PDA

View Full Version : H - Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh thánh mà tai các ngươi vừa nghe



Dan Lee
01-20-2010, 11:33 PM
Thực hành Lời Chúa





“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh thánh mà tai các ngươi vừa nghe”

Nhiều lúc tai nghe nhưng trí không hiểu. Những người Do Thái đương thời với Chúa Giêsu đã không hiểu, cũng không nhận điều mà Chúa nói về chính Ngài khi tuyên bố Ngài đến để làm trọn điều mà Kinh Thánh đã viết và loan báo, đoạn Kinh Thánh mà Ngài vừa đọc cho họ nghe.

Cũng giống như câu chuyện của người vợ nói nhiều đi gặp bác si đã được khuyên: “Ông nhà cần sự thinh lặng và nghỉ ngơi. Đây là một ít thuốc ngủ.” Trong khi bỏ mấy viên thuốc vào ví, người đàn bà hỏi bác sĩ: “Thế khi nào thì tôi đưa cho chồng tôi uống?” Bác sĩ trả lời: “Thuốc đó là cho bà!”

Sau khi chịu phép rửa tại sông Jordan, sau đó chịu cám dỗ trong hoang địa, Chúa trở về quê cũ và hôm nay để chu toàn nhiệm vụ theo luật dạy, Chúa vào hội đường trong ngày Sa-bát. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, thay vì đọc đoạn Kinh thánh đã được sửa soạn trước cho người đọc sách, Chúa đã tự chọn đoạn nói về Đấng Thiên Sai là chính Ngài trong sách của Tiên tri Isaiah: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, xức dầu cho tôi và sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó…” Chúa đọc từng chữ, ngừng lại một chút, đoạn công bố cho tất cả cử toạ biết là đoạn Kinh thánh nói về Ngài. Mọi người lúc đó mới biết ra là nói về Ngài và cũng về họ nữa, và đặc biệt ám chỉ những người lãnh đạo tinh thần. Nều nước Thiên Chúa ngự trị đang gần kề thì cũng đồng nghĩa việc lãnh đạo và cai trị do con người trần thế áp đặt cũng đang dần suy sụp. Chúa không chỉ nói đến canh tân đời sống tâm linh, mà còn nói tới việc cải tổ tình trạng xã hội, thái độ người tín hữu đối với tha nhân láng giềng, lòng thương đối với những người nghèo, người cô thế, goá bụa, vô gia cư v.v…trong cộng đồng nhân loại.

Những lời dạy dỗ có tính cách khuyến cáo của Chúa Giêsu vừa nói đánh động tâm hồn đám đông nhưng lại động chạm đến quyền lợi của giới lãnh đạo. Song song với lời nói, Chúa còn ra tay hành động chữa lành nhưng người tật bệnh cả thể xác và tâm linh nên không lạ gì Chúa tự biến mình là nạn nhân, là “một con người nguy hiểm” cho xã hội đang phẳng lặng nên giới lãnh đạo xúi giục dân chống lại Chúa. Và chúng ta đã biết việc gì đã xảy ra trong lịch sử.

Sau hơn 2000 năm nhìn lại, chúng ta cảm thấy an toàn khi tin tưởng vào Chúa Giêsu. Tuy nhiên, sự thách đố ban đầu đã xảy ra cho người Do Thái thời đó tại Nazareth vẫn còn tiếp diễn trước mắt chúng ta. Đó là nạn bất công, thiếu tinh thần bát phúc vẫn xảy ra hằng ngày trong xã hội: “Tin mừng cho người nghèo khó; tự do cho người bị giam cầm; người mù được thấy; kẻ què được đi; hy vọng cho kẻ áp bức.” vẫn chưa trọn vẹn. Năm thế kỷ trước Chúa Giêsu, các tiên tri Êza và Nêhêmia khi đọc Lời Chúa cho những dân lưu đày trở về, họ đã khóc, đã ăn năn thống hối và vui mừng vì Thiên Chúa đã tái lập sự liên hệ với họ. Hai mươi thế kỷ đã qua tính từ thời Chúa Giêsu công bố Tin Mừng tại Nazareth, chúng ta vẫn đang sống trong thách đố đó. Lời của Chúa đến với thế hệ chúng ta cũng không khác gì với những người trong các thế hệ quá khứ.

Chúa Giêsu đã bỏ mọi sự cho phần rỗi chúng ta theo ý Chúa Cha. Ngài đã chết và đã phục sinh. Chúa là nguồn của Sự Sống, đang ở giữa mọi người khi chúng ta tụ họp cầu nguyện, trên bàn thờ, trong nhà tạm. Khi tai chúng ta biết nghe, khi lòng chúng ta biết chào đón Phúc Âm của Chúa, Lời Chúa sẽ xuyên thủng tâm can và lòng trí chúng ta, và thúc đẩy chúng ta hành động theo Thánh Ý Ngài.

Chúng ta nên thường xuyên tự hỏi điều gì đang bám dính lấy đời tôi, làm tôi không dễ gì gỡ ra được: tiền bạc, sự ổn định, sự thoái mái tiện nghi, chút tiếng tăm địa vị, hay chút thỏa mãn nơi thân xác… Làm cách nào để tôi có thể từ bỏ để theo Chúa? Phải có tình yêu lớn lao lắm mới có thể từ bỏ những gì tôi đang ôm ấp dính bén. Từ bỏ trở thành thước đo tình yêu của tôi đối với Thiên Chúa, “Đấng đã yêu thương tôi trước.”

Chúa không mời gọi chúng ta phải từ bỏ đời sống gia đình để sống đời thánh hiến tu trì, phải từ bỏ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày để làm nhưng điều cao cả vĩ đại. Nhưng Chúa mời gọi tất cả chúng ta phải từ bỏ sự ích kỷ và cứng cỏi của lòng mình để sống yêu thương hơn, phải bỏ chính bản thân mình, bỏ cái tôi của mình, bỏ mặt mũi danh dự và những ước mơ dính bén của mình để cho vinh quang của Chúa mỗi ngày được rực sáng hơn
Mỗi cá nhân chúng ta đã làm gì sau khi nghe Lời Chúa?

Phó Tế Phêrô Đặng Phi Hùng