PDA

View Full Version : C - Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa (Lm. Nguyễn Tin, SDD)



Dan Lee
01-09-2010, 04:47 PM
CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA



Cách đây khoảng hơn 1 tháng chắc ai trong chúng ta cũng nhớ đến cái quang cảnh chuẩn bị cho ngày khai mạc mùa Vọng năm 2009, rồi những tuần mùa Vọng với màu tím, màu hồng như nhắc nhở cho chúng ta cái không khí chờ đợi “Đấng cứu tinh” như mong chờ một nguồn sống mới đến với chúng ta. Bốn tuần mùa Vọng trôi qua thật nhanh nhường chỗ cho đại lễ Giáng Sinh, mọi người mừng vui hớn hở, mà cũng lạ, cả những người rất ít khi đến nhà thờ, và cả những người không đến nhà thờ cũng mừng vui, cũng tổ chức “Mừng Chúa Giáng Sinh”. Thế rồi lễ Giáng Sinh cũng trôi qua, năm mới lại đến. Mọi người lại nô nức, háo hức để đón mừng năm mới, hy vọng rằng một năm mới an bình và thịnh vượng sẽ đến với mình, với gia đình, với cộng đoàn, với đất nước mình đang sống, và với thế giới này. Hóa ra, cũng có nhiều người mong chờ, cũng có lắm kẻ vui mừng vì Chúa giáng trần, vì năm cũ qua đi và năm mới lại đến. Thế thì đâu là niềm vui thật sự của mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người, đâu là ý nghĩa của thời gian đắp đổi. Và hơn thế nữa điều gì làm cho chúng ta, những người tin vào Đức Kytô, cảm nhận được niềm vui thật sự của mầu nhiệm con Thiên Chúa nhập thể làm người? Điều gì có thể giúp cho chúng ta sống một cách thật sự mầu nhiệm cao cả này? Phải chăng đó chính là đức tin mà mỗi người chúng ta đã lãnh nhận như một quà tặng từ chính Thiên Chúa. Chính Người đã ban tặng cho mỗi một người chúng ta qua thừa tác viên của Người.

Ngày hôm nay, trong ngày Chúa nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa, kết thúc mùa Giáng Sinh và bắt đầu một mùa phụng vụ mới này, chính Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta về điểm này là khi người tự dìm mình trong dòng nước sông Giodan là để thánh hoá dòng nước và mạc khải cho chúng ta về một Thiên Chúa là Cha, Con, và Thánh Thần. Để sau này, hễ ai được dìm mình trong dòng nước rửa tội với ơn nghĩa của Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần thì sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Đây chính là hồng ân cao cả mà chúng ta lãnh nhận được trong ngày chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội. Đây chính là quà tặng mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta qua người Con Một yêu dấu của Ngài và những người được người tuyển chọn và ủy thác cho. Vậy thì nếu đức tin là một món quà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta, là một hồng ân Chúa ban cho chúng ta một cách nhưng không, thì chúng ta cũng có thể đón nhận và đồng thời cũng có thể đánh mất hồng ân cao qúi này. Thánh Phaolô trong thư gởi cho Timôthê, đã khuyến cáo chúng ta như sau: “Các con hãy chiến đấu với cuộc chiến tốt lành, nắm vững đức tin và lương tâm ngay lành. Vì muốn thoát bỏ những điều này, một số người đã chết đuối trong đức tin.” (1 Tim. 1, 19-20)

Khi nói đến quà tặng thì phải có người tặng và kẻ được tặng, và khi đã được trao tặng thì món quà đó phải được mang ra xử dụng, thực hành. Khi nói chúng ta mang đức tin ra thực hành có nghĩa là chúng ta phải lập đi lập lại những việc làm tốt mà đức tin dạy chúng ta phải làm cho đến khi những việc làm này trở thành những thói quen không thể thiếu trong đời sống đức tin của chúng ta, mà vì thế muốn trở thành những kytô hữu, trước hết chúng ta phải tin và thực hành những điều mà chúng ta tin.

Đức tin chính là yếu tố quan trọng giúp chúng ta sống một cách lạc quan hơn, giúp chúng ta vượt qua được những khó khăn trong cuộc đời một cách dễ dàng hơn, mang lại cho chúng ta một sự bình an và một nguồn hoan lạc sâu thẳm mà thế gian không thể nào ban tặng cho chúng ta được. Đức tin cũng là yếu tố căn bản và cần thiết để Chúa thực hiện phép lạ trong cuộc đời chúng ta. Thánh Mathew đã thuật lại cho chúng ta câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho người đầy tớ của viên cai đội. Trong câu chuyện này, chính Chúa Giêsu đã ngạc nhiên về lòng tin nơi người cai đội khi nghe ông nói nếu Chúa chỉ phán một lời thì người đầy tớ của ông sẽ được lành mạnh. Oâng ta đã tin, và đức tin của ông đã giúp cho người đầy tớ của ông được chữa lành.

Giáo hội cho chúng ta cơ hội để đến với Chúa Giêsu mỗi lần chúng tat ham dự thánh lễ, mỗi lần chúng ta rước lễ là một lần đức tin của chúng ta được củng cố và tâm hồn chúng ta được chữa lành: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.” Chúng ta tuyên xưng lời này mỗi khi chúng ta tham dự thánh lễ, nhưng chúng ta có thật sự tin như vậy không?

Mỗi lần chúng ta tham dự thánh lễ là một lần chúng ta thực hành đức tin của chúng ta. Chúng ta có thể cảm thấy buồn chán vì bài giảng dài, bực bội vì nhà thờ chật chội nóng bức, nhưng chúng ta không thể cảm thấy trống rỗng và bực bội mỗi khi chúng ta rước mình và máu Chúa Kytô nếu chúng ta tin lời Chúa là sự thật: “này là Mình Ta; này là Máu Ta.” Và hễ ai ăn và uống mình và máu Ta thì sẽ có sự sống đời đời. Nếu chúng ta thật sự tin như vậy, thì niềm vui của lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh và mỗi thánh lễ chúng ta tham dự phải làm biến đổi cuộc đời chúng ta, biến chúng ta thành những ngôi sao sáng trên bầu trời tăm tối để dẫn đưa những người thành tâm thiện chí về bên Chúa.

Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết trân quí món quà đức tin mà Thiên Chúa đã tặng ban cho chúng ta, biết dùng cả đời sống của mình để nuôi dưỡng và bảo vệ đức tin của mình. Biết dùng Lời Chúa để làm tăng trưởng đức tin của chúng ta, và biết dùng những việc bác ái để làm cho đức tin của chúng ta đâm hoa kết trái, để mỗi ngày chúng ta mỗi trở nên giống Chúa Giêsu hơn, để khi chúng ta ra trình diện Thiên Chúa là Cha của chúng ta, chúng ta cũng được nghe Ngài nói với chúng ta rằng: “Này là con ta yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng.” Hãy đến và lãnh lấy phần gia nghiệp mà Cha đã dành sẵn cho con. Amen.



Lm. Nguyễn Tin, SDD