PDA

View Full Version : C - Cho Con Nhận Ra Ngài



Dan Lee
04-18-2010, 10:40 PM
CHO CON NHẬN RA NGÀI

Ai đã một lần sống trong tâm trạng mất mát, thất bại, thua thiệt mới có thể cảm nghiệm sâu sắc nỗi lòng các tông đồ hôm nay. Lặng yên nhìn sắc trời đương chuyển dần vào bóng tối, những cơn gió rét buốt từ phương Bắc cứ thay nhau ùn ùn kéo đến, từng đợt, từng đợt vây kín, quyện hoà vào tâm trạng ủ ê, buồn bã của các tông đồ khiến các ông thấy lòng thêm se lại. Lơ đễnh nhìn dòng nước lạnh ngắt của biển hồ mà như thấy chính lòng mình lạnh tanh. Ngán ngấm với cuộc sống, có cái gì đó đắng nghét nơi cổ họng, nỗi trống trải phủ dầy tâm hồn, chẳng lẽ cứ mãi ôm ấp kí ức để mà đau buồn, nhưng Thầy ra đi thật rồi, bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu hoài bão bỗng chốc tan tành mây khói.

Giữa những lúc xem chừng vô vọng ấy, mọi sự tưởng như kết thúc, mọi chuyện như đã chấm hết, Ngài hiện diện minh chứng sức mạnh vô song của mầu nhiệm phục sinh. Thật ra, nhân loại mỗi ngày mỗi miệt mài với kiếp sống chẳng qua là vì không tin đủ vào quyền năng Thiên Chúa. Sự hiện diện thầm lặng của Ngài đã khiến con người ngộ nhận. Không tin Ngài có đó, mà cũng chả dám phủ nhận sự thật yếu đuối của mình. Lăn xả vào vòng xoáy cuộc đời, để mặc chúng lôi hút vào mớ vật chất hỗn độn, đến đánh mất cả cùng đích cuộc đời lúc nào chẳng hay biết.

Cuộc sống hôm nay, sức hút vật chất mạnh đến nỗi khiến con người mê mệt, càng ngày càng lao vào nó như một cơn lốc. Làm sao để có thể lôi kéo con người ra khỏi đó, để mà dám sống cho công lý và sự thật. Sự thật thuộc về Thiên Chúa và là của Ngài. Làm thế nào để nhân loại đón nhận sự thật, không phải sự thật về một Thiên Chúa đã chết nhưng là Thiên Chúa mãi sống và hằng sống, chính là thao thức tột cùng của Giáo Hội.

Bởi nếu thực con người tin vào Thiên Chúa phục sinh, thì nhân loại đâu đến nỗi đắm chìm trong đam mê, tham vọng như vậy. Con người ngày nay, như dường đánh mất tâm thức cần phải có trách nhiệm trở nên người tốt. Người ta không còn nghĩ việc tự rèn luyện bản thân theo chuẩn mực Kytô giáo, xu hướng tha hoá nhân phẩm lên đến mức đáng báo động một thế hệ xem thường đạo lý. Điều gì đã khiến lương tâm con người trở nên chai lỳ, khô cằn như vậy?

Thất bại, thua thiệt càng khiến con người buông thả bản thân. Lối sống vô định, không niềm tin là lối sống đáng sợ nhất, ở đó người ta coi thường mọi nấc thang giá trị, bỏ mặc sóng đời vồ dập. Nhân loại như không còn cảm nhận phải có bổn phận sống chính trực bởi sức ảnh hưởng từ môi trường, hoàn cảnh, xã hội lớn hơn khả năng nội lực của họ.

Giữa thế giới hỗn độn bóng tối và sự dữ ấy, làm thế nào để ánh sáng phục sinh có thể bừng lên chiếu toả cuộc đời tăm tối. Làm thế nào để ánh lửa phục sinh có thể đốt tan hận thù, ghét ghen, ích kỉ, bất công và tàn nhẫn. Đó chính là công việc, là bổn phận, là trách nhiệm, là sứ mạng và là bản chất của Giáo Hội.

Tiếng gọi hãy theo Thầy, Đức Giêsu không chỉ nói riêng với Phêrô (x. Ga 21, 19) nhưng với tất cả mọi người. Trách nhiệm cần phải chăm sóc chiên con và chiên mẹ không phải chỉ dành riêng một mình ngài nhưng cho tất cả. Chúng ta phải biết cưu mang sứ mệnh ấy trong lòng như một bổn phận, một nhiệm vụ sống còn. Làm thế nào để sự sống phục sinh có thể bừng lên cho mọi người chung hưởng niềm vui cứu độ phải là thao thức mà ai cũng nhận thấy là của họ.

Chiêm ngắm từng tình tiết của Tin Mừng chủ nhật hôm nay, mới thấu đáo tình thương yêu quan phòng Thiên Chúa dành cho con người. Có bao giờ Thiên Chúa bỏ mặc họ? Luôn đi bước trước trong yêu thương và tha thứ, chẳng cần biết con người có đáp trả, Ngài ban phát tình yêu vô vị lợi, chỉ mong con người được hạnh phúc, được cứu độ. Cái khó ở chỗ con người không nhận ra tấm lòng của Ngài, thế mới thực bất hạnh!

Ước gì, lời kêu gọi “Hãy theo Thầy” được thấm sâu vào lòng nhân loại, mới hòng mong ngọn nến phục sinh lan toả thế giới. Còn quá nhiều bóng tối che phủ nhân loại, cần hơn bao giờ hết những tâm hồn quảng đại, những con người quả cảm dám xả thân bảo vệ niềm tin Đấng Cứu Độ.

Chẳng phải Đức Kytô, Ngài chết và sống lại như thế là đủ, là chấm hết, thế nhưng trách nhiệm của chúng ta là phải trở nên chứng nhân phục sinh bằng cả cuộc sống. Vì chỉ có niềm tin, niềm hy vọng vào sức mạnh phục sinh mới là vũ khí đắc lực khiến con người hoá giải mọi khúc mắc. Cái khó chính là ở đây, cái khó là không mấy người thấy cần phải sống chứng nhân hoặc ngay tự trong chính nội tại, họ khó đón nhận mầu nhiệm tử nạn, thử hỏi như thế thì làm sao có thể sống trọn vẹn tin vui cứu độ được chứ.

Đến khi nào tôi sống được như Phêrô, dang tay cho người ta thắt lưng và dẫn đến nơi chẳng muốn (x. Ga 21, 18), có lẽ lúc ấy tôi mới thực sự bước vào mầu nhiệm tự huỷ mà Thiên Chúa đã hiến tế cả đời cho tôi. Cánh đồng truyền giáo hôm nay quả thực có quá nhiều chiên lạc, những con chiên nghèo khổ, bơ vơ, bất hạnh không người quan tâm, chăm sóc. Văn hoá bàng quan của thời đại ngày càng đục khoét lương tâm nhân loại khiến họ chai sạn không còn biết cảm thương, khó động lòng trắc ẩn, chỉ biết chăm chút hưởng thụ cá nhân, nhẫn tâm bỏ quên đi sự hiện diện hữu hình của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, thật lòng những lúc gặp thử thách, đau buồn, thất bại con khó lòng nhớ đến Ngài, nói gì sự cảm nhận Ngài đang ở cạnh bên con để mà tin tưởng, vui sống. Thế nên, không thiếu những giây phút ê chề trong cô đơn, tủi nhục, con một mình lầm lũi đối diện với cuộc sống mà như loài dã tràng, vò võ se cát biển đông cũng chả nên công cán. Có khác gì các tông đồ hôm nay, tưởng như chỉ còn lại mình mình với công việc xem ra tẻ nhạt, tầm thường, vô vị thì Ngài đã hiện diện, như một mầu nhiệm, như một phép lạ, đồng hành bên con suốt cả cuộc đời. Xin giúp con nhận ra Chúa, như người môn đệ Ngài yêu, xin giúp con có thể nhận ra Ngài trong những bóng đêm cuộc đời. Chỉ cần nhận ra Chúa thôi, ngay trong những người sống quanh con, những người con không mong gặp gỡ, những người con từ khước, loại bỏ thì cuộc đời con đã là hạnh phúc lắm rồi. Xin giúp con vui thật trong lòng, có sự sống phục sinh thật trong lòng, mới hy vọng con phục sinh thế giới hiện diện quanh con.

M. Hoàng Thị Thuỳ Trang, ICM.