Log in

View Full Version : DĐ - Đức Mẹ Dâng Hoa



Dan Lee
05-02-2010, 12:34 AM
ĐỨC MẸ DÂNG HOA
Đức Giám Mục GB. BÙI TUẦN
Trình Bày: Lê Anh

Download (http://www.yeuthuongphucvu.org/TrinhNguyen/SuyNiemTheoChuDe/MeNganHoa2010/5.DucMeDangHoa(128)-LA.mp3)


http://www.yeuthuongphucvu.org/TrinhNguyen/SuyNiemTheoChuDe/MeNganHoa2010/5.DucMeDangHoa(128)-LA.mp3


Người công giáo Việt Nam thường nói “Dâng hoa Đức Mẹ”. Nói thế thực rất đúng. Nhất là trong tháng 5. Còn tôi, khi dâng hoa lên Đức Mẹ, tôi lại nghĩ đến cảnh chính Đức Mẹ dâng hoa lên Chúa. Tôi cho rằng nghĩ thế cũng đúng sự thực.


Cảnh Đức Mẹ dâng hoa.

Sự thực đó xảy ra khi Đức Mẹ còn trẻ, mới được ơn chịu thai bởi phép Chúa Thánh Thần.

Những ngày đó, biến cố Ngôi Hai nhập thể trong lòng Đức Mẹ khiến Đức Mẹ bỡ ngỡ và cũng bối rối, lo sợ.

Với tình trạng ấy, Đức Mẹ vội vã lên đường đi thăm bà chị họ Isave. Bà Isave vừa mới được ơn thụ thai thánh Gioan Tiền hô, lúc tuổi đã già.

Thoạt mới nhìn thấy Maria bước vào nhà, bà Isave lập tức được ơn Chúa Thánh Thần, vội lên tiếng chào khen: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con mà em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân mẫu Thiên Chúa đến với tôi thế này?” (Lc 1,42-43).

Khi Đức Mẹ thấy bà chị họ mình được ơn Chúa cho biết những gì rất bí mật Chúa mới làm cho mình, Đức Mẹ như thoát khỏi cảnh lo âu. Lòng Đức Mẹ bỗng đầy hân hoan, tự nhiên bột phát những lời tri ân cảm tạ. Hội Thánh gọi những lời đó là Bài ca “Ngợi Khen” (Magnificat) (Lc 1,46-55).

Riêng tôi, ngoài tên đó ra, xin mạn phép được gọi bài ngợi khen đó là bài Đức Mẹ dâng hoa kính Chúa.

Trước khi đi vào bài ca Ngợi khen này, tôi xin dừng lại một chút ở đây, đưa chú ý đến cái chìa khoá đã mở lòng Đức Mẹ, để Đức Mẹ tuôn đổ tâm tình ngợi khen. Chìa khoá nói đây chính là lời chào của bà thánh Isave. Lời chào đó chứa đầy giá trị đạo đức, như khiêm nhường, mến yêu Chúa và quí trọng kẻ được Chúa thương. Lời chào chân thành đó của bà chị họ lớn tuổi đã giải toả nỗi lo lắng cô đơn của người phụ nữ trẻ.

Đức Mẹ cảm thấy có người hiểu mình, đồng cảm với mình. Đó chính là một khích lệ quí báu, khiến Đức Mẹ nói lên bài ca Ngợi khen.

Nhận xét trên đây nhắc cho tôi điều này: Một cử chỉ tế nhị nhiều khi có sức cởi trói cho một tình hình, giúp cho nhiều tâm hồn được nhẹ nhõm, khích lệ họ dấn thân trong tin tưởng và bình an.

Bây giờ, tôi xin trở lại Bài ca Ngợi khen của Đức Mẹ. Trong đó, có nhiều thứ hoa thơm đẹp. Ở đây, tôi chỉ xin lưu ý đến ba thứ hoa sau đây.


Mấy hoa nên chú ý:

Hoa cảm tạ

Mẹ cảm tạ Chúa trước hết về bản thân riêng của Mẹ. Mẹ nhìn bản thân Mẹ chỉ là một nữ tỳ. Mẹ coi nữ tỳ này khác với mọi nữ tỳ khác ở chỗ kém cỏi hơn họ, hèn mọn hơn họ. Thế mà Chúa là Thiên Chúa, là Đấng Cứu độ ngự đỉnh chốn cao xa, lại đã thương nhìn xuống nữ tỳ đó: “Phận nữ tỳ hèn mọn, được Chúa thương nhìn đến” (Lc 1,48).

Cái nhìn thương mến của Chúa đối với Mẹ là một bất ngờ không thể tưởng tượng nổi, khiến Mẹ hớn hở, vui mừng ngợi khen. Diễm phúc ấy sẽ được muôn thế hệ nhìn vào, để hiểu phần nào chương trình nhiệm mầu của Thiên Chúa.

Hoa nhận thức

Chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa trong việc cứu độ nhân loại sẽ rất khác với chương trình của nhân loại. Thánh ý Chúa rất khác sự đánh giá và xếp đặt của con người. Về đường lối của Chúa, Đức Mẹ nhận thức ba hạng người sẽ bị ném xuống, và ba hạng người sẽ được nâng lên.

Ba hạng người nếu lạm dụng sẽ bị Chúa ném xuống là: Kẻ kiêu căng, kẻ quyền thế, kẻ giàu sang.

Ba hạng người nếu biết sống tốt sẽ được Chúa nâng lên là: Kẻ khiêm nhường, kẻ hèn mọn, kẻ nghèo đói.


Nhận thức đó rất dứt khoát. Mẹ nói:
“Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những kẻ quyen thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay không” (Lc 1,51-53).

Nhận xét của Đức Mẹ sẽ được Chúa Cứu thế nói lại nhiều lần nhiều cách. Lịch sử cứu độ từ thuở xưa cho đến bây giờ có đôi chút nhân nhượng và đợi chờ, nhưng sau cùng vẫn kết thúc bằng sự đảo ngược những giá trị trần thế, mà đời hay tôn vinh. Chúng phải nhường chỗ cho những giá trị thiêng liêng có sức cứu độ đích thực.

Nhận thức trên đây về chương trình cứu độ xem ra chưa đủ, nếu không có tình thương của Chúa. Vì thế, cuối bài ca Ngợi khen, Đức Mẹ đã nói đến một bông hoa nữa, đó là nhớ lại lòng thương xót của Chúa.

Hoa nhớ lại

Đức Mẹ nói: “Vì Chúa nhớ lại lòng thương xót, dành cho tổ phụ Ápraham, và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1,55).

Nói là Chúa nhớ lại lòng thương xót của Người, là để chính chúng ta đừng quên lòng thương xót của Chúa. Vì “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,50).


Dâng hoa do Chúa Thánh Thần chỉ dẫn

Cái nhìn vắn tắt trên đây về việc Đức Mẹ dâng hoa giúp chúng ta thấy 3 điều sau đây nơi Đức Mẹ:

Một là Đức Mẹ dâng hoa với một đức tin sâu sắc. Đức tin ấy cho phép nhìn Chúa, nhìn mình, và nhìn đời bằng một cái nhìn đúng Phúc Âm.

Hai là Đức Mẹ dâng hoa với một cái tâm rất bén nhạy, tế nhị và rất thương cảm đối với những ai nghèo túng, khổ đau, bị loại trừ.

Ba là Đức Mẹ dâng hoa với một tâm hồn chiêm niệm và cầu nguyện, sẵn sàng thực thi ý Chúa.

Cả ba thái độ vừa kể này nói lên sự mến yêu và thao thức của Đức Mẹ đối với Chúa, với nhân loại, và với sứ mạng được trao. Mến yêu và thao thức ấy đều do Chúa Thánh Thần ban cho.

Tôi nghĩ rằng các cuộc dâng hoa kính Đức Mẹ trong tháng 5 chắc sẽ đẹp. Nhưng rất mong các việc đạo đức đó sẽ được đẹp hơn nữa, nếu biết nhập vào chính việc Đức Mẹ dâng hoa kính Chúa.

Ngoài ra, mỗi người chúng ta, khi được Đức Mẹ dắt dìu, sẽ biết đi vào đời mình, như một vườn hoa, để hái lấy những gì là có giá trị Phúc Âm. Mẹ cũng sẽ giúp ta đặt những hoa thiêng đó trên bàn thờ trái tim ta, để dâng kính Chúa mọi ngày. Ta dâng và Mẹ cũng dâng với ta, trong tâm tình ngợi khen, khiêm nhường, đơn sơ.

Tôi có cảm tưởng: Thời gian Chúa ban cho chúng ta, để dâng hoa như Mẹ sẽ không kéo dài mãi mãi.

Chúng ta cần coi trọng những gì Đức Mẹ nhắc nhở. Đức Mẹ nhắc nhở rất rõ những địa chỉ cần đi tới, để tìm hoa dâng Chúa, nhất là trong Năm Thánh truyền giáo này.

Các địa chỉ ấy không phải là các nơi giàu sang, quyền thế, chức tước và cao cả, nhưng là những nơi nghèo khổ, bé mọn, hèn kém, bị loại trừ.
Hãy đem thương cảm vào những nơi đó. Thiết tưởng đấy mới là một cách hành hương mang tính cách truyền giáo.

Đức Mẹ đợi chờ ta ở đó. Đức Mẹ muốn cùng ta dâng hoa lên Chúa tại những nơi mà chính Chúa đã chọn là địa chỉ ưu tiên, để loan báo Tin Mừng (Lc 4,18-19).