PDA

View Full Version : Vedan ngao ngán quá



tieuvu1512
05-04-2010, 07:33 AM
Chỉ còn bốn tháng nữa là hết thời hạn để người dân có thể khởi kiện đòi Công ty Vedan bồi thường thiệt hại, song việc thỏa thuận bồi thường cho người dân để khỏi “đáo tụng đình” như công ty này từng cam kết vẫn chỉ là lời hứa…
Cho rằng muốn “duy trì mối quan hệ thân thiện với nông dân” để tự đưa ra mức hỗ trợ (!), 20 tháng đã trôi qua kể từ ngày Công ty cổ phần hữu hạn Vedan VN (gọi tắt là Vedan) bị bắt quả tang xả thải trái phép ra sông Thị Vải (8-9-2009), nhưng đến nay hễ nhắc chuyện bồi thường thiệt hại thì Vedan cứ đủng đỉnh đi từ cuộc mặc cả này đến mặc cả khác.
Và mới đây nhất, trong văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Đồng Nai ngày 20-4, Vedan vẫn bổn cũ soạn lại, tự đưa ra mức hỗ trợ (chứ không phải bồi thường – PV).
Thiện chí của Vedan (!)
Trong văn bản hôm 20-4 (do tổng giám đốc Yan Kun Hsiang ký), Vedan xác định khu vực bị ảnh hưởng để làm căn cứ tính hỗ trợ thiệt hại cho nông dân là theo kết quả mô phỏng của Viện Môi trường và tài nguyên (MT-TN, thuộc ĐHQG TP.HCM, đơn vị được Bộ TN-MT trưng cầu giám định).
Theo đó, khu vực bị ảnh hưởng nặng của tỉnh Đồng Nai là 139,9ha, diện tích bị ảnh hưởng vừa là 345,58ha và nhẹ là 619,97ha. Và sau những tính toán rất chi li, Vedan “kết luận”: số tiền phải hỗ trợ cho nông dân tỉnh Đồng Nai khoảng 8,4 tỉ đồng.
http://tin180.com/wp-content/blogs.dir/2/files/2010/05/Vedan-dung-dinh-nong-dan-bo-pho_Tin180.com_001.jpg (http://tin180.com/xahoi/2010/05/04/vedan-dung-dinh-nong-dan-bo-pho/)
Ông Nguyễn Thái (ấp 1C, xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai) năm lần gửi đơn kiện Vedan đã xả nước thải ô nhiễm dòng sông Thị Vải làm sản lượng tôm của gia đình ông bị thất thu, dụng cụ nuôi tôm phải xếp xó, nhưng đến nay vẫn chưa được đền bù

Tỏ ra thiện chí, văn bản của Vedan viết: “Công ty chúng tôi dựa trên tinh thần duy trì mối quan hệ thân thiện với nông dân địa phương và mong muốn nhanh chóng giải quyết vụ việc, nên công ty chúng tôi đề nghị tăng mức hỗ trợ lên đến 15 tỉ đồng”. Tuy nhiên, thực tế chính Vedan đã tự mâu thuẫn khi đưa ra những con số nói trên.
Cụ thể, Vedan lấy diện tích ảnh hưởng 8.883,7ha theo yêu cầu của người dân Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP.HCM thời điểm đầu năm 2009 chia đều cho số tiền thiệt hại mà người dân ước tính lúc đó là 262,175 tỉ đồng để được con số bình quân thiệt hại mỗi hecta là 29,511 triệu đồng.
Con số này được Vedan đem nhân với diện tích ảnh hưởng được Viện MT-TN xác định theo kết luận công bố ngày 11-12-2009 tại Hà Nội để đưa ra mức thiệt hại của tỉnh Đồng Nai.
Trong khi đó, những con số thống kê thiệt hại của các địa phương theo hướng dẫn của Tổng cục Môi trường từ sau ngày 11-12-2009 đều không được phía Vedan công nhận. Cách tính này chỉ có lợi cho Vedan.
Cò kè bớt một thêm hai
Điều đáng lưu ý là Vedan một mặt cam kết bồi thường (mà Vedan chỉ gọi là hỗ trợ – PV) thiệt hại cho người dân tại hầu hết các buổi làm việc với lãnh đạo Tổng cục Môi trường và Bộ TN-MT, nhưng mặt khác lại dùng dằng mặc cả “bớt một thêm hai” khi tính toán và đưa ra mức thiệt hại.
Tháng 4-2009, khi hàng ngàn người dân nộp đơn đòi kiện thì Vedan có công văn gửi hội nông dân ba địa phương đề nghị mức hỗ trợ cho người dân tổng cộng 20 tỉ đồng (Đồng Nai 7 tỉ đồng, TP.HCM 7 tỉ đồng và Bà Rịa – Vũng Tàu 6 tỉ đồng).
http://tin180.com/wp-content/blogs.dir/2/files/2010/05/Vedan-dung-dinh-nong-dan-bo-pho_Tin180.com_002.jpg (http://tin180.com/xahoi/)
Vá lưới chuẩn bị cho chuyến đánh cá mỗi chiều tối nhưng anh ngư dân Hồ Thanh Quý (ấp 1C, xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai) chẳng mấy hi vọng mảnh lưới đầy vì sông Thị Vải vẫn chưa hồi sinh

Không chấp nhận mức bồi thường này, hội nông dân ba địa phương đã họp và thống nhất yêu cầu Vedan ngồi vào bàn thương lượng, đòi bồi thường 569 tỉ đồng (tương đương 45-48% thiệt hại mà người dân thống kê được), trong đó riêng TP.HCM là 153 tỉ đồng.
Sau nhiều lần lỗi hẹn về công bố mức bồi thường mới, Vedan… hẹn tiếp: chờ kết quả của Viện MT-TN về xác định phạm vi và mức độ trách nhiệm.
Thế nhưng, khi Viện MT-TN công bố kết quả giám định thì Vedan lại viện lý do… không hiểu để trì hoãn và đưa chuyên gia từ Đài Loan sang kiểm chứng lại.
Sau đó đại diện của Vedan chính thức thông tin rằng đã đạt được thỏa thuận với Viện MT-TN: theo đó, tỉ lệ phần trăm làm hại môi trường theo tính toán của Vedan là 65% chứ không phải 89% như công bố của Viện MT-TN và do đó hai bên thống nhất “cộng lại rồi chia đôi” để cho ra con số Vedan chịu trách nhiệm 77%.
Cho đến nay, lãnh đạo Viện MT-TN vẫn chưa có bình luận về “kết quả thỏa thuận” mà Vedan công bố.
Gạt người dân ra rìa?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, đại diện pháp lý cho nông dân huyện Cần Giờ (TP.HCM), ngỡ ngàng: “Người dân không có chuyên môn và tư cách pháp lý để tự tính toán thiệt hại cho mình mà chỉ thống kê dựa trên kết luận của cơ quan khoa học và hướng dẫn của cơ quan chức năng. Ở đây Viện MT-TN được cơ quan quản lý nhà nước chỉ định thực hiện đo đạc kết luận như vậy và Vedan đưa ra con số khác rồi cộng lại chia đôi thì chúng tôi và người dân không biết phải tin theo con số nào”.
Và trong cuộc mặc cả này, người dân gần như bị gạt ra bên ngoài mà không hề có cơ hội bày tỏ ý kiến.
Cũng từ kết quả của Viện MT-TN công bố và hướng dẫn của Tổng cục Môi trường, các địa phương đã tổ chức thống kê thiệt hại để đưa ra con số mới nhất và yêu cầu Vedan bồi thường. Những thống kê này đến nay đều bị Vedan “chê” là không thuyết phục, không đủ căn cứ.
Luật sư Hoàng Như Vĩnh – đại diện pháp lý của Vedan – cho biết ngoài đề nghị hỗ trợ cho Đồng Nai 15 tỉ đồng như nói trên, Vedan cũng đã có văn bản đề nghị Bà Rịa – Vũng Tàu giải thích về mức thiệt hại hơn 53 tỉ đồng mà tỉnh này đưa ra.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên ngày 3-5, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Xuân Cường cho biết vẫn đang chờ báo cáo chính thức của Vedan và các đơn vị, địa phương liên quan. Theo ông Cường, quan điểm của bộ là việc bồi thường của Vedan cho người dân phải được thực hiện nghiêm túc và trên cơ sở khoa học chứ không chấp nhận tình trạng dây dưa, mặc cả.
Phải chăng Vedan cố tình “diễn lại kịch bản cũ” của những năm 1994-1995: kiên trì mặc cả để cuối cùng đưa ra số tiền “hỗ trợ” thấp hơn nhiều so với mức thiệt hại mà người dân gánh chịu? Thời hạn để người dân khởi kiện đòi bồi thường đang cạn dần, nếu cứ tình trạng dùng dằng này, theo nhiều người nhận định, khả năng dắt nhau ra tòa có thể xảy ra.
Nông dân ngao ngán
Đã nhiều lần đến con sông Thị Vải, chúng tôi từng chứng kiến người dân hi vọng và mong mỏi Vedan bồi thường. Thế nhưng chiều 2-5, nhiều nông dân tỏ ra hụt hẫng.
Ông Nguyễn Thái (ngụ ấp 1C, xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai), chua chát: “Tôi năm lần làm đơn yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại trên diện tích 6.000m2 ao tôm với số tiền 300 triệu đồng nhưng giờ chẳng thấy gì cả. Nuôi tôm cứ thua lỗ do ô nhiễm, rồi nợ nần đến giờ vẫn chưa trả nổi”.
Kể từ khi Vedan bị bắt quả tang xả thải gây ô nhiễm, ông Phạm Nông – chi hội trưởng chi hội nông dân ấp 1C, người đã nhiều lần gặp gỡ dân – yêu cầu làm đơn theo chỉ đạo ở tỉnh, ở huyện, ở xã nhưng khi nhắc chuyện Vedan đang cù cưa với dân, ông đã ngao ngán. Ông Nông than vãn: ấp 1C có 90 hộ thống kê thiệt hại gửi đi đòi bồi thường mà đến giờ cũng không thấy gì.
Nói đến mức hỗ trợ mà Vedan đưa ra và bức xúc của nông dân hiện nay, ông Trần Văn Quang, phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, giải thích: “Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai thống kê đã có 5.000 hộ của tỉnh bị thiệt hại với tổng số tiền 1.601 tỉ đồng. Nhưng bây giờ Vedan đưa ra số tiền 15 tỉ đồng để hỗ trợ cho nông dân của tỉnh thì nó quá nhỏ và mâu thuẫn với số tiền mà cơ quan chuyên môn của tỉnh từng thống kê”.
Vậy mà Vedan lúc nào cũng nói “duy trì mối quan hệ thân thiện với nông dân địa phương”.
* Công bố của Viện MT-TN về tỉ lệ phần trăm trách nhiệm mà Vedan phải chịu trong việc gây ô nhiễm sông Thị Vải là 89%. Vedan chỉ chấp nhận là 65%. Tuy nhiên Vedan “cộng lại rồi chia đôi” để cho ra con số chỉ chịu trách nhiệm 77%.
* Hội nông dân ba tỉnh, TP thống nhất yêu cầu Vedan ngồi vào bàn thương lượng, đòi bồi thường 569 tỉ đồng (tương đương 45-48% thiệt hại mà người dân thống kê được). Vedan thì “đề nghị mức hỗ trợ” cho người dân tổng cộng 20 tỉ đồng (Đồng Nai 7 tỉ đồng, TP.HCM 7 tỉ đồng và Bà Rịa – Vũng Tàu 6 tỉ đồng). Về sau, Vedan đồng ý “hỗ trợ” cho nông dân tỉnh Đồng Nai là 15 tỉ đồng để… thể hiện thiện chí (!).


N. Triều
(theo tintuconline.vietnamnet)