PDA

View Full Version : S - Suy Niệm Lời Chúa, Chúa nhật V Mùa Chay, năm C



Dan Lee
03-19-2010, 10:25 PM
Suy Niệm Lời Chúa, Chúa nhật V Mùa Chay, năm C


Kính thưa qúi ông bà anh chị em, các bạn trẻ thân mến. Đã Có rất nhiều người thành công trên trường đời, qua việc học hành, hay trong công việc làm ăn, nhờ họ xác định được mục đích, để rồi họ nỗ lực quyết tâm đạt cho bằng được điều họ mong ước, cho dẫu gặp khó khăn gian khổ cũng không làm họ nản chí sờn lòng.

Hôm nay trong bài đọc hai, chúng ta cũng thấy một người quyết chí đạt cho bằng được mục đích tối hậu mà không có một mãnh lực nào ngăn cản được; đó là thánh Phaolô, đích điểm nhắm tới của ngài là Đức Ki-tô, vì Đức Ki-tô mà ngài dám đánh đổi tất cả để chiếm cho bằng được. Mọi sự trên đời ngài coi như rác rưởi, coi như là phân bón so với mối lợi tuyệt hảo là chính Đức Kitô. Với một sự xác tín mạnh mẽ vào Đức Kitô và được Ngài cảm hoá, nên thánh Phaolô đã bất chấp mọi gian khổ, đói khát, đòn vọt, tù đày, kể cả cái chết, không có gì có thể tách Thánh nhân ra khỏi lòng mến Đức Kitô.

Nếu mỗi người trong chúng ta có được sự xác tín vào Đức Ki-tô như thánh Phaolô, thì chắc chắn chúng ta cũng có một sự xác tín tuyệt vời như ngài: “Tôi thâm tín rằng: sự chết hay sự sống, dù thiên thần thiên phủ, dù hiện tại tương lai, hay hiểm nguy, hay dù là muôn chiều sâu, dù là muôn chiều cao, dù là ai bất cứ trên trần gian, không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô.”

Qua bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy, Chúa Giêsu đứng trước một cạm bẫy nguy hiểm, câu hỏi mà người ta đặt ra cho Ngài; câu hỏi theo dạng trắc nghiệm, bắt người trả lời, chọn một trong hai: yes or no. Bẫy gài thật nguy hiểm, tương tự như một lần họ hỏi Ngài: “Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da không?” (Mt 22,17). Nhưng Ngài đã thoát khỏi cạm bẫy ấy một cách dễ dàng: “Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” ( Mt 22,21).

Nhưng cạm bẫy lần này thuộc lãnh vực tôn giáo: “Thưa thầy, người đàn bà này bị bắt qủa tang đang ngoại tình. Trong luật Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”. Một sự tố cáo xem ra rất bất công, bất công ở chỗ nào? Bất công ở chỗ, họ cáo người đàn bà này ngoại tình nhưng mà bà ta ngoại tình với ai mới được chứ? Còn người đàn ông đâu rồi? Có phải là họ bao che cho người đàn ông đó hay không? Bẫy gài nguy hiểm cùng với những bộ mặt hùng hổ, chỉ chờ câu trả lời xong là các hòn đá sẽ được tung ra. Nhưng câu trả lời của Chúa Giê-su đã bắt họ nhìn lại chính bản thân mình: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Chúa Giê-su chấp thuận cho họ ném đá nhưng với điều kiện; họ phải nhìn vào con người của họ trước đã, rồi mới kết án người khác. Ai ngờ đâu, trước lời mời gọi này, kẻ cao niên thì lại rút lui trước, rồi từ từ tất cả đi theo. Có lẽ, họ xấu hổ vì mình chẳng tốt lành hơn người đàn bà đó, có khi còn ghê gớm hơn nữa, chẳng qua là dưới con mắt trần thế không ai thấy, nhưng làm sao lọt qua mắt của Thiên Chúa được. Quả thật Chúa Giêsu là một Vị Quan Án từ ái, khoan nhân và tài ba lỗi lạc.

Hình ảnh những người Biệt Phái, Pharisêu trong vụ án ném đá xưa, kể ra họ cũng còn nhận ra tình trạng con người của họ, nhưng ngày hôm nay biết bao người hùng hổ lên án người này, người kia mà không nhìn lại chính mình; họ lên án trực tiếp đối phương, lên án qua báo chí, sách vở, đài truyền thanh, TV. Họ lên án cho bằng được, đâu cần thỉnh ý Chúa để Ngài cho câu trả lời trước khi họ hành động.

Ôi thôi, con người trước mặt Chúa ai cũng đầy tội lỗi, khuyết điểm, chẳng qua là mình không chịu nhìn thẳng vào con người của mình, mà chỉ nhìn vào đối phương để vạch lá tìm sâu, bới móc rác rưởi; trong mình có khi cả một đống rác dơ bẩn, ngổn ngang mà mình không thấy.

Sứ điệp Lời Chúa tuần này: với câu hỏi của Chúa Giê-su cho các Kinh Sư và những người Pha-ri-sêu xưa, thì ngày hôm nay Ngài vẫn hỏi mỗi người chúng ta: “Ai cảm thấy mình sạch tội thì cứ lên án những người khác”. Phải chăng, trước những hành động, chúng ta chịu dừng lại một chút để suy nghĩ về câu hỏi của Chúa Giê-su trước khi lên án ai.

Với thánh Phaolô, ngài chỉ muốn chiếm đoạt cho bằng được Đức Ki-tô, như lời của Thánh nhân xác tín: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, thua lỗ, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác rưởi, phân bón, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người”. Pl 3,8-9). Xin cho chúng con noi gương ngài, để cuộc đời chúng con chỉ một mực hướng về Thiên Chúa và mong ước chọn Ngài làm gia nghiệp muôn đời. Amen.

Lm Phaolô Cao Thế Bình, SDD