PDA

View Full Version : - Thống hối



Dan Lee
03-04-2010, 10:25 PM
THỐNG HỐI

Vừa viết xong bài “Biến hình”, tôi còn đang nấn ná ngồi đối diện computer suy nghĩ vẩn vơ thì Yahoo mail báo có thư. Thì ra một người bạn ở Mỹ gửi cho tôi 34 trong số “100 bức hình làm thay đổi thế giới”. Những tấm hình anh bạn tôi gửi về hầu hết đều là hình ảnh của thiên tai (động đất, sóng thần, bão lụt…), nhân tai (chiến tranh, khủng bố, tàn sát, diệt chủng…). Tẩn mẩn mở xem, đến tấm hình có chú thich “4 tháng 6 năm 1962. Căn cứ thủy Puerto Kabello. Lính bắn t** gục ngã trên tay cha đạo”, thì khựng lại. Tôi không hiểu “Lính bắn t**…” mang ý nghĩa thế nào, nhưng hiểu được ý nghĩa chung của tấm hình : “Người lính bị bắn, gục ngã trên tay vị linh mục, vào ngày 4/6/1962 tại căn cứ thuỷ quân Puerto Kabello”.


T

Sở dĩ tôi khựng lại vì hình ảnh 2 biểu tượng đối nghịch nhau lại gắn chặt vào nhau trên cùng một tấm hình : một biểu tượng của chiến tranh (người lính với trang bị vũ khí tận răng) quỵ ngã và được một biểu tượng của hoà bình, hoà giải (vị linh mục) đưa hai tay nâng đỡ. Mấy tấm hình khác thì có ghi tên tác giả, nhưng tấm hình này không thấy. Có thể đây chỉ là một sự ngẫu nhiên, người lính bị bắn nhưng chưa chết ngay, lết trên đường thì vừa may vị linh mục chạy tới kịp, người lính quỵ ngã trên tay ngài và người ta đã nhanh tay chụp được hình. Nếu chỉ nhìn tấm hình với góc độ bình thường, thì cũng chỉ thấy được tính nhân đạo trong hành vi cứu người của vị linh mục. Nhưng nếu nhìn sâu hơn ở góc độ triết lý thì lại thấy nảy ra ý nghĩa “chiến tranh (người lính) cuối cùng cũng bị khuất phục bởi tinh thần hoà giải, hoà bình (vị linh mục)”. Riêng tôi, vì đang là lúc “nhìn vách” (diện bích) nên dù không muốn, tư duy cũng vẫn xui khiến nghĩ đến tôn giáo : Hình ảnh một người biết mình sắp chết chạy đến với vị linh mục trong tư thế ăn năn, sám hối, nài xin một sự cứu vớt và giải thoát. Có suy nghĩ này vì thực sự trong đầu tôi, từ đầu năm Canh Dần tới giờ, lúc nào cũng đắm chìm trong tư duy “Mùa Chay – mùa sám hối và hoà giải”.

Sở dĩ tôi nói người lính sắp chết chạy tới với vị linh mục, vì tôi thấy tay phải người lính vẫn còn đưa lên ôm lấy tay vị linh mục. Đặt giả thử người lính chết rồi thì hai cánh tay phải rũ xuống, chớ không thể đưa lên như vậy được. Vậy là vẫn còn hy vọng được lãnh nhận ơn cứu độ của Đức Giê-su Ki-tô thông qua vị linh mục. Ông bạn tai quái của tôi lật ngược vấn đề : – Thế ngộ nhỡ người lính ấy chưa chịu phép Thánh tẩy, chưa biết Chúa thì sao ? – Thì cũng vẫn được Chúa xót thương và ân giải. Tại sao ư ? Đến như kẻ đánh đòn, đóng đinh giết Chúa, mà Chúa vẫn xá giải (“Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” – Lc 23, 34), huống hồ đây chỉ là một con chiên lạc biết quay đầu trở về với chủ, mà chiên lạc thì "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?” (Lc 15, 4). – Thế ngộ nhỡ người lính ấy không có ý định sám hối, ăn năn, ngộ nhỡ…. – Thôi, xin đừng “ngộ nhỡ” nữa, cứ “ngộ nhỡ” hoài, ngộ nhỡ tôi lỡ miệng, bạn lại phang cho một cái thì khổ. Ở đây chúng ta chỉ có một tấm hình bất động, một tấm hình chết, rồi nhìn vào đó mà đưa ra những giả thiết, những suy đoán này nọ. Chúng ta không phải là người lính, cũng không phải là vị linh mục trong hình, như vậy, mọi giả thiết đều có thể đúng và cũng có thể sai. Tuy nhiên, chúng ta không tìm hiểu sự thật đằng sau tấm hình, mà là – với lăng kính “Mùa Chay” – chúng ta thử tìm hiểu xem tấm hình đó nói lên (với chúng ta, tất nhiên) điều gì. Vậy thôi.

Đọc bài Tin Mừng CN III/MC (Lc 13, 1-9), rồi lại nhìn vào tấm ảnh, tôi cứ tự cho mình là người lính và một câu hỏi bật lên : “Như vậy thì có quá muộn không ?”. Và tự trả lời : Muộn thì có muộn, nhưng “muộn còn hơn không”. Đúng thế thật ! Bởi từ trước tới nay, tôi vẫn cứ tự ru mình : Nhờ Chúa thương (!) mình vẫn còn khoẻ, vậy thì cứ an an tự tại mà sống. Lo chi cho mệt. Đợi khi nào suy yếu, lúc đó dọn mình sám hối vẫn còn kịp. Ấy đấy ! Con người mà ! Con người với đủ “thất tình lục dục” nó vốn dĩ như vậy. Lúc nào cũng “nước chưa đến chân, chưa nhảy”, “chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ”. Và có lẽ cũng chính vì thế, nên Đức Giê-su 2 lần lặp lại : “Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy." (Lc 13, 5), và Người còn nhấn mạnh thêm bằng dụ ngôn cây vả.
Có thể những người Ga-li-lê biết trước được Phi-la-tô sẽ hạ lệnh giết mình, nhưng những người ở tháp Si-lô-ác (cũng như ở tháp đôi bên Mỹ ngày 11/9/2001) đâu có biết trước tháp sẽ đổ, sẽ bị đánh bom sập, và thế là … như “Người đàn ông đang rơi từ Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York, Mỹ - 2001” trong tấm hình sau (tác giả : Richard Drew), thì lúc đó còn có thể sám hối kịp hay không ?


http://thanhlinh.net/baivo/2010/HinhAnh/ThongHOi_clip_image004.jpg

Câu trả lời đã quá rõ : Trong tư thế cắm đầu xuống đất ở một chiều cao khủng khiếp của toà tháp đôi, thì… hết biết. Vâng, và vì thế đừng chờ “nước đến chân rồi mới nhảy”, mà cần phải biết sám hối và sám hối ngay, đừng chần chờ nữa. Sám hối để hoà giải, hoà giải với Thiên Chúa, hoà giải với anh em, không thể khác hơn. Và chỉ có như thế mới hy vọng biến đổi (canh tân) được con người. Nói cách khác, chưa sám hối thì đừng vội nói canh tân, muốn canh tân tất yếu phải sám hối. Thẳng thắn mà nói, ngay từ khi con người phạm tội, bị tội thống trị, thì cùng lúc đánh mất mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, đồng thời cũng đánh mất sự hài hoà trong chính bản thân mình và làm đổ vỡ mối tương quan hài hoà giữa con người với nhau và với cả thiên nhiên vạn vật. Vậy thì hãy nhìn lại mình để thấy rõ được là “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi” tự đánh mất những mối tương quan tốt đẹp trong vườn địa đàng, đừng đổ thừa tại Chúa thế này thế nọ.

Tôi thì tôi cứ nghĩ làm hoà với Thiên Chúa thì cũng rất dễ mà lại rất khó. Rất dễ bởi vì Thiên Chúa luôn luôn muốn hoà giải với con người, Người đã đi bước trước trong công cuộc hoà giải này khi sai Con Một xuống thế, gánh lấy tội lỗi loài người và chịu chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại. Chính Đức Giê-su Ki-tô, “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5,21), đã vâng lệnh Chúa Cha thực hiện công cuộc hoà giải này. Chính nhờ Đức Ki-tô và “Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người” (2Cr 5,19). Nhưng làm hoà với Thiên Chúa cũng rất khó, vì muốn làm hoà với Thiên Chúa, trước hết “Hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,24). Nói cách khác, muốn hoà giải với Thiên Chúa thì tiên vàn phải hoà giải với anh em. Mà hoà giải với anh em thì… hãy đợi đấy ! … khó khăn vô cùng. Tôi không bi thảm hoá vấn đề đâu, xin mời xem tiếp tấm ảnh này :


http://thanhlinh.net/baivo/2010/HinhAnh/ThongHOi_clip_image006.jpg

Tấm ảnh được chụp bởi Lawrence Beitler, miêu tả cảnh 2 nô lệ da đen bị hành hình trước 10,000 người da trắng vì tội cưỡng hiếp 1 phụ nữ da trắng và giết chết bạn trai cô ta. Cứ nghĩ đây phải là cảnh xảy ra cách nay vài ngàn năm như cảnh hai tên trộm cướp bị đóng đinh hai bên Chúa Giê-su, không ngờ đây lại là cảnh xảy ra vào thế kỷ XX (năm 1930). Mặc dù 2 người (chớ không phải 2 con vật) này mắc trọng tội, nhưng cứ nhìn khuôn mặt hả hê của đám đông, tôi lại thấy xót xa cho… tinh thần hoà giải của con người. Khó lắm để hoà giải được với nhau thực sự, ngoài những khẩu hiệu, những biểu ngữ và những lời hô hào kêu gọi, lúc nào cũng sẵn sàng bung ra. Nếu chẳng như thế, thì Thánh Phao-lô đã chẳng tha thiết nài xin : “Nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà cùng Thiên Chúa” (2Cr 5,20); mà muốn làm hòa với Thiên Chúa, thì “Người ấy phải lấy lòng hiền hoà mà giáo dục những kẻ chống đối: biết đâu Thiên Chúa lại chẳng ban cho họ ơn sám hối để nhận biết chân lý” (2Tm 2, 25).
Vâng, và chính vì thế, vì muốn làm hoà với Thiên Chúa, thì trước hết phải biết tự làm hoà với chính mình và làm hoà với anh em. Làm hoà với chính mình thì chắc chắn sẽ gặp sự đối kháng giữa hai kẻ thù không đội trời chung nhưng lại cùng ở chung trong tâm địa con người – “cốt cách của một vị thánh nhân + cốt cách của một tên đại bợm”. Đó cũng chính là lý do khiến người ta hay nại cớ này cớ nọ để từ chối sự hoà giải, để biện cớ khất lần khi bước vào toà hoà giải, mặc dù cũng đấm ngực thình thịch “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”, cũng ngoẹo đầu méo miệng rất trơn tru “mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự. Con dốc lòng chừa cải…”. Đọc Kinh Ăn năn tội thì rất thống thiết, nhưng chỉ cần bước ra khỏi toà hoà giải dăm bước, bị một ai đó (hoặc một đứa trẻ nô đùa) vô tình đụng phải, là ngay lập tức văng tục, chửi thề vung tàn tán. “Vì thế, gác một bên giáo huấn sơ đẳng về Đức Ki-tô, chúng ta hãy vươn tới trình độ giáo huấn trưởng thành mà không trở lại những điều căn bản, là lòng sám hối ăn năn vì những việc đưa tới sự chết, là niềm tin vào Thiên Chúa…, những kẻ ấy mà sa ngã, thì không thể được đổi mới một lần nữa để sám hối ăn năn, vì họ đã tự tay đóng đinh Con Thiên Chúa vào thập giá một lần nữa và đã công khai sỉ nhục Người” (Dt 6, 1… 6).

Vào thập niên 50 thế kỷ XX, linh mục nhạc sĩ Tâm Bảo có sáng tác bản thánh ca “Giọt lệ thống hối” bày tỏ tâm tình sám hối một cách thống thiết. Tôi rất thích dùng chữ thống hối, bởi lẽ “sám hối” – theo từ nguyên – mới chỉ là “ăn năn, hối hận về tội lỗi của mình” ; nhưng “thống hối” còn hàm nghĩa “đau xót, đau đớn tột cùng (thống thiết, thống khổ) vì ăn năn, hối hận (sám hối)”. Vâng, và chỉ có thống hối (sám hối đến độ thống thiết) mới thực sự là “xé lòng”. “Hãy xé lòng, đừng xé áo” (Ge 2, 13). Ôi ! Lạy Chúa ! Con biết rõ con là kẻ có tội nhưng chẳng bao giờ con nhìn rõ được tội trạng của con. Chỉ có Chúa thấu suốt mọi sự và luôn sẵn sàng muốn hoà giải với con. Vâng “chính nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài”, con sẽ được hoà giải, hoà giải với Ngài, tự hoà giải chính mình và hoà giải với anh em của con. Ôi ! Lạy Chúa ! Xin hãy ban cho con “ơn nước mắt”, “ơn hoà giải”, để con biết “nhìn lại mình” mà sẵn sàng thống hối về tội lỗi con đã xúc phạm đến Chúa, đến anh em của con. Ôi ! “Lạy Chúa đoái thương nghe tiếng con phàn nàn. Con dốc lòng ăn năn, con sấp mình con xin hết lòng kêu van, xin Chúa thứ tha bao sai lầm tội lỗi. Con quyết lòng tự hối theo đường Chua đi mà thôi …” (Tâm Bảo – “Giọt Lệ Thống Hối”).

JM. Lam Thy ĐVD.