PDA

View Full Version : Bốn giới đầu trong Ngũ Giới thuộc về Tánh Giới



gioidinhhue
02-21-2010, 10:08 AM
283. Thư trả lời cư sĩ Thường Phùng Xuân (thư thứ chín)



Thư đề ngày mồng Mười tháng Chạp năm ngoái đến chiều ngày hôm qua mới nhận được. Trước kia, tôi đã nói mục lực chẳng đủ, đừng gởi thư tới nữa, cho nên lá thư gởi vào mùa Đông năm ngoái tôi không trả lời. Các ông tưởng là vì chưa dâng tiền cúng dường [nên Quang không thèm trả lời], do vậy bèn đặc biệt gởi tới ba mươi ba đồng mong rằng Quang sẽ trả lời thư! Đây thật là chẳng biết nỗi khổ của Quang. Hiện thời giao thông tiện lợi, bất luận xa hay gần đều có thể gởi thư đến. Tuy đã cự tuyệt, vẫn chẳng thể hoàn toàn không có ai gởi thư tới! Lại [có những người] từ mấy chục dặm hoặc một hai trăm dặm quanh Tô Châu, ngồi xe lửa, xe hơi, chưa đầy nửa ngày đã tới nơi, hằng ngày phải thù tiếp họ đã chiếm mất nửa thời gian lẫn sức lực. Há còn có thể thường xuyên trả lời thư các ông được chăng?

Sám hối bảy ngày, tự thệ thọ giới, rất tốt! Cần biết rằng: Bốn giới đầu trong Ngũ Giới thuộc về Tánh Giới, bất luận là ai đều phải nên giữ. Người dẫu chưa nghe đến tên gọi của giới mà phạm thì vẫn có tội bởi [những điều ấy có liên quan đến] thể tánh nên có tội. Vì thế, cũng gọi là Tánh Tội. Kẻ đã thọ giới mà phạm thì trở thành hai trọng tội, vì ngoài Tánh Tội ra còn phạm một Giá Tội[26] nữa là “phạm giới”. Chỉ có giới uống rượu là Giá Giới, hễ phạm thì gọi là Giá Tội. Kẻ chẳng thọ giới mà uống rượu không phạm tội; kẻ đã thọ giới chỉ phạm Giới Tội. Thêm nữa, người chưa thọ giới phạm đại vọng ngữ tội đã cực nặng, người thọ giới rồi [mà phạm] thì tội càng nặng thêm. Như lũ ngoại đạo thường nói bọn chúng đắc chân truyền của Phật pháp, “Lục Tổ loạn truyền Phật pháp, pháp trở về tay người tại gia, Tăng nhân đều không có pháp!” Thầy họ là vị Phật này hay vị tổ sư nọ chuyển thế. Kẻ thuyết pháp kiểu ấy đều là vì cầu danh văn lợi dưỡng. Người thọ giới cũng có kẻ hiếu danh, hoặc cầu lợi dưỡng, chưa được bảo đã được, chưa chứng nói đã chứng; hạng người ấy dẫu có tu trì nhưng vì tâm địa chẳng thật nên chưa chắc đã được hưởng lợi ích thật sự trong Phật pháp, mà cái tội hoại loạn Phật pháp, khiến chúng sanh bị lầm lạc, ngờ vực, chẳng biết tới năm nào, kiếp nào mới tiêu diệt được!

Nay gởi cho các ông hai mươi gói sách, đợi đến tháng Tư còn có mấy gói Kỹ Lộ Chỉ Quy sẽ gởi đến, [khi nhận được], đừng gởi thư trả lời. Đối với người mới phát tâm, sách ấy rất hữu ích. Vì thế, tôi đã tính gởi từ trước kia. Mẹ ông Lý Thượng Đức pháp danh là Tông Thành, Thượng Đức pháp danh là Trí Đức, em trai ông ta là Thượng Tín, pháp danh là Trí Tín, Lý Vương Tố Khanh pháp danh là Trí Tố, Lý Thiệu Văn Hàn pháp danh là Trí Chương. Xin hãy nói với bọn họ: Hễ quy y Phật pháp, ắt phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận. Nếu không, chẳng những là tội nhân nơi Danh Giáo mà còn là tội nhân trong Phật pháp. Chuyện khẩn yếu nhất của phụ nữ là khéo dạy dỗ con cái. Lúc con cái vừa mới hiểu biết mà lúc ấy chẳng dạy dỗ thì về sau sẽ khó thành tựu được! (ngày Hai Mươi Tám tháng Giêng)



284. Thư trả lời cư sĩ Thường Phùng Xuân (thư thứ mười)



Nhận được thư mấy ngày, do bận bịu không rảnh rỗi nên chưa trả lời ngay. Sáng nay viết cho ông những nghĩa chánh để ông chẳng đến nỗi lại sanh nghi ngờ nghĩa lý. Chuyện thế gian đều gây nên thói tệ, những kẻ ham danh ghét thật, hễ biết [được chút đạo lý nào] liền biến không thành có, đem phàm lạm thánh. Những thứ hành vi này phá hoại Phật pháp, khiến người khác lui sụt lòng tin. Hãy nên khuyên hết thảy mọi người niệm Phật đều tu hành chân thật, đừng chú trọng cầu mong tiếng tăm rỗng tuếch thì sẽ đích thân đạt được lợi ích. Mười đồng hương kính dùng để gởi một số sách trị giá mười đồng. Nếu [tổng số giá tiền sách] vượt quá số tiền ấy thì là do Quang biếu tặng (ngày Hai Mươi tháng Tám)

Hiện thời sợ rằng sẽ có chiến sự, hãy nên bảo hết thảy mọi người đều cùng niệm Phật và niệm Quán Âm để dự phòng. Nếu không, trốn cũng không trốn được, ngừa cũng không có cách nào ngừa được, chẳng nên cẩn thận ư? Chẳng nên cẩn thận sao? (tái bút)



285. Thư trả lời cư sĩ Thường Phùng Xuân (thư thứ mười một)



Theo như những tướng đã nói, thím của ông Trương Huệ Tuyền có thể vãng sanh, nhưng chẳng biết lời kể [tình cảnh lúc bà ta lâm chung] ấy có chẳng hư vọng hay không? Con gái và con trai bà ta là Phước Khánh vẫn muốn mẹ họ được quy y, sao chính họ không quy y? Vẫn sợ mẹ không được hưởng lợi ích thật sự, sao chính mình lại chẳng muốn được hưởng lợi ích thật sự vậy? Nay đặt pháp danh cho mẹ họ là Chứng Tịnh, ngụ ý bà ta đã sanh về Tây Phương, chứng được y báo lẫn chánh báo thanh tịnh trang nghiêm. Con trai pháp danh là Huệ Kính, con gái pháp danh là Huệ Hiếu. Nghĩa là dùng trí huệ của đức Phật để hành hiếu kính. Xin hãy khai thị cho bọn họ. [Tôi] đã viết [bài văn] nêu chứng cứ về hết thảy những người niệm Phật vãng sanh và chẳng vãng sanh, chẳng phải chỉ để nói về thím của ông Huệ Tuyền; những điều nói kèm thêm trong bài văn ấy đều là những lời văn dành chung cho khắp [mọi người] chứ chẳng phải để dạy riêng một ai (ngày mồng Hai tháng Tư)

Lúc đưa cho họ, nhớ dặn họ phải cung kính; gởi cho con trai, con gái [bà ta] hai gói sách này nọ. Nếu họ xem được thì đưa cho. Nếu không, hãy tặng cho người khác!

http://www.niemphat.net/Luan/aqvstambien/aqvstambien8.htma