PDA

View Full Version : T - Thợ Mộc Dạy Ngư Phủ Đánh Cá (CN V TN)



Dan Lee
02-05-2010, 07:21 PM
Thợ Mộc Dạy Ngư Phủ Đánh Cá (CN V TN)



Khỏi cần nói bạn cũng thừa biết rằng Chúa Giê-su không phải là một người xuất thân từ một gia đình làm nghề đánh cá, Ngài không phải là một ngư phủ, mà là một người thợ mộc ở làng Na-za-rét (Mc 6:3). So với kinh nghiệm đi biển của ông Si-môn Phêrô, Gia-cô-bê, Gioan và An-rê, kinh nghiệm về chuyện đánh cá, đánh tôm, đi biển, vá lưới … của Chúa Giêsu chả ăn thua gì cả, kể cả chuyện … bơi lội, Chúa Giêsu cũng không biết luôn, bằng chứng là có một lần Ngài đã đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ”(Mt 14: 25; Mc 6:48). Nếu biết bơi thì Ngài đã chẳng phải … đi bộ trên mặt nước mà đến với các môn đệ, bạn đồng ý không?

Vậy mà trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca tường thuật lại rằng, người thợ mộc mang tên Giêsu lại chỉ cho anh ngư phủ chuyên nghiệp có tên Si-môn là hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá (Lc 5:4) thì bạn thấy có … lạ không? Chưa hết, ông Si-môn lại răm rắp tuân theo lời hướng dẫn của người thợ mộc Giêsu nữa mới là lạ chứ lại! “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc 5:5). Tại sao vậy? Lý do nào đã khiến cho ông Phêrô, một ngư phủ kinh nghiệm đầy mình mà lại ngoan ngoãn vâng theo lời khuyên của một anh thợ mộc như vậy? Đọc chương 4 trong Tin Mừng của thánh Luca, tôi thấy có một lý do rất thuyết phục, đó là bởi vì ông Simôn đã cảm nghiệm được rằng Chúa Giêsu không phải là một người tầm thường, bởi vì Lời của Ngài có một sức mạnh, có một uy quyền và có một hiệu quả vô cùng to lớn. Thật vậy!

Ông đã nghe nói rằng Chúa Giêsu giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh (Lc 4:15).
Ông đã nghe người ta bàn tán rằng, Chúa Giêsu có những lời giảng dạy uy quyền và thu hút đến nỗi mọi người [ở Na-da-rét] đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người (Lc 4:22).
· Ông chính là người có cảm nghiệm sâu sắc về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền (Lc 4:32)
Ông đã từng chứng kiến Chúa Giêsu dùng LỜI để trừ quỷ ở trong hội đường Ca-phác-na-um. Lời của Chúa uy quyền đến nỗi người ta phải thốt lên rằng: "Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!" (Lc 4:36) .
Ông chính là người đã chứng kiến tận mắt, nghe tận tai Chúa Giêsu dùng Lời để chữa bệnh: "Đức Giêsu ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt [của bà mẹ vợ ông Simôn] biến mất!" (Lc 4:39).

Vì thế cho nên mặc dù Chúa Giêsu không phải là một ngư phủ lành nghề, mặc dù Ngài không có kinh nghiệm về biển như ông, nhưng ông tin rằng, Lời của Ngài phán ra sẽ mang lại hiệu quả cao cho ông, vì thế cho nên ông mới ngoan ngoãn, và mau mắn chèo thuyền ra khơi thêm một lần nữa để thả lưới bắt cá.

Nếu bạn đồng ý với tôi rằng, chính vì ông Si-môn đã có những cảm nghiệm sâu sắc về sức mạnh, về quyền lực và những hiệu năng của LỜI Chúa như vậy, cho nên ông mới dễ dàng vâng nghe theo Lời khuyên của Ngài: "Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” thì bạn và tôi cũng hãy cố gắng và chịu khó lắng nghe và tuân phục những Lời dạy dỗ và khuyên răn của Chúa qua trung gian Mẹ Giáo Hội, qua những lời giảng dạy của Đức Giáo Hoàng, của các Đức Giám Mục, của các linh mục, của ông bà, cha mẹ … về những vấn đề liên quan đến đức tin và luân lý, bởi vì chính Đức Giêsu đã trao cho các ngài nhiệm vụ nhiệm vụ chuyển Lời răn dạy của Ngài đến chúng ta: "Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con" (Mt 28:19-20).

Con cái phải hiếu thảo với ông bà cha mẹ, chăm sóc và phụng dưỡng các ngài khi các ngài đau yếu, về già và những lúc bệnh tật …
Tránh xa những cám dỗ của xì ke, ma tuý, của cờ bạc rượu chè, của phim ảnh xấu xa trên internet… Không được quan hệ, hay ăn ở với nhau trước khi làm đám cưới, không được ly dị, không được khinh thường hoặc ngược đãi nhau …

Không được thực hiện hay ủng hộ cho những việc như ngừa thai, phá thai, trợ tử…Trái lại mọi người phải tôn trọng và nỗ lực bảo vệ sự sống, dù đó chỉ là một phôi thai hay là một thân xác già yếu bệnh tật, hấp hối trên giường bệnh, bởi vì chỉ có Thiên Chúa là chủ sự sống [và] quyền được sống là quyền bất khả xâm phạm của mọi người vô tội. (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo # 2258 & 2270).

Phải đối xử công bằng và bác ái đối với tất cả mọi người, không được có thái độ hay những hành động kỳ thị, xem thường người khác vì khác màu da, khác văn hoá, khác sắc tộc hay vì khác biệt về địa vị trong xã hội hoặc khác biệt về trình độ văn hoá … bởi vì làm như vậy là trái với ý định của Thiên Chúa" (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo # 1935).

Phải có trách nhiệm, phải có tinh thần liên đới, và phải quan tâm đến những người nghèo khó, đến những anh chị em đang lâm vào những cảnh khó khăn, hoạn nạn … Tình liên đới là một đức tính nổi bật của Ki-tô giáo. Tình liên đới thúc bách chúng ta chia sẻ của cải vật chất và hơn nữa, cả của cải tinh thần (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo # 1948).

Bạn thân mến, ông bà ta thường nói: "Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư!" Nếu tôi và bạn bất tuân những lời răn dạy của ông bà cha mẹ thôi mà mình bị hư hỏng như vậy thì khi chúng mình bất tuân Lời răn dạy, khuyên bảo và dạy dỗ của Chúa thì sao? Thê thảm lắm bởi vì “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119:105) không tuân theo Lời Chúa là khi đó cả thân xác và linh hồn của tôi và của bạn sẽ đi trong bóng tối, trong bóng đêm của lo âu và sợ hãi. Mà khi tôi và bạn bước đi trong bóng đêm và tối tăm như vậy thì chúng mình sẽ bọ rơi vào hố diệt vong là chuyện dĩ nhiên, cá không ăn muối cá ươn, ta cãi Lời Chúa, linh hồn ta tiêu vong là như vậy đấy!

Bạn có muốn thu hoạch được những mẻ cá giống như ông Si-môn nhiều đến nỗi hầu như rách cả lưới không? Nếu bạn muốn thì hãy noi gương ông Si-môn, không lý luận, không cãi cối, và cũng không hồ nghi … nhưng hãy lắng nghe và thực hành theo Lời Chúa dạy qua những vị trung gian của Chúa ở trần gian này. Nhưng trước tiên, bạn và tôi phải gần gũi, phải tiếp cận nhiều hơn với Kinh Thánh bằng cách siêng năng đọc Kinh Thánh mỗi ngày, chỉ cần 5 phút một ngày thôi, và trước khi đi lễ Chúa Nhật, bạn hãy chịu khó đọc những bài chia sẻ Lời Chúa trên các trang web Mỹ cũng như Việt, và nếu có lớp Kinh Thánh nào đó mở ở giáo xứ hay ở địa phận, thì bạn đừng bỏ lỡ cơ hội, hãy ghi danh đến học hỏi ngay, nhiều cái lợi lắm! Thật đấy!

Cuối cùng, trước thềm năm mới Canh Dần, tôi xin cầu chúc bạn và gia quyến cũng như cộng đoàn của bạn sức khoẻ dồi dào, mạnh mẽ như cọp (nhưng không dữ như hắn), gặp nhiều may mắn, bình an và vạn sự như ý … Chúa! Amen!

Lm Ansgar Phạm Tĩnh, SDD