PDA

View Full Version : K - Kinh Truyền tin Chúa Nhật áp chót năm phụng vụ



Dan Lee
11-17-2009, 11:08 PM
Kinh Truyền tin Chúa Nhật áp chót năm phụng vụ


Trong tháng 11, khi tưởng nhớ những người đã qua đời, chúng ta cũng có cơ hội suy nghĩ đến lúc mình phải từ giã cuộc đời, được gọi là sự cánh chung. Ngoài “cánh chung cá nhân”, phụng vụ còn mời gọi chúng ta suy nghĩ đến sự tận cùng của vạn vật, quen gọi là “cánh chung phổ quát”. Tuy nhiên, “cánh chung” không chỉ có nghĩa là tận cùng chấm dứt, nhưng còn có nghĩa là đạt đến mục tiêu cuối cùng. Cuộc sống của con người không kết liễu với cái chết, nhưng tiếp tục với sự kết hiệp vĩnh viễn với Thiên Chúa. Vũ trụ này sẽ qua đi nhường chỗ cho trời mới đất mới. Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa Nhật hôm qua, dựa theo đoạn Tin mừng Chúa Nhật thứ 32 mùa Thường niên, nghĩa là áp chót năm phụng vụ, Đức Thánh Cha đã suy niệm câu kết luận “trời đất sẽ qua đi nhưng lời Ta sẽ không qua đi”, phân biệt cái gì sẽ qua đi với cái gì sẽ tồn tại mãi mãi, và nêu bật rằng những yếu tố vĩnh hằng đã bắt đầu tác dụng ngay từ cuộc đời này rồi. Sau khi ban phép lành Tòa Thánh, trong những lời chào thăm gửi đến các phái đoàn hành hương, ngài nhắc đến ngày Thế giới tưởng niệm những nạn nhân tai nạn giao thông, để cầu nguyện cho họ đồng thời cũng kêu gọi những người lái xe hãy cẩn thận biết tôn trọng tính mạng tha nhân và của chính mình. Ngoài ra, nhân dịp các nông dân Italia cử hành ngày tạ ơn sau mùa gặt, đức thánh cha cũng hợp ý chúc tụng Thiên Chúa vì hoa trái ruộng đất cũng như kêu gọi bảo vệ môi trường vì đó là nguồn mạch quý báu được trao cho chúng ta quản lý. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.

Anh chị em thân mến

Chúng ta đã đến hai tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho chúng ta, một lần nữa, được hoàn tất cuộc hành trình đức tin – vừa cổ nhưng vẫn luôn mới mẻ - ở trong đại gia đình thiêng liêng của Hội thánh. Đây là một ân huệ vô giá cho phép chúng ta được sống mầu nhiệm của Chúa Kitô trong lịch sử, qua việc tiếp nhận vào cuộc sống cá nhân và cộng đoàn hạt giống của Lời Chúa, hạt giống của cõi vĩnh hằng làm biến đổi thế giới từ bên trong, và mở rộng đến Nước Trời. Năm nay, trong những bài đọc Sách Thánh các ngày chúa nhật, chúng ta được hướng dẫn bởi Tin mừng thánh Marcô, mà hôm nay trình bày một phần bài giảng của Chúa Giêsu về thời tận thế. Trong bài giảng ấy, có một câu nói đập mạnh vào chúng ta do tính cách gọn ghẽ và minh bạch: “Trời và đất sẽ qua đi, nhưng các lời của Ta sẽ không qua” (Mc 13,31). Chúng ta hãy dừng lại đôi chút để suy nghĩ về lời tiên báo này của Chúa Kitô.

Thuật ngữ “trời và đất” thường được Kinh thánh sử dụng để ám chỉ toàn thể vũ trụ. Chúa Giêsu tuyên bố rằng tất cả thế giới sẽ qua đi; không những là trái đất mà thôi nhưng cả trời nữa, ở đây được hiểu về vũ trụ chứ không hiểu là Thiên Chúa. Về điều này Kinh Thánh không mập mờ gì nữa: tất cả mọi thọ tạo đều mang dấu tích của sự hữu hạn, kể cả những yếu tố được các huyền thoại cổ điển gán cho tính cách thần thiêng: giữa các thọ tạo và Đấng Tạo hóa có một sự khác biệt rõ rệt chứ không có chuyện trà trộn. Với sự phân biệt minh bạch như vậy, Chúa Giêsu khẳng định rằng những lời của Người sẽ “không trôi qua”, nghĩa là đứng về phía của Thiên Chúa và vì thế mang tính vĩnh cửu. Tuy những lời ấy được nói lên cách cụ thể trong một thời khắc lịch sử, nhưng các lời ấy có tính cách tiên tri vượt bực, như chính Người đã quả quyết ở nơi khác khi khẩn nài Chúa Cha: “Những lời mà Cha đã ban cho con thì con đã trao lại cho họ. Họ đã đón nhận chúng và biết rằng những lời ấy là bởi con, và họ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,8). Trong một dụ ngôn rất quen thuộc, Chúa Kitô ví mình như người gieo giống, và giải thích rằng hạt giống là Lời (xc Mc 4,14): những ai lắng nghe, đón nhận lời và làm sinh hoa kết trái (xc Mc 4,20) thì trở nên phần tử của Nước Trời, nghĩa là sống dưới quyền chỉ đạo của Người; họ sống trong thế gian nhưng không còn thuộc về thế gian nữa; họ mang trong mình hạt giống của vĩnh cửu, một nguyên uỷ biến hóa được biểu lộ ngay từ bây giờ qua một cuộc sống tốt lành, được linh hoạt nhờ tình yêu, và sau cùng sẽ đưa đến sự phục sinh thân xác. Quyền năng của Lời Chúa Kitô là như thế đó.

Các bạn thân mến. Đức Trinh nữ Maria là dấu chỉ sống động của sự thật vừa nói. Trái tim của Người đã là “mảnh đất tốt”, sẵn sàng đón nhận Lời Chúa, cũng như trót cuộc đời của Người, được biến đổi giống như hình ảnh của Người Con mình, nay đã được dẫn đưa vào cõi vĩnh cửu, cả hồn và xác, tiên báo trước ơn gọi vào đời sống vĩnh cửu dành cho hết mọi nhân sinh. Giờ đây, trong lúc cầu nguyện, chúng ta hãy dùng lời Người đáp trả sứ thần như là của mình “Xin để cho lời ngài thể hiện nơi tôi” (Lc 1,38), ngõ hầu nhờ việc đi theo Chúa Kitô trên đường thập giá, chúng ta cũng được đạt đến vinh quang phục sinh.

Bình Hòa