PDA

View Full Version : Tâm có những tư dục chẳng hợp lẽ nên tri kiến chẳng chánh



gioidinhhue
03-01-2010, 07:23 PM
Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên

Quyển 2

Phần 6

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Minh Tiến & Huệ Trang



414. Thư trả lời cư sĩ Cố Đức Cốc



Khổng Tử coi “cách vật trí tri” là cái gốc của thành ý chánh tâm. Trình -Châu hiểu lầm chữ Vật là sự vật trong thiên hạ, chẳng biết chữ Vật ấy vốn chỉ cho những tư dục chẳng hợp lẽ trong lòng người, chứ không phải là vật bên ngoài! Do tâm có những tư dục chẳng hợp lẽ nên tri kiến chẳng chánh, đúng đúng, sai sai đều chẳng thích đáng! Như gã yêu vợ yêu con, dẫu vợ con hắn chẳng tốt, hắn vẫn luôn cảm thấy là tốt đẹp. Do chánh trí bị tư dục chướng lấp nên trở thành lệch lạc, tà vạy. Nếu trừ bỏ được lòng yêu thương [mù quáng] ấy thì những điều không tốt đẹp của vợ con sẽ tự nhiên biết rành thấy rõ. “Cách vật trí tri” (trừ khử vật dục trong tâm để sự thấy biết được thông suốt đến tột cùng) thì mới có thể thành ý chánh tâm, tuy là kẻ chẳng biết một chữ nào vẫn có thể làm được. Nếu hiểu như Trình - Châu, “cách vật” là thúc đẩy tri thức của ta đến [mức thấu hiểu] tột cùng trọn hết cái lý của sự vật trong thiên hạ thì “trí tri” trở thành cái gốc của “cách vật”; như vậy thì trong cõi đời hiếm được mấy ai có thể “cách vật”! Đừng nói kẻ bình thường chẳng làm được, dẫu là bậc thánh nhân cũng không thể làm được! Đã không do “cách vật” thì thành ý chánh tâm do đâu mà có? Vì thế, Trình - Châu bình thường chỉ nói “chánh tâm, thành ý”, chẳng nói tới “trí tri cách vật”, tức là coi cội gốc là cành nhánh, lấy cành nhánh làm cội gốc, đảo lộn cách thực hiện pháp “trị tâm, trị thân, trị gia, trị quốc, bình thiên hạ” của thánh nhân, đến nỗi thế giới loạn lạc, không có cách nào giải quyết được! Nếu kẻ vì đất nước tâm chẳng có tư dục không hợp lẽ thì cái gốc tàn sát lẫn nhau đã không có; từ đâu mà còn có tàn sát chẳng có lúc nào ngơi nữa đây? Quang nói lời này, chẳng biết ông có cho là đúng hay không? Nếu ông vẫn chẳng thể hiểu rõ, xin hãy chí thành niệm Phật, sau này ắt sẽ chẳng thấy lời Quang là sai lầm.

Đang bị bệnh sốt rét thì trước đây Quang có một cách trị, không ai chẳng được trị lành; hiện thời có một đệ tử nằm mộng thấy một cụ già dạy viết năm chữ Ngược Tật Điều Lý Hoàn (瘧疾調理丸) trên một tờ giấy trắng. Chừng một tiếng đồng hồ trước khi bệnh chưa phát ra, hãy [đốt tờ giấy ấy] hòa vào nước sôi, uống vô liền khỏi. [Làm như vậy] để kẻ vô tri khỏi vứt bỏ giấy có viết chữ; [cách trị này] cũng cực linh nghiệm. Hãy nên nói với hết thảy mọi người.



415. Thư trả lời cư sĩ Kim Chấn Khanh



Mỗi người nhập đạo đều có thời tiết, nhân duyên. Ông đã do Văn Sao mà biết Phật pháp, theo đuổi tu trì, đấy chính là quy y, chẳng cần “phải làm lễ quy y thì mới là quy y”; [đừng nghĩ] không làm lễ quy y thì chẳng được gọi là quy y! Chỉ mong ông theo đuổi đến tận cùng, đừng thay đổi giữa chừng, đấy chính là “chân quy y”. Hơn nữa, cần gì phải mỗi ngày đảnh lễ Bất Huệ? Nếu thay vì lễ Bất Huệ, hãy lễ Phật thì đôi bên đều được lợi ích lớn lao!

Chuyện giấy vàng bạc tuy không phát xuất từ kinh Phật, nhưng nguồn gốc của nó đã quá lâu! Ông [Phạm] Cổ Nông tuy chẳng biết nguồn gốc, nhưng lời ông ta bàn [về chuyện đốt giấy vàng bạc] vốn thuận theo lẽ trời, tình người, há nên tự cậy thông minh, chẳng cho là đúng? Xưa kia, Quang đọc Pháp Uyển Châu Lâm, quên mất là trong quyển số mấy, có hai ba trang nói tới chuyện giấy vàng bạc (ở đây là kim ngân (giấy vàng, giấy bạc)) và đốt quần áo, vật dụng (ở đây chính là loại vải lụa [trong đồ mã]). Bài văn ấy do quan Trung Thư Lệnh[1] Sầm Văn Bổn đời Đường ghi lại cuộc vấn đáp giữa thầy ông ta và một viên quỷ quan (quan cõi âm). Hình như người ấy là Lục Nhân Thiến[2], thoạt đầu chẳng tin Phật và quỷ thần; sau này do làm bạn với viên quỷ quan ấy bèn tin tưởng, còn sai Sầm Văn Bổn bày tiệc để đãi đằng viên quan ấy và khắp những kẻ tùy tùng. Họ Lục hỏi: “Giữa cõi Âm và cõi Dương có thể dùng vật nào để trao đổi?” Viên quỷ quan nói: “Vàng, bạc, vải, lụa chúng tôi có thể dùng được; nhưng đồ thật chẳng bằng đồ giả! Nếu đem giấy trang kim dán trên giấy và dùng giấy làm the, đoạn v.v… thì sẽ có thể coi như là vàng và quần áo để sử dụng được”. Tôi đọc chuyện này vào mười mấy năm trước đây, nay chẳng nhớ ở quyển nào, thiên nào! Nếu ông đọc kỹ sẽ có thể thấy được. Lúc ấy nhằm đầu đời Tùy, vì lúc đó Sầm Văn Bổn vẫn còn đang đi học, đến đời Đường mới làm Trung Thư Lệnh.

Tánh tình ông quá tự thị. Tuy ông Cổ Nông chưa biết xuất xứ [của tập tục đốt vàng mã] nhưng lời ông ta nhận định khá phù hợp với thiên lý nhân tình, thế mà ông vẫn chẳng cho là đúng, cứ muốn người trong cả nước bỏ sạch chuyện ấy. Nếu ông thật sự đề xướng, chắc sẽ bị quỷ công kích. Trong cõi đời có kẻ ngu chẳng biết dùng vật để biểu lộ tấm lòng, chuyên đốt cho nhiều thì cũng không nên. Hãy nên dùng pháp lực, tâm lực để gia trì, khiến cho ít biến thành nhiều để thí khắp họ hàng, thân thuộc của chính mình và hết thảy cô hồn thì được, nhưng chớ nên [đem vàng mã] để cúng Phật, Bồ Tát! Há Phật, Bồ Tát thiếu thốn đồ dùng, vẫn cần được người đời cúng dường ư? Chỉ vì nếu người đời không dùng thức ăn, hương, hoa v.v… nhằm biểu lộ tấm lòng Thành, sẽ chẳng có gì để thể hiện tấm lòng Thành hòng cảm Phật, Bồ Tát. Kẻ ngu không hiểu biết, liền dùng những thứ đó để cúng Phật; nhưng luận trên phương diện nhất niệm thành tâm thì cũng có công đức. Ví như đứa trẻ cúng dường cát cho đức Phật (đây là chuyện tiền thân của vua A Dục) vẫn được hưởng báo Thiết Luân Vương[3].

Nếu kẻ ngu chẳng biết cầu sanh Tây Phương, dùng nhiều tiền tài, mua giấy vàng bạc đốt đi để gởi kho [dưới Âm Phủ] thì thật là si tâm vọng tưởng. Kẻ tục do cái tâm tự tư tự lợi muốn tính kế làm quỷ vĩnh viễn, gặp phải Tăng sĩ phàm tục chẳng cần biết đúng - sai, chỉ mong có [ai thỉnh làm] Phật sự để xoay tiền, bèn thuận theo ý của kẻ ấy mà làm! Vì thế, thật có lắm kẻ phá địa ngục, phá huyết hồ, trả tiền thọ sanh.[4] Nhưng quân tử suy nghĩ chẳng ra ngoài địa vị, chỉ nên tự giữ lý ấy và trình bày cùng người hiểu rõ lý. Nếu là kẻ cố chấp không giáo hóa được, cũng chẳng công kích đến nỗi chuốc lấy sự oán hận của người ta để rồi đối với chính mình, đối với người, đối với pháp đều không có lợi ích. Nếu ông thật sự muốn quy y, hãy nên lắy lời tôi làm chuẩn. Nếu không, dẫu đích thân đến quy y thì vẫn là hữu danh vô thực, làm sao có tình thầy trò và lợi ích quy y cho được! Xin hãy sáng suốt soi xét. Quang già rồi (nay đã bảy mươi mốt tuổi), tinh thần chẳng đủ, chớ nên thường gởi thư tới! (ngày mồng Bốn tháng Sáu năm Dân Quốc 19 - 1930) đa
http://www.niemphat.net/Luan/aqvstambien/aqvstambien12.ht