PDA

View Full Version : DĐ - Đừng giới hạn quyền năng của Chúa Thánh Thần



Dan Lee
09-26-2009, 02:17 PM
Chúa nhật XXVI Thường niên B

ÐỪNG GIỚI HẠN QUYỀN NĂNG CỦA THÁNH THẦN

Thưa quý vị,

Nhân loại đã phát sinh tật xấu “chia phe” từ thời Cain giết em là Abel (St 4,1). Nó trở thành khuynh hướng “tự nhiên”, đến nỗi ngày nay các tâm lý gia cho là bẩm sinh. Những chiếc máy ảnh được giấu kín trong sân chơi của các trường mẫu giáo. Các em được tự do vui đùa thoả thích. Chẳng sớm thì muộn tự dưng các em tụ họp thành “các nhóm” và phân biệt ra đứa “ở trong”, đứa “ở ngoài” nhóm, chứ chẳng bao giờ đồng nhất. Như vậy từ rất sớm trong đời người chúng ta đã phân chia thành vòng trong và vòng ngoài tại các giao tiếp xã hội. Lớn hơn nữa sự phân chia ngày càng rõ nét ở các trường tiểu học, trung học, đại học. Khuynh hướng này được bộc lộ dưới nhiều hình thức, quần áo, môn chơi, giai tầng, hội kín. Bên Âu Mỹ các trường đại học có các fraternities (huynh hội), sororities (tỷ hội) rất nghiêm ngặt. Hội viên phải trải qua các thử thách ghê sợ, nhiều học sinh, sinh viên phải dùng tới biện pháp “tự tử”, vì không qua được luật lệ của hội. Sau các “hội” này là các “câu lạc bộ”, rồi đến các cơ hội làm ăn, địa vị xã hội, chính trị… Nghĩa là “các phe” được hình thành và phát triển suốt chiều dài của đời người trong một quốc gia hay cộng đồng quốc tế. Ở gia đình chúng ta cũng có những hiện tượng tương tự. Nhiều khi phải giữ thể diện, ăn tiêu phung phí để các thành viên khác hài lòng mà chấp nhận chúng ta. Thí dụ không đủ tiền, phải đi vay mượn để mua Tv màu, phẳng, hiện đại, hoặc nhà cửa rộng rãi không cần thiết, tiện nghi đắt tiền, xe hơi hợp thời trang, cho con đi học trường điểm, du học ngoại quốc. Rồi kiếm tiền bằng những nghề bất chính.

Cũng vì để được chấp nhận trong một tổ chức nghề nghiệp hay hàng xóm láng giềng, mà nhiều lúc chúng ta giữ yên lặng, trong khi đáng lý phải tố cáo bất công, áp bức, phản bội hoặc nói hành, gièm pha lẫn nhau. Khi khác phải hối lộ số tiền lớn để được nhận vào câu lạc bộ với nhiều quyền lợi. Tệ hơn nữa có những kẻ phải chứng minh mình là tay anh chị, dám thực hiện những hành động côn đồ, bạo lực, phạm pháp để lọt được vào các hang ổ tội ác. Báo chí hàng ngày phơi bày nhan nhản các trường hợp như vậy trong xã hội “đen, đỏ” thuộc mọi cấp bậc, màu da, tiếng nói, ngôn ngữ, sắc tộc, quốc gia, quốc tế. Người ta thường hãnh diện về nguồn gốc, tổ chức của mình và khinh thường người khác. Bất hạnh thay, ngay cả trong tình trạng tôn giáo cũng có những khuynh hướng như vậy. Chúng ta có những mặc cảm giáo sĩ, giáo dân, giám mục, linh mục, tu sĩ và vô tình loại bỏ, khinh thường lẫn nhau. Những giáo xứ, họ đạo, địa phận càng phát triển phe nhóm hơn nữa. Chúng ta dùng “ảnh hưởng”, địa vị để áp đặt chương trình của mình trên người khác. Ý kiến của mình phải là độc tôn, bất chấp sự thật và lẽ phải. Xưa nay đã xảy ra rất nhiều cạnh tranh, hiềm tỵ, phá đám giữa các phe nhóm trong cùng một nhà Dòng, tỉnh Dòng, giáo xứ, địa phận,… Thật là đau lòng và vi phạm nặng nề luật thương yêu của Thiên Chúa. Nhưng chẳng ai lưu tâm. Người ta vẫn ngang nhiên tự phong là đạo đức, làm theo “Thánh ý”. Cũng không oan khi có kẻ xấu miệng gán ghép nhóm này là “bảo thủ” nhóm khác là “cấp tiến”, nhóm thì được khen là cởi mở, thức thời. Nhóm bị chê là thoái hoá, lạc hậu. Còn nhiều thuật ngữ khác nữa để miêu tả tinh thần “phe nhóm” mà tôi không thể liệt kê hết.

Trên đất nước Hoa Kỳ những năm gần đây, các phe nhóm nhập cư, nghèo khổ và phụ nữ đã đứng lên thách đố dân da trắng, thuộc thế giới thứ nhất giàu có, đa số là đàn ông, trong các tổ chức quyền bính của giáo hội. Họ đòi hỏi đâu là tiếng nói của những kẻ ngoài lề xã hội, bị loại trừ? Ðâu là vị trí của họ trong lòng Hội Thánh. Liệu tiếng nói của họ có được ai lắng nghe trong cơ chế thần học, giáo lý của giáo hội? Vì lý do này hay ý kiến khác nhiều người đã bị gạt ra khỏi sinh hoạt chung và không được kính trọng, tỷ như trường hợp của các ông En-đát và Mê-đát thời Môsê. Họ không đi hội họp mà vẫn có thể nói tiên tri ngay tại nhà mình. Bảy mươi vị vọng khác không thể hiểu được và đã báo cáo lên ông Môsê. May thay Môsê đã hiểu ra vấn đề và đã ao ước mọi người khác cũng được hưởng Thần khí như hai ông. Môsê không có khuynh hướng phe phái như các bậc vị vọng kia. Ông trả lời Giosuê con ông Nun: “Anh ghen giùm tôi à? Phải chi Ðức Chúa ban thần khí trên toàn dân của Người để tất cả đều là ngôn sứ”. Thì ra, Thần khí không hề về phe với ai. Ngài hoàn toàn tự do hoạt động trên khắp mặt địa cầu. Chẳng ai có khả năng “nhốt” Ngài vào nơi chốn nào cả!

Ðó là bài học lớn cho những ai liên minh với quyền bính trong giáo hội cơ chế. Ðọc kỹ các bản văn thánh lễ hôm nay thì đúng như vậy. Và cũng là cơ hội để chúng ta xét lại thái độ của mình đối với các tín hữu vô danh tiểu tốt. Trước hết chúng ta phải nhận thức rằng: ân huệ và nghĩa vụ hoàn toàn thuộc về toàn thể cộng đồng đức tin. Không ai được phép giành đặc quyền đặc lợi cho “phe” của mình. Tuy rằng một số người trong chúng ta có những trọng trách nặng nề hơn. Thí dụ những người đã được truyền chức để đại diện cho cơ chế hoặc cộng đoàn đặc biệt. Người khác làm tư tế, mục sư, giảng thuyết. Người khác nữa làm giáo lý viên, giảng sư, đọc sách, giúp lễ. Nhiều người có lời khấn, nhiều người không. Có những tín hữu hi sinh toàn thời gian cho việc phục vụ nhà Chúa, người tín hữu khác chỉ có thể bán thời gian. Tất cả đều chia sẻ công tác thăng tiến giáo hội. Ðến đây thì chúng ta phải dừng lại kẻo lây nhiễm tinh thần bè phái. Cứ như các bài đọc, thì gương xấu không phải nói tiên tri sai chỗ hoặc trừ quỷ không có phép của Chúa Giêsu. Nhưng là một tinh thần hành đạo thiếu bác ái như Thánh Giacôbê dạy. Cho nên, khi nhìn lại vị trí của mình trong giáo hội chúng ta phải ý thức rằng Thiên Chúa là Ðấng hoàn thành thánh ý của Ngài qua Thần Khí. Không phụ thuộc vào ai. Ngài chịu trách nhiệm về chương trình của mình: chỉ đạo, hướng dẫn, chữa lành, làm phép lạ, hoà giải, nuôi dưỡng kẻ nghèo đói, an ủi cô nhi quả phụ, kết thúc chiến tranh, ban phát hoà bình, xây dựng ngôn sứ, tương lai,.. Ngài sẽ hành động trong và ngoài giáo hội cơ chế, trong và ngoài hội nghị kỳ mục.

Trong bài Tin mừng, tông đồ Gioan phàn nàn với Chúa Giêsu rằng có ai đó không thuộc về nhóm mười hai đã làm dấu lạ nhân danh Thầy Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản vì người ấy không theo chúng ta.” Rõ ràng trong đầu óc ông có tư tưởng phe phái và cố chấp. Ông sợ thiên hạ chia sẻ quyền lực của mình. Họ mới là những người được hưởng đặc ân, được tham dự vào sứ vụ của Thầy, cho nên ông ngăn cấm người ta trừ quỷ. Hẹp hòi biết mấy, tương tự như não trạng chúng ta hôm nay. Nhưng Gioan đã thất bại. Chúa Giêsu khiển trách ông: “đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay cả sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” Cũng giống như trường hợp của Môsê, Chúa Giêsu cho biết đừng giới hạn quyền năng của Thánh Thần. Ngài hoàn toàn tự do vươn tới những đối tượng có nhu cầu, ngay cả vượt ra ngoài khuôn khổ nhóm mười hai ưu tuyển. Trong Tin mừng chẳng chỗ nào thấy Chúa Giêsu thiết lập “tiêu chuẩn” để làm môn đệ. Tất cả đều được thâu nhận miễn là có thành tâm, thiện chí: “Những ai không chống lại Thầy, là ủng hộ Thầy.” Ðúng là một luật lệ chung chung, phổ quát. Chẳng tổ chức nào trên thế gian đặt tiêu chuẩn cho các hội viên của mình rộng rãi như vậy. Chúng ta nên lấy đây làm gương để xét lại thái độ trong khu xóm, giáo xứ. Những ai có nhu cầu, đều phải được chúng ta chăm lo, bất kể màu da, ngôn ngữ, địa vị xã hội, giàu nghèo,… hạn chế là không phải tinh thần Chúa Giêsu!

Hơn nữa Ngài còn nhấn mạnh: “Ai cho anh em dù chỉ một chén nước lã… thì Thầy bảo thật, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” Thế nghĩa là chẳng cần nhãn hiệu thành viên của nhóm mới được “quyền lợi” phần thưởng! Ôi sao mà cao sang, rộng rãi: Cả nhân loại, mọi thời, mọi nơi, đều được lãnh phần thưởng của Thượng Ðế, nếu biết yêu thương, bác ái. Cái tiêu chuẩn duy nhất để làm môn đệ Chúa Giêsu là “tình yêu” tha nhân. Cứ như lối suy nghĩ này thì những kẻ làm lớn trong hàng môn đệ của Ngài có lẽ lại trở nên rốt hết, vì họ khinh thường những kẻ bé mọn trong cộng đồng. Chọn những vị trí tốt nhất để trở thành vật cản, không cho thiên hạ tiếp cận với Chúa Giêsu. Họ đặt ra không biết bao nhiêu lề luật, hạn chế! Thật ra, Thần khí của Thiên Chúa không hề bị ngăn cản. Ngài tự khẳng định mình trong các công trình yêu mến, bác ái. Không ai có đặc quyền đặc lợi trong sứ vụ của Chúa Giêsu! Tất cả đều bình đẳng, tất cả đều là anh em trong tình yêu của Ngài: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Tiêu chuẩn để theo Chúa Giêsu, làm môn đệ Ngài chỉ có bấy nhiêu! Và chúng ta thấy nhiều hạng người này trong xã hội, bên Ðông cũng như bên Tây, da trắng cũng như da màu, nghèo cũng như giàu. Họ nuôi dưỡng cô nhi quả phụ, chăm lo bệnh nhân, người già cả, trẻ bé thơ, bụi đời, xì ke, ma tuý, aids. Họ cổ võ hoà bình, chống chiến tranh, bất công xã hội, lập nhà thương, xây dựng trường học, xoá đói giảm nghèo, phân phát thuốc men miễn phí. Những công việc này, đáng lẽ là của giáo hội và các môn đệ Chúa Giêsu.

Cứ như kinh nghiệm thì nhiều tổ chức đi trước chúng ta trong công tác từ thiện. Họ rất đỗi nhạy cảm trước những khổ đau của tha nhân. Nhiều khi chúng ta còn phải tổ chức, cắt đặt, chỉ định vai vế. Những tổ chức tình nguyện thì khỏi cần. Ở đâu có nhu cầu là họ đáp ứng ngay, mau lẹ và chu đáo. Cách cho hơn là của cho. Cha Karl Rahner có ý kiến rằng, bởi lẽ chỉ có một Thiên Chúa, Ðấng thương yêu nhân loại qua Ðức Kitô, cho nên tất cả những ai nghe theo lương tâm, làm lành lánh ác, theo lẽ phải mà hành động thì đều là môn đệ Chúa Giêsu. Nói “vâng” cho các đòi hỏi của Ngài, dầu biết hay không biết Ngài hiện diện trên trần gian. Karl Rahner gọi họ là Kitô hữu “vô danh”. Như thế thì những ai sống thiện, làm lành đều hưởng Thần khí của Ngài, thi hành sứ vụ của Ngài và chúng ta phải công nhận ân huệ nơi kẻ khác, ân huệ thường nhật trong nếp sống, chứ không phải chỉ là lý thuyết. Chúng ta không buộc phải chấp nhận thuật ngữ “tín hữu vô danh” của Karl Rahner. Nhưng ý kiến của ông có phần chính xác. Ðời sống tốt lành là dấu chỉ bàn tay Thiên Chúa đang hoạt động trên thế gian. Những linh hồn như thế sẽ được Thiên Chúa cứu vớt bằng cách nào đó mà chúng ta không biết. Bởi họ đang thi hành Thánh ý Ngài giữa đồng loại mình. Hy sinh của họ soi sáng chúng ta gạt bỏ khuynh hướng bè phái, chia phe. Tinh thần của Ðức Kitô, quả thật, đã bẻ gãy mọi rào cản, đạp đổ mọi tường thành mà linh mục, tu sĩ, giáo dân “chính thống” đã dựng nên. Nó đã thấm nhuần mọi tầng lớp xã hội, tràn lan khắp mặt địa cầu. Xin Chúa cho chúng ta luôn được tinh thần ấy hướng dẫn mãi mãi. Amen

Fr. Jude Siciliano, OP.

Suy niệm : Chiếc đồng hồ chậm năm phút nguy hiểm hơn cái chậm nửa tiếng. Chậm nửa tiếng người ta dễ biết mà điều chỉnh. Còn chậm năm phút khó biết hơn nên dễ bị nhỡ tàu xe, máy bay, công việc. Cũng thế, chân lý nửa vời gây nhiều thiệt hại hơn sai lầm hoàn toàn. (Danh ngôn phương Tây).