PDA

View Full Version : T - Thánh Têrêsa bậc thầy trong nghệ thuật truyền giáo.



Dan Lee
09-28-2009, 08:27 PM
THÁNH TÊRÊSA BẬC THẦY TRONG NGHỆ THUẬT TRUYỀN GIÁO



http://huongvedaihoidanchua.net/thumbnail.php?file=T__r__sa_1_371692430.jpg&size=article_medium
Nhưng con muốn tìm ra một phương pháp lên Trời bằng một con đường nhỏ vừa thẳng lại vừa ngắn...

Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã được phong Thánh năm 1925, tức 28 năm sau khi từ trần. Ngài được chọn làm Bổn Mạng các xứ truyền giáo cùng với Thánh Phanxicô Xaviê năm 1927 và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng lên hàng Tiến Sĩ Hội Thánh ngày 19 tháng 10 năm 1997. Khi tuyên bố Thánh Têrêsa là Tiến Sĩ Hội Thánh, là bậc thầy trong đời sống Đức Tin, điều đó cũng có nghĩa Ðức Giáo Hoàng muốn nói với các tín hữu toàn cầu rằng: Têrêsa là bậc thầy trong nghệ thuật Truyền Giáo.

Khi chiêm ngắm Thánh Nữ Têrêsa như là bậc thầy nghệ thuật Truyền Giáo chúng ta sẽ thấy xuất hiện một nghịch lý. Nghịch lý ở chỗ tại sao một Nữ Tu Dòng Kín suốt đời sống trong bốn bức tường mà lại được chọn làm Bổn Mạng cho các xứ truyền giáo ?

Nói đến truyền giáo là nói đến hai động từ Đi và Nói. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Anh em hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân". Sách Ngôn Sứ Isaia viết: "Vinh quang thay, những bước chân đi truyền rao Tin Mừng ơn cứu độ". Phải đi, nhưng Têrêsa không đi đâu cả, 15 tuổi đã vào Dòng Kín Cát Minh. Người Nữ Tu trẻ tuổi qua đời lúc mới 24 tuổi, sau 9 năm vào Dòng.

Thánh Phaolô bảo rằng: "Làm sao người ta tin nếu không nghe nói. Làm sao người ta nghe nói nếu không có người đi rao giảng. Làm sao có người rao giảng nếu không có ai được sai đi". Nhưng Têrêsa lại không nói gì với ai. Đời sống của các Nữ Tu Dòng Kín thì rất nghiêm ngặt.

Như thế xem ra rất nghịch lý. Một Nữ Tu Dòng Kín chẳng đi đâu, chẳng nói với ai mà lại được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo.

Chính từ cái nghịch lý ấy mà chúng ta khám phá ra điều này: Giáo Hội mời gọi hãy thay thế câu hỏi truyền giáo làm gì ? bằng câu hỏi là gì ? Nếu nói làm gì với Têrêsa thì không đúng, vì Thánh Nữ Têrêsa chẳng làm gì cả. Nếu đặt câu hỏi Têrêsa là ai thì lập tức ta sẽ khám phá ra chiều sâu trong đời sống của Thánh Nữ. Ngài trở thành bậc thầy trong nghệ thuật truyền giáo nhờ sống trọn vẹn tình yêu và đi bằng Con Đường Nhỏ.

1. Tình yêu là tất cả

Khi đọc thư Thánh Phaolô, Têrêsa khám phá ra điều này:

Giữa lòng Giáo Hội có một trái tim rực cháy tình yêu. Nếu không có tình yêu các tông đồ sẽ không ra đi loan báo Tin Mừng. Nếu không có tình yêu các vị tử đạo đã chối từ đổ máu. Cho nên tình yêu là tất cả. Tôi cảm thấy tình yêu thấm vào trái tim tôi. Tôi cảm thấy cần phải quên mình để làm đẹp lòng tha nhân. Và kể từ đó, tôi sống hạnh phúc.

Và Ngài nói thêm: Giữa lòng Hội Thánh tôi sẽ là Tình Yêu. Vì thế tôi sẽ là tất cả.

Têrêsa đã sống và âm thầm loan truyền sứ điệp của mình là yêu và chấp nhận được yêu. Càng ngày càng trở nên nhỏ bé để được Thiên Chúa bồng bế trên tay Người. Đời sống tận hiến làm hy lễ tình yêu lân tuất của Thiên Chúa. Tận tụy làm vinh danh Giáo Hội bằng cách cứu vớt các linh hồn. Nghệ thuật truyền giáo của Têrêsa chính là tình yêu. Không đi đến đâu, không nói với ai, nhưng chỉ yêu thôi. Chính Têrêsa đã sống một tình yêu mãnh liệt đối với Thiên Chúa, đối với tất cả mọi người.

Têrêsa cầu nguyện:

"Lạy Chúa Giêsu, con mong ước được yêu mến Chúa như chưa từng bao giờ Chúa được yêu mến như thế. Con ước mong làm cho mọi người cũng yêu mến Chúa như thế".

Biết mình nhỏ bé, Ngài luyện tập những nhân đức bé nhỏ. Thích âm thầm chuyên lo làm vui lòng Chúa bằng những hy sinh nhỏ mọn mà chỉ một mình Chúa biết. Ngài không bỏ qua một dịp hy sinh nào có được và cố gắng làm cho đời mình thành một cuộc tử đạo vì tình yêu Chúa.

Chẳng hạn: uống thuốc đắng từng giọt để "kéo dài một việc hãm mình nhỏ mọn"; trong công việc chung, chọn những phần khó nhọc hơn, hay khi trời nóng, chọn nơi ngồi bất tiện hơn cho mình để dành chỗ mát mẻ cho chị em; chấp nhận cho kẻ khác đến quấy rầy mình; tránh tìm kiếm tiện nghi v.v...

Có tình yêu thì việc nhỏ sẽ trở thành việc có giá trị lớn. Thánh Nữ gọi làm những việc như thế là "tung hoa" cho Chúa:

"Vâng lạy Đấng lòng con yêu mến, cuộc đời con sẽ tiêu hao như vậy đó... Con không có phương pháp nào khác để minh chứng với Chúa tình yêu của con ngoài việc tung hoa, nghĩa là không để mất một hy sinh nhỏ nào, một cái nhìn nào, một lời nói nào; con sẽ lợi dụng tất cả mọi việc nhỏ nhặt nhất và làm chúng với cả một tâm tình yêu mến...

Con muốn chịu đau khổ vì yêu mến, như vậy con sẽ tung hoa trước ngai Chúa; hễ gặp bất cứ bông hoa nào là con cũng rứt cánh dâng cho Chúa... rồi tay thì tung hoa, miệng thì ca hát ( làm sao có thể khóc được khi làm một việc vui như thế ), và con sẽ hát ngay cả khi phải hái những bông hoa giữa gai góc, mà gai góc càng dài càng đâm đau bao nhiêu, tiếng hát của con càng du dương bấy nhiêu...

Ôi Giêsu của con, con mến Chúa, con yêu Giáo Hội Mẹ con; con nhớ rằng "hành động nhỏ bé nhất mà do tình yêu tinh tuyền sẽ có ích hơn là tất cả những công trình khác hợp lại với nhau” ( Thủ bản Tự Thuật ).

Khi Têrêsa chọn một lối sống như thế thì chính tình yêu đã chắp cánh cho Ngài đi khắp nơi và nói chuyện với mọi người. Tình yêu làm nên như thế, không đi bằng bước chân nhưng đi bằng trái tim. Không nói bằng lời nhưng nói bằng cầu nguyện. Thiên Chúa đã ban cho Têrêsa một huyền nhiệm về tình yêu. Têrêsa đã đến với mọi người, đến với mọi trái tim. Têrêsa đã sống nghệ thuật truyền giáo theo nghĩa như thế.

2. Con đường nhỏ

Chẳng bao lâu, sau khi Têrêsa qua đời, tiếng tăm của Ngài đã vang lừng khắp Giáo Hội làm dấy lên một phong trào rầm rộ những người đi theo "con đường thơ ấu thiêng liêng" của Ngài. Đó là một trong những "trường tu đức" ( linh đạo) quan trọng nhất của Giáo Hội thời hiện đại. Theo Thánh Nữ, làm Thánh không phải là những chuyện phi thường mà đơn giản chỉ là chấp nhận để Thiên Chúa yêu thương mình. "Con đường thơ ấu thiêng liêng" là một sứ điệp phù hợp với thời đại, nhất là với giới trẻ.

Thánh Têrêsa đã khám phá lại chân lý trọng tâm của Phúc Âm, đó là: trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta được làm con cái Thiên Chúa, và chúng ta phải yêu mến Cha chúng ta trên trời như những đứa con thảo đầy tin tưởng và phó thác.

Thánh Têrêsa bám chắc vào Giáo Lý này với tất cả sức lực của Ngài và cố gắng thực hành nó gần như sát mặt chữ. Sống thật sự như trẻ thơ là cách chắc chắn nhất, đơn giản nhất để làm đẹp lòng Chúa Cha. Ngài vui mừng vì mình bé nhỏ bởi vì Chúa Giêsu đã dạy chỉ các trẻ em và những ai giống như chúng mới được vào Nước Trời. Đứa bé càng nhỏ, càng yếu đuối thì lại càng phải và có thể cậy dựa vào lòng thương xót, sự giúp đỡ và chăm sóc tận tình của cha mẹ và những người khác chung quanh.

Têrêsa viết trong Thủ Bản gởi Mẹ Bề Trên Marie Gonzagar năm 1897:

"Thưa Mẹ, như Mẹ biết, con hằng ước ao được nên thánh, nhưng than ôi, mỗi lần sánh mình với các thánh, con đều nhận thấy giữa các ngài và con có một khoảng cách như giữa một ngọn núi cao chót vót và một hột cát ti tiện dưới chân khách bộ hành. Nhưng thay vì thối chí, con lại tự nhủ: Chúa không khơi dậy những ước muốn không thể thực hiện được; dù thấp hèn, con cũng vẫn có thể khao khát nên thánh. Tự làm cho mình lớn lên thì không được, nên con có thế nào thì đành phải chịu như vậy với tất cả những khuyết điểm của con.

Nhưng con muốn tìm ra một phương pháp lên Trời bằng một con đường nhỏ vừa thẳng lại vừa ngắn, một con đường nhỏ hoàn toàn mới. Chúng ta đang ở trong thế kỷ phát minh, bây giờ không phải leo từng bậc thang nữa; những nhà giàu có đã thay những thang cổ điển bằng thang máy, thật là tiện lợi. Phần con, con cũng muốn kiếm một cái thang máy để nâng con lên tới Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ quá, chả sao lên được cái thang trọn lành dốc dác. Thế rồi con đi tìm trong Sách Thánh... và con đã đọc những lời sau đây phát xuất từ miệng Đấng Khôn Ngoan muôn đời: “Ai thật bé nhỏ thì hãy đến với Ta' ( Cn 9, 4 )...

Thế rồi con đã đến vì con đoán con đã gặp được điều con đang tìm kiếm... Chiếc thang máy đưa con lên tận Trời là chính đôi cánh tay Chúa đấy, Chúa Giêsu ôi ! Vì thế mà con chả cần phải lớn lên, trái lại con cần phải cứ bé hoài và càng ngày sẽ càng bé dần đi mãi. Ôi lạy Chúa, Chúa đã ban cho con hơn sự con mong đợi, và con, con muốn ca ngợi lòng thương xót của Chúa..." ( Thủ bản Tự Thuật ).

Áp dụng "phương pháp lên Trời" hay sử dụng "chiếc thang máy" này, Thánh Têrêsa không cần phải tìm kiếm những việc cao siêu, to tát, nổi bật, chỉ cần rèn luyện cho mình thái độ làm con, và làm con bé nhỏ của Cha trên Trời, ấy là hết lòng yêu mến, tin tưởng, phó thác. Mọi sự đều để mặc Cha lo, dù đầy khuyết điểm hay tội lỗi cũng không sợ !

Càng tiến sâu vào con đường này, Ngài càng được tình yêu Chúa chiếm đoạt trọn vẹn hơn. Thánh nhân đưa tình yêu đó thấm nhuần mọi việc làm, mọi khó khăn thử thách gặp phải, mọi sự khó chịu của cuộc sống chung. Biến tất cả thành những lễ vật dâng lên Chúa. Thánh Têrêsa đã đưa lý tưởng nên thánh đến gần và vừa tầm với mọi người.

Nghệ thuật truyền giáo của Thánh Têrêsa là tình yêu và con đường nhỏ. Tình yêu là tâm điểm, là nguyên tắc, là tận cùng của con đường thơ ấu thiêng liêng. Sống tâm tình con thảo với tất cả tình yêu, người Kitô hữu thực thi sứ vụ truyền giáo của mình theo Gương Thánh Têrêsa.

Đức Giáo Hoàng Piô XII, hồi còn là Hồng y Pacelli, năm 1925 là đại diện Tòa Thánh sang Pháp nhân dịp phong Thánh cho Têrêsa và làm phép đền thờ Lisieux được xây cất kính Thánh Nữ, đã nói: “Hỡi vị Thánh nhỏ, Ngài lớn lắm, ngay lúc này đây, từ đầu thế giới này sang đầu thế giới kia, con cái của Ngài nhiều như cát biển sao trời. Bốn vị Giáo Hoàng đã quỳ cầu khẩn dưới chân Ngài, các nhà tiến sĩ luật học đã trở lại thiếu thời vì học với Người... Xin Ngài hãy mưa hoa hồng xuống nữa, xuống thế giới chúng tôi... Hỡi Thánh nhỏ, Ngài lớn lắm”.

Đức Giáo Hoàng Piô X đã chỉ vào chân dung Têrêsa và nói: Đây là vị Thánh lớn nhất hiện đại.

Con đường nên thánh của Têrêsa khởi đi từ Phúc Âm. Con đường nhỏ của một vị Thánh lớn. Nhiều người đã đi và đã nên hoàn thiện đời mình. Nhiều người đã sống và trở nên những nhà truyền giáo cho muôn dân.

Lm. Giuse NGUYỄN HỮU AN