PDA

View Full Version : C - Chúa Chiên Lành (CN 4 mùa Phục Sinh)



Dan Lee
04-23-2010, 10:41 PM
Chúa Chiên Lành (CN 4 mùa Phục Sinh)


Kính thưa quí ông bà anh chị em, có một câu chuyện được kể như sau: Có ba tín hữu nọ, một ông nhà nghèo, một ông nhà giàu và người thứ ba là kẻ bất lương đều chết trong một giờ và sau đó cả ba phải ra tòa Chúa phán xét.

Thiên Chúa hỏi ông nhà nghèo:

-Vì lý do gì mà ngươi không lo học hỏi Lời Chúa ghi trong sách Koran.

Anh nhà nghèo gãi tai và thưa:

-Dạ! Lạy Chúa, vì con nghèo quá, nên ngày đêm con đầu tắt mặt tối lo kiếm gạo nuôi thân, nên chẳng có giờ để mà học hỏi Lời Chúa.

Chúa trả lời:

-Ngươi xem, ông Hellen nghèo hơn ngươi rất nhiều, thế mà có được chút tiền là ông để dành một nửa để học luật Chúa và có khi không có tiền trả lệ phí thì ông đứng ngoài nghe lóm thầy Rabbi Eliaza giảng giải Lời Chúa.

Và Thiên Chúa quay sang hỏi ông nhà giàu:

-Còn ngươi. Tại sao lại không chịu học hỏi và tuân giữ luật Chúa?

Ông nhà giàu thưa:

-Dạ, tại vì con phải lo công việc quản trị của cải, tiền bạc và các dịch vụ làm ăn. Bận bịu tối ngày, nên không có giờ để mà học hỏi lời Chúa?

Thiên Chúa phán:

-Ngươi đâu có giàu có bằng thầy Rabbi Eliaza, ông ấy có một trăm chiếc tàu buôn bán đủ mọi thứ hàng hóa và rất bận rộn với công việc kinh doanh, nhưng thầy Rabbi Eliaza vẫn tìm ra giờ để học hỏi luật Chúa.

Sau cùng, Chúa hỏi tên bất lương:

-Còn ngươi, kẻ gian ác. Tại sao ngươi đã không học hỏi luật Chúa?

Tên bất lương tìm cách chữa lỗi:

-Lạy Chúa, con bị các đam mê lôi cuốn quá, nên không còn nghĩ đến gì khác nữa.

Thiên Chúa bảo hắn:

-Ngươi đâu có bị người ta cám dỗ như Giuse khi sống bên Ai Cập xưa kia. Ngày đêm bị vợ quan tổng quản Putipha níu kéo, rủ rê cám dỗ phạm tội với bà ta mà Giu-se vẫn đứng vững.

Thế là cả ba người đều phải án phạt sống xa rời Thiên Chúa và chôn vùi trong nơi khổ ải của âm ty, âm phủ.

Anh chị em thân mến! Là người Kitô hữu, mỗi người đều có bổn phận phải học hỏi Lời Chúa, vì: “vô tri bất mộ”. Chúa Giê-su đã đến trong thế gian đi rao giảng Lời Chúa khắp nơi và kêu gọi người ta đón nhận và tuân giữ. Như bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su khẳng định: “ Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta”.

Để dân chúng dễ hiểu, Chúa Giê-su dung hình ảnh rất quen thuộc đối với người Do-thái thời bấy giờ là: hình ảnh người mục tử và đàn chiên; chiên và người mục tử phải có một mối tương quan chặt chẽ với nhau, đây là điều cần phải có, và muốn có được điều này thì trước hết, đòi hỏi vai trò của người chủ chiên phải có:

- Là người rao giảng

Rao giảng là việc gắn liền với người mục tử, đương nhiên là rao giảng lời của Chúa, muốn có được điều này thì người mục tử mỗi ngày cầu nguyện, chiêm niệm, tâm niệm, đọc Kinh Thánh, và cử hành các bí tích; nhất là thánh lễ, để làm sao cho lời của Chúa thấm nhập vào từng đốt xương, sớ thịt, lời Chúa cứ vang vọng, réo gọi trong tâm hồn.

- Đặc tính thứ hai là: biết.

Chúa Giê-su tuyên bố: “ Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta”. Với Chúa Giê-su là như vậy, thì đến lượt người mục tử của Chúa cũng phải biết chiên của mình để đáp ứng nhu cầu mục vụ cho họ, và không thể nào biết được chiên của mình, nếu người mục tử sống xa lạ với chiên của mình, thì làm sao có mối tương quan mật thiết với họ được. Và để có mối tương quan mật thiết với chiên của mình, thì chi bằng người mục tử phải bỏ đi hàng rào làm cho sự ngăn cách bởi kiêu căng, tự cao, tự đại, nóng nảy, khó tính, đòi hỏi.... Mỗi khi đã có mối tương quan- gần gủi- biết rõ chiên của mình rồi thì người mục tử tiến tới

- Đặc tính thứ ba là: chăm chăm sóc và bảo vệ.

Chúa Giê-su đã quả quyết với chúng ta: “ Không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta”. Như vậy, xưa, nay và mãi mãi, người mục tử của Chúa không thể chăm sóc chiên của mình tha thiết và bảo vệ chúng hết mức được nếu người mục tử chỉ biết mà không yêu mến. Người mục tử yêu mến chiên của mình vì bổn phận, vì lời Chúa dạy, và nhất là vì muốn nên giống Chúa: “Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con”. Và tình yêu tuyệt hảo là thế này: “ Hy sinh tính mạng vì người mình yêu”. Đó là:

- Đặc tính thứ tư, Hy sinh tính mạng vì đàn chiên

Người mục tử của Chúa là hy sinh tính mạng vì đoàn chiên. Thực ra ngày hôm nay người mục tử chưa đến nỗi hy sinh mạng sống mình như trường hợp một số các mục tử đã hy sinh thực sự khi sự ác có thể tàn phá đoàn chiên ở mức độ kinh khủng. Nhưng nếu người mục tử ngày hôm nay sống yêu mến, tận tụy, hy sinh, phục vụ. Tất cả vì lợi ích thiêng liêng của đàn chiên, và khi sống được như thế thì cách nào đó người mục tử của Chúa đang như là hiến mạng sống vì chiên của mình, và để cho chiên được sống và sống dồi dào.

Còn về phía chiên thì sao? Nếu không phải là: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta”. Như vậy, lắng nghe và đi theo đó là công việc của chiên.

Lắng nghe là điều kiện cần phải có nơi mỗi một người; lắng nghe để hiểu biết những gì mà lời Chúa đòi hỏi qua môi miệng của người mục tử, để áp dụng vào cuộc sống. Với hình ảnh vị mục tử đi trước dẫn chiên tới những đồng cỏ xanh tươi màu mỡ. Và đẹp đẽ thân thương làm sao khi chủ chiên và đàn chiên xum vầy bên nhau bên nhau. Điều này muốn nói rằng: Chủ và chiên thân thiện, và yêu mến quí trọng nhau, nếu được như vậy thì đâu còn chuyện lộn xộn, đã phá, chống đối nhau nữa. Đây là dấu chỉ chắc chắn đoàn chiên tăng trưởng dồi dào.

Ước mong ngày lễ Chúa chiên lành hôm nay, giúp các mục tử của Chúa nhìn lại cung cách và kiểu sống của mình đã họa theo khuôn mẫu của Người Mục Tử tối cao là Đức Giê-su Ki- tô chưa? Rồi cũng giúp mỗi người giáo dân xem xét lại đời sống của mình bấy lâu nay có thật sự là con chiên thuộc về đàn chiên của Giáo Hội chưa? và mình đang thuộc chiên ngoan hiền hay chiên muốn tách riêng ra khỏi đàn. Xin Chúa là Vị Mục Tử tối cao của các chiên mẹ và chiên con. Amen.


Lm Phaolô cao Thế Bình, SDD