PDA

View Full Version : Hết thảy các pháp đều lấy thân làm gốc



gioidinhhue
03-13-2010, 06:18 AM
Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên

Quyển 3

Phần 3

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Minh Tiến & Huệ Trang



555. Thư trả lời cư sĩ Châu Trần Huệ Tịnh



Nhận được thư, biết bà tu trì tinh tấn, thệ nguyện rộng lớn, tôi vui mừng, an ủi đến tột bậc. Nói tới giáo hóa người khác thì chính mình cần phải dốc sức nương theo pháp mà tu trì, chứ chẳng phải chỉ chuyên nói xuông. Hết thảy các pháp đều lấy thân làm gốc; như chính mình phụng sự cha mẹ ruột, bố mẹ chồng đều trọn hết lòng hiếu thảo, đối đãi với anh em trai, chị em ruột, chị em dâu đều bằng tấm lòng nhường nhịn, yêu thương, mềm mỏng, hòa hoãn, khuyên nhau làm lành, nhắc nhở nhau sửa lỗi. Đối với chồng mình ắt phải cung kính, khuyên chồng làm lành, sửa lỗi, giữ gìn lễ pháp cẩn thận, đừng nên vì vợ chồng quá mức thân thiết mà buông tuồng không giữ lễ nghi đến nỗi kỷ cương gia đình lỏng lẻo, con cái không có cái để làm gương noi theo! Đừng buông thả cho con cái, cháu chắt v.v… quen tánh. Lúc chúng vừa mới hiểu biết, liền nói với chúng về đạo lý làm người, như hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ v.v… và nhân quả báo ứng. Từ thuở bé đã biết những đạo lý này thì khi lớn lên chúng sẽ trọn chẳng dám làm những chuyện sai trái, gian dối, vượt lễ, quá phận.

Thế đạo hiện thời bại hoại đến như thế này, nói chung là do những kẻ làm mẹ trong cõi đời chỉ biết yêu thương con cái, chẳng biết dạy chúng thành hiền, thành thiện mà ra! Công đức dạy dỗ con cái cực lớn. Tội lỗi không dạy dỗ con cái cũng cực lớn! Hàng nữ nhân giúp chồng dạy con chính là sẽ có thể làm cho thiên hạ thái bình, nhân dân yên vui. Trách nhiệm giúp chồng dạy con của nữ giới cực lớn! Nếu bà có thể chân thật làm được như thế thì những phụ nữ quen biết bà sẽ đều nhìn theo bắt chước làm lành. Bà lại còn chịu dựa theo pháp môn Tịnh Độ [là pháp môn] đơn giản, nhanh chóng nhất do đức Phật đã dạy để khuyên nhủ họ, tâm họ sẽ tự nhiên cảm động, nghe theo lời bà. Nhưng muốn cho họ tin tưởng Phật pháp, trước hết bà hãy khuyên họ trọn hết luân thường đạo lý.

Nữ nhân có chuyện khổ sở lớn nhất là sanh sản; phải khuyên họ kiêng giết, ăn chay. Nếu chẳng thể tự do [ăn chay theo ý muốn] thì hãy nên bớt ăn mặn. Đừng nhất loạt vì không thể ăn chay rồi tận lực ăn mặn. Hằng ngày sáng tối tùy theo khả năng của chính mình, hãy đối trước tượng Phật lễ bái, niệm chừng đó câu Phật hiệu, nếu không có bàn thờ Phật thì hướng về phía Tây lễ bái cũng được, bởi lẽ nữ nhân trẻ tuổi không có quyền tự do [dành nhiều thời gian tu tập theo ý muốn]. Ngoài ra thì hễ mỗi khi thuận tiện đều niệm, cũng như mỗi ngày niệm Quán Thế Âm Bồ Tát chừng đó tiếng. Chỉ cần chí thành niệm là được, chứ không cần [bày vẽ] bề ngoài. Làm được như thế thì nghiệp đời trước lẫn nghiệp đời này sẽ đều tiêu diệt. Lúc sanh nở, quyết chẳng bị khổ sở! Như khi có thai, hãy nên thường giữ tấm lòng lành, thường niệm Phật hiệu, đừng ăn đồ mặn tanh tưởi, tự nhiên con cái sanh ra đều hiền thiện. Đến khi sanh nở, càng phải chí thành niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Phàm những người săn sóc sản phụ trong phòng sanh đều niệm cho người ấy thì [sản phụ] chắc chắn sẽ sanh nở không đau khổ. Đã thế, chính sản phụ và đứa con vừa được sanh ra sẽ đều gieo đại thiện căn.

Có kẻ chẳng hiểu lý bảo: “Lúc sanh nở lõa lồ, bất tịnh, niệm sẽ mắc tội!” Đấy là chấp lý hẹp hòi, chẳng biết tới đạo “Lý biến đổi theo Sự”! So với lòng cha mẹ quan tâm đến con cái, Phật, Bồ Tát coi chúng sanh còn thân thiết hơn rất nhiều! Ví như con cái té vào lửa, nước, cầu cha mẹ cứu vớt, cha mẹ liền đến cứu ngay, quyết chẳng vì [con cái] mũ áo không chỉnh tề, thân thể chẳng sạch sẽ mà không cứu. Tôi đã bế quan, những thư từ bên ngoài nhất loạt chẳng trả lời. Do bà có tâm muốn độ người, nếu chẳng biết những điều mấu chốt, quan trọng, chắc là [người khác] sẽ chẳng chịu nghe theo. Do vậy, tôi đem những điều quan hệ nhất, dễ gây lòng tin nhất cho nữ giới để nói với bà hòng giúp bà khuyên người khác ăn chay, niệm Phật.

Hơn nữa, thế đạo hiện thời là thế đạo hoạn nạn. Nếu chịu chí thành niệm Phật, chắc chắn sẽ được Phật âm thầm gia bị khiến chẳng bị nguy hiểm. Phàm ai bị bệnh tật hoặc gặp chuyện xấu, tai họa, hoặc cầu con cái, đều nên chí thành niệm Phật, quyết định sẽ được như nguyện. Đối với công khóa thì tùy theo khả năng của bà, tôi cũng chẳng thể chỉ dạy riêng [bà nhất định phải làm như thế nào]; nhưng cần phải lấy chí thành, cung kính làm căn bản. Cần phải sanh lòng tin chân thật, phát nguyện thiết tha niệm Phật. Chớ nên có đủ mọi tâm niệm, trừ niệm sáu chữ ấy ra, trọn chẳng có một niệm nào khác trong lòng nữa (tức là niệm Phật trong tâm). Lại cần phải từng câu, từng chữ niệm cho rõ ràng, nghe cho rõ ràng, lâu ngày chầy tháng tâm sẽ tương ứng với Phật.

Nếu bà nói: “Tự tâm làm Phật, cho nên Phật tâm ấy sẽ độ tự tâm, ta chính là Phật, Phật chính là tâm, tâm chính là Phật”, bậc thượng nói những lời lẽ ấy thì mới có ích, chứ hạng hạ [mà cũng học đòi ăn nói như thế] sẽ mắc lỗi. Chớ nên chú trọng nơi chuyện ấy! Nếu chú trọng nơi ấy, chắc sẽ sanh lòng đại ngã mạn, bảo: “Ta chính là Phật, cần gì phải niệm Phật?” Cần biết rằng: Do tâm chính là Phật nên đức Phật dạy con người niệm Phật! Nếu tâm hoàn toàn chẳng phù hợp với Phật, như băng giá chẳng thể bỏ vào lò để chưng luyện được [thì Phật đã chẳng dạy con người niệm Phật]! Do bản thể của cái tâm ấy chẳng khác với Phật, cho nên đức Phật dạy con người niệm Phật, dùng lửa trí huệ từ sức thần thông, oai đức của Phật để chưng luyện Phật tâm đang bị xen tạp phiền não Hoặc nghiệp của phàm phu, ngõ hầu phiền não Hoặc nghiệp ấy đều bị tiêu diệt, rơi rớt tứ tán, chỉ còn giữ lại cái tâm thanh tịnh thuần chân thì mới có thể bảo: “Tâm tức Phật, Phật tức tâm”. Chưa đạt đến địa vị ấy [dẫu có nói “Tự tâm làm Phật, tâm Phật này độ tự tâm, ta chính là Phật, Phật chính là tâm, tâm chính là Phật”] thì chẳng qua là dạy về thể tánh [của cái tâm] mà thôi! Nếu luận về Tướng (sự tướng) và Dụng (lực dụng) thì đều hoàn toàn chẳng phải!

Tâm đức Phật như vàng đã tách khỏi quặng; tâm chúng ta như vàng còn nằm trong quặng, tuy có thể tánh của vàng, trọn chẳng có công năng của vàng. Do vậy, vì “tự tâm là Phật” nên càng cần phải sốt sắng niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Kẻ ngu chẳng biết nghĩa này, nếu không “đề cao thánh cảnh, nhưng tự ở trong địa vị phàm ngu” thì cũng chấp lý phế sự, bảo xằng là đã chứng đạo! Học vấn của bà vẫn chưa thông suốt lắm. Hãy nên dựa theo Gia Ngôn Lục để tu trì, sẽ bảo đảm không có chuyện đọa trong tà ma, ngoại đạo. Nếu có sách ấy thì tốt. Nếu không, hãy hỏi tìm từ nơi [Châu] Mạnh Do, chắc chắn ông ta hãy còn.

Quang đã bảy mươi tuổi rồi, tháng ngày chẳng còn mấy! Vì thế, cự tuyệt hết thảy để chuyên bế quan. Phúc đáp [thư bà] lần này là phương tiện đặc biệt. Từ nay chỉ nên chiếu theo những gì Gia Ngôn Lục, Văn Sao đã nói để chân thật tu trì là được rồi, chẳng cần phải gởi thư tới nữa! Trong Gia Ngôn Lục, phàm tất cả những pháp tắc tu trì đều đã nói rõ. Chuyên tu Tịnh Độ thì cần gì phải thỉnh khai thị nhiều lần? Dẫu có thỉnh hỏi thì những gì tôi sẽ nói cũng chẳng ra ngoài những điều đã được nói trong cuốn sách ấy đâu! a
http://www.niemphat.net/Luan/aqvstambien/aqvstambien15.htm

gioidinhhue
03-13-2010, 06:45 AM
Chớ nên “nhổ mạ để giúp cho nó mau lớn!

558. Thư trả lời cư sĩ Niệm Phật



Nhận được thư cho biết ông “quyết ý muốn vãng sanh trong năm nay”. Chớ nên chấp trước ý kiến ấy! Hễ chấp sẽ thành bệnh, hoặc đến nỗi có ma sự! Người niệm Phật hãy nên giữ tấm lòng “được vãng sanh ngay trong đời này”. Nếu báo thân chưa mãn thì cũng chỉ tùy duyên. Nếu định kỳ hạn mong muốn vãng sanh mà công phu đã thành thục, cố nhiên chẳng trở ngại gì. Nếu không, chỉ riêng cái tâm mong cầu ấy đã là cái gốc để thành ma rồi! Nếu vọng niệm ấy kết thành một khối chẳng tháo gỡ được, sẽ nguy hiểm chẳng thể nào nói nổi! “Cho đến hết tuổi thọ, gieo tấm lòng Thành” chính là đạo chúng ta nên tuân giữ. “Diệt thọ thủ chứng” (diệt trừ thọ mạng để mong chứng đắc) quả thật là lời lẽ bị Giới kinh quở trách sâu xa (Bài kệ cuối kinh Phạm Võng có đoạn: “Kế ngã chấp trước giả, bất năng sanh thị pháp, diệt thọ thủ chứng giả, diệc phi hạ chủng xứ” (kẻ chấp trước nơi Ngã, chẳng sanh được pháp này; diệt thọ mong chứng đắc, cũng không gieo giống được)[3]. Chỉ nên trọn hết lòng kính, lòng thành để cầu mau được vãng sanh; chớ nên mong muốn được vãng sanh đúng như kỳ hạn [theo ý ta] đã định.

Người học đạo tâm chớ nên thiên chấp. Hễ thiên chấp sẽ đến nỗi mất trí điên cuồng; chẳng những vô ích mà còn bị hại! Nếu tịnh nghiệp chín muồi, vãng sanh ngay bữa nay càng tốt. Nếu chưa chín muồi mà cứ muốn được vãng sanh ngay, sẽ trở thành “nhổ mạ để giúp cho nó mau lớn!” Thật sợ rằng hễ ma sự dấy lên, chẳng những chính mình không thể vãng sanh được, mà còn khiến cho kẻ vô tri đều lui sụt tín tâm, bảo là: “Niệm Phật tổn hại vô ích!” Như ông X… nọ là tấm gương tầy đình, mối hại ấy quả thật chẳng nông cạn vậy! Xin hãy đem cái tâm quyết định [mong được vãng sanh] đúng kỳ hạn ấy đổi thành cái tâm “chỉ mong mau được vãng sanh’. Dẫu không được vãng sanh [mau chóng], cũng chẳng áy náy gì, chỉ chí thành chí kính để mong khi hết báo thân sẽ được vãng sanh thì không bị vọng niệm bộp chộp vón cục lại [trong tâm] đến nỗi mắc họa chuốc lấy ma sự!

Trong thế đạo hiện thời, ai nấy chỉ đành trọn hết tấm lòng, còn cát - hung, họa - phước trong tương lai chẳng thể nào dự đoán được! Nếu có thể kiền thành niệm Phật, niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, sẽ có chuyển biến ngấm ngầm, chẳng đến nỗi bị nguy hiểm lớn lao. Nếu chẳng dốc sức nơi việc này, dẫu có dốc cạn mưu mô thì cũng khó thể đạt được hiệu quả tốt đẹp vì thời cuộc biến huyễn chẳng thể nào dự liệu được! Những kẻ vinh quý hách dịch một thời mấy chốc sẽ tiêu diệt chẳng còn, huống là bọn ta ư? Khổng Tử nói: “Bất tri mạng, vô dĩ vi quân tử dã” (chẳng biết mạng, chẳng phải là quân tử vậy). Nhưng vẫn phải do cực lực tu trì thì mới nói đến Mạng được! Nếu lười nhác, biếng trễ, mặc sức ngả theo tánh tình ươn hèn thì được hay mất đều chẳng phải là do Mạng vậy!



559. Thư trả lời cư sĩ Trí Chánh (thư thứ nhất)



Nhận được thư đầy đủ. Lợi ích trong Phật pháp chỉ có người đích thân nhận lãnh mới biết được. Giặc cướp chẳng vào nhà ông. Trong khi lệnh từ (mẹ) bất tỉnh nhân sự, trong tâm vẫn có thể niệm Phật, ngón tay vẫn lần chuỗi; đấy quả thật là do thiện căn đời trước và do sự tu trì trong đời này cảm thành. Hãy nên thường nói những cảnh vui nơi Tịnh Độ và mọi cảnh khổ trong cõi Sa Bà khiến cho cụ sanh lòng tin phát nguyện, quyết định cầu sanh Tây Phương, tâm chẳng còn một niệm mong cầu phước báo trời người trong đời sau. Hằng ngày hãy cùng với quyến thuộc gắng hết sức trợ niệm [cho cụ] giống như [cách thức cả nhà thay phiên trợ niệm cho mẹ] trong lá thư gởi cho quan Đạo Doãn Hoàng Hàm Chi trong bộ Văn Sao thì chắc chắn cụ sẽ được vãng sanh Tây Phương. Làm con báo ân cha mẹ, chỉ có chuyện này là lớn. Xin hãy nỗ lực thực hiện, ngõ hầu vợ con, anh em trai, chị em gái đều hành như thế. Cái gọi là “độ chúng sanh” cũng ở nơi ấy, mà đôn đốc luân thường cũng nằm tại đấy; còn với những điều khác thì hãy đọc kỹ Văn Sao. Ông Từ [Tử Hỗn] bị ma dựa là do tà - chánh chẳng phân, coi tà là chánh, tưởng chánh là tà mà ra. Nếu có thể y theo lời Quang nói, [ma sự] sẽ tự mau tiêu diệt. Xin hãy chuyển lời và chỉ bày lợi - hại cặn kẽ, ngõ hầu ông ta sẽ dẹp được tà ma, đạt được lợi ích chân thật!



560. Thư trả lời cư sĩ Trí Chánh (thư thứ hai)



Những gì ông đã nói chính là bệnh chung của hết thảy mọi người. Muốn trị bệnh ấy nếu không tưởng niệm cảnh khổ sẽ không xong! Kinh dạy: “Nghĩ tới nỗi khổ trong địa ngục, phát Bồ Đề tâm”, nhưng do chưa từng đích thân trông thấy sự khổ trong địa ngục, kẻ thiếu thiện căn vẫn chưa thể nhanh chóng phát tâm xa lìa, tránh né được! Thiết yếu nhất là hãy tưởng lúc quân đội hai bên giao chiến: Tiếng đại bác rền như sấm, đạn bay như mưa, phi cơ ném bom bên trên, địa lôi (mìn) ở dưới cùng lúc nổ rền thì quân đội đôi bên đều tan thân nát xương, bắn tung tóe theo mảnh đạn pháo, hóa thành chẳng còn gì! Ta cũng đích thân dự vào trong ấy; nhưng ngay trong lúc sắp phát nổ hay chưa nổ, còn biết chú trọng niệm Phật cầu sanh. Lúc ấy hoảng sợ muôn phần, nhưng các sĩ quan chỉ huy đều cầm vũ khí, chẳng dám lười nhác chút nào, hễ lười sẽ phải chết ngay. Lúc ấy trọn chẳng đến nỗi bị sự vụ buộc ràng, bị lòng sợ hãi gây trở ngại khiến cho chẳng thể niệm Phật được! Thứ cảnh giới ấy chẳng bằng được một phần vạn [nỗi khổ] trong địa ngục, nhưng do tâm lực phàm phu có thể nghĩ tưởng được [cảnh đáng sợ ấy, nên dạy họ nghĩ tưởng cảnh chiến tranh]. Khi nghĩ đến sẽ run sợ, [cảm thấy] rét thấu xương, lông trên thân dựng đứng lên hết như đích thân mình đã từng trải [cảnh ấy] vậy. Ông lười nhác là do chẳng xét kỹ nỗi khổ trong đời vị lai. Nếu suy nghĩ tường tận, sẽ trọn chẳng đến nỗi lười nhác lâu dài.

Còn như [ông than thở] bị sự việc lôi kéo, đấy cũng là cách nói lấp liếm thói hờ hững, hời hợt, chứ đâu phải là thật tình! Nay tôi nêu một thí dụ: Như đứa con hiếu thảo nghĩ đến cha mẹ, tuy phải thù tiếp cả trăm chuyện với người khác, trong tâm vẫn thường có ý niệm nghĩ đến cha mẹ, chẳng thể tạm quên. Lại như kẻ tham dâm thường nghĩ đến gái đẹp; tuy suốt ngày luôn bận việc, nhưng cái tâm mơ tưởng gái đẹp chẳng thể quên mất một khắc nào! Nếu ông có thể giống như kẻ lâm trận muốn thoát khổ, như đứa con hiếu nghĩ đến cha mẹ, như gã dâm say đắm phụ nữ thì trong hết thảy thời, hết thảy chỗ đều có thể niệm Phật chẳng gián đoạn. Những thứ pháp tắc khác trong Văn Sao đều có đủ, chỉ nên đọc kỹ, suy nghĩ cặn kẽ sẽ hiểu được, cho nên không nói nhiều nữa!

http://www.niemphat.net/Luan/aqvstambien/aqvstambien15.htm