PDA

View Full Version : DĐ - Độc thê hay đa thê



Dan Lee
10-03-2009, 05:12 PM
ĐỘC THẾ HAY ĐA THÊ ?

Tôi còn nhớ hồi trẻ chúng tôi hay nói vui với nhau : “Lấy vợ Nhật, nằm giường Lèo, ăn cơm Tiều, xài đồ Tây”. Bộ nhớ hồi này đã kém đi nhiều, không hiểu tôi có nhớ hoàn toàn đúng như vậy không ; nhưng không hề gì, vì nhắc lại câu nói ấy ở đây, tôi chỉ muốn nói đến cái ý nghĩa, mục đích của câu nói. Đại khái câu nói ấy diễn tả cái mơ ước được sở hữu toàn đồ dùng tốt đẹp. Vợ Nhật (rất đẹp), cơm Tiều (cơm Tàu đủ kiểu, đủ cách, đủ mùi vị), đồ Tây (hồi đó đang là cái mốt, hợp thời trang) thì rõ rồi, nhưng còn giường Lèo ? Tôi cũng chưa biết hình dáng và công dụng của cái giường Lèo ra sao ? Cũng chỉ nghe truyền khẩu giường Lèo là giường của người nước Lào (Ai Lao) rất đẹp, rất êm. Mà có lẽ cũng vì thế nên có câu nói về chế độ hôn nhân “Một vợ nằm giường Lèo, hai vợ nằm chèo queo, ba vợ ngủ chuồng heo”. Như vậy, muốn được ngủ trên cái giường Lào rất đẹp, rất êm ái, thì chỉ nên có một vợ mà thôi.

Nói dông dài cho vui để có cái cớ đi vào suy niệm bài Tin Mừng CN XXVII/TN-B (Mc 10, 2-16). Bài Tin Mừng thuật lại Lời Chúa Giêsu dạy về hôn nhân, Người nhấn mạnh vấn đề không được rẫy vợ (hoặc chồng) dù bất cứ dưới hình thức nào. Đối với xã hội ngày nay, tôi lại càng thấy Lời Người rất phù hợp, rất sát với thực tế. Xã hội thời hiện tại không chỉ thoả hiệp, mà còn chấp nhận bằng luật pháp nhiều hình thức : từ ly thân, ly hôn tới ly dị, ngoài ra, đây đó – thậm chí cả trong tôn giáo – vẫn còn tục đa thê.

Hôn nhân Kitô Giáo đã khẳng định là hôn nhân chỉ có một vợ một chồng, vì tuy là hai nhân tố nhưng đã nên “một xương một thịt”. Bởi tiên vàn thì cuộc hôn nhân nguyên thuỷ của loài người đã từ một mà ra (“ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán : ‘Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó’… ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói : "Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi ! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra." (St, 2, 18-24). Có một phản biện vui vui trong trường hợp này : Tại sao Thiên Chúa lại không lấy một cái xương đầu hoặc xương chân, mà lại “rút một cái xương sườn của con người ra” để làm nên người phụ nữ ? Và cũng có một đáp án vui vui : Vì nếu lấy xương đầu thì rất có thể người vợ sẽ “đè đầu vít cổ” người chồng, mà nếu lấy xương chân thì người phụ nữ sẽ bị chồng “vít cổ đè đầu” biến vợ mình thành nô lệ thay vì trợ tá. Tuy chỉ là những chuyện nhàn đàm trong lúc trà dư tửu hậu, nhưng tôi thấy rất có lý. Sở dĩ Thiên Chúa lấy cái xương sườn ở trung tâm thân thể của người nam mà dựng nên người nữ, là có ý cho biết người nữ bình đẳng với người nam, người nữ chỉ có thể là trợ tá, chớ không thể là bà chúa và càng không phải là nô lệ của người nam.

Đối lại, người nam cũng không thể là ông chủ hay đầy tớ của người nữ. Rất thâm thuý và xác thực.

Chính vì thế, nên Đức Kitô mới dạy : “Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly… Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình ; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình." (Mc 10, 6-12). Vâng, dù là hợp pháp (theo luật lệ xã hội) hay lén lút, những việc làm, hành động đi ngược lại giáo huấn trên, không những chỉ là phản bội người bạn đời của mình (bội ước hôn nhân), mà còn là vi phạm giới răn của Thiên Chúa nữa, tất cả đều là phạm tội. Đó là chưa kể trường hợp đôi vợ chồng phạm tội ấy đã có con, thì việc làm của họ còn làm gương mù, gương xấu cho con cái, tác động mãnh liệt vào cuộc sống con cái khiến cho chúng dễ sa chân vào những hệ luỵ không thể lường trước được.

Viết tới đây, tôi chợt nhớ tới một câu nói về hôn nhân Kitô Giáo mà tôi rất tâm đắc : “Họ mở rộng bàn ăn cho mọi người, nhưng không mở rộng giường ngủ cho ai”. Chỉ một câu ngắn gọn thôi đã gói ghém tình yêu ‘nhận về’ và tình yêu ‘cho đi’ trong Tình Yêu Thiên Chúa. Nói khác hơn, câu nói trên bao hàm cả tình yêu giới tính lẫn tình bác ai Kitô giáo. Xin được trích nguyên văn cả đoạn : “Việc chuẩn bị này cũng không được lãng quên tầm quan trọng phải giúp người trẻ thủ đắc được khả năng phê phán liên quan đến các môi trường chung quanh của chúng, và lòng can đảm Kitô Giáo giúp biết hiện diện trong đời nhưng không thuộc về đời. Đây là điều ta đọc được trong Thư Gửi Diognetus, một văn bản đáng kính và chắc chắn là xác thực từ thời Kitô Giáo sơ khai : "Các Kitô hữu không khác biệt gì với những phần tử khác của nhân loại xét cả trên bình diện xứ sở, tiếng nói lẫn phong tục...Toàn bộ nếp sống của họ đã làm nó trở nên đáng ca ngợi và ai cũng phải nhìn nhận là phi thường... Họ cũng cưới vợ cưới chồng và sinh con đẻ cái như những người khác; nhưng họ không bỏ rơi con cái họ. Họ mở rộng bàn ăn cho mọi người, nhưng không mở rộng giường ngủ cho ai. Họ thấy họ trong thân xác, nhưng không sống theo thân xác" (V, 1, 4, 6, 7, 8). Việc đào tạo phải đạt tới một não trạng và một nhân cách có thể cưỡng lại các ý niệm đối nghịch với tính duy nhất và bền vững của hôn nhân, nghĩa là có thể phản ứng lại các cơ cấu của điều được gọi là căn tội xã hội (social sin) theo nghĩa "dù bạo hành nhiều hay ít, dù gây hại lớn hay nhỏ, mỗi tội đều gây vang dội nơi toàn bộ cơ cấu Giáo Hội và nơi toàn thể gia đình nhân loại" (Tông Huấn Reconciliatio et Paenitentia, 16). Đối diện với các ảnh hưởng tội lỗi và rất nhiều những áp lực xã hội như thế, cần phải đào tạo cho bằng được một lương tâm biết phê phán”. (Kho tài liệu <Thanhlinh.net> – Tập “Chỉ Dẫn Chuẩn Bị Lãnh Nhận Bí Tích Hôn Nhân”, Vatican 1996; số 27).

Quả thật, vấn đề đa thê ngay từ thời phong kiến, mặc dù được xã hội công nhận, nhưng trong dân gian đại đa số quần chúng vẫn không chấp nhận. Có câu chuyện tiếu lâm “3 bát canh bầu” kể rằng : Có một anh chàng 3 vợ, bữa sáng tới vợ cả, bà cả thầm nghĩ “chắc thế nào khi sang dì hai, thì đức ông chồng sẽ được đãi một bữa cơm thịnh soạn, thôi thì ta nấu cho chàng một bát canh bầu lót dạ vậy”. Ăn xong tô canh bầu, xế trưa sang bà hai, bà hai nghĩ bụng “chắc chàng đã ăn no nê ở bên chị cả, thôi thì ta nấu cho chàng một tô canh bầu, để bụng đến chiều sang dì ba dùng bữa cho ngon miệng”. Chiều sang bà ba, bà ba cũng nghĩ “chắc chồng mình đã ăn no bên chị hai, chị cả, thôi thì nấu cho chàng tô canh bầu ăn cho nhẹ bụng để ngủ cho ngon giấc”. Anh chàng ăn ba tô canh bầu, tối đến hết ngủ được luôn vì bị “Tào Tháo đuổi” chạy có cờ suốt đêm (tiêu chảy đấy !) Nếu tình trạng này kéo dài, anh chàng 3 vợ chắc chắn chẳng còn đi tiêu chảy, đi tả nữa, mà là “đi tàu suốt” luôn. Hoặc như câu chuyện dẫn ở đầu bài viết “Một vợ nằm giường Lèo, hai vợ nằm chèo queo, ba vợ ngủ chuồng heo”, cũng đã đưa ra một lời răn đe : chớ ham đa thê.

Xã hội ngày nay, vấn đề đa thê tuy đã được đa số các quốc gia không thừa nhận, nhưng công nhận cho ly hôn, ly dị, thì cũng có nghĩa là bỏ vợ (chồng) này lấy vợ (chồng) khác, và cũng không hiếm cảnh “chán cơm tìm phở”, lén lút “phòng nhì, phòng ba”, gian dâm, ngoại tình. Câu chuyện gian dâm ngoại tình, ngay trong Cựu Ước cũng đã răn đe : “Nhờ thế, con sẽ thoát khỏi người đàn bà trắc nết,/ khỏi người phụ nữ không quen cứ nói ngon nói ngọt./ Người bạn đường thời son trẻ, ả đã bỏ rơi,/ giao ước của Thiên Chúa, ả hằng quên lãng” (Cn 2, 16-17); “Hỡi con, sao con lại mê say người đàn bà xa lạ,/ ôm ấp người phụ nữ không quen ?” (Cn 5, 20). Đến Tân Ước, trong vấn đề hôn nhân gia đình, Thánh Phaolô cũng dạy : “Chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng ; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ. Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý sống như vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện ; rồi hai người lại ăn ở với nhau, kẻo vì hai người không tiết dục nổi mà Satan lợi dụng để cám dỗ…. Còn với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa : vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hoà với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ” (1Cr 7, 3-5, 10-11). Và Thánh nhân cũng không quên nhắn nhủ đừng phạm tội gian dâm ngoại tình, vì làm như thế là mình đã xúc phạm đến thân xác mình, mà thân xác con người là công trình tạo dựng của Thiên Chúa, là đền thờ sống động cúa Chúa Thánh Thần, là chi thể của thân thể Đức Giêsu Kitô, thì xúc phạm đến thân thể mình nào có khác gì xúc phạm chính thân thể Đức Giêsu, xúc phạm đến Thiên Chúa ? (“Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao ? Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Kitô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao ? Không đời nào ! Anh em chẳng biết rằng ăn ở với người kỹ nữ là nên một thân xác với người ấy sao ? Thật thế, có lời chép rằng cả hai sẽ thành một xương một thịt. Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người. Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình” – 1Cr 6, 15-18).

Nói tóm lại, là Kitô hữu (tức là những người đã được chính Đức Giêsu Thiên Chúa nhận là bạn hữu, anh em) xin hãy “mở rộng bàn ăn cho mọi người”, và kiên quyết “không mở rộng giường ngủ cho ai”. Một vợ một chồngyêu thương gắn bó, chung thuỷ trọn đời, thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn, “Ước gì nguồn nước của con được Chúa chúc lành./ Hãy hưởng thú vui bên người vợ thời son trẻ./ Nàng là nai vàng đáng yêu, là sơn dương kiều diễm./ Ước chi tấm thân nàng luôn làm con vui sướng thoả thuê,/ và tình yêu của nàng mãi làm con say sưa ngây ngất” (Cn 5, 18-19). Xin hãy gìn giữ biểu tượng “Hôn nhân là hiện thân của Tình Yêu Cứu Độ” cho trong sáng, quang minh chính đại, đúng với ý nghĩa đích thực của nó ; bởi vì “… Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ. Thật vậy, Đấng thánh hoá là Đức Giêsu, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em, khi nói : Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em tất cả được hay, và trong đại hội Dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương”. (Dt 2, 10-12). Mong vậy thay !

JM. Lam Thy Đinh Văn Diệm