PDA

View Full Version : T - Trông đợi (JM. LamThy ĐVD. )



Dan Lee
11-27-2009, 05:41 PM
TRÔNG ĐỢI

Suy niệm bài Tin Mừng CN I Mùa Vọng (Lc 21, 25-28. 34-36), tôi chú ý đến đoạn chen vào giữa 2 đoạn trích (25-28 và 34-36), đó là đoạn 29-33 ("Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe một dụ ngôn : "Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác. Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần rồi. Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu"). Đoạn này tường thuật Đức Giê-su đem dụ ngôn "Cây vả" ra dạy các môn đệ học hỏi từ hiện tượng thiên nhiên để biết được ngày Chúa quang lâm gần kề : Từ cái chu kỳ sinh trưởng của cây cối, có thể đoán định được chu kỳ của thời tiết, và ngược lại, từ chu kỳ thay đổi bốn mùa của thời tiết, có thể đoán định được sự sinh trưởng của cây cối và rộng ra hơn nữa có thể nhận biết được chu kỳ cuộc sống của con người (sinh - trưởng - lão - bệnh - tử). Mùa xuân thì đâm chồi nảy lộc (ấu nhi, thiếu niên), mùa hè thì hoa quả tốt tươi (thanh, trung niên), mùa thu thì lá vàng, lá úa (lão niên), mùa đông thì lá rơi, quả rụng (bệnh – tử).
Từ những hiện tượng mùa đông u ám, có thể đoán định sắp tới mùa xuân hoa có tốt tươi. Cũng thế, từ mùa đông của vũ trụ sẽ đoán được ngày Chúa quang lâm đã tới gần, mà mùa đông vũ trụ "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển" (Lc 21, 25-27), Với hiện tượng thiên nhiên thì thế, còn với con người thì “Anh hãy biết điều này : vào những ngày sau hết sẽ có những lúc gay go. Quả thế, người ta sẽ ra ích kỷ, ham tiền bạc, khoác lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ân bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, nói xấu, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa; hình thức của đạo thánh thì họ còn giữ, nhưng cái chính yếu thì đã chối bỏ... ” ; “... Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường... ” – 2Tm 3, 1-4 ; 4, 3-4). Chưa hết, còn "... thấy Đồ-Ghê-Tởm-Khốc-Hại đứng ở nơi nó không được phép đứng ... Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó ! ... Vì những ngày đó sẽ là những ngày gian nan đến mức từ lúc khởi đầu, khi Thiên Chúa tạo thành vạn vật cho đến bây giờ, chưa khi nào xảy ra và sẽ không còn xảy ra như vậy nữa ... Bấy giờ, nếu có ai bảo anh em: "Này, Đấng Ki-tô ở đây! Kìa, Đấng Ki-tô ở đó! ", anh em đừng có tin. Thật vậy, sẽ có những ki-tô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, làm những dấu lạ và những việc phi thường, để lừa gạt những người đã được tuyển chọn, nếu có thể. Phần anh em, hãy coi chừng: Thầy đã báo trước tất cả cho anh em !" (Mc 13, 14 -23).
Chỉ mới nghe miêu tả ngày cánh chung thế giới như vậy thôi, đã đủ hồn xiêu phách lạc, chớ đừng nói là những hiện tượng ấy đã thực sự diễn ra ! Tham sinh uý tử (tham sống sợ chết) cũng là lẽ thường tình của người đời. Chính vì thế, nên "Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người." (Lc 21, 34-36). Và điều tất nhiên xảy ra sau những ngày mùa đông tàn tạ của vũ trụ, sẽ là "Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc." (Lc 21, 27-28). Đó chính là mùa Xuân Vĩnh Cửu vậy.
Mở đầu cho một năm là mùa Xuân, nhưng mở đầu cho một năm Phụng vụ (mùa Vọng) lại vào tháng cuối năm công lịch (mùa Đông). Tại sao lại không khởi đầu năm Phụng vụ vào chính ngày Lễ Giáng Sinh như khởi đầu cho một cuộc đời là từ ngày người ấy cất tiếng khóc chào đời ? Chắc có lẽ ai cũng nghĩ rằng Đức Giê-su sinh vào ngày 25/12 và trước đó 4 tuần Hội Thánh dành cho mùa Vọng hàm ý “mùa trông đợi Chúa đến” từ ngàn xưa (4.000 năm tượng trưng trước công lịch). Mấu chốt vấn đề chính ở điểm ấy. Con người cất tiếng khóc chào đời tức là đã biết lo rồi đấy. Hãy biến cái lo ấy thành hành động để chuẩn bị hành trang bước vào cuộc sống. Vâng, ý nghĩa vô cùng khi mở đầu năm Phụng vụ là mùa Vọng. Vậy thì xin hãy coi mở đầu cuộc đời là mùa Vọng cho cuộc lữ hành trần thế “ba vạn sáu ngàn ngày”. Sự chuẩn bị cho ngày chào đời của một con người suốt 9 tháng 10 ngày (nào là khám thai định kỳ, siêu âm xét nghiệm, nào là dưỡng thai, dưỡng mẫu, sắm sửa tã lót, áo quần v.v… và v.v…) há chẳng phải là những ngày trông đợi (mùa Vọng) đó sao ? Còn cuối đời ? Ấy lại là thời gian cuối năm công lịch, mà công lịch thì lại lấy ngày sinh của Đấng Cứu Thế làm một cái mốc để tính lại thời gian lịch sử cho mãi đến thời thượng cổ, thời tối cổ ; đồng thời cũng là cái mốc khởi điểm cho tương lai ngàn sau. Vậy thời gian trước Công nguyên há chẳng phải là mùa Vọng cho Công nguyên – hay nói khác đi, thời Cựu Ước chính là mùa Vọng (mùa Trông Đợi Chúa đến lần thứ nhất) của thời Tân Ước (mở ra Kỷ nguyên Chúa Giê-su Ki-tô giáng trần Cứu Độ nhân loại) – đó sao ?.
Vâng, và cũng không phải vô tình, khi – về mặt xã hội – các cụ ta đã đề ra công tác “tổng kết cuối năm”, “kiểm điểm cuối năm”, để mà “hoạch định tương lai” cho năm mới. Nên lắm chứ ! Nhất là với những Ki-tô hữu, những dịp cuối năm là những dịp để chúng ta nhìn lại mình mà tự hoàn thiện. Chúng ta hãy coi lại trong năm vừa qua, chúng ta đã làm đuợc những gì trong sứ vụ tông đồ, trong công tác hiệp thông, trong hành trình rao giảng Tin Mừng Cứu Độ ? Tắt một lời, chúng ta đã sống chứng tá bằng đời sống Ki-tô hữu đích thực ra sao ? Ở đây không phải là “báo cáo thành tích” với Chúa (căn bệnh trầm kha của thời đại, của xã hội hôm nay), nhưng cũng cần tìm ra được những ưu điểm để phát huy, rồi từ đó biết mạnh dạn sửa chữa những khuyết điểm còn tồn tại.
Chúng ta chỉ có thể tự hoàn thiện, đừng trông chờ vào bất cứ ai khác. Các trinh nương khờ dại đừng ỷ lại vào sự giúp đỡ của các trinh nữ khôn ngoan. Đừng mong những người từ một lạng vàng, một nén bạc, họ đã làm ra bạc muôn, vàng khối, thì họ có thể san sẻ cho. Chẳng ai giúp được chúng ta đâu. Cái vốn để mua sự nên thánh – cái vốn đạo đức, thánh thiện, công chính… trong mỗi con người chúng ta – chúng ta có thể đem sẻ bớt cho ai được không ? Tất nhiên cái vốn đó không phải và không thể là tiền của vật chất, để chúng ta có thể đem làm việc bác ái từ thiện, hoặc mua bán đổi chác như khi ở trần gian. Ngay đến những lời cầu nguyện của những người thân, lúc đó chúng ta cũng không thể hưởng được, nếu chúng ta không được đứng ở bên phải Chúa vào ngày cánh chung hoặc ít ra cũng còn cơ hội vào nơi thanh luyện (bởi chỉ có ở nơi thanh luyện mới còn trông chờ được vào lời cầu nguyện của tha nhân mà thôi). Vâng, chính lúc đó, chúng ta chỉ trông nhờ vào mức độ hoàn thiện của chính bản thân trong thời gian còn … “tại thế”, để có thể vui cười mãn nguyện hưởng thành quả gặt hái được, hoặc sẽ… khóc lóc nghiến răng trong chốn tối tăm khổ sầu.
Cuối năm công lich (cuối tháng 11 + tháng 12) là mùa Vọng cho năm Phụng vụ mới, đồng thời cũng là mùa Vọng cho Năm Mới (mùa Xuân). Thời gian con người còn trong bụng mẹ là mùa Vọng cho ngày chào đời, vậy thì tại sao những ngày cuối đời không thể là mùa Vọng cho đời sau ? Hơn thế nữa, tại sao lại không coi cả cái cuộc sống tạm bợ nơi trần thế này là MÙA TRÔNG ĐỢI CHO CUỘC SỐNG MAI SAU ? Và nếu quả thực như thế thì hãy chuẩn bị chu đáo dầu đèn, hãy mang vàng ra mà kinh doanh. “Kinh doanh” ư ? Vâng, tất nhiên là không thể đem những nén vàng Chúa trao mà tiêu xài phung phí, cũng không thể đem chôn giấu, mà phải đem ra làm cho sinh lợi, vậy chẳng phải là kinh doanh đó sao ? Mà cách “kinh doanh vàng” hiệu quả nhất là đem những nén bạc ấy đầu tư vào “kho tàng Nước Trời” (“Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá” – Lc 12, 33), hoặc ít nhất thì cũng biết đem gửi ngân hàng như lời Ông Chủ nói với đầy tớ trong “Dụ ngôn những yến bạc” : “Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! ” (Mt 25, 26-27), đó là ngân hàng mang thương hiệu “Bác Ái trong Chân Lý“. Nói cách khác, hãy “kinh doanh vàng”, “gửi ngân hàng” bằng đời sống chứng nhân Tin Mừng, đem Tin Mừng Cứu Độ đến cho mọi người không chỉ bằng lời rao giảng, mà bằng hành động dấn thân chính cuộc sống của một môn đệ – một người bạn chân chính của Đức Giê-su Ki-tô (“Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy“ – Ga 15, 14).
Bước vào Mùa Vọng, chúng ta dọn đường cho Chúa đi bằng cách bạt phẳng gò đống chia rẽ, phát quang chông gai hận thù, san bằng gập ghềnh ghen tị, và với một kiệu hoa rực rỡ hào quang Bác Ái trong Chân Lý đón Chúa vào lòng ; thế thì tại sao chúng ta lại không duy trì 4 tuần Mùa Vọng bằng cả cuộc lữ hành trần thế này, để làm hành trang trông đợi ngày Chúa quang lâm lần thứ hai ? Vâng, xin hãy bắt đầu ngay từ bây giờ, ngay từ hôm nay bước vào MÙA VỌNG – MÙA TRÔNG ĐỢI CHÚA ĐẾN – MÙA TRÔNG ĐỢI CUỘC SỐNG VĨNH CỬU mai sau.

JM. LamThy ĐVD.