PDA

View Full Version : T - Trông đợi



Dan Lee
11-25-2009, 12:02 AM
Trông đợi


Kitô hữu sống ở Hoa Kỳ chúng ta phải thầm cám ơn Chúa vì hầu hết ai cũng có hầm/basement và nhà đậu xe/garage trong căn nhà mà chúng ta hiện đang cư ngụ vì những nơi đó chứa đựng được bao nhiêu đồ dùng lỉnh kỉnh, vặt vãnh tuy đã cũ nhưng chúng ta không nỡ vất đi vì tương đối còn dùng được. Nơi đó cũng dùng làm nơi chứa những vật dụng mà mỗi năm chỉ dùng tới một lần như: cây Noel, đồ trang hoàng Giáng sinh, quà Sinh nhật…

Hầm của hội trường các giáo xứ cũng là một nơi chốn quan trọng trong sinh hoạt giáo xứ vì nơi ấy chứa được bao nhiêu đồ dùng trong việc phụng tự như kiệu, trống, chiêng, tượng ảnh dùng trong Mùa Chay và Phục Sinh, các đèn điện trang hoàng cho Mùa Vọng, Giáng Sinh… Bây giờ là thời gian mà những anh chị em thiện nguyện trong giáo xứ đang ráo riết chuẩn bị cho việc mừng Chúa ra đời. Cái gì hư hại sẽ sửa lại, cái gì mất mát sẽ phải kiếm lại hay mua sắm mới.

Tuần nầy Giáo hội Công giáo hoàn vũ sẽ bước vào năm Phụng Vụ mới. Cây nến màu tím thứ nhất trong số 4 cây nến (tượng trưng bốn ngàn năm Dân Chúa đã trông đợi trong đó có 3 cây nến màu tím một cây màu hồng), sẽ được đốt cháy sáng nhắc nhở mỗi giáo hữu đang trong tuần thứ nhất của Mùa Vọng, mùa trông đợi Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế sắp đến. Cây nến màu tím thứ nhất biểu hiệu lòng Cậy trông (Hope), cây nến màu tím thứ hai tượng trưng cho lòng Mến (Love), nến màu hồng của tuần lễ thứ ba chỉ niềm Vui (Joy) báo hiệu cho giáo hữu đã sửa soạn được nửa đường, và cây nến màu tím cuối cùng thể hiện sự Bình an (Peace)

Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nói rằng: “Mỗi năm khi cử hành phụng vụ Mùa Vọng, Giáo hội hiện tại hoá sự trông đợi Đấng Thiên Sai đã xảy ra trong lịch sử. Như thế: hiệp thông với sự giáng lâm lần thứ nhất, các tín hữu làm sống lại sự nóng lòng chờ đợi sự trở lại lần thứ hai của Ngài “ (GL#524). Trong ý nghĩa đó, các bài đọc trong 2 Chúa nhật đầu Mùa Vọng, Giáo hội mời gọi chúng ta hướng tới việc sửa soạn tâm hồn cho ngày Chúa đến lần thứ hai, và 2 Chúa nhật cuối Giáo hội mới mời chúng ta đón chào ngày Sinh nhật Chúa, kỷ niệm việc Chúa sinh ra đời.

Thời nay có nhiều người không coi trọng việc Chúa đến lần thứ nhất, và nếu thế dĩ nhiên họ cũng sẽ coi thường việc Chúa đến lần thứ hai. Tuy nhiên là những Kitô hữu, chúng ta sẽ trân trọng biến cố Sinh Nhật của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta. Tin Mừng của Chúa kêu mời:“Hãy chú tâm luôn luôn” Thánh Augustinô cảnh cáo: “Đừng coi thường việc Chúa đến lần đầu để khỏi phải kinh sợ khi Ngài đến lần hai!”

Vậy sửa soạn thế nào cho xứng đáng? Trước hết, hãy đặt trọng tâm vào việc sửa soạn bên trong tâm hồn. Hãy tự hỏi Giáng sinh có ý nghĩa gì đối với cá nhân và gia đình mỗi chúng ta? Trang trí nhà cửa, bắt điện, treo đèn, hội tiệc …là cần thiết và phù hợp với mùa lễ hội nhưng không thể thay thế được cho ý nghĩa thực sự mà đức tin đã dạy chúng ta về việc Con Thiên Chúa giáng trần để cứu chuộc sinh linh. Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria tại Bethlehem. Chúng ta không thể bắt chước người đời nay chỉ trân quí thánh Nicholas (hay Ông Già Noel). Chúng ta cũng không thể bị dẫn dụ bởi những kỹ thuật quảng cáo tinh xảo để bán sản phẩm của các công ty thưong mại trong mùa nầy. Chúng ta cũng không thể bắt chước thói tục đời nay để chúc mừng nhau trên môi miệng câu “chúc mừng ngày lễ” (happy holidays) bởi vì ngày sinh nhật của Chúa không phải là ngày lễ thường mà ngày lễ rất quan trọng, một ngày lễ rất trọng, ngày lễ mà mọi người Kitô hữu được kêu mời nghỉ trọn ngày để tôn vinh Thiên Chúa, ngày làm chúng ta được trở nên thánh thiện (a Holy Day), để chúng ta có thể chúc nhau câu “Mừng Sinh Nhật Chúa” (Merry Christmas!). Nếu không có việc Chúa Giáng Sinh làm sao có ngày lễ holidays để mà “happy holidays”?

Sau nữa, khi gửi thiệp tặng quà cho nhau để nhớ đến tặng ân từ Thiên Đàng mà Chúa Cha đã gửi tặng nhân loại là Con Một Ngài là Chúa Giêsu Cứu Thế, chúng ta cũng hãy tặng nhau một tấm lòng chân thật, biết ơn người khác.


PT Phêrô Đặng Phi Hùng