PDA

View Full Version : C - Chúa nhật 34 Thường niên B (Chúa Kitô là Vua )



Dan Lee
11-20-2009, 07:42 PM
CHÚA NHẬT CHÚA KITÔ VUA



“Tôi đã sinh ra và đã đến trong thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”

Bước vào tuần cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội dẫn đưa chúng ta vào trung tâm điểm của đời sống đức tin của chúng ta: “Đức Giêsu Kitô”. Đấng là đường, là sự thật, và là sự sống. Người là Vua trên hết các vua, là Chúa trên hết các chúa.

Giáo Hội chọn, và đặt để lễ Chúa Giêsu là Vua vào thời điểm kết thúc và cũng là khởi điểm của một năm phụng vụ mới như nhắc nhở chúng ta về một Đức Kytô là “Vua vũ trụ” là “Alpha và là Omega”, là khởi điểm và là cùng đích của mọi loài.

Thánh Gioan ghi lại cho chúng ta vụ án xử Chúa Giêsu và câu chuyện giữa Người với Philatô để làm nổi bật hình ảnh Đức Kitô và vương quyền của Ngài. Khi Philatô gạn hỏi Chúa Giêsu “Vậy ông là vua sao?” Chúa Giêsu không phủ nhận tước hiệu này nhưng Người nói rõ cho Philatô biết về Ngài và vương quyền của Ngài: “Ông nói đúng” nhưng “Nước tôi không thuộc về thế gian này.” “Tôi đến để làm chứng cho sự thật, và ai sống trong sự thật thì thuộc về tôi.”

Philatô trong lòng vẫn biết rằng Chúa Giêsu là người vô tội, và chính người vợ của ông đã năm lần bảy lượt ngăn cản ông đừng làm hại người vô tội này, nhưng vì ‘tham quyền cố vị’, vì ‘sợ áp lực của đám đông’ vì ‘tham sống sợ chết” nên ông đã rửa tay như để ru ngủ lương tâm của mình mà an lòng hùa theo đám đông cuồng loạn, để không cảm thấy áy náy khi quay lưng với sự thật. Vì một chút lợi lộc trần gian ông đã chấp nhận giết chết “Sự thật” để làm thỏa mãn lòng ghen ghét và hận thù mù quáng của đám đông. Philatô đã để cho thế gian làm cho tâm hồn mình ra mù quáng đến độ không nhận ra “vương quyền” của Đức Kytô ngay khi Ngài hiện diện ở trước mặt mình.

Xuyên suốt lịch sử, Philatô là hình ảnh của của những người sẵn sàng thỏa hiệp với sự dữ để giết chết sự lành, là hình ảnh của những người sẵn sàng thỏa hiệp với nếp sống tội lỗi để đổi lấy một chút vinh quang trần thế đến độ sẵn sàng chấp nhận đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá mỗi ngày, chấp nhận nhìn thấy Chúa chết chứ không đành hy sinh để sống trong sự thật.

Cũng may, là ngay chính trong dinh tổng trấn Philatô còn có nhiều người không chấp nhận để cho lòng mình ra u tối, không chấp nhận thỏa hiệp với sự dữ. Có những người đã can đảm để cùng bước với Chúa Kytô lê bước tới đỉnh đồi Canvê, ngoài Mẹ Maria, chúng ta còn thấy nhiều người cùng đồng hành với Chúa trong cuộc tử nạn của Người, và ngay chính trên đỉnh đồi Canvê đã có người nhận ra Đức Kitô là “Vua trên hết các vua” là “Chúa trên hết các chúa”. Chính vì cảm nhận được điều này mà người trộm lành đã can đảm để nói lên sự thật: “Chúng ta chịu như vậy là xứng với tội chúng ta đã phạm” và cũng chính vì nhận ra Đức Kitô là Đấng có uy quyền, và sẵn sàng tin tưởng phó thác vận mạng mình trong tay Người, nên kẻ trộm lành đã cầu khấn van xin, như van xin một vị vương đế ban cho mình một ân huệ: “Khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi cùng”.

Trải qua bao thế hệ có biết bao nhiêu người đã rơi vào vết chân của Philatô nhưng cũng có biết bao nhiêu người đã anh dũng hiên ngang chối từ thỏa hiệp với sự dữ để làm chứng cho tình yêu và sự thật, có biết bao nhiêu người “sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian”, có biết bao nhiêu người đã can đảm sống và chết cho lý tưởng “nước trời” dưới bóng cây thập giá.

Có một câu chuyện kể về một người lính Đức trong thời chiến tranh thế giới lần thứ hai. Là một người thanh niên trẻ mang tên Joseph Schultz, như bao nhiêu người lính Đức trẻ khác, anh được gởi sang Nam Tư sau khi quân đội Đức Quốc Xã chiếm được Nam Tư để thiết lập một nền thống trị tại Nam Tư. Một hôm trong khi chuẩn bị để thi hành nghĩa vụ tuần tiễu, viên sĩ quan chỉ huy trưởng cho gọi Joseph Schultz cùng với 7 người lính Đức trong đội tuần tiễu của anh để đi làm một nhiệm vụ đặc biệt. Cả 8 người cùng tuân lệnh và lần bước theo vị chỉ huy để đi đến nơi thừa hành nhiệm vụ mặc dù không ai biết công việc mình sắp làm là gì. Nhưng khi vượt qua một cánh đồng và tiến đến một sườn đồi thì mọi người mới đoán biết được nhiệm vụ mà họ sắp phải thừa hành là gì. Phía trước mặt họ là 8 người Nam Tư bị trói chặt, trong đó có 5 người đàn ông và 3 người phụ nữ. Khi khoảng cách giữa những người lính Đức và những nạn nhân người Nam Tư đã vừa tầm bắn, vị chỉ huy trưởng ra lệnh ‘dàn hàng ngang’, ‘lên đạn’, ‘nhắm thẳng’, và ‘chuẩn bị bóp cò’. Thình lình, một phát súng nổ vang từ phía hàng lính Đức. Viên sĩ quan, những người lính Đức và cả những nạn nhân Nam Tư cùng ngạc nhiên và sửng sốt khi thấy Joseph Schultz buông súng, sau khi bắn viên đạn của mình xuống đất, và tiến về phía những người Nam Tư, mặc cho người sĩ quan kêu gào ra lệnh cho anh trở về hàng ngũ. Anh hiên ngang tiến bước đến bên cạnh những người Nam Tư vô tội và cùng đứng chung vào hàng của họ. Sau một hồi im lặng, viên sĩ quan ra lệnh “bắn”, một tràng súng nổ ran, tất cả 8 người Nam Tư và Joseph Chultz ngã gục. Máu của họ hòa lẫn vào nhau để lại một hình ảnh khó quên cho những người chứng kiến. Sau đó, người ta tìm thấy trong áo choàng của anh một mảnh giấy được khâu cẩn thận trong gấu áo, trên mảnh giấy có ghi những dòng thư của Thánh Phaolô tông đồ: “Lòng mến thì khoan dung nhân hậu; lòng mến không ghen tuông; lòng mến không ba hoa, không tự mãn, không khiếm nhã, không ích kỷ, không cáu kỉnh, không chấp nhất sự dữ, không mừng trước sự bất công, nhưng biết chia vui cùng lòng chân thật. Trong mọi sự, lòng mến hết lòng bao dung, hết lòng kính tin, hết lòng trông cậy, hết lòng kiên nhẫn.” (1 Cor. 11, 4-7) Joseph Chultz đã có thể sống và chết cho sự thật này bởi vì chính Chúa Kitô là Đấng mà anh vẫn tin tưởng là chủ tể của anh. Anh “thuộc” về Đức KKitô chứ không thuộc về Hitler, vị bạo chúa của thời đại.

Mừng lễ Chúa Kitô là Vua, chúng ta hãy thử nhìn lại xem chúng ta là ai: Có phải chúng là những Philatô của thời đại mới, của chủ nghĩa thế tục? Có phải chúng ta cũng đang ngấm ngầm thỏa hiệp với “sự dữ” để lên án tử cho vô số những con người vô tội bé bỏng khi chúng ta chấp nhận, hoặc hơn thế nữa, cổ võ cho phong trào phá thai đang ngày càng lan tràn trên thế giới. Có phải chúng ta cũng đang ru ngủ lương tâm chúng ta khi để mặc cho những con người vô tội phải chết tức tưởi, hay dửng dưng trước số phận của bao nhiêu người nghèo đói ở chung quanh chúng ta.

Ước mong thay chúng ta là những Joseph Chultz, dám can đảm hay sinh chính mạng sống mình để làm chứng cho sự thật, như chính Chúa Kytô, Đấng là Vua của muôn loài và cũng là Vua của mỗi người chúng. Chính Người cũng đã làm chứng cho tình yêu và sự thật bằng chính cái chết tự hiến của Ngài trên thập giá. Chính vì sự hy sinh cao cả này mà Thiên Chúa Cha đã siêu tôn Ngài và ban cho Ngài một danh hiệu trỗi vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ đều phải qùi gối bái lạy. Ước gì chúng ta được thuộc về vương quốc của Ngài. Ước gì chúng ta sống giữa trần gian nhưng không thuộc về thế gian. Ước gì chúng ta luôn bước đi trong chân lý, luôn sống trong sự thật, và ước gì thế giới chúng ta đang sống luôn biết đặt niềm hy vọng nơi Đức Kitô, Đấng là đường là sự thật, và là sự sáng.


Lm Anthony Nguyễn Tin