PDA

View Full Version : A - Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em



Dan Lee
10-16-2009, 07:19 PM
AI MUỐN LÀM LỚN GIỮA ANH EM THÌ
PHẢI LÀM NGƯỜI PHỤC VỤ ANH EM


(Mc 10,43)

Giacôbê và Gioan, hai trong số các môn đồ, tiến lại Đức Giêsu để hỏi Người một câu đáng ngạc nhiên. Họ muốn biết xem Người có cho phép họ được ngự trong vinh quang của Người, một ngồi bên phải và một ngồi bên trái. Thầy thì muốn họ có khả năng chịu khổ theo cách Người chịu. Khi họ hăm hở trả lời có, tự tin vào sức mình, Người giải thích rằng các chỗ ngồi mà họ mơ ước được dành cho những ai đã được Thiên Chúa chuẩn bị.

Các tông đồ khác đâm ra tức tối vì câu hỏi của Giacôbê và Gioan với Đức Giêsu và tỏ ra giận dữ với hai ông. Đức Giêsu liền gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy", và kết luận của Người là:

Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em.

Tham vọng của hai môn đệ muốn có ghế ngối bên tay phải và tay trái của Đức Giêsu trong vinh quang của Người, cho thấy là họ vẫn còn có một ý tưởng nước mà Đức Giêsu đã lập là một vương quốc trần gian, và điều này phản chiếu suy nghĩ của người Do Thái lúc bấy giờ. Họ đã không hiểu rằng "vinh quang" chỉ có thể đạt được bằng cách đi theo con đường thương khó và chết, như Thầy của họ.

Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em.

Điều Đức Giêsu nói đây thật rõ ràng và mang tính cách mạng: sự vĩ đại thực của các môn đồ sẽ được tìm thấy trong việc phục vụ, phục vụ một cách thiết thực.

Trong đoạn ta đang xem, từ "người phục vụ" mang ý nghĩa phục vụ một cách cụ thể: nguồn gốc của từ được sử dụng nghĩa là "phục vụ bàn ăn".

Dù có thẩm quyền, Đức Giêsu không bao giờ cư xử như những kẻ dùng uy mà thống trị người khác, thay vào đó, Người hành xử như người phục vụ mọi người, và đây là cách mà các môn đệ cũng phải hành xử.

Công việc mà Đức Giêsu đòi hỏi các môn đệ là một tình yêu sẵn sàng cho đi mọi thứ, thực sự sẵn sàng hy sinh chính mạng sống của mình, như Đức Giêsu đã thực hiện. Hội thánh tiên khởi đã xem cuộc thương khó của Đức Giêsu, đã được Người chịu cho đến chết, là hành vi phục vụ lớn nhất của Người cho nhân loại.

Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em

Nói lời này Đức Giêsu không lên án mọi khát vọng nắm giữ các chức vụ có trách nhiệm, nhưng Người nói rằng trong bối cảnh cộng đồng Kitô giáo, những ai được kêu gọi cai trị phải thực hiện sứ vụ này trong một tinh thần phục vụ.

Từ thời xa xưa, lời này của Đức Giêsu đã được áp dụng trong hội thánh đối với những ai chịu trách nhiệm coi sóc một cộng đồng. Những ai có chức có quyền rất dễ rơi vào cái cám dỗ ra uy thống trị thiên hạ.

Đức Giêsu bác bỏ mọi thứ chỉ huy hoặc cai trị dựa trên sự thống trị, tham vọng, hoặc hà hiếp bóc lột. Thẩm quyền không được trở thành uy quyền.

Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em

Lời này trong Phúc âm Máccô mặc lấy hình thức một quy luật chung áp dụng cho mọi người, không phải chỉ với những ai nắm những chức vụ có trách nhiệm.

Phục vụ là phương thức mọi người nên định hình cho cuộc sống của mình. Đây là quy luật duy nhất và quy luật này đòi hỏi một sự hoán cải và kêu gọi ta thực sự dám sống lội ngược dòng.

Hội thánh trong bản thân nội tại là sự phục vụ, và phục vụ trong tương quan hội thánh với toàn thể nhân loại.

Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em

Làm thế nào ta sống lời sống này?

Bằng cách thực hiện tất cả những gì ta phải làm trong một tinh thần phục vụ, cho dù công việc của ta có nhằm lan truyền nước Thiên Chúa, hoặc được thực hiện giữa bốn vách tường nhà ta, hoặc nhắm đến ích chung của cộng đồng ta sống.

Ta sẽ dễ có thái độ phục vụ này hơn nếu ta thấy Đức Kitô trong mọi người gần bên ta gặp, cho dù người đó có dưới quyền ta, hoặc ta dưới quyền người đó, hoặc hai bên ngang quyền nhau. Đức Giêsu xem tất cả những gì ta làm cho người khác là làm cho Người, nhất là những gì ta làm cho người bé nhỏ nhất.

Ta hãy luôn luôn phục vụ, ta hãy phục vụ mọi người, và ta hãy phục vụ tốt. Nguyện xin Thiên Chúa, qua thái độ phục vụ trong tinh thần Kitô giáo vô vị lợi của ta dành cho mọi người, giúp ta có thể làm ngạc nhiên thế giới bị hư hại bởi tính tự phụ và các khao khát quyền lực.

Kết quả là, người ta sẽ dễ hiểu được Đức Kitô, và các hậu quả của cuộc cách mạng do Phúc âm mang lại sẽ chiếu soi. Thập giá sẽ không còn được nhìn xem một cái gì nặng nề như đôi khi xảy ra, nhưng sẽ được xem không những như cái giá phải trả cho ơn cứu độ, mà lại còn như biểu tượng của tự do con người.

Ta có một chương trình triệt để căn cơ và cuốn hút tuyệt vời cho cuộc đời ta. Ta hãy bảo đảm không bỏ lỡ cơ hội này.

Chiara Lubich
Đan Quang Tâm dịch