PDA

View Full Version : M - Một thoáng nhìn về những linh mục Việt nam thời danh trong các hoạt động văn hóa (2)



Dan Lee
06-06-2010, 06:42 PM
MỘT THOÁNG NHÌN VỀ NHỮNG LINH MỤC VIỆT NAM THỜI DANH TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA

Nhân Năm Linh mục, trước đây chúng tôi có dịp thoáng nhìn về các vị thời danh trong lãnh vực khoa học (http://www.vietnhim.com/dongnhim/showthread.php?t=35640)

http://www.dunglac.org/upload/article/1275766470.jpg

Tuy nhiên, tất cả các ngài đều là người ngoại quốc, và thường xa lạ với chúng ta. Nay, để kết thúc Năm Linh mục, chúng tôi xin góp nhặt một số thông tin về các linh mục Việt nam đã cống hiến được những đóng góp vào kho tàng văn hóa Việt nam bằng các hoạt động hoặc sáng tác. Đây chỉ là một cái nhìn “thoáng qua”, không có tham vọng bao gồm toàn bộ sự nghiệp của các ngài trong lãnh vực văn hóa rộng lớn, và vì thiếu thốn tài liệu, chúng tôi chắc không tránh được những sai sót, nhất là về năm sinh, năm mất. Đa số dữ liệu trong bài này chúng tôi đều lấy từ cuốn Công giáo Việt nam trong truyền thống văn hóa dân tộc của linh mục Vũ đình Trác.

Chúng tôi tạm gọi là “thời danh” những vị được nhiều người biết tới, đặc biệt là trong giới văn học, cũng như đông đảo giáo dân Công giáo.

Linh mục Philippe Bỉnh (1759-1832)

Sinh tại Hải dương, bắt đầu tu tập năm 16 tuổi và thụ phong linh mục năm 30 tuổi.

Gia nhập dòng Tên, ông đi Lisbonne (Bồ đào nha) để nghiên cứu tình hình giáo hội, và mất tại đây năm 1832.

Đã viết khoảng 23 tác phẩm bằng chữ nôm, chữ quốc ngữ, tiếng Bồ đào nha và Latinh, về truyện các thánh (Thánh Phanxicô Xaviê; Thánh Anna; Thánh Gioankim), về lịch sử dòng Tên, và đặc biệt là lịch sử Việt nam trong hai cuốn Truyện nước Annam Đàng Ngoài chí Đàng Trong; Sách sổ sang chép các việc (Truyện Đàng Trong 1802).

Linh mục Phan văn Minh (1815-1853)

Sinh tại Cái mơn (Vĩnh long). Du học tại Penang (Mã lai). Qua Calcutta (Ấn độ) giúp giám mục Taberd biên soạn cuốn Tự điển Annam-Latinh (còn gọi là Dương Hiệp tự điển).

Là tác giả của tập thơ Phi năng thi tập, gồm 35 bài bằng chữ nôm cùng 94 bài ngâm vịnh của các thi sĩ khác, và tập thơ Inê tử đạo vãn (Thánh Agnès Lê thị Thành tử đạo) gồm 562 câu thơ lục bát cùng ba bản dịch Latinh, Pháp, và Anh.

Bị bắt và bị trảm quyết năm 1853; được tuyên thánh năm 1988.

Linh mục Lữ Y-Đoan (?-1678)

Chính tên là Louis Đoan, thụ phong linh mục năm 1776.

Đã phỏng dịch 5 cuốn sách (Ngũ Kinh) đầu bộ Cựu ước (Sáng thế ký, Xuất hành, Giáo sĩ, Dân số ký và Nhị luật). Cuốn Sáng thế ký được ông đặt tên là Tạo Đoan Kinh, viết bằng chữ Nôm theo thể lục bát, gồm 4394 câu, hoàn thành năm 1670. Cuốn Lập Quốc Kinh (Exodus) (Xuất hành) nay chỉ còn lại được 21 đoạn từ câu 1 đến câu thứ 1623, vì bị hư hoại.

Linh mục Đặng Đức Tuấn (1830?- ?)

Người huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình định, thụ phong linh mục khoảng năm 1860.

Dạy chữ Hán cho các chủng sinh tại Penang (Mã lai) trước khi học làm linh mục.

Bị bắt, bị tra tấn thời vua Tự Đức cấm đạo, sau được tha vì những bản điều trần biện bạch lý do theo đạo Công giáo.

Là tác giả nhiều bản điều trần giá trị: Khất xá Thiên Chúa giáo nhân (xin tha những người theo đạo Thiên Chúa); Nguyên Đạo (nguồn gốc của Đạo); Minh Đạo Bình Tây sách (Đường lối và chính sách dẹp giặc Tây). Còn là tác giả tập thơ Tự tích việc Đạo nước Nam, gồm 630 câu thơ lục bát, có chen thơ thất ngôn.

Linh mục Trần Lục (1825-1899)

Chính tên là Petrus Trần Hữu, sinh tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh hóa.

Vào chủng viện, đổi tên là Trần Triêm. Năm 1858 thụ phong Phó tế (tức là chức Thày Sáu, vì thế còn có tên là Cụ Sáu), và chức linh mục năm 1860.

Kiến trúc sư của quần thể thánh đường Phát điệm bằng mỹ thuật cổ truyền Việt nam, rất nguy nga đồ sộ.

Tác giả của Hiếu tự ca (1088 câu thơ lục bát, nói về đạo hiếu đối với cha mẹ và tổ tiên), Nữ tắc thường lễ (1016 câu, chỉ dẫn cho thanh thiếu nữ thành người lương thiện và giáo dân đạo hạnh) và Nịch ái vong ân (440 câu, các bài học cho thanh niên)

Giám mục Hồ ngọc Cẩn (1876-1947)

Chính tên là Hồ ngọc Ca, sinh tại xóm đạo Ngọc hồ thuộc giáo phận Huế.

Nhập chủng viện, đổi tên là Hồ ngọc Cẩn, thụ phong linh mục năm 1902, giám mục (1935) và cai quản giáo phận Bùi chu từ năm đó. Thông thạo Hán văn, Pháp ngữ và Latinh.

Tác giả nhiều sách về văn phạm, toán học và thi văn Việt nam, Pháp và Latinh (Ấu học ngữ pháp; Ngạn ngữ Kinh thư; Toán học sơ pháp; Sách mẹo Phalangsa; Sách mẹo Latinh; Văn chương thi phú Annam…), sách dạy chữ Hán (Hán tự quy giản; Hán Việt thường đàm). Rất nhiều sáng tác khác được đăng rải rác trên các báo đạo đời thời đó như Vì Chúa, Đông dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Nam Kỳ tuần báo…

Linh mục Nguyễn Văn Thích (1891-1978), bút hiệu Sảng Đình.

Sinh tại huyện Quảng điền, tỉnh Thừa thiên trong một gia đình theo Phật giáo, thân phụ là Lễ Bộ Thương thư Nguyễn Văn Mại.

Trở lại theo Công giáo, xin vào chủng viện và thụ phong linh mục năm 1926.

Dạy học tại các trường Providence (Thiên Hựu), chủng viện An Ninh (Quảng Trị), tuyên uý trường Pellerin (Huế).

Góp phần xây dựng Phong trào Hướng đạo Công giáo tại Huế và Việt nam.

Sáng lập và chủ nhiệm báo Vì Chúa. Sáng lập Vườn Trẻ Hương linh để giáo dục trẻ em mẫu giáo.

Giáo sư Hán văn và Triết học các trường Đại học Saigon, Đà lạt, Huế và Minh Đức.

Tác giả của hơn 10 tác phẩm viết về đủ thể loại (tôn giáo, luân lý, phong dao, trung dung…) và rất nhiều bài thơ Việt Hán (Sảng Đình thi tập), cũng như một số nhạc khúc tôn giáo mang đậm mầu sắc dân ca (Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, Trời cao đất thấp gặp nhau, Bao giờ tôi được lên trời…).

Linh mục Trần Đức Huân (1907-1984)

Sinh tại huyện Xuân Trường, Bùi chu

Thụ phong linh mục năm 1935, giáo sư và giám đốc trường Thầy Giảng (Bùi chu).

Viết thường xuyên cho các báo Đa minh bán nguyệt san, Thời Mới.

Là linh mục Viêt nam đầu tiên dịch trọn bộ Thánh Kinh (Cựu ước và Tân ước, dày hơn 1000 trang) ra Việt ngữ, xuất bản tại Saigon (1960).

Còn là tác giả nhiều sách tu đức và lịch sử Giáo hội (Maria học thuyết; Sử ký Giáo hội; Tôn sùng Thánh mẫu, Gương Đức Mẹ…).

Giám mục Phạm Ngọc Chi (1909-1988)

Sinh tại huyện Kim sơn (Ninh bình).

Thụ phong linh mục năm 1933 khi đang du học tại Roma.

Được bổ nhiệm làm giám mục Bùi chu năm 1950.

Làm Chủ tịch Ủy ban Hỗ trợ Định cư người Việt từ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954.

Yểm trợ thiết lập các trường trung học Nguyễn bá Tòng (Saigon), Đắc Lộ (Bảy Hiền), Vinh Sơn Liêm (Bùi môn), Phạm tuấn Đức (Châu hiệp), Hoàng gia Huệ (Trung chánh)…

Giám mục giáo phận Qui Nhơn từ năm 1963.

Tác giả bộ sách Phúc âm Dẫn giải (600 trang).

Lập các bệnh viện Thánh Tâm (Hố nai), Thánh gia (Qui nhơn), An Bình (Đà nẵng).

Hồng y Nguyễn Văn Thuận (1928-2002)

Sinh tại Huế, thuộc gia đình vọng tộc, có Tổng giám mục Ngô đình Thục và Tổng thống Ngô đình Diệm là cậu ruột.

Thụ phong linh mục năm 1953, du học tại Roma năm 1956.

Chủ tịch Caritas Việt nam năm 1971.

Được bổ nhiệm Tổng giám mục Phó Saigon với quyền kế vị năm 1975, nhưng bị bắt và tù đầy 13 năm. Sống lưu vong tại Rome, được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý Hòa bình năm 1984, và được vinh thăng Hồng y.

Tác giả cuốn Đường Hy vọng (được dịch ra 7 ngôn ngữ); Những người lữ hành trên đường Hy vọng; Đường Hy vọng dưới ánh sáng Lời Chúa và Công đồng; Thập đại thành công; Thập đại thắng; Thập đại bệnh; Thập đại bại…)

Giám mục Bùi Tuần (1926- )

Sinh tại Thái Bình, thụ phong linh mục năm 1954.

Đậu tiến sĩ Thần học tại Thụy sĩ năm 1970. Làm giám mục giáo phận Long Xuyên từ đầu năm 1975.

Là tác giả một số sách tôn giáo, chuyên về suy niệm: Ý nghĩa sự đau khổ; Nói với chính mình; Abba! Lạy cha!; Giới luật yêu thương; Ơn trở về; Được chọn và sai đi; Người môn đệ Đức Kitô…) và hồi ký (Đời tôi là một hành trình…)

Linh mục Nguyễn Duy Tôn (1919-1976)

Thụ phong linh mục năm 1946, tình nguyện đi Nouvelle Calédonie (Tân thế giới, thuộc châu Úc) để phục vụ người Việt tại đây.

Ông là linh mục đầu tiên viết tiểu thuyết (Hai trái cam máu). Tiếp sau là nhiều sáng tác khác theo thể tiểu thuyết: Hai tâm hồn; Thầy đi đâu (Quo Vadis); Xích vàng; Mũi tên giết giặc; Bông Huệ tươi.., và ký sự: Phú Ninh quằn quại; Chặn làn sóng đỏ...

Linh mục Phạm Châu Diên (1914-2007?)

Sinh tại Xuân Trường (Nam Định). Năm 1938 ông bỏ công danh, xin tu tập làm linh mục và thụ phong năm 1946.

Dạy học tại tiểu chủng viện Ninh Cường, làm chánh văn phòng toà giám mục Bùi chu trong nhiều năm, làm Trưởng Ty Học chánh tỉnh Bùi chu và di cư vào Nam, phục vụ truyền giáo tại Quy nhơn.

Với bút hiệu Vị Thuỷ, ông sáng tác nhiều sách về tu đức, giáo dục (Tu đức học; Lời hứa Thánh Tâm; Thánh mẫu học phổ thông; Thánh Giuse trong Phúc âm), tiểu sử (Đặng đức Tuấn; Hồ ngọc Cẩn; Thầy Anrê…) và hồi ký (Đời tôi).

Linh mục Vũ đức Trinh (1918-1964)

Sinh tại Giao Thủy (Nam định), nhập chủng viện năm 1930, thụ phong linh mục năm 1944. Du học tại Penang (Mã lai) và Hoa kỳ. Về nước, dạy Anh văn tại tiểu chủng viện Bùi chu.

Có tâm hồn thi sĩ, ông sáng tác nhiều tập thơ (Ánh vàng; Hương Thiêng; Đuốc trời cao; Thục nữ Thiên hương; Bảo tàng Ân ái; Những quả tim non…) và dịch Ca dao sang Anh ngữ (Mấy áng phong dao).

Linh mục Trần văn Kiệm (1920- )

Sinh tại Phát diệm (Ninh bình). Học chữ Nho từ nhỏ. Bắt đầu tu tập từ năm 1930, thụ phong linh mục năm 1946. Hiệu trưởng trường Trung học Trần Lục (Phát diệm). Du học Hoa kỳ từ 1950, đậu các bằng Cử nhân Hóa học và Cao học Vật lý.

Dạy tại Đại học Khoa học Saigon, trung học Hồ ngọc Cẩn. Hiện sống ẩn dật tại miền Đông nam Hoa kỳ.

Viết đủ loại: đạo, đời, Nho, Việt (Chuyện các Tông đồ; Đức Mẹ La vang; Những ngày cuối đời của Chúa Giêsu…) nhưng công trình đáng kể nhất là cuốn Phiên dịch và diễn nghĩa Thánh Kinh Tân ước, và cuốn Từ điển giúp đọc Nôm và Hán Việt.

Linh mục Hồng Phúc (1921-1999)

Tên thật là Cái viết Phúc, sinh tại Quảng Bình. Học tại Providence (Huế) rồi gia nhập Đệ tử viện Dòng Chúa Cứu thế. Thụ phong linh mục năm 1948 và bắt đầu đi giảng thuyết khắp các giáo xứ ở Bắc, Trung, Nam.

Giám đốc nguyệt san Đức Mẹ Hằng cứu giúp (1954). Qua Mỹ từ 1980, tiếp tục giảng tĩnh tâm và làm mục vụ tại Portalnd (Oregon).

Ngoài những bài về Thánh kinh, giáo dục, lịch sử, xã hội viết cho các báo chí Công giáo, ông còn sáng tác nhiều cuốn sách đạo phổ thông (Nhìn lên ảnh Mẹ; Gặp gỡ Chúa; Chị Thánh Têrêxa; Người tín hữu Công giáo; Sống đạo; Mẹ Maria; Chúa Giêsu; Suy niệm lời Chúa…) và những công trình có tính uyên bác như: Điển ngữ đức tin Công giáo; Điển ngữ Thánh Kinh (Lexique Biblique)…

Linh mục Vũ minh Nghiễm (1919-2008)

Sinh tại Nghệ an. Gia nhập dòng Chúa Cứu thế, thụ phong linh mục năm 1951, và đã đi thuyết giảng nhiều nơi.

Là tác giả của một số sách tu đức (Dừng, Vươn, Sống…) và lịch sử ơn Cứu độ (Dân Chúa) .

Linh mục Trần đức Huynh (1920-2007)

Sinh tại Ứng luật (Ninh bình). Nhập tiểu chủng viện Bùi chu, thụ phong linh mục năm 1947. Hiệu trưởng trường Trung học Hồ ngọc Cẩn (tại Bùi chu và Saigon).

Dạy Triết học tại các chủng viện. Sáng lập và làm giám đốc trường Hưng Đạo và Nguyễn bá Tòng, hai trường trung học lớn nhất tại Saigon lúc đó. Thành lập nhà in Nguyễn bá Tòng, trang bị nhiều kỹ thuật in ấn mới.

Di tản qua Hoa kỳ, phục vụ giáo dân tại San Antonio, rổi về hưu tại California.

Là một nhà giáo dục , ông đã viết nhiều sách giáo khoa (Đạo đức học; Luận lý học; Luận Triết học), ngoài ra còn sưu tầm các dữ liệu để viết kỷ yếu và lịch sử (Kỷ yếu địa phận Bùi chu; Lịch sử giáo phận Bùi chu; Đặc san Bùi chu…), cũng như cộng tác với các báo đạo để viết những bài về chính trị, lịch sử và xã hội, văn hóa, giáo dục…

Linh mục Nguyễn công Lý (1927-

Sinh tại Thủ Nhai (Nam định). Gia nhập dòng Đa minh, thụ phong linh mục năm 1957. Du học tại Roma và Jerusalem, Manila (Phi luật tân) chuyên biệt về Thánh Kinh.

Giám đốc học viện Đa Minh (Thủ đức), và Viện trưởng đại học Minh Đức.

Ông viết nhiều bài có đề tài triết học, thần học và tu đức đăng trên các báo đạo, và các tác phẩm về Thánh kinh (như Tìm hiểu Thánh kinh) về Đức Mẹ (như Maria, Mẹ con).

Đức ông Mai đức Vinh (1935- )

Sinh tại Tĩnh Gia (Thanh hóa). Thụ phong linh mục năm 1965, làm giáo sư chủng viện Sao Biển (Nha Trang).

Gia nhập tu hội St Sulpice, và du học tại Roma, đậu hai bằng tiến sĩ về giáo luật và thần học mục vụ. Từ năm 1980 trở thành quản nhiệm giáo xứ Việt nam ở Paris.

Là tác giả của nhiều sách về tôn giáo (Hạnh các Thánh, 12 cuốn) và dịch thuật (Đức trinh khiết Kitô giáo; Tân Giáo luật; Giáo lý cho người trưởng thành, đặc biệt là bộ Tân lịch sử Giáo hội gồm 5 cuốn, mỗi cuốn trên 500 trang).

Linh mục Nguyễn thế Minh (1938- )

Sinh tại Quảng Trị. Học tại Providence (Huế) và giáo hoàng học viện (Đà lạt). Thụ phong linh mục năm 1967. Du học tại Roma đậu tiến sĩ thần học tu đức. Phụ trách chương trình Việt ngữ đài phát thanh Vatican từ 1979-1985.

Sáng lập tập san Hợp tuyển Thần học (1989) quy tụ nhiều nhà thần học Việt nam khắp các châu Âu, Á, Mỹ, Úc. Ngoài một số tác phẩm về tôn giáo ông còn hợp soạn với Ngô Minh cuốn Tự vựng Triết Thần căn bản (song ngữ Pháp Việt và Anh Việt).

Linh mục Chu quang Minh (1938- )

Sinh tại Thọ Ninh (Bắc Ninh), nhập chủng viện Đạo ngạn năm 12 tuổi. Bị động viên vào khóa 14 sĩ quan Thủ đức, sau giải ngũ trở về học tiếp tục và thụ phong linh mục năm 1968.

Hiệu trưởng trường trung học Phụng sự (Cần thơ) và Thánh Minh (Biên hòa).

Đậu bằng Cao học tâm lý tôn giáo và Tiến sĩ tâm lý giáo dục tại Hoa kỳ.

Sáng lập chương trình Thăng tiến Hôn nhân Gia đình và các khoá học Thăng tiến Hôn nhân được mở ở Hoa kỳ Canada, Âu châu và Nhật bản.

Ông đã viết hàng trăm bài nghị luận về tâm lý, và đặc biệt là bộ sách về tâm lý gồm 5 cuốn (Tâm lý thiêng liêng, cá nhân, giao tế, vào đời, gia đình,) Tâm lý thực nghiệm (bộ hai cuốn) cùng một số trước tác khác.

Linh mục Nguyễn chí Thiết (1938- )

Sinh tại Bảo Nhâm (Nghệ an). Nhập chủng viện năm 12 tuổi và thụ phong linh mục năm 1960.

Đậu cử nhân văn khoa (Saigon) và tiến sĩ thần học (Roma), còn nghiên cứu triết học Trung hoa tại Đài bắc và học ban Cao học Cổ ngữ Thánh kinh (Hy lạp, Do thái, Aram) tại Roma và là ứng viên Tiến sĩ Quốc gia Pháp.

Góp công vào bộ sách Khởi thảo Thần học Việt nam cùng với triết gia Phan đình Cho, và chủ trương Nguyệt san Lời Chúa.

Linh mục Vũ hùng Tôn (? - )

Gốc địa phận Huế, thụ phong linh mục năm 1967.

Du học tại Hoa kỳ , đậu bằng Cử nhân tâm lý, cao học về Cố vấn Tâm lý.

Chủ trương tủ sách Xuân Tâm. Là tác giả một số sách về tôn giáo và tâm lý (Tìm hiểu Đạo Chúa; Nói với bạn trẻ; Chuẩn bị đời sống Hôn nhân Công giáo), sách dịch (Nghe như truyện hoang đường; Sức mạnh của tư tưởng tích cực và tinh thần lạc quan; Quan niệm tổng hợp trong đời sống con người toàn bộ…).

Ông còn sáng tác âm nhạc (CD Tin tưởng nơi Chúa…) và ấn loát Thánh ca (Phụng ca lễ Hôn phối, Phụng ca Cộng đồng).

Linh mục Hồ ngọc Thỉnh (1944- )

Sinh tại Thanh hoá, thụ phong linh mục năm 1973. Du học tại Roma, đậu văn bằng Tiến sĩ Xã hội học. Hiện làm cha sở một xứ đạo tại Đức.

Thuyết trình nhiều lần tại Mỹ, Pháp và Đức về các đề tài Tuổi trẻ, Tình yêu, Gia đình trên căn bản văn hóa Việt nam.

Là tác giả nhiều sách tôn giáo (Suy niệm và sống lời Chúa; Chắp cánh cho hồn bay; Chúa Giêsu và Phụ nữ…) và giáo dục (Tuổi trẻ vào đời; Đi vào cuộc đời; Trong dòng đời tươi mát; Tình yêu và gia đình; Dấn thân cho gia đình…). Ông còn là dịch giả cuốn Bước qua ngưỡng cửa Hy vọng của Giáo hoàng Gioan Phaolô, xuất bản tại Mỹ và Đức.

Linh mục Nguyễn văn Thư (1944- ), bút hiệu Đường Phượng Bay

Sinh tại Bắc giang, thụ phong linh mục năm 1974, đậu Cao học Triết học tại đại học Văn khoa Đà lạt.

Sang Mỹ, ông làm quản nhiệm giáo xứ Việt nam San Jose và cha sở giáo xứ Mỹ St Patrick.

Là tác giả của 4 cuốn tiểu thuyết tôn giáo: Qua cửa Thần phù, Mây vẫn nhớ ngàn, Yêu mầu áo đen, Tạm biệt rừng hoa, và những tập sách nhỏ mang chủ đề giáo dục tôn giáo (Tại sao theo đạo Chúa; Căn bản đạo Chúa; Tinh hoa đạo Chúa; Dại khờ vì danh Chúa; Niềm vui có Chúa; Tìm Thiền trong đạo Chúa; Chuẩn bị hôn nhân Công giáo; Ngàn lẻ một truyện giáo dục tôn giáo …) Ngoài ra còn có sách dịch (Tấm lòng vàng) và rất nhiều bài nghị luận, biên khảo, thuyết giảng đăng trên các tạp chí giáo dục và mục vụ tại hải ngoại.

Linh mục Trân cao Tường (1948- )

Sinh tại Chí tĩnh (Ninh bình), thụ phong linh mục năm 1975. Du học Âu châu, đậu Cao học Triết học tại Roma và Cao học Tôn giáo học tại Mỹ. Hiện phục vụ tại tổng giáo phận New Orleans, Louisiana.

Ông dấn thân trong phong trào Canh Tân, Linh Thao, Thánh Linh, viết các tác phẩm về Tâm Linh như Đường đi tới nguồn; Suối nguồn tình yêu; Về nguồn Việt Đạo; Nẻo bước vươn cao… và về văn hóa Việt như Đi tìm nét văn hóa Việt; Đạo sống Dũng Lạc, Đường nở hoa Lê thị Thành… cũng như rất nhiều bài bình luận, khảo cứu về thần học và tu đức đăng trên nhiều tập san và mạng lưới.

Ông còn là tác giả những cuốn Tin Vui Thời Điểm như Vũ khúc thăng ca, Nhịp múa Sông Thanh, Khúc sáo ân tình...

Công trình đáng kể nhất hiện nay là chủ trương Mạng Lưới Dũng Lạc để triển dương văn hóa Việt với niềm tin Đạo Chúa. Mạng lưới Dũng Lạc rất có uy tín và được nhiều người truy cập, cả trong giới không Công giáo. Ông còn là người khởi xướng trang ảnh chiêm/niệm/thiền cùng với nhiếp ảnh gia Nguyễn Đức Cung, kết hợp những tấm ảnh chụp nghệ thuật với thơ với nhạc để nâng hồn người lên cao.

Linh mục Trần Đoàn (1950- ), bút hiệu Lã mộng Thường

Sinh tại Phúc Nhạc (Ninh bình). Năm 20 tuổi mới bước vào bậc tu trì. Đậu bằng Tiến sĩ Thần học và Thụ phong linh mục năm 1988, phục vụ tại một giáo xứ Mỹ.

Ông là tác giả của một số sách (Tiếng nói con tim; Hương hoa dân Việt; Ước vọng mùa xuân; Mảnh vụn suy tư…, và bộ sách Linh mục, Người là ai? gồm hai cuốn.

Linh mục Vũ Thành (1947- )

Sinh tại Ninh bình, thụ phong linh mục năm 1975. Du học tại Hoa kỳ và Roma, đậu Cao học giáo dục và Thần học Truyền giáo. Phục vụ tại đài phát thanh Vatican. Hiện đang làm mục vụ tại một giáo xứ Việt nam ở vùng Houston.

Là tác giả của một công trình lớn, đó là bộ sách Dòng máu anh hùng gồm 3 tập, dầy trên 1000 trang, về lịch sử những cuộc bách hại đạo Công giáo dưới thời các vua chúa tại Việt nam. Cuốn sách rất có giá trị về phương diện sử liệu.

Linh mục Nguyễn trọng Tước (1951- ), bút hiệu Nguyễn Tầm Thường

Sinh tại Bắc ninh. Tốt nghiệp tiến sĩ Thần học và Tu đức tại Hoa kỳ và thụ phong linh mục năm 1989. Phục vụ tại trại tị nạm Palawan (Phi luật tân) và Trung tâm truyền hình Kuangchi (Đài loan).

Là tác giả của những tập thơ (Tình thơ thập giá; Mùa hoa trên thánh giá gỗ…) suy niệm và cầu nguyện (Nước mắt và hạnh phúc; Con biết con cần Chúa; Viết trong tâm hồn; Nước mắt từ bên trong; Những trang nhật ký của một linh mục; Đi tìm kẻ trừ tà; Mùa Chay và con sâu bướm; Cô đơn và sự tự do; Đường đi một mình…) và truyện ngắn (Đường về Thượng trí…) cùng rất nhiều bài báo về các vấn đề tu đức, giới trẻ, giáo dục, gia đình và xã hội.

Linh mục Bửu Dưỡng (1904-1986)

Dòng dõi hoàng tộc, trở lại theo Công giáo, nhập dòng Đa minh, thụ phong linh mục năm 1940.

Giáo sư tại các trường đại học ở Hà nội, Saigon, Huế và Đà lạt từ 1952 đến 1975.

Là tác giả của một số sách tôn giáo (Ngài là ai?; Ngài muốn gì?; Ngài ở đâu?...), triết học (Tứ thư giải luận, Triết học quan…) và lịch sử (Tùng Thiện vương).

Linh mục Lương Kim Định (1914- 1997)

Sinh tại Nam định, thụ phong linh mục năm 1943. Du học Pháp, tốt nghiệp Triết học và Nho học tại Paris.

Từ năm 1958, giáo sư các trường đại học Văn khoa Saigon, Đà lạt, Vạn hạnh, Minh đức, Thành nhân và An giang.

Sáng lập chủ thuyết An Vi và Việt Nho.

Hoàn thành bộ Việt Nho và Việt triết gồm 20 cuốn đã xuất bản tại Việt nam. Tại Hoa kỳ, ông viết thêm 3 cuốn: Hùng Việt sử ca; Pho tượng đẹp nhất của Việt tộc; Hoa kỳ và thế chiến lược toàn cầu), tổng cộng có đến 45 cuốn (một số chưa được ấn hành) và tham dự nhiều hội nghị về triết học tại nhiều nơi trên thế giới.

Tổ chức An Vi hiện đang hoạt động ở nhiều châu lục.

Linh mục Lê văn Lý (1913-1992)

Sinh tại Bút đông (Hà nam). Du học Pháp và thụ phong linh mục năm 1941, tốt nghiệp cử nhân Hán văn và Nhật ngữ, ngoài ra còn thông thạo Anh văn và La ngữ. Đậu bằng tiến sĩ quốc gia Pháp về văn chương.

Giáo sư ngữ học tại đại học Văn khoa Saigon, Huế, và Viện trưởng viện đại học Đà lạt.

Là người đầu tiên trình bầy ngữ pháp Việt nam theo cấu trúc tiếng Việt trong cuốn Sơ thảo ngữ pháp Việt nam (Le parler Vietnamien).

Linh mục Cao văn Luận (1910-1986)

Sinh tại Hà tĩnh, thụ phong linh mục năm 1939. Du học Pháp, về nước dạy tại trường Quốc học Huế. Từ 1957 đến 1963 là Viện trưởng viện đại học Huế.

Sáng lập và chủ nhiệm tạp chí Đại học, và là tác giả của nhiều sách giáo khoa triết học (Tâm lý học; Đạo đức học; Luận lý học; Phương pháp luận; Năng lực tinh thần; Ký ức và vật chất; Ý thức luận…) và bộ sách hồi ký Bên giòng lịch sử (hai cuốn).

Đức ông Trần văn Hiến Minh (1919-2003)

Sinh tại Giao thủy (Nam định). Du học tại Roma, thụ phong linh mục năm 1944. Đậu tiến sĩ thần học tại đây và cử nhân Xã hội học tại Pháp.

Giáo sư triết học tại trường Chu văn An (Hà nội và Saigon,) Hồ ngọc Cẩn, Trưng vương, Hưng Đạo, Nguyễn bá Tòng, Trường Sơn…và các trường đại học Văn khoa Saigon, Minh Đức…

Biên soạn nhiều sách giáo khoa triết học (Triết học tổng quát; Tâm lý học; Siêu hình học; Luận lý học; Đạo đức học…) và thần học (Thượng đế học; Nhân loại học siêu nhiên; Tiên tri học; Kytô học…)

Đức ông Trần ngọc Thụ (1918- 2002)

Sinh tại Kim sơn (Ninh bình). Du học tại Roma, thụ phong linh mục năm 1932, đậu bằng tiến sĩ Thần học và Triết học.

Chánh văn phòng tòa khâm sứ Tòa thánh Việt Miên Lào từ 1957 đến 1975. Phục vụ trong văn khố bộ Ngoại giao Tòa thánh tại Roma, và cáo thỉnh viên vụ phong thánh 117 chân phước tử đạo Việt nam. Là người Việt (và Á châu) đầu tiên được chọn làm Bí thư cho Giáo hoàng.

Viết khá nhiều sách đủ loại bằng tiếng Việt, Pháp và Ý để giới thiệu con người và văn hóa Việt nam cho thế giới. Sách đạo: Đức Mẹ Fatima Bình lợi; Thánh Gioan Maria Vianney; Kinh Lạy Cha; Chân dung chị Elizabeth Chúa Ba ngôi; Chúa Thánh Thần và bẩy hồng ân…) sách lịch sử: Giáo hội Việt nam (bộ ba cuốn); Lịch sử giáo phận Phát diệm; Các tôn giáo tại Việt nam…; sách kỷ yếu: Phong thánh tử đạo Việt nam…

Linh mục Đinh xuân Nguyên (1924-1989), bút hiệu Thanh Lãng

Sinh tại Thanh hoá, thụ phong linh mục năm 1950. Du học tại Roma và Thụy sĩ, đậu bằng Tiến sĩ văn chương.

Giáo sư đại học Văn khoa Saigon từ 1957 và chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt nam.

Tác giả nhiều sách về văn học (Văn chương bình dân; Văn học Chữ nôm; Biểu nhất lãm văn học cận đại; Bảng lược đồ văn học Việt nam (2 tập) và bộ Văn học Việt nam: đối kháng Trung hoa (cuốn 1), thế hệ dấn thân yêu đời (cuốn 2); Phê bình văn học thế hệ 1932. Ngoài ra ông còn viết về ảnh hưởng của tôn giáo đối với văn chương (Văn chương tôn giáo 3 thế kỷ đầu; Nền văn chương ảnh hưởng Kitô giáo…)

Linh mục Vũ đình Trác (1927-2003)

Đậu bằng cử nhân và tiến sĩ về Triết học tại Đài loan và Nhật bản.

Là tác giả một số sách giáo khoa (Việt văn bình giảng; Văn học sử Việt nam; Triết học Đông phương; Giáo hội học ứng dụng…), tiểu thuyết (Đời anh), thơ (Đắc đạo thi nhân; Muôn điệu tình ca…), hồi ký (Bên kia bức màn tre; Rồng xanh ngục đỏ…), sách tôn giáo (Tràng châu Mân côi), triết học (Triết lý chấp sinh Nguyễn công Trứ; Triết lý nhân bản Nguyễn Du…), và nghiên cứu (Kiến trúc Việt nam với mái nhà cong; Công giáo Việt nam trong truyền thống văn hóa dân tộc; 100 cây thuốc vạn linh…)

Linh mục Ngô duy Linh (1922-1998)

Sinh tại Trực Ninh (Nam định), thụ phong linh mục năm 1952. Du học Pháp về ngành âm nhạc.

Giáo sư về hòa âm tại tại nhạc viện quốc gia Saigon. Lập ban hợp ca Chim Việt hát cho đài phát thanh Sàigòn.

Viện trưởng Nhạc viện Huế từ 1961 đến 1964. Phó viện trưởng đại học Đà lạt từ 1964-1968.

Ông viết hòa âm cho nhiều bản thánh ca Việt nam (như Tiếng nhạc oai hùng của Hải Linh) và là tác giả của một số bản thánh ca (Ngày vinh thắng… ) cũng như bộ lễ Thánh ca Tiệc ly đậm mầu sắc và âm hưởng dân tộc.

Linh mục Tiến Dũng (1926- )

Sinh tại Hà đông. Du học tại Roma, tốt nghiệp thần học và âm nhạc, và sang Tây Đức nghiên cứu thêm về âm nhạc cổ điển. Thụ phong linh mục năm 1954.

Năm 1967 là trưởng ban thánh nhạc toàn quốc. Lập trường Suối nhạc và giảng dạy tại Nhạc viện quốc gia Sàigòn về nhạc lý, hòa âm, đối âm, sáng tác, dương cầm, phong cầm…

Khoa trưởng phân khoa Nhân văn Nghệ thuật tại đại học Minh Đức từ 1972 đến 1975. Dạy âm nhạc tại viện Ca Vũ Nhạc Kịch Thành phố HCM từ 1978.

Là tác giả của nhiều sách giáo khoa về âm nhạc và một số bản thánh ca như Trăm triệu lời ca, Con yêu Chúa, Dâng lên Ba Ngôi, Khi con suy tưởng, Con linh mục…

Linh mục Nguyễn Phương (1921- 1993)

Sinh tại Quảng Bình, thụ phong linh mục năm 1949. Du học tại Pháp, tốt nghiệp cao học sử tại đại học Sorbonne (Paris)

Giáo sư sử học tại đại học Huế và xuất ngoại nhiều lần để nghiên cứu sử học tại Mỹ, Đài loan, Phi luật tân và Pháp.

Tác giả của nhiều sách sử học giá trị: Sự quan trọng của Đông Phương trước mặt quốc tế; Liên lạc giữa Mỹ và Việt nam; 80 năm Việt sử; 125 năm thế giới sử; Phương pháp sử học; Việt nam thời khai sinh; Việt nam thời bành trướng….

Linh mục Trần phúc Long (1922-?

Sinh tại Phú Vinh (Ninh bình). Du học Pháp, đậu Cao học về ba sinh ngữ Pháp, Ý, Anh. Thụ phong linh mục năm 1948.

Hiệu trưởng trường Trần Lục (Phát diệm và Sàigòn).

Giáo sư Anh văn trường đại học từ 1965-1975.

Viết cho nhiều báo đạo tại hải ngoại, và xuất bản nguyệt san Đồng Tiến tại California.

Là tác giả nhiều sách về xã hội và tôn giáo: Đấng Cứu chuộc nhân thế; Thực hiện lao động; Lớp tông đồ giáo dân.. và những sách kỷ yếu và lịch sử: Kỷ yếu Phát diệm 1891-1991; Những trại cùi Việt nam; 25 giáo phận Việt nam….

Linh mục Thiện Cẩm (1933- )

Chính tên là Trần minh Cẩm, sinh tại Bùi chu. Du học Pháp, đậu cử nhân Thần học, và sau đó đậu tiến sĩ đệ tam cấp về Triết Đông tại đại học Sorbonne (Paris).

Từ 1968 dạy triết học Phật giáo tại đại học Đà lạt.

Ông viết nhiều sách về triết học (Kitô giáo với các tôn giáo khác; Quan niệm giải thoát trong Phật giáo…), về thần học (Cỏ dại bên đường (500 trang); Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu thế; Hoa trong kẽ đá…) về thánh ca (Hát lên bài ca mới; Trăm triệu lời ca; Bài ca suy tôn; Ca tụng Thiên Chúa) và dịch phẩm Lời ca bái biệt (thơ của Tagore).

Hiện ông thường viết những bài thần học “giải phóng” đăng trên báo Công giáo và Dân tộc ở Sàigòn.

Linh mục Nguyễn Hưng (1934- )

Thụ phong linh mục năm 1958. Giảng dậy tại các trường Hưng Đạo, Nguyễn bá Tòng. Du học Pháp, đậu tiến sĩ đệ tam cấp trường đại học Sorbonne (Paris)

Dạy ngữ học tại các đại học Sàigòn, Đà lạt, Duyên hải, Tiền giang và Cao đài.

Là tác giả của nhiều sách giáo khoa (Giảng văn; Văn học sử; Étude phonologique des tons Sino-Vietnamiens; Ngôn ngữ học đại cương…) và sách dịch (Ký hiệu học thi ca…) cũng như sách về thần học, tu đức (Cuộc đời chiến đấu; Người nữ tu hôm nay; Người giáo dân học tập về cơ cấu giáo hội; Giới thiệu Lời Chúa; Hiệu đính và chú thích các Thánh Truyện của Majorica…)

Linh mục Đỗ quang Chính (1929- )

Tên thực là Đỗ tường Uông, thụ phong linh mục năm 1958. Dạy sử học cho các trường Nguyễn bá Tòng và Hưng Đạo.

Du học Pháp, đậu bằng tiến sĩ sử học. Dạy sử học cho các đại học Đà lạt, Huế, Minh Đức và Giáo hoàng học viện.

Ngoài nhiều bài báo nghiên cứu về sử học và chữ quốc ngữ đăng trong các báo đại học và Công giáo, ông còn là tác giả nhiều sách giáo khoa (Việt sử, Sử Địa…) và nghiên cứu (Người thời đại; Chính trị Nhật bản) cũng như lịch sử (Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659).

Linh mục Chu Công (?)

Thuộc dòng khổ tu Trappist tại Hoa kỳ. Là một Zen Master (Thiền sư) từng hướng dẫn thiền học cho nhiều thế hệ tu sĩ, giáo sĩ Hoa kỳ. Là tác giả của những bài nghiên cứu đăng trong các báo tại Mỹ: Thiền và Thần học Á đông; Phục sinh và tái sinh; Mẹ Từ bi trong giáo lý Công giáo và Quan âm trong Phật giáo; Comtemplative Experience . Ông còn là tác giả cuốn Thức tỉnh tôn giáo: Đông và Tây.

Từng giữ chức Viện phụ tu viện Jordan Trappist ở Phi luật tân.

Linh mục Hồng Kim Linh (1939- )

Sinh tại Mỏ Cày (Bền tre). Thụ phong linh mục năm 1965. Du học Âu châu, đậu cử nhân Thần học tại Roma, cử nhân và cao học Triết lý tại Paris, Tiến sĩ Đông nam Á học và Tiến sĩ ngữ học cũng tại Paris.

Là tác giả của một số sách sử học (Người Việt; Người Nhật dưới con mắt người Việt…) và nhiều tiểu luận dài về văn hóa Việt nam: Người Việt, chữ Việt; Định duyên lập phận lứa đôi qua ngôn ngữ; Người chết nói về sự sống bên kia theo cái nhìn Thần học và Triết học…)

Đức ông Đinh đức Đạo (1945- )

Sinh tại Thức Hóa (Bùi chu). Du học Roma, đậu tiến sĩ thần học và tiến sĩ truyền giáo học.

Thông thạo tiếng Anh, Ý, Pháp và Tây ban nha. Tham dự nhiều hội nghị quốc tế về truyền giáo.

Là tác giả của hàng trăm bài tiểu luận viết bằng ba ngôn ngữ, điển hình như La Sposa sul Monte; Il Contributo dell’Asia per una Chiesa comtemplative e Missionara; Tu mi hai chiamato; My witness; Building the Church in Pluricultural Asia; Mission pour le Troisième Millénaire…

Linh mục Phan đình Cho (1946- )

Sinh tại Nha trang. Du học tại Hong Kong, Luân đôn, Roma, đậu các bằng cử nhân Triết học, Thần học; Cao học Thần học và Tiến sĩ Thần học, Tiến sĩ Triết học.

Giáo sư triết học viện Salesian (Hong Kong và Đà lạt), dạy tại Dallas (Texas) và trở thành Khoa tưởng phân khoa Thần học tại đây.

Năm 1988, dạy Đại học Công giáo Hoa kỳ và trở thành khoa trưởng phân khoa Thần học năm 1992.

Ông là tác giả của nhiều sách về thần học, phong phú và uyên thâm, thuộc hàng những học giả hàn lâm trên thế giới (Social Thought, Eternity in Time, Grace and the Human Condition, Evil and Religions…) cùng rất nhiều tiểu luận (khoảng từ 200 đến 300 bài) về các hệ thống Thần học, chuyển biến Thần học, Tân Thần học, điểm sách và bình luận Thần học.

Linh mục Phan tấn Thành (1946- )

Sinh tại Bình hòa (Gia định), nhập tu dòng Đa minh. Du học tại Tây ban nha, thụ phong linh mục năm 1972, qua Roma học và đậu tiến sĩ Giáo luật và tiến sĩ Thần học.

Làm giáo sư, rồi phó khoa trưởng và khoa trưởng phân khoa Thần học đại học Angelicum tại Roma.

Là tác giả nhiều tiểu luận về thần học và luật học bằng tiếng Anh, tiếng Ý, cùng biên tập các bài về giáo luật và thần học cho đài phát thanh Vatican. Ông cũng là tác giả ba tác phẩm lớn: Bộ Giáo luật; Chú giải bộ Giáo luật; Thánh mẫu học.

Linh mục Vũ kim Chính (1948- )

Sinh tại Kim sơn (Ninh bình). Du học Áo quốc và đậu tiến sĩ Triết học tại đây. Thụ phong linh mục năm 1977 và làm mục vụ cho đồng bào tị nạn tại Áo.

Năm 1980 đi truyền giáo tại Đài loan và gia nhập dòng Tên. Dạy Triết học và Tôn giáo học tại đại học Fujen (Phụ Nhân).

Đã tham dự nhiều hội nghị quốc tế về Triết học, văn hóa, xã hội tại nhiều nơi trên thế giới.

Là tác giả nhiều sách bằng ngoại ngữ (Transcendentales Ego in E. Husseirls; Religiouskritik bei K. Marx and Ihoe Geschichtliche Wirkugen; Liberation Theology…) và nhiều tham luận (Thần học bản vị hóa; Ôn cố nhi tri tân; Human Rights in the Chinese Context; Dân Chúa giữa trần gian; Giá trị văn hóa Việt nam theo lối nhìn của J. Hebermas; Hội ngộ Đông Tây…) và đóng góp cho cuốn tự điển bách khoa dầy 1000 trang: The Dictionary of Asian Christinanity.

Giám mục Nguyễn thái Hợp (1945- )

Sinh tại Nghi Lộc (Nghệ an). Nhập dòng Đa minh, thụ phong linh mục năm 1972. Du học tại Thụy sĩ, đậu tiến sĩ Triết học.

Thông thạo tiếng Tây ban nha, ông qua Peru dạy tại đại học Lima. Làm viện trưởng viện Thần học Gioan XXIII tại Lima, và giảng dạy tại nhiều đại học ở Peru, Ba tây và Roma.

Tham gia nhiều hội nghị quốc tế về triết học và thần học. Thông thạo các ngoại ngữ Pháp, Latinh, Ý , Anh, Tây ban nha, và là tác giả nhiều sách triết học và thần học (Humanisme marxiste face à Dieu; Hacia una etica desde probes; Iglesia, Pueblo de Dios; Yves Congar: Con người và tư tưởng; Đường vào thần học về tôn giáo…) cùng nhiều tiểu luận bằng Việt ngữ về các đề tài triết học, thần học và giáo dục, văn hóa.

Mới được tòa thánh bổ nhiệm làm giám mục cai quản giáo phận Vinh từ tháng 5 năm 2010.

Linh mục Đào quang Chính (1953- )

Sinh tại Phát diệm (Ninh bình), nhập dòng Đa minh. Tốt nghiệp cao học thần học tại Berkeley, California. Thụ phong linh mục năm 1982, đậu bằng tiến sĩ giáo dục tại Houston (Texas).

Ông viết nhiều cuốn sách về văn hóa và giáo dục bằng tiếng Anh và tiếng Việt (Mái ấm gia đình; Dominican Laity and the Year 2000; Speak and Write Fluently in English, French and Vietnamese; Able to understand Spanish and Latin…) và nhiều tập biên khảo, bình luận về nhiều lãnh vực (Tuổi thanh niên và giáo dục tính dục; Tự hào là người Việt nam; Vietnamese-American Priests; Faith, Culture and Evangelization to the Vietnamese Community…) cùng mấy chục bài tiểu luận về các vấn đề văn hóa, giáo dục, gia đình, tuổi trẻ và tôn giáo đăng trên các báo.

Linh mục Hoàng Diệp (1924-2008)

Chính tên là Nguyễn quang Diệp, sinh tại Vĩnh Hiền (Thừa thiên), thụ phong linh mục trong Dòng Chúa Cứu thế năm 1954.

Là tác giả của nhiều nhạc bản nổi tiếng (Hội nhạc thiên quốc; Tiếng hát thiên thần; Kìa Bà nào; Tình ca của mẹ; Dưới chân Thánh giá; Tôi kết hiệp…) và các tập thơ (như Trường ca ân sủng; Hương Thơ; Trong ánh Tin mừng…)

Linh mục Võ Tá Khánh, bút hiệu Trăng Thập Tự

Nhiều tác phẩm về văn học Công giáo như: Có Ai Về Cát Minh, Nẻo Quì Hoa, Kinh Trong Sương, Trường ca Anrê Phú Yên, Góp nhặt thơ Công giáo hôm nay, Diễm Ca... và nhiều bài viết nhận định về văn học Công giáo rất đáng chú ý, và hiện đang cổ võ phát triển sinh hoạt thơ văn Công giáo tại Việt nam được nhiều người hưởng ứng. Mời vào trang Trăng Thập Tự trên Mạng Lưới Dũng Lạc.

Đức Ông Lê xuân Hoa (1926- ) bút hiệu Xuân Ly Băng

Sinh tại Diễn châu (Nghệ an). Thụ phong linh mục năm 1959.

Giáo sư tiểu chủng viện và Tổng đại diện giáo phận Phan thiết.

Tác giả của hơn 10 tập thơ (Thơ kinh; Hương kinh; Nỗi niềm; Trầm tư; Sử thi…; đặc biệt là trường thi 1000 câu Bài ca Thương khó.


---

Tài liệu tham khảo: Công giáo Việt nam trong truyền thống văn hóa dân tộc (Vũ đình Trác, California 1996).


Tác giả Phạm Hoàng Nghị

yyoko3254
06-07-2010, 07:55 AM
link mục Việt Nam nhiều người tài ghê đúng là ơn Chúa Thánh Thần thông ban thật lớn lao quá