PDA

View Full Version : DĐ - Đức Kitô Đã Cứu Độ Chúng Ta, Điều Đó Nghĩa Là Gì?



Dan Lee
03-30-2010, 10:48 PM
Đức Kitô đã cứu độ chúng ta, điều đó nghĩa là gì?

Chúng ta đang sống Tuần Thánh, tuần lễ trọng đại nhất trong năm đối với đời sống Kitô hữu: Đức Kitô đã tự hiến thân chấp nhận cuộc khổ nạn và cái chết đau thương trên thập giá để cứu độ chúng ta, hầu cho ta khỏi bị hư mất đời đời, nhưng được sống trong hạnh phúc vĩnh cửu. Vậy, chúng ta thử tìm hiểu tổng thể cuộc diễn biến đó có ý nghĩa gì.

1. Phải chăng từ „cứu độ“ hay „cứu rỗi“ là một từ ngữ xa lạ?

Suốt trong các bản văn phụng vụ chúng ta luôn gặp đi gặp lại từ „cứu độ“, „cứu chuộc“, hay „cứu rỗi“. Trong Mùa Vọng, chúng ta nói đến sự chờ đợi Đấng Cứu Thế hay Đấng Cứu Độ và trong Mùa Chay chúng ta lại đề cập tới mầu nhiệm cứu độ, sự cứu chuộc nhân loại bằng giá máu của chính Con Thiên Chúa.

Nhưng ở đây, chúng ta cũng không nên quên rằng ngày nay trong ngôn ngữ trao đổi hằng ngày, những từ ngữ thường quen thuộc trong phụng vụ đã bị lạm dụng và đã bị làm sai lạc ý nghĩa nguyên thủy của chúng vá gán cho chúng những ý nghĩa mới, nhưng chúng ta lại không để ý. Ví dụ: từ „cứu rỗi“ cũng như từ „tội lỗi“ mà chúng ta thường nghe trong khi cử hành Thánh Lễ: „Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian“, hay: „Đây là chén máu Ta, máu Tân Ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội“. Đúng thế, ý nghĩa tôn giáo của từ „tội lỗi“ đã bị biến mất, khi người ta cho rằng một người phụ nữ đã lỡ phạm phải một tội khó lòng thông cảm được là đã „làm hại đến vóc dáng mảnh mai“ của mình, vì cô đã ăn uống quá nhiều, hay: một người lái xe đã phạm tội giao thông vì đã lái quá nhanh, vì thế bằng lái của anh bị cảnh sát giao thông bấm lỗ trừ điểm, hay: một người phạm tội trốn thuê, nên bị ty thuế vụ phạt nặng, v.v... Trong khi đó, ý nghĩa của tội lỗi trước hết phải được hiểu là thái độ con người chối từ hay chống đối Thiên Chúa.

Phải chăng chúng ta, những con người tân tiến ngày nay, còn cảm nhận được rằng mình là những kẻ cần đến sự tha thứ tội lỗi và được cứu rỗi? Phải chăng tất cả chúng ta có thể xác tín cho rằng mình đang sống một cách đàng hoàng và đúng đắn, mặc dù không ít người trong chúng ta luôn đinh ninh rằng nếu vì tôi mà thôi thì Đức Kitô không cần phải chịu chết một cách đau thương như thế, có lẽ quá lắm chỉ vì những người khác, những người đang sống trong tội lỗi nặng nề mà thôi?

Nếu vậy, chúng ta cần tự hỏi mình: „Cứu rỗi“ nghĩa là gì? Và: Phải chăng tôi cũng cần phải được cứu rỗi?

Trong Thánh Kinh, sự bất khả cứu rỗi hay bất khả cứu sống của con người đã được diễn tả bằng nhiều từ ngữ và bằng nhiều hình ảnh khác nhau: chẳng hạn con người cảm nhận được sự bất khả cứu thoát của mình trong cơn đói khát, trong cảnh nô lệ, bệnh tật hay trước sự chết. Tuy nhiên, sự cùng cực về tinh thần và tâm linh còn chua xót, còn đau thương và còn giày vò lương tâm con người hơn sự cùng cực về thể xác bội phần, như: tâm trạng triền miên lo lắng sợ hãi, sự thống trị của ma quỷ, tội lỗi và những giờ phút tâm hồn đầy u sầu, khắc khoải và bất an, khi con người phạm tội bất công chống lại Thiên Chúa và loài người.

Và chính trong lúc cùng cực như thế, con người vẫn còn có lối thoát, chứ chưa phải đã rơi vào con đường cùng, đó là lúc con người cần phải can đảm và tin tưởng kêu cầu sự cứu thoát và sự tha thứ của Thiên Chúa, Đấng luôn dang rộng cánh tay như một người cha đầy lòng yêu thương đón chờ con người trở về với Người (x. Lc 15,11-32).

Và trong Cựu Ước hành động cứu rỗi của Thiên Chúa được gọi là „cứu thoát“, „cứu chuộc“, „phù trợ“, „đưa ra khỏi“ hay „giải phóng“ (khỏi cảnh tù đày và nộ lệ). Và phần Tân Ước lại tiếp nhận những tư tưởng đó của Cựu Ước.

2. Sự cứu rỗi duy chỉ đến từ một mình Thiên Chúa

Đấng Cứu Chuộc hay Đấng Cứu Thế chân chính luôn luôn chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi (x. Is 45,8). Và Thiên Chúa luôn muốn cho con người ăn năn hối cải để được sống, chứ Người tuyệt đối không hề vui khi nhìn thấy con người bị hư mất hay phải sống trong sự khốn cùng (x. Ed 18,23). Chính vì thế, ngay sau khi Nguyên Tổ phạm tội chống lại Thiên Chúa và những hậu quả tại hại của nó đã xâm nhập vào thế gian, tức: sự chết, những căng thẳng và phân rẽ giữa các phái tính, tội giết hại những người cùng ruột thịt và sự hận thù (x. St 4,8tt; 3,3.16; 4,24), thì Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Chuộc, tức Đấng sẽ đạp nát đầu con rắn (x. St 3,15).

Như thế, sự cứu rỗi đã được bắt đầu từ đó, tức lúc Thiên Chúa mặc khải cho „những kẻ phụng thờ các thần linh khác“ (Gs 24,2b) biết rằng chỉ mình Người là Thiên Chúa thật, Đấng Toàn Năng có thể cứu rỗi và ban cho con người sự sống vĩnh cửu. Trong khi đó, các thần linh giả dối hay các tà thần khác, thì hoàn toàn không thể cứu rỗi được ai và cũng không ban cho bất cứ ai sự sống chân thật. Thế nhưng con người lại thường dễ đặt hết hy vọng vào các tà thần ấy và hương khói nghi ngút trước các bàn thờ chúng.

Một dẫn chứng điển hình về Thiên Chúa cứu độ đó là việc Người đã giải thoát con cái Ít-ra-en ra khỏi nhà nô lệ Ai-cập bằng những điềm thiêng dấu lạ vĩ đại qua bàn tay người tôi trung của Người là Tổ phụ Mô-sê. Người đã trực tiếp can thiệp đưa dân tuyển chọn đi qua sa mạc để tiến vào đất hứa. Người cũng đã ban cho dân Người và các vua chúa cai trị họ quyền lực và sự phồn thịnh. Nhưng chính con cái Ít-ra-en, dân tộc Người yêu thương và tuyển chọn, lại thường cho rằng không cần có sự trợ lực của Thiên Chúa Jahwe họ cũng có thể tự tìm gặp được cuộc hạnh phúc, thịnh vượng và an bình bền lâu. Vâng, mặc dù họ đã thề hứa tuyệt đối trung thành tôn thờ một mình Jahwe mà thôi và „thực thi tất cả những gì Đức Chúa đã truyền ban cho họ“ (x.Xh 24,3), họ lại sống theo thói tục của các dân ngoại và thờ kính các tà thần của những dân này.

Bởi vậy, dân Ít-ra-en đã phải nhận thức được rằng họ đã bị thất sủng với Thiên Chúa, đã bị Người „quay lưng lại“ với họ, và điều đó có nghĩa là họ phải đối mặt với chiến tranh, bị thua trận nhục nhã, bị thống trị bởi các dân tộc khác và phải sống cuộc đời bất hạnh trong cảnh nô lệ. Nói cách khác, sự phản bội lại giao ước với Thiên Chúa Jahwe cũng tương tự như sự phản bội trong giao ước hôn nhân, là một tội lỗi, tội hủy bỏ một sự quan hệ, một giao ước mà mình đã thề hứa với người yêu mến tin tưởng.

Những điều vừa nói cũng muốn khẳng định rằng dân tuyển chọn của Thiên Chúa, dân Ít-ra-en, đã luôn luôn nhận thức được rằng việc tâm hồn họ xa lìa và chối từ Thiên Chúa là cả một tai họa, một bất hạnh và là con đường dẫn họ tới chỗ diệt vong, mà những dấu chỉ bên ngoài của sự bất hạnh đó là đau ốm bệnh tật, nghèo đói và chết chóc về thể xác. Vì thế, họ cầu mong được cứu rỗi. Và nhu cầu mong được cứu rỗi đó đã khiến toàn thể con cái Ít-ra-en chờ đợi Đấng Messias, chờ đợi Đấng Thiên Sai, từ hàng bao ngàn năm qua, và chính Đấng Thiên Sai đó đã xuất hiện hữu hình và thực tiễn trong con người Đức Giê-su Na-da-rét lịch sử. Người đã chữa lành các người đau ốm bệnh tật, cho người phong cùi được lành mạnh, cho người đói được ăn no nê. Người cũng đã cho người chết được sống lại và nhất là qua chính sự sống lại của Người, Đức Giê-su Kitô đã mang lại cho tất cả mọi người niềm hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu.

Trong khi rao giảng Nước Trời cho dân chúng, Đức Giê-su Kitô đã thương giải cứu nhiều người khỏi những đau khổ thể xác và tâm thần. Người nói với hết mọi người: „Tất cả các ngươi, những người đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta muốn bổ sức cho các ngươi“ (Mt 11,28). Nhưng là cả một sai lầm khi cho rằng sứ vụ cứu thế của Đức Kitô chủ yếu là nhằm giải thoát con người khỏi tất cả mọi khó khăn, mọi thiếu thốn và mọi đau khổ về phương diện thể xác. Thật vậy, việc Đức Kitô chữa lành cho nhiều người khỏi các thứ bệnh tật, cho người đói khát được ăn uống no nê, làm cho nhiều người đã chết được sống lại, v.v… như thế là biểu tượng cho sứ mệnh chính yếu của Người khi đến trong thế gian là giải cứu con người khỏi sự tiêu diệt đời đời do tội lỗi họ gây ra. Một biến cố mà Phúc Âm đã tường thuật lại đã chứng minh điều đó, số là khi Người dạy dỗ dân chúng, thì người ta đã mang đến cho Người một người bị bại liệt toàn thân để xin Người chữa lành. Nhưng vì đám dân chúng quá đông đúc khiến họ không sao mang người bệnh đến với Người được, người ta đã cho khoét một lỗ hổng trên mái nhà ngay chỗ Đức Giêsu ngồi và thả người bệnh nằm trên chõng xuống. Thấy họ có lòng tin mạnh mẽ như thế, Đức Kitô đã không nói với người bệnh: „Này con, con đã được chữa lành bệnh rồi“ như tất cả mọi người có mặt lúc bấy giờ chờ đợi, nhưng người đã nói: „Này con, con đã được tha tội rồi“. Và lập tức người bị bại liệt có thể đứng dậy và đi lại được (x. Mc 2,2-12).

Qua hành động đó, Đức Giêsu Kitô muốn nói cho mọi người hay rằng Người là chính Đấng Thiên Sai, là Con Thiên Chúa hằng sống; Người có quyền chữa lành mọi bệnh tật thể xác cũng như có quyền tha mọi tội lỗi nếu người tin vào Người, nghĩa là đức tin là điều kiên tiên quyết được hưởng ơn cứu độ. Nhất là đối với Người, sự tha tội, tức sự giải cứu con người ra khỏi sự nô lệ tội lỗi và quyền thống trị của ma quỷ còn quan trọng hơn sự chữa lành bệnh tật thể xác bội phần. Đó là điều thánh sử Gio-an đã viết: „Sở dĩ Con Thiên Chúa xuất hiện, là để phá hủy công việc của ma quỷ“ (1Ga 3,8b) và theo thánh Phaolô, Con Thiên Chúa đã trở nên phàm nhân để „nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức ma quỷ“ (Dt 2,14).

Nói tóm lại, trong vai trò là Đấng Thiên Sai, Đức Kitô chiến đấu chống lại cả những nỗi cùng cực thể xác, nhưng trước hết Người luôn chiến đấu không hề mệt mỏi trong công cuộc loại trừ tất cả mọi ảnh hưởng tinh thần của sự dữ và của tội lỗi, vì nỗi cùng cực thực sự của con người nằm sau trong tận trái tim, trong tận nội tâm con người.

3. Sự chết sự phục sinh của Đức Kitô là tột điểm của sự kiện cứu rỗi

Trong suốt phần Kinh Thánh Cựu Ước chúng ta luôn cảm nhận một cách rõ ràng chân lý này là Thiên chúa hằng tìm cách giải cứu con người khỏi sự bất hạnh thể xác (đói nghèo, bệnh tật, sự chết) và khỏi sự cùng khổ tinh thần (sự lầm lạc, tội lỗi). Trong Đức Kitô, công trình cứu độ đã đạt tới cao điểm của nó. Công trình cứu độ ấy đã bắt đầu với biến cố nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa hằng sống, và qua việc mặc lấy xác phàm ấy trong con người Đức Giê-su Kitô, Thiên Chúa và con người đã đi tới một sự hiệp nhất bất khả phân ly.

Vì thế, trong Thư Thánh Gio-an đã viết: „Điều vẫn có từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe… đó là Lời sự sống… và sự sống ấy, sự sống vĩnh cửu, vốn ở nơi Chúa Cha và nay đã đã xuất hiện cho chúng tôi“ (1Ga 1,1tt). Nhưng hành động cứu độ thực sự đã xảy ra qua cuộc khổ nạn thập giá: Đức Kitô đã chịu chết „vì tội lội chúng ta“. Với sự tuyên tín này, các Tông đồ đã bắt đầu loan báo tin mừng trong những năm đầu tiên sau các biến cố đã xảy ra cho Đức Kitô tại Giê-ru-sa-lem (x. 1Cr 15,3-6), và Đức Giê-su đã đổ máu mình ra để chúng ta và nhiều người khác được hưởng ơn tha tội (x. Mt 26,28) như chúng ta luôn được nghe trong Thánh Lễ.

Nhưng ở đây, chúng ta có thể tự hỏi: Tại sao Đức Kitô phải hy sinh mạng sống mình một đau đớn nhục nhã như thế để loài người chúng ta được tha tội?

Sự cứu rỗi nhân loại đòi phải được trả bằng một cái giá như chính Đức Kitô đã nói: „Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc nhiều người“ (Mc 10,45); x. 1Tm 2,6). Vâng, sự cứu rỗi đòi hỏi phải được trả lại bằng một cái giá, nhưng không phải bằng „vàng bạc“, nhưng bằng „máu châu báu của Đức Kitô“ (1Pr 1,18tt). Còn thánh Phaolô cũng nhắc nhủ các tín hữu ở Cô-rin-tô: „Thiên Chúa đã phải trả đắt mà chuộc lấy anh em“ (1Cr 6,20; 7,23).

Nhưng ở đây một câu hỏi cần phải đuợc đặt ra: „Thiên Chúa là tình yêu, nhưng tại sao Người lại không thể tha thứ cho con người bằng một lời nói đơn giản, không thể dùng lòng từ nhân mà ân xá cho con người, mà lại nhất thiết đòi hỏi phải được trả bằng một giá đắt như vậy cho sự hòa giải, và giá đắt đó là chính cái chết của Con Một Người? Phải chăng Thiên Chúa chỉ là một nhà kế toán rởm, không biết tính toán, lại còn đòi hỏi mỗi tội đã phạm phải được trả giá bằng một sự đền bù quá đắt? Thiên Chúa có thể thay vì đòi hỏi một cái chết quá đau thương của Đức Kitô, thì chỉ bằng lòng với một của lễ thiêu bình thường nào đó?

Trước khi thử đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi trên, chúng ta không nên quên rằng không ai có thể hiểu trọn vẹn được mọi đường lối của Thiên Chúa hay chỉ rõi theo sự an bài của Người bằng tư tưởng một cách lý thuyết suông mà thôi, chứ không bằng các hành động thực tiễn. Vì thế, thánh tiến sĩ Thomas Aquinô đã nói rằng chì một giọt máu châu báu của Đức Kitô cũng có thể cứu rỗi được nhân loại. Nhưng giả thử Thiên Chúa cứu chuộc con người một cách quá „đơn giản“ hay với một giá „quá rẻ“, liệu chúng ta còn có thể cảm nhận được rằng Thiên Chúa đã „quá yêu thương“ loài người chúng ta (x. Ga 3,16) và đồng thời còn cảm nhận được tội lỗi độc hại như thế nào cũng như việc tiêu diệt được nó đã đòi Thiên Chúa phải tổn hại ra sao?

Người ta cũng phải tự hỏi là đứng trước sự ngạo mạn và thách thức của tội lỗi nhân loại như thế, Thiên Chúa cần phải hành động thế nào? Phải chăng Thiên Chúa công minh phải khoan hồng ân xá cho tất cả, tức đều tỏ lòng thương xót và tha thứ cho tất cả mọi kẻ tội lỗi như nhau: các tên đao phủ cũng như các người nạn nhân (trong các trại cải tạo, trong các trại tập trung hay những nơi đày ải), hay cả những kẻ từ chối sự ăn năn hối cải?

Bởi vì, tự mình con người không thể cứu rỗi được chính mình, không thể tạo cho mình được sự hòa giải, nên chính Con Thiên Chúa phải thay thế vào vị trí con người để cứu rỗi con người và mang lại cho con người sự hòa giải. Dĩ nhiên trong sự hòa giải đó, không phải tính cách rùng rợn và nặng nề của cuộc khổ mà Đức Kitô đã phải gánh vác thay cho ta là yếu tố quyết định, nhưng tình yêu vô biên của Đức Kitô, Đấng vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật, đối với Thiên Chúa Cha cũng như đối với các anh chị em nhân loại của Người, và qua đó Người trở nên vị Trung Gian hòa giải cả hai lại với nhau, toàn thể nhân loại và Chúa Cha , và sự vâng lời của Người đối với thánh ý Chúa Cha, một sự vâng lời tuyệt đối và đã được minh chứng qua cuộc khổ nạn thập giá (x. Pl 2,8; Dt 5,8).

Nếu vì một người mà sự ác đã được thu nhập vào thế gian qua sự bất tuân phục và sự vô cảm, thì cũng nhờ một người, tức Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, sự ác lại bị tiêu diệt và con người được cải thiện. Tất cả điều đó muốn khẳng định rằng Thiên Chúa chỉ cứu rỗi con người khi con người cùng cộng tác với Người mà thôi. Thánh tiến sĩ Augustinô đã diễn tả điều đó như sau: Đấng đã dựng nên con đã không cần có con, nhưng Người không muốn cứu rỗi con, nếu không có con.

4. Các cấp độ của sự cứu rỗi

Ban ân xá cho một tội nhân có nghĩa là bãi bỏ án phạt cho người ấy, và thường vào một dịp may thuận tiện nào đó. Ví dụ: một tù nhân được thả tự do nhân dịp lễ sinh nhật của nhà vua hay lễ quốc khánh của quốc gia. Dĩ nhiên ân xá chưa hẳn là sự cứu rỗi và sự hòa giải đích thực, vì liệu người có tội được ân xá kia có thực tâm tin tưởng vào Thiên Chúa và yêu mến Người hết lòng – những điều kiện để được hòa giải và tha tội – không?

Tiếp đến, công trình cứu rỗi được hoàn tất trọn vẹn với sự sống lại toàn diện trong ngày sau hết. Trong ngày ấy, không chỉ linh hồn nhưng cả thể xác con người cũng được tham phần vào cuộc sống vĩnh cửu. Vì thể, để loại bỏ quan niệm lệch lạc của một số nhóm người chủ trương thù ghét thân xác, nhất là những người theo duy trí hay ngộ đạo chủ nghĩa (Gnostique), cho rằng tự bản chất, thể xác thì xấu xa và không thể được hiển linh cùng với linh hồn. Và hậu quả tất nhiên của chủ trương ấy là chối bỏ mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa. Họ cho rằng Thiên Chúa toàn năng và thánh thiện không thể xuống thế mặc lấy xác phàm, tức mặc lấy cái xấu xa được, và cũng vì thế không thể có sự sống lại.

Trước khi chúng ta đạt tới được mục đích của sự cứu rỗi trọn vẹn nơi Thiên Chúa, tức không phải bằng đức tin nữa, nhưng thực sự được ở trong tình trạng chiêm ngưỡng, chúng ta phải trải qua giai đoạn đức tin. Trong giai đoạn ấy chúng ta mở rộng mình ra và vươn tới thực tại tương lai, một thực mà hiện tại chúng ta đang phải tham phần vào bằng đức tin.

Đức Giê-su là Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Vì thế, nhờ vào ơn được thanh tẩy khỏi tội lỗi do cuộc khổ nạn thập giá của Đức Kitô đã mang lại, chúng ta mới có được sự kết hiệp mật thiết và tâm linh với Đấng Phục Sinh, đến nỗi qua đó ngay bây giờ chúng ta đã thực sự có thể vượt qua được cái chết về tâm linh, tức thực sự được cứu rỗi trong đức tin, mặc dù chúng ta chưa được hạnh phúc bước vào tình trạng chiêm ngưỡng Thiên Chúa nhãn tiền.

(Suy niệm Tuần Thánh 2010)

Lm Nguyễn Hữu Thy