PDA

View Full Version : G - Ghen tuông: tật bệnh của con người



Dan Lee
09-20-2009, 05:50 PM
GHEN TUÔNG : TẬT BỆNH CỦA CON NGƯỜI !

Kn 2, 12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9, 30-37


Mở lại những trang đầu của Thánh Kinh, ta thấy hình như cái máu ghen tuông nó bắt đầu manh mún nơi ông bà nguyên tổ thì phải. Vì không đón nhận những gì mình có, vì muốn bằng Thiên Chúa, ghen tuông với Thiên Chúa nên hai ông bà hái trái cấm để cho được hơn Thiên Chúa. Thế nhưng, sau khi hái trái cấm thì mọi sự đã được sáng tỏ. Con người mãi mãi là thụ tạo trong lòng bàn tay của Thiên Chúa.

Máu ghen tuông của ông bà nguyên tổ đã truyền sang cho con cái của hai ông bà là Cain. Cain đã đành tâm giết em của mình vì em của mình được lòng Thiên Chúa. Không chỉ dừng ở đó, suốt hành trình lịch sử cứu độ, sự ghen tuông vẫn còn và vẫn còn mãi. Sự ghen tuông ấy đã gây ra không biết bao nhiêu hậu quả cho con người.

Trang sách khôn ngoan mà chúng ta vừa nghe nói lên lòng thâm độc, nham hiểm của kẻ ghen tuông :

Ta hãy gài bẫy hại tên công chính,
vì nó chỉ làm vướng chân ta,
nó chống lại các việc ta làm,
trách ta vi phạm lề luật,
và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.
Ta hãy coi những lời nó nói có thật không,
và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào.
Nếu tên công chính là con Thiên Chúa,
hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù.
Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó,
để biết nó hiền hoà làm sao,
và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào.
Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã,
vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm." (Kn 2, 12.17-20)

Không chỉ rắp tâm hại mà còn thách thức Thiên Chúa nữa.

Và, hôm nay, trang tin mừng mà chúng ta vừa nghe Thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta về thái độ ghen tuông, thái độ hơn thua của các môn đệ.

Trang Tin mừng theo Thánh Máccô mà chúng ta vừa nghe, xét về phương diện biên soạn, nếu so sánh trình thuật này với bản văn của Matthêu và Luca, chúng ta nhận thấy rằng : lời giáo huấn của Chúa Giêsu dạy các môn đệ “ở cuối hết mọi người và làm tôi tớ mọi người", được các thánh ký trình bày theo các bối cảnh khác nhau:

Matthêu 18, 3-4 viết : "Quả thật Ta bảo các ngươi nếu các ngươi không hoán cải mà nên như trẻ nhỏ, các ngươi sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai kể mình hèn hạ như trẻ nhỏ này, thì người ấy là kẻ lớn hơn trong Nước Trời". Bối cảnh ở đây liên hệ tới Nước Trời.

Luca đặt cuộc tranh luận vào khung cảnh bữa tiệc ly: "Người lên giường tiệc làm một với các tông đồ... giữa họ đã xảy ra một cuộc tranh chấp ai phải được kể là lớn nhất trong nhóm. Nhưng Người bảo họ: ...ai lớn hơn cả nơi các ngươi thì hãy nên như người nhỏ nhất, và kẻ làm đầu, thì ở như người hầu hạ... Còn Ta, Ta ở giữa các ngươi như kẻ hầu bàn" (Lc 24, 14,23-27). Thánh ký Luca nhấn mạnh đến sự ưu tiên của việc phục vụ tha nhân.

Nơi Tin Mừng Maccô, thánh ký trình bày một cách rõ nét sự phản đề căn gốc giữa địa vị làm đầu và địa vị cuối hết (câu 35).

Cách miêu tả phản đề đó của thánh ký Maccô phô diễn ý muốn của Giêsu nhằm đến sự đảo lộn các bậc thang giá trị theo như các môn đệ đánh giá. Họ phải thay đổi cái nhìn về các bậc thang giá trị trong cuộc sống làm môn đệ của Người. Vì chưng, trong vương quốc tình yêu của Thiên Chúa, quyền hành được ban cho để làm tôi tớ mọi người, nhất là những ai thấp hèn hơn, bị khinh chê hơn, như hình ảnh của đứa bé là biểu tượng.

Họ đến Caphácnaum. Vào nhà, Người hỏi họ: dọc đường các ngươi tranh luận gì với nhau? Họ làm thinh vì dọc đường họ đã tranh luận với nhau: ai lớn hơn (Câu 33-34):

Như chúng ta đã ghi nhận, trong hành trình tiến dần về cuộc khổ nạn ở Giêrusalem, Chúa Giêsu băng qua Galilêa, và giờ đây, người và các môn đệ đã đến Caphácnaum ; Thực ra, địa dư này cũng nằm trong ý nhắm thần học của Maccô Caphácnaum là thành phố ở đó Chúa Giêsu thường ở tại nhà (x. Mc 21,1) tức là nhà của Simon và Anrê (x. Mc 1,29). Trong nhãn quan thần học Maccô, cách miêu tả vào nhà cùng với bối cảnh Carphanaum gợi nhắc tới một lời giáo huấn quan hệ và quí báu mà Chúa Giêsu muốn ngỏ cho các môn đệ.

Đang khi tâm trí của Chúa Giêsu hướng đến viễn ảnh khổ nạn trong cuộc hành trình lên Giêrusalem, thì các môn đệ của Người lại tranh luận với nhau thử xem ai lớn. Đó là sự trái ngược phản tương cũng đã từng xảy ra nơi cuộc loan báo thương khó lần thứ nhất giữa Người và các môn đệ mà Phêrô là đại diện tiêu biểu (Mc 8,31t).

Và như vậy cuộc tranh luận về địa vị lớn nhỏ bộc lộ cho thấy các môn đệ khó vượt thoát các tâm tư trần tục trên con đường theo Chúa.

Ngồi xuống, Người gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói với họ: Ai muốn làm đầu, thì hãy ở cuối hết mọi người và làm tôi tớ mọi người (Câu 35)

Ngồi : Nói lên tư thế của vị Thầy ngồi giáo huấn các môn đệ (Mc 4,1; 13,3). Ngồi xuống, Người gọi Nhóm Mười Hai lại để ngỏ lời nhắn nhủ quan hệ cho họ, trong tư thế họ là những đại diện của gia đình mới (Mc 3,13; 6,7)

Trong nhãn quan thần học Maccô Nhóm Mười Hai còn nói lên hình ảnh của nhóm môn đệ đồng hành với Chúa Giêsu trên con đường khổ nạn, (x. Mc 10,32; 11,11; 14,17): Người muốn đưa dẫn họ và qua họ, đưa dẫn toàn thể những ai tin theo Người đi trên con đường mà Người bước tới, và chính trong bối cảnh đó mà Người ngỏ lời cho họ: Ai muốn làm đầu thì ở cuối hết mọi người, làm tôi tớ mọi người.

Chúa Giêsu đòi hỏi kẻ muốn tìm kiếm địa vị hàng đầu phải là kẻ cuối hết và làm tôi tớ cho mọi người. Trong nhãn quan thần học Maccô gắn liền với Giáo hội sơ khai, yêu sách đó của Chúa Giêsu mang một tầm vóc quan hệ đặc biệt.

Vì chưng, đối với người môn đệ của Chúa Giêsu làm đầu tức là làm cuối hết mọi người và làm tôi tớ mọi người. Người đời thường vẫn cảm thấy nhu cầu muốn đánh giá mình, muốn được kẻ khác nhìn nhận và muốn hành xử một thứ quyền hành nào đó trên kẻ khác. Môn đệ của Chúa Giêsu phải có cái nhìn đảo ngược lại. Thầy của họ đã đến giữa trần gian này "như kẻ hầu bàn" (Lc 24,27), những ai chọn theo Nguời phải cảm nhận sâu sắc rằng quyền đuợc ban cho là để phục vụ mọi người. Họ phải vén mở cho thế giới chung quanh thấy chiều kích cánh chung nơi cuộc sống họ, ngang qua sự phục vụ làm tôi tớ mọi người, qua sự tự hiến cho tha nhân.

Đó là cung cách phải có của những người môn đệ Chúa Giêsu trong tương quan với mọi người. Sống giữa thế giới bị ám ảnh bởi quyền lực thống trị, Giáo hội có nguy cơ lượng giá rập theo khuôn mẫu người đời cũng như sử dụng quyền được ban cho không phải để phục vụ song để tạo ưu quyền. Lời giáo huấn của Chúa nói lên sự cảnh giác đối với cuộc sống về người môn đệ của Người phải chọn theo: "Đừng rập theo đời này, trái lại hãy canh tân lương tri, mà biến hình đổi dạng... Đừng có tự cao quá điều lượng được về mình, mà là tự lượng lấy mình sao cho khiêm tốn, mỗi người tùy theo lường đức tin Thiên Chúa đã phân phối cho. Vì cũng như nơi thân mình ta, tuy nó là một, thế mà ta lại có nhiều chi thể và các chi thể hết thảy lại không đồng một việc. Cũng vậy, chúng ta tuy là nhiều người, ta chỉ là một thân mình trong Đức Kitô, còn thì ai tùy phận nấy, mà làm chi thể lẫn cho nhau...

Trong tình huynh đệ, hãy mến nhau tha thiết; bởi kính trọng nhau, hãy coi kẻ khác hơn mình. Nhiệt thành không bê trễ, tâm thần đầy sốt sắng mà làm tôi Chúa... Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc. Cùng nhau tâm đồng ý hợp, đừng quá cao vọng về mình; trái lại hãy biết bỏ mình, chuộng phần hèn kém (x. Rm 12,2-16).

Hôm nay, không những chúng ta được nghe Chúa Giêsu nói về thái độ hơn thua, ghen tuông và nhắc nhở chúng ta về thái độ ấy nhưng còn có cả người trong cuộc nữa. Thánh Giacôbê tông đồ vừa nói với chúng ta qua thư của Ngài. Chắc có lẽ cái kinh nghiệm xương máu về chuyện hơn thua có trong Ngài nên Ngài vừa khuyên chúng ta : “vậy, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa. Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc”.

Trái lại với cái chuyện hơn thua ấy, thánh Giacôbê mời gọi chúng ta hãy biết sống sao cho khôn ngoan vì : “Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình. Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính”.

Thật ra, ai cũng biết mình phải sống thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình ... nhưng rồi cái xấu nhiều khi nó lấn át con người của ta, nó làm cho cái tốt trong ta bị đè bẹp. Chúng ta vẫn biết rằng xây dựng hoà bình thì thu hoạch được hoà bình nhưng chúng ta thường làm ngược lại.
Nguyện xin Chúa Giêsu là Chúa, là Vua của sự khiêm hạ đến và ở lại trong ta để trong mọi hoàn cảnh sống, trong mọi môi trường sống chúng ta luôn luôn khiêm hạ và nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa và tha nhân để chúng ta bớt đi sự ghen tuôn, sự hơn thua với anh chị em đồng loại.

Anmai, CSsR