PDA

View Full Version : C - Chỉ Tiêu



Dan Lee
06-14-2010, 11:33 PM
CHỈ TIÊU

Hồi năm 1983, tôi nghỉ dạy vì mấy lý do :

1- Tôi không thể dạy văn, dạy thơ theo kiểu phải đặt chỉ tiêu “tư tưởng” lên hàng đầu (mà không màng tới nghệ thuật – đặc tính cốt yếu của văn thơ), dạy những bài thơ chẳng ra thơ, vè chẳng ra vè, hoặc những bài văn “kêu” như khẩu hiệu nhưng “bất cần ngữ pháp”; lại càng không thể – với lớp 9 tôi làm chủ nhiệm – phải làm sao đạt chỉ tiêu 100% học sinh tốt nghiệp cấp II.

2- Một lý do phụ : Lương dạy học của tôi không đủ nuôi một mình tôi (chớ đừng nói là nuôi vợ con !).

Nghỉ dạy, tôi đi bán vé số một năm (lời đâu không thấy, chỉ thấy toàn bị lừa đổi vé số dỏm, bị ăn cắp !). Một người em con ông chú thương tình, truyền cho nghề sửa chữa và bán mắt kính. Nhờ vậy gia đình cũng cố cầm hơi để “qua cơn bĩ cực” (nhưng vẫn chưa được “tới hồi thái lai”). Và cũng nhờ lê lết vỉa hè bên hông chợ Tân Bình mà tôi “ngộ” ra được nhiều cái chỉ tiêu rất … lạ lùng. Có một chỉ tiêu mà bản thân tôi được xếp vào hạng “siêu ngoan cố”, ấy là cái chỉ tiêu sinh con : “một THIẾU, hai ĐỦ, ba THỪA, bốn NGOAN CỐ”, mà tôi lại có tới những … 7 đứa con, SIÊU NGOAN CỐ là cái chắc (!). Ngành thuế thì có chỉ tiêu thu được tiền thuế 150%, 200%. Nếu chỉ đặt chỉ tiêu thu những tiểu thương, doanh nghiệp đang kinh doanh đóng thuế đủ 100%, thì chẳng có gì đáng nói. Ở đây lại đưa ra cái chỉ tiêu lạ đời là thu được tiền về gấp rưỡi gấp đôi định mức thuế, bất kể số tiểu thương, doanh nghiệp tăng hay giảm. Ấy thế là chỉ còn cách tăng tiền thuế. Chỉ có một cái tủ con con bán mắt kính bên lề đường (thu thuế theo tháng), mà một năm cũng “được” tăng tiền thuế đến mấy lần (!). Ngành giáo dục thì đặt chỉ tiêu lên lớp, tốt nghiệp 100%, đến nỗi mà đã xảy ra những chuyện cười ra nước mắt : Học sinh lớp 6 vẫn chưa biết đọc (!); hơn 8.000 bằng tiến sĩ thì có tới 2.500 bằng dỏm (không, phải nói là bằng thật, mà chất lượng dỏm mới đúng), ấy là chưa kể hơn 5.000 cái bằng “thật” kia có được mấy cái đạt chỉ tiêu chất lượng ? Quá vụ chỉ tiêu, nên mới có cầu bê tông mà mố cầu (nơi tiếp giáp đầu cầu với đường) bằng … gỗ. Rồi thì bê tông cốt tre (cọc bê tông mà cốt bằng tre !), cầu sập, công trình sập kéo theo bao nhiêu sinh mạng oan khốc. Nhiều, nhiều lắm những chỉ tiêu khiến người dân, nhất là những anh giáo quèn như tôi … chóng mặt !

Xin lỗi, tôi cứ hay dông dài về cái vụ “C’est la vie ! Đời mà !”, để có cái cớ nhập đề. Nếu có gì không được hài lòng hải nội chư quân tử, thì cũng xin ban cho 2 chữ đại xá. Vâng, vì chính hôm nay tôi đang muốn viết về chỉ tiêu xá giải của Đức Giê-su Ki-tô. Bài Tin Mừng CN XI/TN-C tường thuật câu chuyện một ông Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su Ki-tô dùng bữa với mình. Biết được tin này, một người phụ nữ tội lỗi cũng đến để được gặp Đức Ki-tô. “Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: "Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi! " Biết rõ được cái thắc mắc ghen tị của ông Pha-ri-sêu, Đức Giê-su đã phân tích rạch ròi 2 thái độ đến với Người (một của ông Pha-ri-sêu, một của người phụ nữ). Cuối cùng, Người kết luận : “Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít." (Lc 7, 36-50). “Yêu nhiều, được tha nhiều; yêu ít, được tha ít”, quả thật là một chân lý. Nhưng, như thế nào mới là “yêu nhiều, yêu ít” ?

Nói đến kết quả của sự yêu nhiều yêu ít, tôi liên tưởng đến Mẹ Tê-rê-sa Calcutta. Trên danh thiếp của Mẹ có ghi 5 cái kết quả liên hoàn của một linh đạo :

+ Kết Quả Của Thinh Lặng là CẦU NGUYỆN
+ Kết Quả Của Cầu Nguyện là ÐỨC TIN
+ Kết Quả Của Ðức Tin là TÌNH YÊU
+ Kết Quả Của Tình Yêu là PHỤC VỤ
+ Kết Quả Của Phục Vụ là BÌNH AN

Khi được hỏi về bí quyết thành công của một tông đồ kiệt xuất thế kỷ XI (yêu thương và chăm lo săn sóc cho những người đã được coi như một đống phế liệu của thời đại), Mẹ đã cho biết “bí quyết của tôi thật đơn giản : tôi cầu nguyện” và để thực hiện bí quyết ấy, Mẹ nêu ra những kết quả như một chuỗi những chỉ tiêu nhằm mục đích tối hậu là sự bình an. Và sự bình an ấy phải chăng chính là điều mà Con Người đã mang đến cho loài người cách đây 2.000 năm (Vinh danh Thiên Chúa trên trời – BÌNH AN dưới thế cho người thiện tâm”) ? Vâng, mở đầu cho hành trình ấy là "Thinh lặng" (tĩnh tâm sám hối = cầu nguyện) và đích đến cuối cùng là "Bình an" (cõi phúc vĩnh hằng).

Đặt chỉ tiêu là đề ra cái đích cần đạt tới đối với một công tác, một nhiệm vụ. Cái đích ấy chính là kết quả cuối cùng của việc làm. Vì thế, cũng có thể nói Mẹ Têrêsa Calcutta ghi 5 cái kết quả liên hoàn của một linh đạo lên danh thiếp, thì cũng có nghĩa là Mẹ đưa ra chỉ tiêu cho cuộc đời hoạt động của Mẹ. Và Mẹ đã đạt được chỉ tiêu cách hoàn hảo tuyệt vời.

Đức Ki-tô đã dạy "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng" (Mt 11, 28-30). "Ách" là cái đoạn gỗ cong mắc trên vai trâu bò để buộc dây kéo cày, kéo xe (có nơi gọi đó là cái “vai” – vai bò, vai trâu). Bình thường khi nhìn vào con trâu (bò) đang kéo cày hay kéo xe, ai cũng thấy cái ách trên cổ chúng là một sự gò bó, nặng nề; cũng giống như con người thấy cuộc sống trần thế là khổ nhọc, âu lo (“đời là bể khổ, là bến mê” mà !). Chính vì thế, Đức Ki-tô mới mời gọi hãy đến với Người. Và để có thể đến được với Người cũng cần phải có những chỉ tiêu, mà cái chỉ tiêu “yêu nhiều thì được tha nhiều, yêu ít thì được tha ít” là một ví dụ.

Con người ta ở trên đời ai cũng mong muốn có hạnh phúc đích thực. Ngoại trừ một số quan niệm hạnh phúc là của cải vật chất, là danh vọng vinh hoa phù phiếm; đa phần còn lại đều tin rằng cái hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu chỉ có thể có được ở đời sau. Đó chính là cái mục đích nhắm tới, và để đạt được mục đích ấy, cũng cần phải có những tiêu chí, những chỉ tiêu đề ra làm động lực thúc đẩy trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc. Như câu chuyện người thanh niên giàu có hỏi Đức Giê-su : "Bấy giờ có một người đến thưa Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?" Đức Giê-su đáp: "Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn." Người ấy hỏi: "Điều răn nào? " Đức Giê-su đáp: "Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ", và "Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình." Người thanh niên ấy nói: "Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không? " Đức Giê-su đáp: "Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." (Mt 19, 16-21).

Có thể kể thêm : * Chỉ tiêu “theo Thầy hành đạo” : "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? " (Mt 16, 24-26).

* Chỉ tiêu “Yêu người như yêu chính mình” : "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi”(Lc 5, 38-42)

Mới nghe qua lời mời gọi của Đức Ki-tô đến đeo cái “ách”, gánh cái “gánh” của Người thì thấy có vẻ dễ dàng thực hiện, vì “ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng", nhưng đến lúc trực diện với cái ách, cái gánh đó thì lại “ỉu xìu như bánh tráng gặp mưa” ngay. Chàng thanh niên nhà giàu nêu trên là một điển hình. Đấy mới chỉ là “bán hết của cải chia cho người nghèo” mà còn như thế (“Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi” – Mt 19, 22). Đến như phải “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình”, hoặc “bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm”, thì quả thực là… Ôi chao ! Hổng dám đâu !

Khó thật ! Đúng là thiên nan vạn nan. Tuy nhiên, vào nửa đầu thế kỷ XX, Nguyễn Bá Học lại nói : “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Anh kêu khó, kêu khổ, như vậy chẳng hoá ra lời mời gọi của Con Người Hiền Lành và Khiêm Nhường ấy chỉ là không tưởng, và chỉ tiêu “yêu nhiều, yêu ít” chỉ là bánh vẽ ? Anh hãy bình tâm – không, hãy tĩnh tâm – mà nhìn lại mình, hãy thinh lặng mà lắng nghe, mà suy niệm, bởi anh vẫn còn thiếu có một điều, vẫn còn thiếu cái bí quyết mà Mẹ Tê-rê-sa Calcutta đã nhắc nhở anh : CẦU NGUYỆN. Anh hãy cầu nguyện để đạt được kết quả là ĐỨC TIN. Và khi có Đức Tin, anh sẽ thấy được kết quả là TÌNH YÊU. Chỉ đến khi ấy, anh sẽ hiểu được Lời dạy chí tình chí nghĩa của “Đấng là Thầy, là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” : "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi... Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em" (Ga 14, 15-16. 23-26).

Chỉ có như thế, vâng, thực sự chỉ có như vậy anh mới đạt được cái chỉ tiêu "YÊU" để đến được cái đích cuối cùng : sự BÌNH AN vĩnh cửu. Ước được như vậy. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.