PDA

View Full Version : T - Tương Quan Chủ Chiên và Đàn Chiên (Ga 10, 27-30, CN 4 PS) E-mail Print Chúa Nhật IV



Dan Lee
04-23-2010, 10:37 PM
Tương Quan Chủ Chiên và Đàn Chiên (Ga 10, 27-30, CN 4 PS)


Chúa Nhật IV Phục Sinh hàng năm, Giáo Hội quen gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, cầu nguyện đặc biệt cho Ơn Thiên Triệu Giáo Sĩ và Tu Sĩ. Thật vậy, vấn đề cung cấp nhân sự làm việc cho cánh đống truyền giáo Nước Chúa, xưa nay luôn là một nhu cầu khẩn thiết. Chính Chúa Giêsu khi còn sống ở trần gian, Ngài đã không ngừng thao thức: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”(Mt 9:37-38). Cán cân cung cầu bị chênh lệch, số cung không tương ứng thích hợp đầy đủ với số cầu.

Thấy rõ thực trạng Giáo Hội càng ngày càng hiếm hoi số lượng bạn trẻ dấn thân, dâng hiến đời mình cho cuộc sống tu trì: năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã thiết lập và chọn ngày Chúa Nhật IV Phục Sinh mỗi năm là ngày toàn thể Giáo Hội Cầu Nguyện cho Ơn Thiên Triệu. Ước mong các bạn trẻ tìm thấy qua cuộc đối thoại với Thiên Chúa câu trả lời của mỗi cá nhân cho kế hoạch yêu thương của Ngài (ĐGH Benedict XVI, 21/4/2010).

Thánh Phêrô khi xưa, từng là một ngư phủ cần cù chất phác. Sinh sống bên biển hồ Galilêa, Phêrô: một thanh niên vạm vỡ luôn ôm mộng hải hồ,thích tung hoành khắp nơi với sóng gió bão bùng. Ấy thế mà, nghe tiếng Chúa Giêsu mời gọi, Phêrô không ngại ngùng từ bỏ nghiệp chướng, sẵn sàng lên đường theo Thầy Chí Thánh làm thợ gặt trong cánh đồng Nước Chúa. Vừa khi Chúa Giêsu phục sinh và lên trời, Giáo Hội Chúa đã gặp phải những cơn bách hại ít lâu sau đó. Bạo Chúa Nêron điên cuống khát máu, bách hại không gớm tay các kitô hữu tin vào Danh Đức Giêsu Kitô.

Trong cương vị lãnh đạo Giáo Hội thời ấy, Thánh Phêrô đã âm thầm đi thăm các giáo đoàn, cử hành bí tích, khích lệ các tín hữu đang sống đạo cách lén lút. Ngài luôn bị đe doạ bởi sự lùng bắt của Nêron. Một ngày nọ, Phêrô toan trốn tránh ra khỏi kinh đô Rôma,bất ngờ Ngài gặp Chúa Giêsu tự đàng xa đang vác thập giá trở vào thành phố: Chúa cho biết sẽ phải chịu đóng đinh lần nữa. Thánh nhân hiểu ý, Ngài quyết định quay trở lại Rôma, sẵn sàng sống và chết cho đàn chiên Chúa đã trao ban Người mục tử tốt lành dám hy sinh tính mạng mình vì đàn chiên.

Người mục tử nhiệt thành dám can đảm bảo vệ đàn chiên, không để kẻ thù cướp đàn chiên khỏi tay mình. Tương quan giữa mục tử và đàn chiên, vì thế, luôn gắn bó mật thiết, hỗ tương lẫn nhau.

A. Chiên Tôi nghe tiếng Tôi.



1. Mỗi dân tộc trên thế giới đều có một truyền thống, một sắc thái văn hoá cá biệt.

+ Người Việt chúng ta quen nuôi vịt nuôi gà trong nhà, mong nó đẻ trứng bán lấy lời. Thỉnh thoảng nuôi trâu, để nó kéo cày giúp việc đồng áng; chăn nuôi heo mong bán lấy thịt tạo được số vốn lớn để làm ăn…

+ Người Mỹ quen nuôi bò, ngựa trong những nông trại thoáng mát, rộng rãi. Sáng sớm, những cowboy lùa đàn bò nhiều con đi ăn cỏ ngoài cánh đồng, vui với trời mây sông nước.

+ Người Do Thái lại ưa nuôi chiên cừu, nuôi dê… để xén lông da thú làm đồ may mặc, lấy thịt làm lương thực nuôi sống qua ngày. Mỗi buổi sáng, các mục tử đến dắt chiên lên sườn đồi cao ăn cỏ, lúc chiều tà họ luà chiên vào chuồng để nghỉ ngơi qua đêm.

2. Chiên nghe tiếng Chủ Chiên.


+ Bình thường, cặp mắt con chiên: hơi kém, chỉ thấy mọi vật ở khoảng cách gần, không nhìn xa được. Khi di chuyển, Chiên quen dựa nhau thành đàn mà đi, để không lạc lối.

Thí dụ: Trong lớp giáo lý nọ, một Giáo Lý Viên đã ra câu đố: “Có 11 con chiên đang ăn cỏ trên sườn đồi. Chỗ ấy ít cỏ ăn, bất chợt trong đàn có một con nhìn thấy đồng cỏ non bên cạnh, bèn nhảy rào chạy băng sang ăn cỏ mới. Vậy, đố các em, đàn chiên ấy còn lại mấy con?”. Cả lớp đồng thanh trả lời: “Thưa cô, còn lại 10 con”. Nhưng một học viên khác không đồng ý. Em cho rằng: đàn chiên sẽ không còn lại con nào.

Vì theo Em, Chiên quen sống theo đàn, một con nhảy rào thì cả đàn cũng sẽ chạy theo vào hùa với nhau.

+ Sáng sớm, mục tử đến tìm chiên, vào chuồng hú một tiếng ám hiệu, giống như mật lệnh. Chiên nghe tiếng quen thuộc của người chăn dắt, rời chuồng đi ra và bước theo chủ chăn. Nếu tiếng hú khác thường không quen thuộc, Chiên sẽ chạy trốn và chẳng bước theo người lạ (Ga 10:5).

Nói tóm lại, Chiên quen nghe tiếng Mục Tử hơn là chấp nhận đi theo tiếng người lạ.

B. Tôi biết chúng và chúng theo Tôi.

Được trao phó trách nhiệm coi sóc một đàn chiên, mục tử phải biết và nhớ rõ mặt từng con chiên mà mình có bổn phận chăm nom.


1. Mục Tử chăn dắt Đàn Chiên.


+ Khi nghe tiếng mục tử, chiên ùa ra khỏi chuồng. Mục tử đi trước, dẫn đường cho chiên, đưa chiên đến đồng cỏ xanh non, giúp chúng vui say sung sướng thoả thuê.

+ Nếu con chiên nào bị thương tích, mục tử quan tâm lo lắng chữa lành vết thương. Trường hợp sói rừng đến quấy phá, mục tử ra sức bảo vệ đàn chiên, cầm vũ khí gậy gộc nghênh chiến kẻ thù, sẵn sàng chiến đấu đến cùng giúp đàn chiên được an toàn.

2. Đàn Chiên ngoan hiền đi theo Mục Tử.


+ Khi vừa ra khỏi chuồng, chiên luôn nhón chân đi theo mục tử. Người ấy mỗi ngày tìm kiếm đồng cỏ ngon, chiên chỉ biết vâng theo dừng chân tại đó, ăn uống no nê.

+ Lúc chiều về, mục tử luà chiên trở lại nông trại, chiên tuân theo sự hướng dẫn của người ấy, bước vào chuồng có hàng rào bao quanh, nghỉ đêm. Mục tử nằm ngủ bên cửa chuồng, canh gác bảo vệ thường xuyên, không chiên nào trốn ra được.

Nhìn chung, Chiên hoàn toàn trung thành, tuân theo mọi định hướng của Mục Tử.

Thí dụ: Năm 1995, một biến cố xảy ra tại Nhật Bản, gây chấn động khắp thế giới. Giáo Phái cuồng tín “Ngày Tận Thế” do Shoko Asahara, một võ sĩ Nhật mới 32 tuổi chủ xướng: năm 2000, thế giới sẽ bị cáo chung. Vì vậy, mọi người phải chuẩn bị lên thiên đường sớm hơn là đến chậm trễ sau này. Giáo Phái này qui tụ được khoảng 10.000 trí thức Nhật, Âu Châu và Á Châu. Họ có các khoa học gia chế tạo ra vũ khí hoá học. Một ngày nọ Giáo Chủ Asahara cho tiêm khí độc Sarin lén lút vào các xe điện ngầm ở thành phố Tokyo, gây tử thương cho 12 người bị chết ngạt tại chỗ. Các tín đồ Giáo Phái hành động quá cuồng tín theo lệnh chỉ đạo của Shoko Asahara. Ông lãnh án tử hình ngày 27/02/2004 sau 9 năm điều tra.

C. Hãy sống trong đàn chiên của Chúa.


1. Thuộc về đàn chiên Chúa: nghe giáo huấn Hàng Giáo Phẩm trong Giáo Hội Chúa, nhận thức và hiểu biết lời dạy của Huấn Quyền, bước theo sự hướng dẫn và lãnh đạo của Các Ngài.

2. Ở trong đàn chiên Chúa: hoà nhập cùng mọi kitô hữu khác sinh hoạt thường xuyên trong Giáo Hội mà Chúa Kitô đã thiết lập trên Đá Tảng Thánh Phêrô. Được ở trong đàn chiên Giáo Hội, Chúa sẽ ban cho ta sự sống đời đời. Sự sống ấy được bảo đảm ban tặng cho ta, khi ta biết:


+ vâng nghe Chủ Chiên (Ga 10:27a): lời Chúa dạy, các giáo huấn Hội Thánh…

+ hiểu biết ý Chủ Chiên (Ga 10:27b): đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, nhận bí tích…

+ bước theo hướng Chủ Chiên (Ga 10:27c): sống giới luật yêu thương, thực thi Bát Phúc, tuân giữ công bình bác ái….

D. Lời Nguyện kết thúc.


Lạy Chúa! Á Thánh Têrêsa Calcutta đã nói: “Nếu thiếu Linh Mục, con người sẽ không được nhận Bí tích Tha Tội, họ cũng không lãnh nhận được Mình Máu Thánh. Nói tắt, không có Linh Mục, con người sẽ không có Chúa Giêsu ở trong mình”.

Xin ban thêm cho Giáo Hội Chúa nhiều Mục Tử tốt lành, biết nhiệt thành hy sinh, phục vụ quảng đại cho đàn chiên, sẵn sàng hiến trọn đời mình sống cho Chúa và cho các linh hồn”.AMEN.


Rev. Dominic Dieu Tran, SDD.