PDA

View Full Version : C - Chúng Tôi Phải Làm Gì? Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật III Mùa Vọng C



Dan Lee
12-11-2009, 11:30 PM
Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật III Mùa Vọng C

CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ ?

(Lc 3:10-18)

=================================

Vào một ngày mùa Đông giá rét, tại thành phố Amiens ( Pháp Quốc): Martin, một quân nhân ngoại giáo cùng các bạn đồng nghiệp đi công tác xa về. Gió lạnh thổi buốt, họ xông phi nhanh chóng cỡi ngựa vào trong thành. Vừa về đến cổng thành, Martin bất ngờ gặp người hành khất áo rách tả tơi không đủ ấm, đang run rẩy lập cập ngồi co ro bên vệ đường. Các bạn ông thờ ơ lặng lẽ đi qua không ai quan tâm kẻ bất hạnh. Riêng Martin nhìn người cùng khổ, trong lòng áy náy khôn nguôi, lương tâm ông thôi thúc và bị ám ảnh liên tục về người nghèo khó ấy.

Không có gì trong tay để giúp đỡ, Martin vội tuốt gươm cắt đôi chiếc áo choàng đang khoác trên vai mình. Đoạn ông trao một nửa tấm áo đó cho người hành khất đắp vào thân mình cho đỡ rét. Trở vào thành, các bạn Martin cười mỉa mai khi ông xuất hiện trước mặt họ với nửa tấm áo choàng rách còn lại.

Thế rồi, ông đắm mình trong giấc ngủ miên man, nửa đêm Martin mơ thấy Chúa Giêsu mặc nửa tấm áo choàng của mình, ngồi quây quần vui vẻ với các thiên thần đang ca hát. Một thiên thần dến hỏi Chúa: “Tại sao Chúa lại mặc áo bụi bặm với đường viền rách te tua như thế?”. Chúa trả lời: “Chính đêm qua viên sĩ quan Martin đã trao tặng cho Ta”. Chợt tỉnh cơn mê, Martin sớm nhận ra người hành khất mình giúp đỡ tối hôm trước, chính là Chúa Giêsu. Ngài đã đến với ông trong giấc mơ, trọng thưởng lòng bác ái yêu người của Martin.

Chúa Nhật III Mùa Vọng, là Chúa Nhật màu hồng, Chúa Nhật tươi đẹp (beautiful sunday), Chúa Nhật của niềm hân hoan: “Anh em hãy vui lên trong Chúa” vì Chúa giải thoát đã đến và đang ở với chúng ta. Thánh Gioan mạnh dạn lên tiếng: “Hãy dọn đường Chúa đến”. Dân chúng, người thu thuế, binh lính…đều hưởng ứng lời kêu gọi. Ai ai cũng hỏi vị Tiền Hô: “Chúng tôi phải làm gì?”. Một trong những câu trả lời của Ngài thật ý nghĩa: “Hãy chia cơm sẻ áo cho người không có”(Lc 3:11).

Thật đúng vậy, biết tự giải thoát mình khỏi những ràng buộc của ích kỷ nhỏ nhen để sống công bình bác ái yêu thương: đó là một phương thế tích cực “dọn tâm hồn mình cho Chúa ngự đến”. Viên sĩ quan Martin đã không ngại hy sinh một nửa chiếc áo choàng của mình cho người anh em rét mướt: khi ấy, ông mới nhận ra Chúa ở trong tha nhân. Cũng thế, mọi thành phần trong dân Israel phải “biết cho kẻ đói ăn, đừng tham ô bất chính lạm thu những của dư thừa, không bỏ vạ cáo gian” (Lc 3:11-14): khi ấy, họ mới có thể nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa đến gần mình.

A. Nhân loại không ngừng thao thức: “Chúng tôi phải làm gì?”.

Lật lại những trang Kinh Thánh, ta thấy rất nhiều lần con người khao khát đi tìm thánh ý Thiên Chúa. Họ luôn miệng khắc khoải cầu xin: “Lạy Chúa! Chuá muốn con làm gì? Chúng con phải làm thế nào?”.


1. Giữa đêm trường thanh vắng trong đền thánh Chúa, cậu bé Samuel liên tục nghe tên mình
vang vọng. Tưởng rằng thầy cả Hêli gọi phục vụ, nhưng không phải. Mãi sau đó, cậu mới
nhận ra tiếng Chúa gọi tên, Samuel bèn thổn thức thân thưa: “Lạy Chúa! Chúa muốn con
làm gì? Xin Ngài hãy phán, lạy Chúa con đây” (1 Sm 3:1-10).

2. Khi sứ thần Gabriel đến truyền tin cho Trinh Nữ Maria biết “bà sẽ thụ thai và sinh hạ một
con trai”, Đức Mẹ đã xao xuyến băn khoăn: “Việc ấy xảy ra cách nào, vì tôi không biết
đến người nam!” (Lc 1:34)

3. Một chàng thanh niên có nhiều của cải, khao khát sống đời trọn lành, đã không ngại ngùng
đến thỉnh ý Chúa: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì để được hưởng sự sống đời đời?” (Mt
19:16).

4. Trời đã về chiều, dân chúng đi theo Chúa quá đông, không kịp mang theo thức ăn. Chúa
muốn các Tông Đồ lo liệu lương thực cho họ. Các ông khẩn khoản than van: “Chỉ với năm
chiếc bánh và hai con cá, chúng con phải làm thế nào đây để mua thức ăn cho cả đám dân
này ?”( Lc 9:13).

5. Ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô đầy ơn Thánh Thần đã mạnh dạn rao giảng và tuyên xưng trước
mặt cư dân ở Giêrusalem: Đức Giêsu mà anh em dã treo trên thập giá, nay đã phục sinh.
Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô. Nghe thế, họ đồng thanh hỏi
Phêrô rằng: “Chúng tôi phải làm gì bây giờ ?”( Cv 2:36-37).

6. Trên đường đi lùng bắt kitô hữu ở Damas, Phaolô đã bị luồng sáng từ trời chiếu xuống bao
phủ lấy ông. Trong cơn ngã ngựa, Phaolô hoảng hốt thốt lên: “Thưa Ngài, Ngài là ai? Tôi
phải làm gì?”. Chúa trả lời cho ông biết “Hãy đứng dậy vào thành và người ta sẽ nói cho
ngươi biết ngươi phải làm gì”(Cv 9:1-6)

7. Phaolô và Sila bị giam trong ngục thất. Bổng nhiên có động đất mạnh, nền nhà tù rung
chuyển, cửa ngục mở toang, xiềng xích bật tung. Viên cai ngục lo sợ, nhận biết có sức
thiêng giúp đỡ Phaolô và Sila, nên sấp mình run rẩy thân thưa các Ngài: “Tôi phải làm gì
để được cứu độ?”(Cv 16:30).

B. Câu trả lời mời gọi: Hãy đón nhận Thần Khí, lắng nghe tiếng Chúa nói.


Trong chiều sâu nội tâm, con người thanh thoát cõi lòng, lặng nghe tiếng Chúa thì thầm.
Trong hiệp thông cầu nguyện, tâm hồn bổng gợi mở, Thần Khí Chúa ngập tràn ký ức họ.
Những câu trả lời cụ thể nhất vẫn không ngừng lay động con tim các chứng nhân.


1. Samuel lớn lên trong đền thờ, cậu nhận biết tiếng Chúa thôi thúc đi làm sứ ngôn của Chúa.
2. Đức Maria xin vâng thánh ý Chúa qua lời Thiên Thần tỏ lộ, Mẹ chấp nhận vai trò “cưu
mang Con Thiên Chúa nhập thể làm người”.
3. Các Tông Đồ mau mắn thực thi lời Chúa phán truyền, họ ổn định hàng ngũ dân chúng trật
tự. Họ chứng kiến phép lạ phi thường, Thầy Chí Thánh đã làm để nuôi sống nhiều người.
4. Nhóm cư dân Giêrusalem lắng nghe đề nghị của Phêrô, người môn đệ Đức Giêsu đã nói.
Họ sẵn sàng sám hối và chịu phép Rửa trong Nước và trong Thánh Thần.
5. Saolô biết tuân nghe tiếng Chúa Giêsu phán từ trời cao, khiêm tốn để người của Thiên
Chúa đặt tay trên mình. Và từ lúc ấy, “không còn là Saolô sống, nhưng chính Đức Kitô đã
sống trong Saolô”.
6. Viên cai ngục nhận thức lời hai tông đồ của Chúa kêu gọi, ông và cả gia đình ông đều tin
vào Chúa Giêsu: họ được nghe Phaolô cùng Sila giảng dạy và chịu phép Rửa sau đó.

C. Sống mùa Vọng: Thực thi Bác Ái theo lời Vị Tiền Hô của Chúa đề nghị.

Đám đông dân chúng, các binh sĩ quân đội, nhóm người thu thuế…tất cả đều nhận thức lời rao giảng mời gọi Sám Hối của Gioan để dọn đường Chúa đến. Ai ai trong họ cũng đều có chung một thắc mắc: “Chúng tôi phải làm gì đây?” (Lc 3:10). Vị Tiền Hô của Chúa đã dưa ra phương thức đầu tiên
“Ai có hai áo, hãy chia cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy” (Lc 3:11). Hãy sống tình bác ái yêu thương. Việc san sẻ chia sẻ cho nhau những chén cơm manh áo là khởi điểm cho sự hoán cải tâm hồn, cho sự biến đổi tấm lòng.


+ Truyền thống quen thuộc tại một giáo xứ nọ: hàng năm, cứ đến ngày Lễ Giáng Sinh, Cha
Xứ trích qũy truyền giáo của Giáo Xứ tổ chức một bữa cơm chiêu đãi cho người nghèo ở
địa phương ( không phân biệt tôn giáo ) mừng Con Chúa ra đời. Sau đó, Ngài còn biếu
tặng mỗi người nghèo một món quà tượng trưng, an ủi chia sẻ tình người.


+ Ông Hans Bergen, một người Hoà Lan, trót sinh ra đời với khuôn mặt dị dạng, xấu trai
kinh khủng. Nhiều người hàng xóm, ngày ngày đi ngang qua nhà ông, tỏ vẻ khinh dễ và
tránh xa, không ai muốn giao tế với Bergen. Buồn bực trong lòng, ông cầu xin Chúa cho
mình được chết sớm, không muốn kéo lê cuộc đời trong cô lập và mặc cảm. Bất ngờ một
ngày nọ, Hans Bergen chết thật. Nghe tin ông qua đời, hàng xóm láng giềng không ai đến
dự lễ an táng Bergen vì họ thấy nơi ông không có gì nổi bật.
Khi đọc di chúc ông để lại, người người mới ngạc nhiên vì Hans Bergen trối
tặng 40.000 USD gia tài của ông cho Anna Martin, một cô bé nhỏ trong làng. Tại sao?
Vì cô bé này mỗi sáng đi học, ngang qua nhà ông, gặp Hans Bergen: cô đều mỉm cười
chào ông. Chỉ với một nụ cười thông cảm, cô bé ấy đã an ủi và trân trọng ông rất nhiều.

D. Lời Nguyện kết thúc.


Lạy Chúa! Chúa đã ban cho con nhiều Của Ăn sung sướng, lắm Áo Mặc đẹp sang.
Xin tạ ơn Chúa muôn vàn. Xin giúp con biết trân trọng của Chúa tặng ban,
luôn sống một cuộc đời thanh đạm, để có thể chia sẻ cơm áo cho những anh em nghèo đói.
Chúng con nguyện xin, nhờ Danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. AMEN.


Rev. Dominic Dieu Tran, SDD