PDA

View Full Version : DĐ - Đồng kẽm cuối cùng



Dan Lee
11-06-2009, 11:06 PM
ĐỒNG KẼM CUỐI CÙNG

Nhu cầu sinh tồn là nhu cầu tất yếu của con người, vậy nên nhân loại ra sức tìm đủ cách chăm chút nhu cầu cá nhân, đôi khi còn bất chấp cả luân thường đạo lý. Thường người ta chỉ cho đi khi đã dư thừa, thường người ta chỉ biết ban tặng khi đã dư giả. Hiếm ai biết sẻ chia cái họ quí giá, bảo tồn mạng sống là bản năng tất yếu của con người mà.

Thế nhưng, ngay từ khởi đầu tạo dựng, nhân loại đã được tác tạo cho nhau và vì nhau, có ai tồn tại một mình bao giờ? Thế giới này rộng lớn lắm, không có người này chắc hẳn vẫn còn vô số người kia, gì phải sợ chứ?! Điều quan trọng là chúng ta biết mở lòng, tha nhân mới có cơ hội gần gũi ta được.

Cũng chính vì nhân loại cần có nhau, cho nên vẫn không thiếu những con người, những tấm lòng biết sống cho nhau. Cái nhân loại cần không chỉ cơm bánh nhưng trên nó còn là tình yêu, sự cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ, khuyến khích lẫn nhau. Nhu cầu vật chất cần thiết với con người thế nào, thì đời sống tinh thần cũng quan trọng không kém vậy. Của ăn vật chất giúp con người sống nhưng của ăn tinh thần khiến con người tồn tại.

Người ta có thể sống mà không tồn tại, nhưng người ta không thể tồn tại mà không sống. Người chỉ biết sống ích kỉ hưởng thụ cá nhân thì làm sao có thể tồn tại trong lòng nhân loại được? Đàng khác, những tâm hồn biết cho đi, biết sẻ chia là những con người tồn tại và sống mãi trong lòng nhân loại.

Thế giới chật vật với người nghèo, ngột ngạt với những tranh chấp, ích kỉ, bất công, thế nhưng vẫn không thiếu vắng những tấm lòng hảo tâm, biết quảng đại, rộng lượng cho đi. Thật phải đáng khâm phục những tấm lòng đại lượng sẵn sàng rộng mở đôi tay trao ban không tính toán, so đo, hơn thiệt. Của cải vật chất họ thu tích được, không trở nên vô nghĩa, bởi họ đã dùng đúng cách, biết sử dụng đúng nghĩa, mang lại giá trị tích cực. Thay vì phung phí bạc tiền để hưởng thụ thì họ đã biết chi dùng cách hữu dụng, đó là những tâm hồn khiến chúng ta phải học đòi. Ngược lại, không thiếu những con người ích kỉ chỉ biết hưởng thụ, chỉ biết sống cho mình mà không nghĩ đến người. Mặc ai sống chết ra sao thì ra, bo bo làm giàu bản thân, ngại sẻ chia, sợ ban phát.

Biết cho đi, biết lưu tâm đến nhu cầu tha nhân là việc làm đáng tuyên dương, khen ngợi. Thế nhưng, nếu chỉ biết cho của dư của thừa thì không còn giá trị, điều quan trọng nhất lại bị đánh mất, có gì hay mới mà tâm phục khẩu phục chứ?

Cho đi để được danh được tiếng cũng vô nghĩa, cho vậy có gì hay mà vinh dự? Cứ quảng đại cho đi, chỉ cần cho đi, không cần biết vì sao, bởi khi cho là nhận, cho nhưng không sẽ nhận lại nhưng không. Hôm nay cho đi, đừng ngồi đợi ngày mai có lại, cho như vậy có khác gì vụ lợi? Cứ cho, chỉ cần biết cho, tự khắc bạn sẽ nhận được điều xứng đáng.

Thật ra, tâm hồn quảng đại thực sự không chỉ cho mà còn cho vô điều kiện, đến độ chẳng cần biết đối tượng được cho vô ơn hay trọn nghĩa, bởi ngay chính lúc trao ban là lúc bạn được lại tất cả. Bởi vậy, cho bao nhiêu, bạn sẽ nhận lại bấy nhiêu. Đừng ngại cho nhé, mất chi đâu sao mãi ngại ngần?

Có không biết bao hội từ thiện mà kể, ngày nay, ở đó có thể đếm được những giọt mồ hôi nước mắt chắt chiu từng đồng quà tấm bánh cho những tấm đời rạn vỡ. Quí lắm chứ, đáng trân trọng lắm chứ, phải thế không? Ngặt nỗi, số ngân quĩ cho từ thiện không bằng phần ngàn của những chi tiêu hoang dụng, thoả thuê hưởng thụ. Trong khi người nghèo khát cơm đói cháo thì người giàu lại phủ phê đổ thừa bỏ phí. Phải làm sao đây để có được sự dung hoà, phải làm sao đây để kẻ giàu biết sẻ chia với người nghèo?

Người nghèo ngay bên cạnh còn chưa cho đi nổi nói gì đến Thiên Chúa, nói gì đến việc trở nên rốt hết, trở nên nhưng không cho Thiên Chúa, là Đấng chẳng bao giờ thấy? Chỉ khi nào tự bản thân cảm nhận Thiên Chúa cần cho bạn, lúc ấy mới dám hy vọng bạn thuộc về Ngài, dám sống cho Ngài. Chỉ khi nào bạn đã nên trống rỗng khi ấy mới hòng mong bạn dám chọn lựa Chúa làm gia nghiệp. Người giàu biết cho đi, vì họ có tiền dư bạc thừa, nhưng người nghèo mà cũng biết cho đi, thì hỏi thử họ có gì đây? Nghèo không lo nổi cho mình, mà còn lo cho người sao đặng?

Người phụ nữ nghèo hôm nay, cô ấy đã hành động một việc đáng để đời. Ngàn năm trôi qua mà người ta vẫn nhắc đến tên cô. Bản thân là một phụ nữ goá, nghèo nàn, mà cô vẫn can đảm dâng hiến phần tài sản quí nhất đời mình cho Thiên Chúa. Những đồng kẽm nhỏ bé của cô, sánh với người giàu không biết là phần mấy ngàn nữa, nhưng trước nhan Thiên Chúa, đồng kẽm ấy lại trở nên vô cùng giá trị. Cái giá trị ở đây không còn hệ tại trị giá nó mang lại nhưng là tinh thần cho đi hệ tại ở nó. Cô ấy dám cho đi tất cả những gì nuôi sống mình, cũng chính là cô cho đi cả mạng sống mình vậy. Ngoài Thiên Chúa, có ai dám thí dâng mạng sống cách vô điều kiện bao giờ. Cũng vậy, chính vì chọn Chúa làm tất cả, chính vì thuộc về Chúa trọn vẹn mà cô dám thí bỏ không tiếc nuối. Thật, nếu như không có niềm cậy trông tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, mấy ai có thể làm được điều đáng khâm phục ấy. Giả không có một tâm hồn khó nghèo thực sự, mấy ai có thể dám chọn lựa sống nghèo vì Chúa được.

Nói nghèo thì dễ mà sống nghèo mới thực khó. Ngày nay có biết bao người hễ mở miệng là tự xưng mình nghèo, nhưng trong hành động, cách sống, cách nghĩ có gì nghèo đâu. Người nghèo như phụ nữ goá hôm nay mới thực sự nghèo, cô đã sống trọn vẹn tinh thần khó nghèo. Tinh thần ấy không hệ tại việc cô vỏn vẹn nắm giữ vài đồng kẽm lẻ, nhưng trên hết vẫn là tinh thần vượt trên những đồng lẻ ấy. Vượt trên những con người giàu no kếch sụ mà vẫn không thoát ra khỏi sự ràng buộc bạc tiền, giơ tay ban phát bố thí vài phần lẻ trong ngân quỹ mà vẫn phải ăn mày vài danh thơm tiếng tốt, tay phải cho đi nhưng tay trái thì vơ vét lại, hám danh hám lợi, thèm khát một tiếng khen, ăn mày một lời hoan hô vinh tụng, có thấm vào đâu cơ chứ?!

Lạy Chúa, con thường than vãn với Chúa nhà con nghèo, mà thật ra con đâu nghèo bằng phụ nữ nọ, cô ấy còn nghèo hơn con gấp bội. Cô nghèo vậy mà vẫn biết cho đi, con đâu nghèo đến thế mà có dám cho đi bao giờ? Cứ nại vào việc mình nghèo, riết con chỉ biết sống co cụm và bo bo tích trữ. Con ngại sẻ chia dù chỉ là vài đồng kẽm nhỏ, với đủ mọi lý do biện minh biện hộ thế này thế kia, chính vì con chỉ biết nhận mà chẳng biết cho. Cả đời con đã nhận bao nhiêu thứ từ Ngài, mà con có dám cho Chúa tý gì bao giờ. Cho một chút là con đòi hoài đòi riết, lải nhải kêu ca kể công kể cán chả còn ơn ích. Giả như con có thể hiểu được ánh mắt Chúa thấu suốt tâm hồn, thì tận đáy lòng con còn gì giấu giếm đây. Con có dâng tiến Chúa một chút gì nhỏ bé, Ngài cũng đều trân trọng và đón nhận. Con nghèo hay giàu điều đó có quan trọng gì đâu, giàu nghèo gì thì con cũng luôn được Chúa yêu thương cơ mà. Quan trọng hơn hết vẫn chính là tấm lòng. Chúa cần tấm lòng của con, Chúa cần con tim của con, con tim biết yêu thương, biết sẻ chia, biết sống cho, sống vì người khác, một trái tim hoàn toàn tuỳ thuộc Chúa, dám thí dâng trọn vẹn cho Chúa. Xin giúp con không giữ lại bất cứ điều gì, nhưng biết đặt vào bàn tay Chúa, đâu chỉ với mấy đồng xu cuối cùng, mà còn là tất cả những gì nuôi sống cuộc đời con...

M. Hoàng Thị Thuỳ Trang, ICM.