PDA

View Full Version : N - Những Dấu Thánh Trong Cuộc Đời (Ga 20:19-31, CN II PS)



Dan Lee
04-10-2010, 09:45 AM
Những Dấu Thánh Trong Cuộc Đời (Ga 20:19-31, CN II PS)


Người ta có kể một câu chuyện huyền thoại, bất ngờ xảy ra sau khi Chúa Kitô sống lại từ trong cõi chết: Ngài phục sinh hiện ra lần đầu tiên với các Tông Đồ. Khi thổi Thần Khí vào các ông, mỗi Tông Đồ bổng trở nên giống Chúa. Khuôn mặt các ông đều giống nhau, cùng một khuôn mặt với Thầy Chí Thánh Giêsu. Sau đó, cả Thầy và Trò ngồi vào bàn ăn, mỗi người đều dùng bánh và cá nướng. Người dọn bàn nhìn họ bỡ ngỡ, vì mười hai thực khách đang ngồi ăn trước mặt, tất cả đều như nhau: từ mặt mũi, y phục, tóc tai, giọng nói …giống nhau hoàn toàn. Ông băn khoăn không biết làm thế nào để phân biệt đâu là Chúa Giêsu, đâu là tông đồ Phêrô hay một tông đồ khác?

Bất chợt, có một dấu chứng giúp ông sáng suốt nhận ra được chính xác Đức Kitô Phục Sinh trong nhóm thực khách đồng dạng ấy. Ông nhìn kỹ trong mười hai con người đó, chỉ có bàn tay Chúa Giêsu với lỗ đinh đâm thâu qua, khác biệt hẳn với bàn tay mười một Tông Đồ kia còn nguyên vẹn bình thường. Vâng, đúng thế, chỉ với Năm Dấu Thánh trên người: các lỗ đinh nơi hai bàn tay, hai bàn chân và cạnh nương long (nơi quân lính dùng giáo mác đâm xuyên thủng),Chúa Giêsu đã can đảm hứng chịu đau đớn để chuộc tội cho nhân loại. Đó chính là những chứng tích của Chúa giúp ông phân biệt rõ ràng.

Hôm nay, Ngài lại xuất hiện với Tông Đồ Đoàn dấu yêu, trao thân xác mình cho Tôma, để ông có thể kiểm chứng những thương tích Ngài đã chịu, giúp Tôma vững thêm niềm tin, xác tín thực sự rằng: Thầy đã sống lại thật rồi!!! Alleluia!!!

A. Những dấu thánh yêu thương trên đồi Calvê năm xưa.

Hồi tưởng lại cuộc Khổ Nạn của Chúa, ta nhận biết rằng: sau khi bị quân dữ tìm bắt trong vườn Giệtsimani, Chúa Giêsu đã được mang ra trước toà án pháp đình, chịu sự tố cáo gian xảo của Hội Đống Lãnh Đạo Do Thái, cùng lời xét xử phi lý của quan tổng trấn Philatô. Họ kết án tử hình cho Ngài, buộc Ngài tự mình vác thập giá hướng lên đồi Calvê, nơi Ngài sẽ thụ án bằng việc chịu bọn lý hình đóng đinh thân xác mình vào cây thập tự ấy.


1. Trước hết, nhóm binh lính sẽ đóng hai bàn tay Chúa Giêsu vào thanh gỗ ngang với những chiếc đinh nhọn sắt. Đoạn, chúng chụm hai bàn chân Ngài lại với nhau và đóng thật mạnh vào thanh dọc cây gỗ đó. Rồi bọn chúng dựng đứng thập giá lên, để Chúa chịu cực hình đau đớn suốt ba tiếng đồng hồ. Khi Ngài tắt thở trên thập tự, một tên lính còn nhẫn tâm lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người (Ga 19:34), để nắm chắc vấn đề Ngài đã chết thật.Tổng cộng, Chúa đã nhận tất cả 5 cực hình đau đớn trên thập giá (2 bàn tay, 2 bàn chân và cạnh sườn): một Hy Sinh Quá Vĩ Đại của một Thiên Chúa yêu thương loài người, một Giá Phải Trả quá cao cho Con Thiên Chúa đền tội thay cho nhân loại.

2. Một điểm đáng chú ý: khi quá nhiều vết thương cắm phập vào thân gỗ, Máu tuôn ra ào ào nhiều đến nỗi cạn kiệt, không còn liên tục nữa. Sau cùng, chỉ có Nước nhỏ giọt hoà lẫn với Máu sót lại, chảy yếu dần. Toàn thân Chúa như mềm nhũn, Ngài cam chịu rất thảm thương. Muốn hít vào thở ra, Chúa phải rướn sức, gồng mình lên, ép lồng ngực vào đau nhói, mới thở được bình thường.

Thật đau đớn tột cùng cho Đấng phải nhận Năm Dấu Thánh vì tình yêu con người.

B. Chúa chia sẻ Những Dấu Thánh cho con người.

Một vị thánh ngày xưa đã nói: “Chúa thường gửi thánh giá cho người Ngài yêu mến”.

Thánh Tôma Tông Đồ, ước ao được chạm đến những dấu thánh trên thân xác Thầy Giêsu, ông mới tin việc Chúa Phục Sinh. Có lẽ Tôma suy nghĩ: ông đã theo Thầy xa xa, lúc Thầy bị xử án; ông đã hoà nhập vào đám đông quần chúng, biết chắc Thầy bị khổ hình trên thập giá; nên giờ đây ông phải làm sao sờ được những vết thương ấy, ông mới mạnh dạn xác tín Thầy có sống lại thật.

Chúa Giêsu thoả mãn ý muốn của Tôma. Ngài không những giơ tay ra cho Tôma thấy các Dấu Thánh trên mình, Ngài lại còn sẵn sàng để Tôma thọc bàn tay ông vào cạnh sườn Ngài giúp ông tin.

Và trải dài hơn 20 thế kỷ qua, Chúa Kitô Phục Sinh vẫn sẵn sàng tặng ban, chia sẻ Những Dấu Thánh ấy cho những ai yêu mến Chúa, khát khao được đồng cảm nên một với Ngài trong đau đớn, hiệp thông.


1. Thánh Phanxicô Assisi, vốn đẹp trai và giàu có. Song Ngài đã từ bỏ mọi tiện nghi danh vọng, chấp nhận sống nghèo để nên giống Chúa Giêsu và phục vụ những người bất hạnh ngoài xã hội. Trong một lần Ngài cầu nguyện nhiệm hiệp sốt sắng, Chúa đã in Năm Dấu Thánh của Chúa trên thân xác thánh nhân. Phanxicô liền cảm nhận nỗi đau đớn với Chúa, Ngài không ngớt ca tụng tình yêu thương của Chúa đã ân thưởng món quà qúi giá cho người Chúa yêu. Từ đó, Phanxicô đêm ngày luôn làm mọi sự vinh danh Chúa, Ngài chết trong sự khó nghèo và lành thánh của một Tu Sĩ khiêm cung.

2. Thánh linh mục Padre Piô, một tu sĩ Phanxicô khác, người Ý Đại Lợi. Năm 1918, Ngài được vinh dự Chúa cho mang Năm Dấu Thánh trên mình, nên người đời quen gọi Ngài là Cha Piô Năm Dấu. Mỗi khi dâng lễ,Cha gồng mình trong đau đớn vì giọt máu thường xuyên rỉ trên tay, khiến Ngài phải liên tục mang găng tay màu nâu. Cha hiệp thông từng giờ với hy lễ Chúa Giêsu xưa chịu trên thánh giá. Cha luôn nhìn Thánh Thể Chúa mà khóc, đôi mắt Ngài toả sáng như thiên thần. Nhiều tín hữu ái mộ, thích đến xưng tội với Cha Thánh rồi dự thánh lễ Ngài dâng. Năm 1968, Cha Piô Năm Dấu qua đời sau một thời gian dài 50 năm hy sinh vui nhận những dấu thánh của Chúa ngự trên mình Ngài.

3. Chị Matta Robin, một kitô hữu ngoan đạo tốt lành của Pháp Quốc.Năm 25 tuổi, Chị bị cơn bệnh biến chứng dạ dày, ăn uống không dễ dàng, mọi thức ăn vừa nuốt vào, không lâu sau đó đều phải nôn ra ngoài. Sức khoẻ suy giảm, vì chỉ uống nước lã qua ngày. Từ lúc không ăn không uống (28 tuổi) cho đến khi nhắm mắt lià đời (79 tuổi), Chị kéo dài cuộc sống nhờ việc Rước Thánh Thể Chúa mỗi tuần đều đặn. Chị dọn lòng sốt sắng và được Chúa Giêsu ngự vào cõi lòng Chị thường xuyên. Một ngày nọ, khi sẵn sàng rước Chúa, Bánh Thánh Thể tự dưng bay vào miệng Chị. Sau đó, Chúa ban cho Chị đặc ân được mang Năm Dấu Thánh trên mình. Matta Robin đã qua đời trong sự yêu mến và thương tiếc của mọi người trong làng.

C. “Những Dấu Thánh” đau đớn trong cuộc đời.

Mỗi người chúng ta, tuy không được diễm phúc mang Năm Dấu Thánh của Chúa, song những đau đớn tinh thần lẫn thể xác, chẳng khác gì Những Thương Tích hằn sâu trong cuộc đời mình. Đối diện với những dấu ấn đó, chúng ta thường có vẻ âm thầm chịu đựng, chấp nhận trong khả năng có thể.


1. Những thương tích trong đời sống hôn nhân: sự bất trung, ngoại tình…dẫn đến cuộc sống ly thân, ly dị giữa vợ chồng với nhau.

2. Những thương tích trong việc nuôi dưỡng con cái: trẻ lười biếng bất tuân vô giáo dục, trẻ bệnh tật kinh niên, khuyết tật bẩm sinh, trẻ hư hỏng theo bạn bè xấu…

3. Những thương tích với bạn hữu, đồng nghiệp: sự ghen tị hiểu lầm nhau, óc nghi kỵ tranh giành nhau từng miếng cơm manh áo, thực trạng bè phái chơi xấu nhau…

4. Những thương tích trong liên hệ xóm làng: tính ích kỷ của tha nhân, sự khác biệt về chủng tộc, trình độ văn hoá, hoàn cảnh giàu nghèo…khiến ta bị cô lập đơn phương.

5. Những thương tích trong chính bản thân: óc tự ti mặc cảm, tư tưởng bi quan luôn hoài nghi, thái độ thờ ơ ngại liên đới tiếp xúc…đêm ngày đè nặng ta.

Nhìn chung, những thập giá ấy, càng lê bước vác đi, càng cảm thấy đau đớn ngập tràn. Ắt hẳn, có những thương tích có thể được chữa trị dễ dàng nhanh chóng, song không thiếu “những dấu thánh” ta phải mang theo mỗi ngày trong cuộc sống.

D. Lời Nguyện kết.


Lạy Chúa Kitô Phục Sinh!

Thánh Tôma ngày xưa, đã thổn thức kêu to:“Lạy Chúa con! Lạy Thiên Chúa của con!”

Ngài bừng lên một sự thức tỉnh khi nhận ra Năm Dấu Thánh của Chúa.

Xin giúp con mạnh dạn bước đi trong niềm tin yêu nơi Chúa, biết chấp nhận Những Thương Tích cuộc đời,vui sống trong Ơn Thánh Chúa nâng đỡ và kiện toàn mỗi ngày. AMEN.



Rev. Dominic Dieu Tran, SDD.