PDA

View Full Version : P - Phục Hồi Phẩm Giá Con Người



Dan Lee
06-13-2010, 08:29 PM
PHỤC HỒI PHẨM GIÁ CON NGƯỜI


Trong Chúa Nhật hôm nay, chúng ta được nghe câu chuyện của hai người tội lỗi. Người thứ nhất là vua Đavít trong bài đọc một, và người thứ hai là một phụ nữ tội lỗi trong phúc âm Luca. Qua hai câu chuyện này, chúng ta thử tìm hiểu một vài điểm quan trọng cho đời sống tâm linh.

Trước hết, câu chuyện của vua Đavít, vì muốn che giấu hậu quả tội ngoại tình với bà Bathsheba nên vua đã tìm cách giết chồng của bà, tướng Uriah, bằng cách đưa ông ra ngay tuyến đầu mặt trận để bị quân Amorite giết chết. Đó là một tội ác ghê tởm, nhưng vua Đavít vẫn không nhận ra tội của mình cho đến khi ngôn sứ Nathan đến chất vấn—như chúng ta được nghe trong bài đọc một hôm nay. Tại sao vua Đavít lại không thấy mình có tội?

Qua sách Samuen, chúng ta biết Đavít là một người được xức dầu của Thiên Chúa và được chúc phúc, nhờ đó ông lập được nhiều chiến công lẫy lừng và thiết lập được nước Israel. Thủ đô của nước này là thành Giêrusalem và nó đã trở nên “Thành Đavít”. Khi có quyền bính và thế lực trong tay, Đavít quên cả các điều răn của Thiên Chúa. Ông lấy nhiều vợ và các thê thiếp. Ông đã phạm tội nhưng lương tâm của ông vẫn ngủ yên, hay nói đúng hơn, lương tâm ông đã chai lì trước ý thức tội lỗi, đến độ khi thèm muốn vẻ đẹp của vợ người khác, vua Đavít đã lập mưu giết người để che đậy dục vọng của mình.

Câu chuyện của vua Đavít cho chúng ta thấy hai điều quan trọng: thứ nhất, các tội nhẹ khi vi phạm thường xuyên sẽ dẫn đến tội nặng hơn. Thí dụ, Giáo Hội kêu gọi chúng ta cầu nguyện hàng ngày, vì khi bỏ cầu nguyện hàng ngày có thể dẫn đến bỏ lễ ngày Chúa Nhật, đó là một tội nặng hơn. Hoặc, mỗi khi chúng ta đọc kinh Lậy Cha, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy tha thứ cho người xúc phạm đến mình để luyện tập sự khoan dung, bởi vì nếu hận thù chồng chất, nó có thể đưa đến nhiều tội nặng nề khác.

Điểm thứ hai trong câu chuyện của vua Đavít là khi người ta có quyền hành và danh vọng, con người dễ bị mù quáng, không biết được mình là ai và hậu quả của hành động sẽ đi đến đâu. Trong lịch sử nhân loại không thiếu gì các nhà lãnh đạo độc tài đưa đến thảm hoạ cho loài người. Nhưng quyền hành và danh vọng cũng ảnh hưởng đến chúng ta, những người làm cha mẹ hay lãnh đạo các đoàn thể trong cộng đoàn, vì chúng ta sẽ dễ bị chạm tự ái khi bị con cái hay người dưới phê bình, dù đó là những phê bình rất đúng.

Tuy vua Đavít đã làm gương xấu nhưng ông cũng nêu gương tốt cho chúng ta, đó là ông khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi khi ngôn sứ Nathan vạch trần sự thật.
Thật không dễ để một người có quyền hành nhìn nhận sự sai trái của mình. Các cấp lãnh đạo ít khi xin lỗi thuộc hạ. Cha mẹ không dễ để xin lỗi con cái. Nhưng chính sự ngay thẳng đó lại là điều Thiên Chúa ưa thích. Điển hình là vua Đavít, sau khi bị ngôn sứ Nathan chất vấn và vua nhìn nhận rằng “Tôi thật có tội với Đức Chúa”, thì ngôn sứ Nathan nói, “Về phần Đức Chúa, Người đã tha tội của ngài: ngài sẽ không phải chết.”

Thiên Chúa yêu quý sự chính trực, và bước đầu của sự chính trực là khiêm tốn. Khiêm tốn không phải là tự hạ mình, tự coi thường mình, nhưng khiêm tốn là biết rõ con người của mình, biết rõ ưu điểm cũng như khuyết điểm, biết rõ giá trị của con người thì nằm ở đâu. Vua Đavít khiêm tốn vì ông nhận thấy tội của ông đã làm mất đi sự tương quan với Thiên Chúa mà nhờ tương quan ấy con người mới có giá trị.

Khiêm tốn cũng là một đặc tính của người phụ nữ trong bài phúc âm hôm nay. Bà là “một người tội lỗi trong thành,” và có lẽ bà có ít nhiều thế lực để có thể dễ dàng vào nhà của một người Pharisiêu khi biết Đức Giêsu đang dùng bữa ở đó.

Động lực nào đã khiến bà tìm đến Đức Giêsu? Phúc âm không nói gì hơn là kể lại hành động của bà—một hành động không dễ để thi hành giữa đám đông.

Khi mang theo bình bạch ngọc đựng dầu thơm, có lẽ bà thuộc về giới giầu có trong một xã hội đa số người nghèo. Nhưng sự giầu sang không giúp bà cảm thấy có giá trị, vì bà là “người tội lỗi.”

Và thật như vậy, bà không dám đứng đối diện với Đức Giêsu—một người nghèo nhưng thánh thiện—mà bà chỉ đứng sau lưng Đức Giêsu về phía dưới chân. Bà đứng vào địa vị của một đầy tớ. Không những thế, bà không cảm thấy xấu hổ khi khóc lóc thảm thiết trước đám đông đến độ nước mắt của bà có thể rửa chân Đức Giêsu. Và rồi bà xoã tóc, một hành động mà người phụ nữ Do Thái không bao giờ làm trước công chúng, để lau khô chân Đức Giêsu. Có thể nói, bà không còn nghĩ gì đến thanh danh, giá trị của mình. Hay nói đúng hơn, bà biết mình có tội và đã cảm nhận được điều quan trọng mà Đức Giêsu thường rao giảng: phẩm giá con người thì cao quý hơn địa vị, giầu sang, danh tiếng. Do đó, nếu vì danh vọng, vật chất đã khiến bà phạm tội thì giờ đây danh tiếng ấy đã trôi theo dòng nước mắt tủi nhục, của cải ấy đã bị tiêu tán qua dầu thơm đổ lai láng trên đôi chân của một người nghèo thánh thiện. Khi thi hành như vậy bà lại cảm thấy sung sướng vì thấy mình có giá trị. Thật vậy, điều này được Đức Giêsu xác nhận khi Người nói với bà, “Tội của con đã được tha”—phẩm giá của bà đã được phục hồi.

Làm thế nào người phụ nữ tội lỗi này có được sự can đảm để thi hành một cử chỉ khác thường như thế?

Đức Giêsu đã trả lời cho chúng ta khi Người đặt câu hỏi và kể lại hành động của người phụ nữ. Câu hỏi của Đức Giêsu với ông Simon chủ nhà, “Ông có thấy người phụ nữ này không?” cũng là câu hỏi cho chúng ta. Ông Simon thấy phụ nữ này chỉ là một người tội lỗi mà không nhìn thấy động lực bên trong của hành động: bà khao khát lòng thương xót của Chúa để trở nên chính trực, bà ước ao được sạch tội để thấy mình có phẩm giá mà bà tin rằng Đức Giêsu, một “ngôn sứ thánh thiện”, có thể đại diện Thiên Chúa tha thứ cho bà. Quả thật, Đức Giêsu đã nhìn thấy lòng tin của bà và nói, “Đức tin của con đã cứu con; hãy ra đi bình an.”

Hành động của người phụ nữ tội lỗi không phù hợp với luật thanh tẩy của Môsê, nhưng hành động của bà được thúc giục bởi lòng yêu mến sự thánh thiện và lòng tin nơi Đức Giêsu Kitô. Và đó là điều Thánh Phaolô viết trong bài đọc hai hôm nay: “… một người không trở nên chính trực bởi công việc của lề luật nhưng bởi lòng tin nơi Đức Giêsu Kitô” (Gal. 2:16). Từ một người tội lỗi, bà đã trở nên tấm gương cho chúng ta khi can đảm bộc lộ lòng yêu mến và đức tin của mình đối với Chúa Kitô.

Các bài đọc hôm nay có thể áp dụng vào thực tế cho đời sống tâm linh của chính chúng ta và trong cách đối xử với Thiên Chúa cũng như tha nhân.

Trước hết, nếu vua Đavít cần phải được ngôn sứ Nathan vạch trần sự thật để giúp ông nhận ra tội lỗi của mình thì chúng ta cũng đừng khinh thường những ai dám nói lên khuyết điểm của chúng ta, dù đó là con cái hay người bề dưới. Tất cả chúng ta đều có khuyết điểm và cần được sửa đổi.

Thứ hai, tương tự như lòng khao khát muốn trở nên chính trực của người phụ nữ tội lỗi, chúng ta cũng phải khao khát sự thánh thiện để chạy đến với Chúa Kitô trong bí tích hoà giải để được tha thứ những lỗi lầm. Động lực chính khi đi xưng tội là lòng khao khát trở nên chính trực, chứ không phải vì luật buộc.
Và một điểm khác cần nhớ về bí tích hoà giải là tuy Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta khi đi xưng tội, nhưng sự tha thứ ấy không thể xoá bỏ những bất công mà chúng ta đã gây ra cho người khác.

Trong chuyến tông du Bồ Đào Nha vào đầu tháng Năm vừa qua, Đức Giáo Hoàng Bênêđích XVI cũng xác nhận rằng, “Sự tha thứ không thay thế sự công bằng” (theo bản tin Zenit, May 12, 2010). Điều này có nghĩa, những thiệt hại mà chúng ta gây ra cho người khác, về vật chất, tinh thần, luân lý, thể xác, v.v., thì chúng ta phải đền bù cho họ. Thiên Chúa vô cùng nhân lành, nhưng Người cũng vô cùng công bằng. Tội của chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa, Người có thể tha thứ, nhưng những bất công của chúng ta đối với người khác thì Thiên Chúa không thể bỏ qua.

Trong phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu dậy chúng ta về cách đối xử với tha nhân lầm lỗi, và đối với Thiên Chúa khi chúng ta phạm tội.

Đối với Thiên Chúa, khi chúng ta phạm tội, phản ứng tự nhiên của loài người là chúng ta nghĩ đến hình phạt, nhưng cuộc đời và sự giảng dậy của Chúa Giêsu cho thấy Thiên Chúa không muốn trừng phạt mà Người sẵn sàng tha thứ và nhìn đến lòng yêu mến của chúng ta. Như Chúa Giêsu đã nói, “Ai yêu mến nhiều sẽ được tha thứ nhiều,” và lòng yêu mến Thiên Chúa phải được bộc lộ bằng hành động yêu mến tha nhân.

Yêu mến những người tốt với chúng ta là điều dễ dàng, ai cũng làm được. Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu dậy chúng ta một sự khôn ngoan, đó là với những người có lỗi với chúng ta, thay vì xa lánh, khinh bỉ chúng ta nên tha thứ, vì khi được tha thứ nhiều họ sẽ yêu quý chúng ta nhiều, và từ đó chúng ta có thể đưa họ về với Thiên Chúa. Trong gia đình, vợ chồng càng tha thứ cho nhau thì càng yêu mến nhau; cha mẹ càng tha thứ cho con cái thì con cái lại càng thương mến cha mẹ bấy nhiêu.

Xin Thiên Chúa soi sáng và giúp chúng ta biết quý trọng phẩm giá con người
để cố gắng sống trong sạch và yêu thương nhau.

Pt Giuse Trần Văn Nhật