PDA

View Full Version : P - Phêrô Ăn Năn Thống Hối



Dan Lee
05-22-2010, 09:27 PM
PHÊRÔ ĂN NĂN THỐNG HỐI

Câu chuyện thánh Phêrô và một số môn đệ cùng nhau đánh cá suốt đêm trên biển Hồ Tiberia mà không bắt được con cá nào. Rồi Chúa Giêsu hiện ra biểu các ông buông lưới bên mạn phải thuyền thì lại bắt được quá nhiều cá….Rồi Chúa Giêsu ăn sáng với bánh mì và cá bắt được với các ông trên bờ hồ. An sáng xong Chúa hỏi Phêrô cả thảy 3 lần: Này Simon con ông Gioan, anh có yêu mến Thày không thì lần nào Phêrô cũng đều trả lời: Thưa thày CÓ, Thày biết con yêu mến Thày. Lần thứ ba ông Phêrô thưa: Thưa Thầy, Thầy biết hết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy. Chúa Giêsu liền bảo:

-“Hãy chăm sóc chiên của Thày. Thật, Thày bảo cho anh biết: Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi mà anh chẳng muốn”. Người nói như vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: Hãy theo Thày.” (Ga 21: 1-19)

Câu chuyên Phúc Âm bi hùng tráng này nằm trong bối cảnh là biển Galilee. Đa số cuộc hành trình mục vụ của Chúa Giêsu đều diễn ra dọc theo phía Tây Bắc của biển Galilee, cũng còn được gọi là Biển Tiberia (Ga 6:1) và Hồ Gennesaret (Luca 5:1).

Nói là biển, nhưng thực sự là một hồ nước ngọt có hình cái đàn thụ cầm (harp) chiều dài chừng 12-13 dặm và chiều rộng chừng 7-8 dặm. Cá và đánh cá giữ một vị thế quan trọng trong Tân Ước và Giáo Hội Sơ Khai. Đánh cá đã trở thành một biểu tượng quan yếu của sứ vụ Giáo Hội từ khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ tiên khởi của người đi “đánh cá con người” (Matthew 4:19; Mark 1:17;Luke 5:10). Danh từ / dấu hiệu CÁ đã là một biểu hiệu của Kito Giáo.

BỮA ĐIỂM TÂM VÀ BẢN HÒA TẤU VỚI HAI ÂM ĐIỆU

Đoạn 21 trong Phúc Âm thư thánh Gioan tả lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Phêrô trong bữa điểm tâm sáng trên bờ hồ Tiberia. Có người đã ví cuộc đối thoại này như một bản nhạc hòa tấu với hai âm điệu.

Âm điệu thứ nhất mô tả Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ trên bờ hồ Tiberia. Quang cảnh và biến cố đó liên quan tới CÁ và LƯỚI CÁ.

Sau khi Chúa Giêsu bị đóng đanh chết trên thập giá, các môn đệ ai cũng chán nản, tứ tán mỗi người mỗi nơi. Họ phân vân không biết phải làm gì đây. Khi ông Phêrô quyết định đi đánh cá là lúc ông và các môn đệ thất vọng vô cùng vì cái chết của chúa Giêsu. Phêrô cảm thấy tuyệt vọng, nghĩ rằng đâu còn Chúa nữa để mà theo. Ông muốn từ bỏ việc theo Chúa, và con đường duy nhất đối với ông lúc đó là trở về với nghề cũ. Nghề chài lưới.

Chính lúc đó Chúa Giêsu lại bất thần hiện ra, trong một khung cảnh rất là bình thường, tự nhiên nên chẳng ai nhận ra Chúa[1]. Các môn đệ đã ra khơi thả lưới, cực nhọc suốt cả đêm mà không bắt được một con cá nào (c.3). Đây là một quang cảnh buồn thảm, cô đơn u ám, thê lương và bẽ bàng…Đang lúc thất vọng vì Chúa chết mà trở về nghề đánh cá lại thất bại ê chề. Các ông nghĩ rằng việc các ông làm là đúng và hợp lý, nhưng các ông đã thất bại. Phải chăng đây là một bài học dạy cho các ông biết thế nào là cách hành sử của người môn đệ đích thực của Chúa. Không có Chúa các ông chẳng làm được gì cả (15: 5). Cuộc đổi hướng vào buổi sáng sớm này chính là bình minh của cuộc sống mới của Phêrô. Chúa Giêsu hiện ra được miêu tả là bất thình lình thấy Chúa đứng đó, không báo trước, lúc nào và ở đâu (c.4; 20: 14, 19, 26)

Chúa Giêsu đã khéo léo tế nhị hỏi các môn đệ: “Này các bạn, các bạn không bắt được con cá nào à?”(c.5). Các môn đệ trả lời “không” một cách uể oải chứng tỏ họ đã thất bại. Chúa Giêsu bèn nói với họ “Hãy thả lưới bên mạn phải của thuyền thì sẽ có cá” (c.6). Các ông nghe câu nói đó như là câu nói của một kẻ bàng quang qua đường.

Hãy để ý, Chúa đã không nói: “Các ông hãy làm thế này và ở đây thì các ông sẽ bắt được cá”. Chúa cũng không gợi ý, mà thực ra Chúa đã hứa với các ông là các ông sẽ bắt được cá ở những nơi nào Chúa chỉ cho các ông thả lưới. Dĩ nhiên những nơi này, những nơi “bắt cá linh hồn người ta” trong hành trình mục vụ không phải là những nơi, những vị thế, địa vị an nhàn dễ dãi, giao du / đi theo với những kẻ quyền thế….không cần biết đến ý kiến nguyện vọng của người dân.

Khi lên bờ, các môn đệ đã thấy có củi lửa đang cháy, có bánh mì, có cá sẵn sàng (c.9) mà không biết Chúa đã lấy những thứ đó ở đâu. Thức ăn cũng là một dấu hiệu bí ẩn đối với các ông, nhưng củi lửa thì là dấu hiệu quen thuộc thường được nhắc tới trong phúc âm thánh Luca, gợi lại quang cảnh lúc Chúa chịu nạn và Phêrô trả lời đứa đầy tớ gái của thày cả thượng tế: “Tôi không biết người ấy là ai” (Luc 22: 55-60). Lửa cháy lúc đó là biểu hiệu Phêrô “chối từ và phản bội Chúa”. Lửa lúc này, trong phúc âm thánh Gioan là lửa ăn năn thống hối và quyết tâm. Cả 3 lần khi Chúa hỏi Phêrô có yêu mến thày không, Phêro đều thưa lại với Chúa “Có, thưa thầy, thày biết con yêu mến thày…Lần thứ ba, Phêrô nhấn mạnh, thưa Thầy, Thầy biết hết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Cùng một bối cảnh là lửa nhưng ý nghĩa khác nhau: một đàng Phêrô chối Chúa ba lần, một đàng Phêrô xác quyết ba lần Tôi yêu Chúa. Không phải vô tình mà Chúa hỏi Phêrô ba lần đâu. Phêrô chắc chắn cũng nhận ra như vậy và ông đã nắm lấy cơ hội cuối cùng này để ăn năn chuộc tội với Chúa.

Bữa ăn sáng cũng có một ý nghĩa đặc biệt biểu tượng Mình Thánh Chúa đối với những Kitô hữu thời Giáo Hội sơ khai bởi vì Phúc Âm thánh Gioan (Ga 21:13; 6: 11) đã ghi lại

những lời Chúa nói và cử chỉ Chúa làm trong bữa ăn này giống như Chúa đã nói và làm trong bữa tiệc ly cuối cùng trước khi Chúa chịu chết trên thập giá.

Có nhiều người thắc mắc hỏi các thánh tông đồ bắt được bao nhiêu cá? Có phải 153 con ? Vì theo thánh Jerôme thì các nhà động vật học Hy Lạp đã cho biết trong hồ đó có cả thảy 153 loại cá. Số lượng cá cũng có một ý nghĩa đặc biệt liên quan tới sứ mạng mục vụ phổ quát của các thánh tông đồ.

Màn kế tiếp cũng là một màn khá đặc biệt là không một ông nào (môn đệ) dám hỏi Chúa Giêsu “ông là ai?” (c.12). Mặc dù có những dấu hiệu khác lạ, nhưng các ông cũng có thể nhận ra được đó là Chúa Giêsu. Đến đây chúa Giêsu đã trở thành trọng tâm của câu chuyện rồi.

Sau khi ăn sáng xong,, Chúa Giêsu bắt đầu nói truỵện trực tiếp với Phêrô. Khi nói truyện Chúa gọi Phêrô là Simon, con Gioan. Chúng ta biết rằng Phêrô còn có tên là Simon Phêrô (c. 2-3; 7b, 11) hay đơn giản là Phêrô (c.7a) là tên mà Chúa Giêsu đã đặt cho ông (1: 42, cf.Mark 3:16; Luke 6: 14). Nhưng trong câu chuyện này, lúc đàm thoại Chúa Giêsu gọi Phêrô là Simon (c.15), tên cũ của ông trước khi được Chúa gọi. Gọi như vậy phải chăng Chúa coi Phêrô chưa phải hoặc không còn là môn đệ của Chúa nữa?

PHÊRÔ ĂN NĂN CHUỘC TỘI VÀ VAI TRÒ MỚI CỦA PHÊRÔ

Âm điệu thứ hai của bản hòa tấu (c.15-23) là cuộc đối thoại gay gắt nhưng nồng nhiệt giữa Chúa Giêsu và Phêrô. Đây là một ủy thác rất đặc biệt và cảm động mà Chúa trao cho Phêrô như đã được nói trong Kinh Thánh. Công tác liên quan đến “Chiên” và “Chăn Chiên”. Có lẽ Phêrô cũng biết rõ mình yếu đuối và dễ dàng vấp phạm trên suốt đoạn đường thi hành vai trò môn đệ của mình. Là một môn đệ được gọi là “ĐÁ” mà phải khóc lóc hối hận vì đã chối Chúa (Luca 22: 62). Giờ đây Phêrô có được cơ hội để ăn năn chuộc tội và cương quyết thề hứa với Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu hỏi Phêrô rồi ra lệnh cho ông. Chúa đã hỏi ông những ba lần. Câu hỏi của Chúa là một câu hỏi tối hậu và có tính quyết định cả cuộc đời: Anh có thực sự yêu Ta hơn những “cái này” không?(c.15). Những “cái này” phải chăng là lưới, là tàu thuyền, là tất cả những vật dụng dùng để đánh cá? Thực sự, Chúa muốn ám chỉ “những cái này” là “các môn đệ khác”. Theo như những phúc âm thư khác, Phêrô đã cương quyết và có vẻ khoe khoang cường điệu thưa với Chúa rằng “dù tất cả có vấp ngã vì thầy nhưng con thì không bao giờ…(Math.26: 33; Mark 14: 29; Luke 22:33; Ga 13: 37). Thánh Gioan thì không ghi lời quả quyết này trong phúc âm thư của ông, nhưng cho thấy hành động Phêrô khi biết người đứng trên bờ biển là Chúa thì liền nhảy ùm xuống nước bơi vào bờ và tự kéo lưới đầy cá lên đã chứng tỏ tính tình và hành động của Phêrô hợp với lời nói quả quyết đó của ông. Do đó, câu hỏi của Chúa Giêsu đã đi xâu thấu hơn cả vấn đề cảm tính khoe khoang ấy. Chúa đã đi vào tận căn gốc của cái tội gọi là tính kiêu ngạo.

Động từ “Yêu” mà Chúa Giêsu đã dùng để hỏi Phêrô có hai chuyển biến: Yêu thực lòng, vô vị lợi như tình yêu của Chúa Giêsu đối với loài người (truly love= Agapae) và Yêu Mến, tình yêu con người (love= phileo). Với cách nói này, hai lần đầu Chúa Giêsu đã hỏi Phêrô xem ông có yêu Chúa không là tình yêu agapae và mỗi lần Phêrô trả lời có yêu Chúa là tình yêu phileo. Nhưng lần thứ ba Chúa đã chuyển qua cách dùng động từ yêu của Phêrô.

Nhìn lại ba lần Phêrô chối Chúa và ba lần Phêrô quả quyết ông yêu Chúa, ta thấy ba lần Phêrô chối bỏ Chúa khi Chúa đang bị quân dữ “sử tội, đóng đanh trên thập giá” đã được hủy bỏ, tha thứ bởi ba lần ông xác quyết ông yêu Chúa thực sự.

Đối với câu hỏi thứ ba, Phêrô đã trả lời một cách chua chát và đớn đau: “Thưa Thày, Thày biết hết mọi sự, Thày biết con yêu mến Thày” (c.17). Sau mỗi lần Phêrô tuyên xưng tình yêu của mình với Chúa, Chúa Giêsu đều đưa ra cùng một mệnh lệnh, nhưng mỗi lần Chúa dùng mỗi ngôn từ khác nhau.Lần đầu tiên Chúa truyền“Hãy chăm sóc (feed=boske) chiên con (lambs=arnia) của Thầy(c.15); lần thứ hai: “Hãy chăn dắt (shepherd=poimaine) chiên (sheep=probata) của Thày (c.16) và lần thứ ba Chúa gồm cả hai ngôn từ của lần 1 và 2 (c.17, boske/probate), nghĩa là hãy chăm sóc cả chiên con lẫn chiên mẹ của Thày, một mệnh lệnh thu gọn cả 3 lại làm một mệnh lệnh cuối cùng. Sứ mạng mục tử của Phêrô là đứng đầu đoàn chiên của Chúa.

KHẢ NĂNG CỦA PHÊRÔ TRONG SỨ MẠNG MỤC TỬ

Tại sao Chúa Giêsu lại hỏi Phêrô những câu hỏi như vậy trước khi trao cho ông quyền đứng đầu đoàn chiên Hội Thánh? Phải chăng không còn câu hỏi nào khác nữa thích hợp với vai trò mục tử hay sao, chẳng hạn như: “ Simon con Gioan, anh có nhận biết trách nhiệm anh đang có hay không? Anh có nhận thấy rằng anh đã từng tỏ ra yếu đuối, đôi khi hèn nhát không? Simon anh có hiểu như vậy không? Anh có biết rằng bao nhiêu người đang cần sự giúp đỡ, che chở, lên tiếng yểm trợ của anh không? Anh có khả năng đáp ứng lại tất cả những đòi hỏi của Giáo Hội, của địa phận, của những người bị trà đạp ức hiếp …đang trông chờ nơi anh không?

Ở thời đại ngày nay, thời đại thế giới toàn cầu, thời đại của tự do, dân chủ, nhân quyền với văn minh cơ khí, kỹ thuật điện toán điện tử thì điều kiện khả năng và chiều kích đắc lực có lẽ là những ưu tiên hàng đầu trong công tác thích ứng mục vụ chuyên nghiệp. Nói theo ngôn ngữ đương thời đó là khả năng học vấn đại học kinh điển, sành tâm lý, có kinh nghiệm lãnh đạo và quản lý tài chánh, giao dịch rộng quen biết nhiều, tài hùng biện, tháo vát, ngoại giao giỏi, có năng khiếu và quyền biến chính trị, ngay cả tuổi tác và sự lanh lợi. Những điều kiện đó quan trọng đến đâu tùy theo mức độ của chương trình mục vụ mỗi nơi mỗi lúc. Nhưng đó chỉ là mặt nổi; điều quan yếu không thể thiếu đã được Chúa Giêsu tóm gọn, cô đọng tất cả lại qua một câu hỏi căn bản được nhắc lại bởi hai động từ khác nhau bằng tiếng Hy Lạp, diễn tả sắc thái khác nhau của tiếng TÌNH YÊU và TÌNH HUYNH ĐỆ: “Simon,con Gioan, anh có yêu Thày không? Anh có thực sự là bạn của Thày không?”. Câu hỏi này đã đi thẳng vào tim của con người Phêrô!

Mấu chốt của khả năng mục vụ của Phêrô cũng như của mọi chương trình mục vụ dưới danh nghĩa Chúa Kitô phải là TÌNH YÊU CHÚA được biểu hiện qua đức khiêm cung, sự phó thác và đức vâng lời. Phêrô đã hết lòng tận hiến cho Chúa Giêsu nhưng vẫn còn đầy tính tự phụ và thích phô trương xuất hiện, ham danh lợi và kèn kựa. Thái độ và lòng kiêu căng đó sẽ đưa tới tai họa cho cộng đồng như đã thấy trong lịch sử dân Israel, khiến những kẻ đối nghịch đóng đanh Chúa và cũng thấy rõ ràng ngay trong lịch sử giáo hội của thời đại chúng ta hiện giờ.

Chính Phêrô cũng đã học được bài học này, rất rõ nét trong bức thư đầu tiên của Phêrô nhắn nhủ các bậc kỳ mục trong cộng đồng cách thức chăn dắt đoàn chiên, bởi vì ông cũng từng thuộc hạng kỳ mục: “Cùng các bậc kỳ mục trong cộng đồng, tôi xin có mấy lời nhắn nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Kitô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai. Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế, khi vị mục tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát” (1Pet 5: 1-4). Quyền uy này phải được thực thi đúng với tư cách của một mục tử thủ lãnh đầy khiêm cung và lương tâm trong sáng, sẵn sàng dấn thân vào những nơi khó khăn nan giải và nguy hiểm nhất để phụng sự Chúa và phục vụ con người, nhất là những kẻ nghèo khổ cô thế. Đừng quanh co né tránh trách nhiệm viện cớ này nọ... Đó là dấu hiệu của một mục tử đích thực.

ĐÔI LỜI KẾT:

TRÁCH NHIỆM TỐI HẬU ĐỐI VỚI ĐOÀN CHIÊN

Khi tình yêu của Phêrô đã thực sự chín mùi thì ông có thể mời gọi Chúa Phục Sinh cứ tự nhiên nhìn vào tâm can ông thì biết. Nếu lòng ông như cái bánh ông sẵn sàng bóc ra để cho Chúa xem bên trong nó thế nào: “Thưa Thày, Thày biết hết mọi sự, Thày biết con yêu mến Thày” (Ga 21: 17). Chỉ khi nào Phêrô tự cho phép mình được Chúa tha thứ thì ông mới có thể được nhận lãnh trách nhiệm mới đối với đoàn chiên. Đối với Phêrô, chúa Giêsu đã truyền những mệnh lệnh và trách nhiệm mới cho ông là do bản tính nhận thức kỳ diệu và lòng thương vô bờ bến của Ngài. Phêrô đúng là mẫu mực cho chúng ta, bởi vì ông luôn luôn nhận ra sự yếu đuối và thất bại của mình trong khi thi hành trách nhiệm đứng đầu Hội Thánh. Nhận thức này không làm ông mất đi khả năng của mình nhưng giúp ông trở thành vị lãnh đạo hiếu thảo luôn luôn nhiệt tình xả thân vì Chúa.

Vậy thì, khi phải đối diện với công chúng làm sao chúng ta có thể đương đầu nổi với những thất bại do sự yếu hèn của chúng ta ở quá khứ? Lúc này chúng ta muốn Chúa kêu gọi chúng ta thân thiết đến mức độ nào? Chúng ta muốn Chúa kêu gọi chúng ta trở nên thân tình với những ai? Chúng ta phải hiểu trách nhiệm của chúng ta thế nào về việc tuyên xưng đức tin của chúng ta đối với Chúa Giêsu? Thánh Phêrô đã học được bài học rất đích đáng, ông đã bắt chước Chúa, đi theo đường của Chúa trong suốt cuộc đời còn lại của ông đến chỗ hy sinh mạng sống, tử vì đạo, chết trên thập giá đầu lộn ngược xuống đất ở trên đồi Vatican.

Chúng ta đã sửa soạn để đi tới tột điểm của Niềm Tin vào Chúa Giêsu của chúng ta chưa? Chúng ta có yêu mến Chúa Giêsu hơn tất cả “Những Cái Này” như Chúa Giêsu đã từng hỏi ông Phêrô không?. Những cái thuộc về thế tục, như danh vọng, địa vị, tiền bạc, sắc dục, thích dễ dãi an nhàn thân xác, e ngại khó khăn hiểm nguy, thích giao du làm thân với những kẻ quyền thế giàu sang, nhưng coi thường kẻ nghèo khó, không ngó ngàng hay lên tiếng bênh vực giúp đỡ những kẻ cô thế, bị đè nén áp bức và cưỡng đoạt? Không lên tiếng bảo vệ niềm tin của đạo mà biểu tượng là cây Thánh Giá bị phá hủy và trà đạp, khi Công Lý, Công Bằng và Nhân Quyền bị tước đoạt?

Vẫn chưa muộn. Hãy ăn năn thống hối. Như Thánh Phêrô.

Fleming Island, Florida
Ngày 16 tháng 5 năm 2010
NTC

[1] Chúa hiện ra một cách bất ngờ trong một khung cảnh bình thường và tự nhiên đến độ chẳng ai nhận ra Chúa. Sự kiện này đều được diễn tả như nhau trong tất cả các Phúc Âm thư.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh