PDA

View Full Version : R - Rượu hết - rượu đầy !



Dan Lee
01-14-2010, 10:47 PM
Chúa nhật 2 TN C

Rượu hết - rượu đầy !

Is 62, 1-5; 1 Cr 12, 4-11; Ga 2, 1-11

Trang Tin mừng cũng như sứ điệp Tin mừng hôm hay hết sức gần gụi và quá ư là dễ thương. Chủ đề Tin mừng hôm nay nói về tiệc cưới ! Nghe cái gì chứ nghe đến tiệc thì nó hấp dẫn bởi vì nó làm cho người ta liên tưởng đến mâm cao cỗ đầy trong bữa tiệc. Đang nghe tác giả Tin mừng trình bày về bữa tiệc thật hay đấy bỗng nhiên lại xảy ra sự cố hết rượu !

Một bữa tiệc nho nhỏ như là bữa họp mặt, bữa tiệc sinh nhật hay đơn giản là một bữa mừng gì đó của nhóm bạn thân quen nhau thì thật là vui, thật là quý. Ai ai cũng mong muốn cho những buổi tiệc ấy tạo nên tình thân hữu, tình bè bạn và cũng mong bữa tiệc ấy kết thúc một cách tốt đẹp và sau bữa tiệc ấy lại là lời hẹn cho bữa tiệc sau. Giả như cuộc vui đang lên đỉnh thì bữa tiệc vui ấy ắt hẳn sẽ không còn như mong đợi nữa. Đang vui như vậy mà hết thức ăn thì quả là chán thật ! Nếu như thiếu thức ăn thì còn có thể chấp nhận kiếm quả cóc quả ổi để nhâm nhi những “giọt nước mắt quê hương” do gia chủ thết đãi. Và rồi nếu thiếu “nước mắt quê hương” thì quả thật là buồn.

Khi lo cho những bữa tiệc như vậy thì người ta cũng cố gắng hết sức mình để chuẩn bị cho bữa tiệc tươm tất và có khi người ta với tấm lòng rộng rãi còn làm dư cả. Và với thế giới văn minh ngày nay thì còn đó những cái tủ cấp đông để giữ lại thức ăn nếu thừa nên người ta thường hay chuẩn bị nhiều và nhiều thức ăn để cùng nhau chia vui. Thức ăn là vậy, còn rượu bia hay “nước mắt quê hương” ngày nay người ta thường chuẩn bị dư thừa.

Dừng lại một chút, nếu đám tiệc ở thành thị thì cũng khá đơn giản cho chuyện kiếm mồi kiếm bia. Nếu đám tiệc ở thôn quê thì đành rơi vào bế tắt vì lẽ muốn đi mua thêm chút mồi chút rượu quả là điều hơi bị khó. Trong cái khó, cái bế tắt ấy thì ắt hẳn không biết bao nhiêu chuyện sẽ xảy đến và nhất là với những anh chàng bợm nhậu.

Trang Tin mừng hôm nay, câu chuyện tiệc cưới hôm nay dẫn ta đi vào chuyện bế tắt của đôi tân hôn. Tiệc mừng, tiệc sinh nhật, tiệc họp mặt thiếu rượu, thiếu thức ăn thì còn có thể châm chước, còn có thể chấp nhận nhưng đàng này lại là tiệc cưới. Đời ai cũng chỉ một lần nếu sống đời hôn nhân lên xe hoa, thết đãi mọi người trong ngày vui trọng đại nhất của đời mình. Niềm vui, hạnh phúc sẽ trọn vẹn nếu như bữa tiệc ấy được hoàn hảo. Tiệc cưới Cana hôm nay rơi vào bi đát, rơi vào bết tắt khi hết rượu ! Thế nhưng đang tưởng rơi vào bế tắt thì Chúa Giêsu lại “ra tay”. Chúa Giêsu đã làm phép lạ hoá nước thành rượu để cứu vãn tình thế có một không hai của đôi hôn nhân.

Chuyện hết rượu của tiệc cưới Cana ngày hôm ấy trở nên khá phổ biến trong các tiệc cưới của ngày hôm nay và trong các bữa tiệc thường nhật của các gia đình ngày hôm nay. Chuyện thiếu rượu ở Cana đã có và phép lạ Cana đã xảy ra. Ngày nay, thiếu rượu trong đời sống gia đình vẫn có và phép lạ rượu đầy ngày hôm nay Chúa Giêsu vẫn làm đấy thôi. Chuyện quan trọng là người ta đã không nhận ra Chúa Giêsu đã, vẫn và sẽ hiện diện trong gia đình và làm phép lạ cho gia đình.

Không phải mới ngày hôm nay mà tự ngàn xưa khi Chúa Giêsu sinh xuống thế làm người Chúa Giêsu đã cảm nhận được cái khốn khó của kiếp người và đặc biệt khi con người rơi vào bế tắt. Chúa Giêsu vẫn yêu thương, Chúa Giêsu vẫn ban rượu dư đầy để cho niềm vui của tiệc cưới cũng như niềm hạnh phúc của gia đình được kéo dài luôn mãi.

Rượu mà Chúa Giêsu ban đấy vẫn dư tràn trên mỗi người nhưng chuyện quan trọng là con người đã khép kín lại, đã khư khư giữ riêng cho mình để rồi phép lạ bị con người cản ngăn đấy thôi. Nếu như con người biết mở lòng ra, san sẻ những gì Chúa ban cho mình thì ắt hẳn niềm vui của tiệc cưới đời mình và niềm vui của gia đình sẽ nhân lên mãi.

Bằng chứng như lời Thánh Phaolô vừa tuyên bố cho giáo đoàn Côrintô cũng như cách nào đó thánh Phaolô tuyên bố cho chúng ta : “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ.

Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người”. (1 Cr 12, 4-11).

Quà của Chúa, đặc sủng của Chúa, ơn của Chúa hay nói cách khác là rượu của Chúa vẫn được phân chia cho mỗi người mỗi mức tuỳ theo ý của Người.

Thử hỏi, trong đời sống thường nhật, nếu như người ta biết cộng tác, biết đóng góp một chút phần của họ, một chút đặc sủng, một chút ơn mà Chúa ban cho họ thì cuộc sống của họ hạnh phúc là dường nào.

Nhớ lại những năm tháng còn ở Học Viện, vào những ngày tháng thực tế mục vụ hè ở vùng Cao, hình ảnh của những anh chị em dân tộc thiểu số nghèo ở vùng Cao thật là hay.

Hôm ấy, ở cái làng Bông La thuộc xã La Sơn huyện Mang Yang – Pleiku có một đám nhưng không phải là đám tiệc mà là đám tang. Hết sức ngạc nhiên khi thấy anh chị em dân tộc thiểu số đi viếng đám tang, đi chia sẻ nỗi đau niềm nhớ của gia đình nhà hiếu bằng bị gạo, bằng vài con cá khô bằng vài trái bắp non. Vì ngạc nhiên nên tò mò hỏi với hình ảnh lạ ấy. Hỏi thăm thì được biết là theo tập tục của anh chị em dân tộc thiểu số là nhà có đám tang thường để cả tuần lễ. Để một tuần lễ như vậy thì chuyện ăn uống sinh hoạt khá tốn kém và là một gánh nặng cho một gia đình nghèo. Để giải quyết những khó khăn trong những ngày tang chế bà con quanh làng mỗi người một chút mang đến nhà hiếu. Họ đến chia sẻ nỗi buồn, sự mất mát của gia đình nhà hiếu bằng cả tấm lòng cộng thêm vài con cá khô, vài lon gạo, vài trái bắp.

Chắc cũng chẳng cần nói nhiều, những bữa cơm chứ không dám nói là bữa tiệc của một tuần lễ tang chế ấy bảo đảm sẽ không bị thiếu dù là nhà hiếu thuộc dạng nhà nghèo. Hình ảnh chung chia, hình ảnh đóng góp của những anh chị em dân tộc nghèo sao mà thân thương quá, sao mà gần gụi quá. Họ, có thể là chưa biết Chúa nhưng họ đã đáp lại lời mời của Chúa hay nói một cách hơi quá là đã chứng minh phép lạ mà Chúa đã làm như đã từng làm ở Cana hay từng làm nơi hoang địa khi hoá bánh ra nhiều.

Mỗi người một ơn riêng, mỗi người một đặc sủng và mỗi người đều có một chút “rượu” trong đời mình. Nếu như mỗi người biết mở rộng lòng mình ra để chung chia chút ơn, chút “rượu” mà Chúa đã ban cho mình thì những đám tiệc hay nói gần hơn một chút là những bữa cơm trong gia đình của mình hết sức hạnh phúc.
Ta có thể đi xa hơn một chút, rộng hơn một chút ở cấp độ làng xóm, ở cấp độ giáo xứ. Nếu như mỗi giáo dân biết chung chia một chút “rượu” của lòng mình thì xóm đạo, giáo xứ của mình sẽ hạnh phúc như đôi tân hôn hôm nay ở Cana mà chúng ta vừa nghe Thánh Gioan thuật lại.
Một sự kiện, một câu chuyện hết sức thực tế, hết sức dễ thương đang xảy ra như đã từng xảy ra ở Cana đó là Đồng Chiêm ngày hôm nay. Đồng Chiêm đang rơi vào cảnh bế tắt, rơi vào ngõ cụt khi bị đàn áp, khủng bố đến tính mạng nhưng mà hình như giáo dân Đồng Chiêm và xứ Ải mỗi người một chút “rượu” để góp phần vào. Và hiện nay, không chỉ giáo dân Đồng Chiêm mà cả giáo dân trong và ngoài nước bằng cách này hay cách khác đã góp một chút “rượu” của mình vào Đồng Chiêm.

Đồng Chiêm đượm mùi sát khí nhưng vẫn vui và hạnh phúc vì ơn Chúa vẫn có đó và vẫn còn đó.

Chúa vẫn hiện diện, Chúa vẫn làm phép lạ trong cuộc đời này nhưng chuyện quan trọng người ta có nhận ra hay không mà thôi.

Rượu đầy, rượu thiếu là do lối nghĩ, lối sống của mỗi người.

Có những người mang trong mình quá nhiều rượu và rượu ấy với nồng độ rất cao là những người có tiếng nói, là những vị có trách nhiệm sẽ giúp cho những đám tiệc, những sự kiện Đồng Chiêm thêm vui và hạnh phúc nhưng lại khư khư giữ lại và cất giấu đi. Họ có vẻ như sợ mất quyền lợi và thiệt thòi khi mang “rượu” của mình vào cuộc đời. Bi đát nhất là họ vẫn vui, vẫn bình thản trước những đau thương mất mát của kitô hữu và của Giáo Hội.

Ngược lại, có những người thấp cổ bé họng rượu cũng ít và nồng độ chẳng là bao lại xả thân đóng góp vào Đồng Chiêm. Những giọt “rượu” nhỏ bé của những con người bé nhỏ xem ra vậy mà hay. Những giọt “rượu” ấy bỗng làm cho Đồng Chiêm càng ấm áp hơn, càng hạnh phúc hơn vì sự hiện diện của Chúa Giêsu, vì “rượu” ấy được ép từ trong men Giêsu.

Rượu vẫn đầy chứ rượu không hề thiếu. Chỉ sợ lòng con người ta cạn và lòng con người ra chai đá mà thôi.

Nguyện xin Chúa Giêsu, Đấng làm phép lạ tại Cana ngày xưa đến và ở lại với mỗi người chúng ta, với chút rượu đã có mà Chúa ban cho mỗi người, thì nay xin Ngài ban thêm một chút nữa cả về số lượng cũng như “nộng độ” để mỗi người chúng ta góp thêm niềm vui, niềm hạnh phúc cho những bữa tiệc hàng ngày trong gia đình, trong xứ đạo của chúng ta.

Anmai, CSsR