức Giêsu để nghe giảng dạy, khi chiều đến, bụng đói mà chẳng có gì ăn…” (xem tiếp Mc 8,1-10).

Lý trí. Cáctông đồ đã phân tích bối cảnh rất đúng và hợp lý. Nào là bụng đói, chiều rồi, ở nơi hoang vắng, xa làng mạc, lấy thực phẩm đâu cho họ ăn. Nào là tiền đâu mà mua, ai mua, mua ở đâu, bao nhiêu mới đủ và có đủ bánh để mua không. Rồi đưa ra quyết định là, thôi, Thầy để họ về đi để mỗi người tự lo thức ăn cho mình. Diễn tả thêm còn là: như vậy cũng đỡ phiền hà, đỡ vất vả, đỡ tốn kém nữa. Giải quyết như thế là hợp lý rồi, không ai có thể trách được vì đó là sự thật.

Trái tim. Đức Giêsu, vì không ai ở ngoài cung lòng Ngài, nên nhìn thấy đám đông là “chạnh lòng thương ngay”. Thế thôi, chẳng cần phải phân tích tỉ mỉ làm chi. Theo sự mách bảo của trái tim, Ngài nhìn thấy ngay những nhu cầu của đám đông, mà với tư cách là cha mẹ, là đầu, thì phải đích thân ra tay, không được thoái thác, tránh né hay chạy trốn: họ đang đói mà đi về thì sẽ xỉu dọc đường.

Gia đình

Giống như gió. Lúc trời oi bức, nóng nực mà có gió thổi đến thì thật dễ chịu. Ta cảm thấy thoải mái khi gió từ từ chạm vào da thịt. Toàn thân được giải nhiệt, bớt mệt mỏi và có thể tiếp tục công việc.
Nhưng nếu ai đó đang nóng, gió thổi đến mà ngồi phân tích xem gió từ đâu tới, màu gì, gồm những chất nào, có tốt không hay độc hại, tại sao lại thổi như vậy, sao không ở trên cao mà ở dưới thấp…Làm thế thì sẽ chẳng biết gì, càng không cảm nhận được thế nào là gió mát khi chúng ập vào nhà, tràn vào phòng, chạm đến thân thể mình.

Điều quan trọng và rất đơn giản, là mở lòng đón nhận, đón nhận và cảm nhận. Thế thôi. Ta sẽ biết ngay không chỉ là gió, mà mọi thứ, mọi người trong đời sống đều rất thú vị, đẹp đẽ, dễ thương, dễ mến, đáng trân trọng và quý trọng, muốn sống và đáng sống.

Hình ảnh này không những thú vị, mà còn rất hay khi liên hệ vào gia đình, vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em với nhau.

Nhiều sự cố đáng tiếc khiến từng thành viên trong gia đình phải trở mặt, căng thẳng với nhau, khi hành xử bằng trí, mà không bằng tình. Khi cậy dựa vào kinh nghiệm, khiến thức của mình nói lý với nhau, mà không để ý đến ý muốn của người khác, tâm hồn họ đang ra sao.

Nghệ thuật sống là không chỉ trả lời đúng câu hỏi, mà còn phải đúng ý người hỏi.
Nếu cha mẹ đón nhận con cái bằng tấm lòng chân thành, đơn sơ. Đơn sơ đúng như con cái mình thì sẽ nhận được rất nhiều hạnh phúc và an ủi từ con cái.

Ngược lại, khi con cái đến mà lại đặt vấn đề thì sẽ có nguy cơ xa cách dần, khó hiểu dần về chúng, và càng không nhận được niềm vui từ con cái.

Nào là tại sao nó không nói hôm qua mà hôm nay mới nói. Tại sao không nói ban sáng mà chiều mới nói. Nó nói lúc này là có ý gì.

Nào là tại sao không nói cho mẹ mà lại nói cho ba. Tại sao lại nói như vậy, và cứ thế tại sao, tại sao? Và sẽ đến lúc chính ta lại phải hỏi là tại sao tôi đau khổ, bất hạnh vì gia đình này. Gia đình gì mà chẳng có yên lành hạnh phúc gì cả.

Lý do bởi đâu? Đơn giản thôi, tất cả tùy thuộc vào cách thức sử dụng trái tim và lý trí như thế nào.

Sai lầm

Sai lầm rất lớn đối với nhiều người khi coi trí tuệ là tuyệt đối, và coi đó là bức tường vững chắc, là khuôn vàng thước ngọc để nghiêm chỉnh tuân theo.

Sai lầm ở chỗ, tất cả phương tiện, công trình, dù cao cấp, hiện đại, tinh vi đến đâu thì cũng chỉ là sản phẩm do con người tạo ra. Mà con người, tự bản chất vốn đã bất toàn, tương đối.

Sai lầm ở chỗ, ta là mẹ, mà người mẹ chỉ là tương đối thì làm sao đẻ ra những đứa con là các sản phẩm tuyệt đối được.

Trí khôn con người, tất cả chỉ được gói gọn trong hai chữ, đó là: khập khễnh. Đây chính là chân lý mà nhiều người đã quên hay coi nhẹ hoặc lơ là, coi thường.

Nếu ta bám vào cái khập khễnh, thì chắc chắn cuộc đời của ta, mọi mặt cũng sẽ chênh vênh, khập khễnh mà thôi.

Thanh Thanh